Sau 1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ xây dựng xã hội mới, đời sống mới với nhiều biến động phức tạp. Khi xã hội Việt Nam lật sang trang mới, Nguyễn Quang Thân cũng như nhiều nhà văn khác đã tự đổi mới mình để làm tròn thiên chức của người cầm bút. Trước hiện thực bộn bề, phức tạp của thời hậu chiến cảm hứng sáng tạo của nhà văn cũng phải thay đổi. Không còn cái cảm hứng ngợi ca một chiều trước đó, truyện ngắn của ông lúc này đi vào thể hiện những cảm hứng mới nhằm phơi bày cái hiện thực đó như: cảm hứng thế sự - đời tư, cảm hứng chiêm nghiệm lịch sử, cảm hứng trào lộng. Cùng với sự thay đổi về cảm hứng sáng tạo thì cách thể hiện con người cũng khác trước. Các tác phẩm của Nguyễn Quang Thân sau 1975 đã đào sâu vào những bí ẩn bên trong tâm hồn cá nhân, ở đó con người đã được soi chiếu từ nhiều góc độ, không chỉ là niềm hạnh phúc, là niềm vui mà còn là những đau khổ, những bi kịch của con người trong cuộc sống hiện tại. Đó là bi kịch của con người cá nhân trong bối cảnh phức tạp của nền kinh tế thị trường, tiêu biểu là bi kịch của những trí thức như Hảo trong Vũ điệu
của cái bô, của Đán trong Thuế giường hay là sự vỡ mộng của Kiểm trong Thanh minh. Hay đó còn là thân phận đáng thương của những con người trở
về sau chiến tranh như lão Hạ trong Người làm ra động đất. Là thân phận của những người nông dân luôn phải sống vì lợi ích của tập thể như chị Bình Dân, chú Bạch Vân... Bên cạnh đó tác giả còn đề cập đến con người trong tình yêu, một nội dung hoàn toàn bị chìm lấp trong cảm hứng sử thi các mạng. Bút pháp nghệ thuật của nhà văn vì thế cũng có sự thay đổi để chuyển tải nội dung một cách tốt nhất. Nếu như trước đây các nhân vật trong truyện ngắn của ông đều có cuộc sống bình lặng, ít hồi tưởng, đó là con người đơn trị, dễ hiểu. Đến sau
1975 nhân vật được thể hiện với những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Nhà văn đã thể hiện nhân vật từ nhiều điểm nhìn khác nhau, trao lời cho những nhân vật khác nhau trong tác phẩm nhằm diễn tả sự phức tạp trong đời sống nội tâm nhân vật một cách khách quan nhất. Trong nghệ thuật xây dựng kết cấu cũng có những thay đổi rõ rệt. Đó là việc tạo ra những kết thúc bất ngờ, đột ngột nó thể hiện một cách nhìn hiện thực mới của Nguyễn Quang Thân cũng như nhiều nhà văn khác sau 1975, hiện thực không phải là cái có thể biết trước, biết hết, nó đã tạo cho người đọc nhiều suy tư, bất ngờ về cuộc sống. Chẳng hạn trong Người làm ra động đất lại kết thúc bằng cái chết nằm cạnh nhau của lão Hạ và bà Chắt, một cái chết làm lay động lòng người. Họ chết nhưng họ luôn có nhau và sẽ mãi mãi hạnh phúc bên nhau.
Về phương diện ngôn ngữ, giọng điệu; ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân không nằm ngoài dòng chảy của ngôn ngữ văn xuôi sau 1975. Đó là một thứ ngôn ngữ đa thanh giàu phức điệu, rất đậm chất đời thường. Về giọng điệu cũng rất phong phú, vừa có giọng trữ tình ngọt ngào; vừa có giọng châm biếm hài hước, giọng chua chát sắc lạnh; lại có giọng triết lý chiêm nghiệm.
Trên đây mới chỉ là một cách nhìn khái quát về truyện ngắn Nguyễn Quang Thân. Để hiểu một cách cụ thể, sâu sắc hơn sự đổi mới của truyện ngắn Nguyễn Quang Thân sau 1975 sẽ được chúng tôi làm rõ ở những chương tiếp theo.
Chương 2