Vài nét về văn hóa và văn hóa xứ Nghệ

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa danh thành phồ hà tĩnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 71 - 75)

- Địa danh thành phố Hà Tĩnh phần nào phản ánh đặc trưng, sự biến đổ

3.3.1. Vài nét về văn hóa và văn hóa xứ Nghệ

Văn hóa là một khái niệm mở, nó gắn với sự phát triển của thời đại, dân tộc, nếu xét một cách toàn diện thì văn hóa là một khái niệm rộng và cho đến nay chưa có quan điểm thống nhất trên thế giới bởi nếu thống kê, hiện nay có

nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu dưới nhiều góc độ, tuy nhiên có thể thấy các khái niệm đưa ra đều xem văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra, sản phẩm văn hóa tồn tại ở cả dạng vật chất và tinh thần.

Theo Hoàng Phê trong “Từ điển tiếng Việt” thì văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” [51, tr, 1100]. Còn theo GS Phạm Đức Dương thì văn hóa có hai tầng bao gồm cơ tầng và biểu tầng và “văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội” [22, tr.15].

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc lại cho rằng: “Văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay tộc người khác” [50, tr.21-22].

Trần Ngọc Thêm định nghĩa: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [61, tr.20].

Bên cạnh khái niệm văn hóa, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối quan hệ hết sức quan trọng giữa ngôn ngữ và văn hóa. Ngôn ngữ là phương tiên giao tiếp của con người được tổ chức dưới một hệ thống ký hiệu âm thanh, hành chức có tính xã hội. Trong khi đó, như đã nói trên, văn hóa cũng do chính con người tạo ra và những biểu hiện của văn hoá về cơ bản được thể hiện qua ngôn ngữ. Sự phát triển của văn hoá sẽ làm cho ngôn ngữ trở nên phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp trong phạm vi rộng của con người.

Như vậy, rõ ràng giữa ngôn ngữ và văn hóa tồn tại một mối quan hệ biện chứng, tác động chi phối lẫn nhau. Cho dù, mỗi nền văn hóa, mỗi ngôn ngữ

khác nhau nhưng khi đã tồn tại trong cùng một chỉnh thể thì mối quan hệ giữa chúng là tất yếu. Suy cho cùng, ngôn ngữ và văn hóa đều là hiện tượng xã hội, mang tính xã hội, đều do con người tạo ra, chúng tồn tại lâu dài, song hành với lịch sử nhân loại. Mặt khác, chúng là tấm gương phản ánh xã hội, biểu trưng thể hiện đời sống tinh thần xã hội đồng thời đóng vai trò quan trọng trong liên kết xã hội.

Về mối quan hệ này, Nguyễn Đức Tồn cho rằng “là một thành tố của văn hoá tinh thần, ngôn ngữ giữ vị trí đặc biệt của nó. Bởi vì ngôn ngữ là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hoá. Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hoá dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hoá được lưu giữ lại rõ ràng nhất” [66, tr .158]

Từ đây, có thể thấy, ngôn ngữ ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển văn hóa của nhân loại. Cũng chính từ đây đã nảy sinh một mối quan hệ đặc biệt giữa chúng. Mối quan hệ mà ngôn ngữ và văn hóa vừa là khách thể lại vừa là chủ thể của nhau bởi ngôn ngữ là thành tố của văn hoá, nhưng nó lại có vai trò biểu đạt văn hoá. Ngược lại, văn hoá phát triển sẽ góp phần bảo tồn và lưu giữ ngôn ngữ trong cộng đồng dân tộc.

Xứ Nghệ là vùng đất địa linh nhân kiệt, có lịch sự phát triển lâu dài gắn với thăng trầm của lịch sử bởi thế, GS Nguyễn Nhã Bản xem xứ Nghệ là một vùng trầm tích của văn hóa và ngôn ngữ. Nói đến xứ Nghệ có nghĩa là nói đến vùng đất Nghệ Tĩnh bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An, vùng đất đã tồn tại từ ngàn xưa của đất Hoan Châu. Địa giới xứ Nghệ xưa được xác định từ Khe nước Lạnh đến đèo Ngang, vùng đất Lam Hồng trải dài theo đường thiên lý về sau đã ăn sâu vào tâm thức người Việt như một vùng văn hóa không thể tách rời. Việc phân chia địa giới chỉ mang tính chất hành chính, vì thế, khi nghiên cứu khảo cổ học về Nghệ Tĩnh, GS Trần Quốc Vượng từng chỉ rõ “Nói cho thật đúng thì Nghệ Tĩnh chỉ mới tách ra về mặt hành chính quá gần đây mà

Chúng ta cũng biết rằng, không ai có thể tách dân ca Nghệ Tĩnh thành dân ca Hà Tĩnh và dân ca Nghệ An, cũng không thể xem “mô, tê, răng, rứa” là của Nghệ An hay Hà Tĩnh. Xem xét văn hóa, ngôn ngữ đối với vùng đất này cũng vậy, không thể tách rời nhau khi mà mặt lịch đại của chúng có vai trò vô cùng quan trọng. Nói về vấn đề này, Phan Xuân Đạm cho rằng “Nghệ An, do gắn bó máu thịt với Hà Tĩnh trong một khu vực văn hóa Nghệ Tĩnh, nên từ xưa các công trình của các tác giả Phan Huy Chú, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Văn Siêu cũng đã nói tới và lý giải một số địa danh thuộc cả Nghệ An lẫn Hà Tĩnh” [26 ,tr 13].

Nghệ Tĩnh hay xứ Nghệ được xem là một cái nôi về văn hóa được thể hiện qua nhiều phương diện nhưng ở góc độ nào thì “chất Nghệ” cũng làm nên sự ấn tượng và đặc biệt. Xứ Nghệ nổi tiếng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên được mệnh danh là vùng “chảo lửa túi mưa”, nhưng người Nghệ lại giàu tình giàu nghĩa, hiếu học, kiên cường. Nói đến xứ Nghệ là nói đến truyền thống hiếu học với nhiều làng khoa bảng nổi tiếng của cả nước, hình ảnh ông đồ Nghệ là đã là một nét văn hóa đẹp mà không phải nơi nào cũng có được. Cốt cách con người xứ nghệ luôn gắn với sự bình dị, thanh tao nhưng không thiếu phần thông minh, can trường, anh dũng. Minh chứng cho điều này, đó chính là nơi đây đã sinh ra những con người kiệt xuất ở mọi thời đại trên các lịnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa ... làm rạng danh quê hương, đất nước.

Ở góc đô ngôn ngữ, có thể thấy Nghệ Tĩnh là một vùng tiêu biểu cho vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ, nơi đây còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ, những đặc trưng riêng của vùng. Tiếng Nghệ mang dấu ấn của người Nghệ, đặc biệt là trong cách phát âm, bởi thế, tiếng Nghệ được cho là “nặng”, là “trọ trẹ”. Vậy nhưng, cũng chính bởi những yếu tố này đã làm nên đặc trưng ngữ âm của vùng.

Nếu nói một cách thật đầy đủ về văn hóa và đặc trưng văn hóa xứ Nghệ quả là không đơn giản bởi đây là một vấn đề rộng và phức tạp. Nói đến văn

hóa xứ Nghệ không chỉ là núi Hồng – sông Lam, người Nghệ - tiếng Nghệ ... nhưng cũng chính từ những nét văn hóa này mà các địa danh được hình thành. Đó chính là cách quan niệm, cách cảm nhận theo một nét riêng của người Nghệ để đặt tên cho đối tượng. Ngược lại, mỗi địa danh chính là một dấu ấn văn hóa phản ánh cộng đồng nơi đây. Giáo sư Phan Ngọc từng phát biểu “Tôi là đồ nho xứ Nghệ, mà văn hóa Nghệ là tiêu biểu ở thái độ rạch ròi đến khô khan, cực đoan đến mức toán học. Biểu hiện bên ngoài của văn hóa ấy là cái gàn”. Chính bản chất người Nghệ, tính cách người Nghệ đã cho ra đời những cái tên rất “Nghệ” hết sức gần gũi, chân chất “thấy sao đặt vậy” như sông Cụt, cầu Đông, đồng Khúc Cá, nghĩa địa Cồn Cao, đồng Làng Trong, vv.

Như vậy, Hà Tĩnh – Nghệ An cùng chung một vùng văn hóa gọi là văn hóa Lam Hồng, có chung biểu tượng là núi Hồng - sông Lam, có cùng phương ngữ- tiếng Nghệ, cùng kho tàng văn hóa dân gian, cùng ca câu hò ví dặm, cùng uống chung dòng nước sông Lam. Dẫu có lúc là một tỉnh, có lúc là hai tỉnh thì xét về lịch sử, về ngôn ngữ, văn hóa vùng đất này luôn được tìm hiểu, nghiên cứu trong một tổng thể: xứ Nghệ. Từ lúc tỉnh Hà Tĩnh được thành lập năm 1831 đến nay, vùng đất tỉnh thành - thành phố Hà Tĩnh vẫn luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị phía Nam của Nghệ Tĩnh. Điều đó cho thấy, việc xem xét địa danh thành phố Hà Tĩnh để làm nổi bật dấu ấn văn hóa xứ Nghệ là có cơ sở, căn cứ xác đáng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa danh thành phồ hà tĩnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w