Tiểu kết chương 3.

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa danh thành phồ hà tĩnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 96 - 102)

- Núi Nài – Sông Phủ

3.4.Tiểu kết chương 3.

- Hầu hết các địa danh đều mang trong mình một ý nghĩa nhất định, ý nghĩa của địa danh chính là phương diện phản ánh hiện thực, là lát cắt của một giai đoạn lịch sử và biểu hiện đầy đủ những đặc trưng văn hóa vùng miền.

- Về ý nghĩa, địa danh thành phố Hà Tĩnh đã phản ánh những tầng ý nghĩa phong phú, đa dạng như các địa danh khác. Tuy nhiên, ý nghĩa của địa danh nơi đây gắn chặt với lịch sử, văn hóa, dân cư, vì thế đã phản ánh được những nét đặc sắc, riêng biệt mà không phải nơi nào cũng có được.

- Địa danh thành phố Hà Tĩnh đã thể hiện được tương đối đầy đủ phong tục tập quán, tín ngưỡng, đời sống văn hoá tâm linh của cư dân nơi đây trong tổng thể đặc trưng văn hóa xứ Nghệ. Mặt khác, qua sự biểu hiện phong phú của địa danh, đặc biệt là các địa danh Nôm, các âm cổ là những cứ liệu quan trọng về ngữ âm lịch sử ở vùng đất này.

KẾT LUẬN

1. Khảo sát, nghiên cứu địa danh thành phố Hà Tĩnh không ngoài việc đưa ra được một cách nhìn tổng thể về địa danh hiện tại và trong lịch sử, chúng tôi còn tìm thấy nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, các cứ liệu quan trọng về ngôn ngữ.

Vùng đất thành phố Hà Tĩnh có lịch sử phát triển gắn với sự hình thành của tỉnh Hà Tĩnh, được xem là vùng đất “phên dậu”, là biên viễn nên giữa văn hóa và ngôn ngữ có sự giao thoa tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cách gọi tên địa danh. Với lịch sử hình thành hơn 180 năm, nhiều giá trị ngôn ngữ, văn hóa vẫn còn được lưu giữ, thành phố được xem là trung tâm văn hóa phía Nam xứ Nghệ mang những đặc trưng tiêu biểu của vùng.

Trong quá trình phát triển, từ khi khởi thủy cho đến ngày nay, vùng đất này trải qua nhiều biến cố lịch sử đồng thời ghi lại những dấu mốc quan trọng được thể hiện đầy đủ qua các địa danh. Nhiều địa danh đã trở thành biểu tượng của thành phố như sông Phủ - núi Nài, Thành Sen, đồi ra đa, vv thể hiện khí phách, về tinh thần anh dũng chiến đấu, về non nước hữu tình của vùng đất và con người nơi đây. Bên cạnh đó, qua cách gọi tên của một đối tượng địa lý, ta thấy bất cứ một địa danh nào cũng có nhiều biến cố, thay đổi, nhiều danh xưng. Ví như địa danh Hà Tĩnh có khi là một đạo, là tỉnh thành, có khi lại là một tỉnh, là thị xã, thành phố.

Với 768 địa danh khảo sát, tuy số lượng không lớn nhưng chúng tôi thấy rằng đây là một bức tranh khá đầy đủ về lịch sử, địa lý, văn hoá, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo của một vùng đất này.

2. Qua nghiên cứu địa danh thành phố Hà Tĩnh chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

2.1. Về số lượng, chúng tôi thu thập được 768 địa danh bao gồm cả địa danh chỉ đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn với 63 loại hình. Đáng chú ý trong tần số xuất hiện là sự có mặt của các địa danh chỉ cánh đồng, xứ đồng với 188 tên gọi trong khi đó các địa danh tự nhiên khác lại rất ít như sông (7),

núi (1), cồn (12), vv . Sự xuất hiện dày đặc các tên gọi cánh đồng cho thấy thành phố Hà Tĩnh là một vùng đồng bằng, địa hình khá bằng phẳng và mang dấu ấn của nền nông nghiệp lúa nước.

Bên cạnh các địa danh tự nhiên, dấu ấn của một đô thị cũng được thể hiện qua các tên gọi và tần số xuất hiện như phố (23), phường (10), đường (68), vv. Đặc biệt là sự xuất hiện của các tuyền phố trước năm 1945 đã cho thấy đô thị đã có sự phát triển sớm.

2.2. Về cấu tạo, cấu trúc của địa danh thành phố Hà Tĩnh cơ bản giống các địa danh khác đều gồm hai thành tố: thành tố A và thành tố B. Quan hệ giữa chúng là: thành tố A đóng vai trò là cái hạn định, chỉ ra loại hình của đối tượng; còn thành tố B đóng vai trò là cái được hạn định, có chức năng khu biệt và cá thể hoá đối tượng. Tuy nhiên, xét về độ dài của các thành tố là có khác so với các địa phương khác, thành tố A có độ dài là 3 âm tiết, thành tố B có độ dài là 7 âm tiết.

Trên cơ sở thống kê, khảo sát, chúng tôi thấy phương thức định danh trong địa danh thành phố Hà Tĩnh cơ bản thuộc về ba dạng chính: phương thức tự tạo, phương thức vay mượn và phương thức chuyển hóa. Trong đó, phương thức chuyển hóa là phương thức quan trọng nhất của địa danh nơi đây.

2.3. Địa danh thành phố Hà Tĩnh đa dạng, phong phú về ý nghĩa nhưng lại mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng. Ý nghĩa các địa danh thường có mối liên hệ với tên gọi, cách định danh ít nhiều đều có lý do, điều này khác với đặc điểm của ngôn ngữ là mang tính võ đoán. Qua khảo sát cho thấy, nhiều địa danh đều xuất phát từ một lý do, hoặc mối liên hệ nào đó như hình dáng, kích thước, đặc điểm hay một truyền ngôn, truyền thuyết. Bên cạnh đó, nhiều địa danh được đặt tên một cách đơn giản, gần gũi, tiện phân biệt đã phản ánh một phần tính cách, một nét văn hóa của người Nghệ hết là sức dân dã, bộc trực, giản đơn trong cuộc sống nhưng cũng không kém phần ý nhị, sâu sắc.

2.4. Nằm trong vùng phương ngữ Nghệ Tĩnh, địa danh thành phố Hà Tĩnh đã mang đầy đủ dấu ấn văn hóa của vùng, đặc biệt với số lượng 184/768 địa danh chỉ cánh đồng chiếm gần 25% tổng số địa danh thu thập được đã phần nào phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư lúa nước. Mặt khác, nhiều địa danh đã cho thấy được tồn tại lâu dài trong lịch sử, nhiều âm cổ, từ cổ là cứ liệu quan trọng của sự tồn tại một lớp từ còn được bảo lưu từ hàng thế kỷ đến nay.

DANH MỤC BÀI BÀO LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI:

1. Thái Sơn, Về yếu tố nài trong địa danh thành phố Hà Tĩnh, Văn hóa Hà Tĩnh, (161), tr. 15 - 16.

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa danh thành phồ hà tĩnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 96 - 102)