Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 101 - 107)

3.3.1. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, sự biến đổi của ngôn ngữ văn học liên quan chặt chẽ đến sự biến đổi của tư duy văn học. “Khi tư duy tiểu thuyết đã mạnh dần lên, thay thế tư duy sử thi thì ngôn ngữ văn - xuôi cũng biến đổi theo hướng đó. Khi văn xuôi tiếp cận đời sống ở cự li gần chứ không phải qua một “khoảng cách sử thi tuyệt đối” (M.Bakhtin) với thái độ thân mật suồng sã chứ không phải tôn kính, thì hệ lời cũng phải thay đổi, từ thứ ngôn ngữ trang trọng, chuẩn mực sang thứ ngôn ngữ đời thường, đậm tính khẩu ngữ, thông tục” [23, 22]. Là một nhà văn sớm có ý thức đổi mới trong tư duy nghệ thuật thì dĩ nhiên ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Quang Thân cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ theo dòng chảy của ngôn ngữ văn xuôi thời kỳ sau 1975. Đó là xuất hiện của ngôn ngữ trần thuật vừa mang dấu ấn ngôn ngữ đô thị hiện đại,

vừa mang đặc trưng vùng miền Nghệ Tĩnh, rất đậm tính khẩu ngữ, suồng sã, thân mật thậm chí là thô tục.

3.3.1.1. Kiểu ngôn ngữ đô thị hiện đại

Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân rất đa dạng, nhiều tầng nghĩa, nó đã tạo nên được một phong cách riêng cho truyện ngắn của ông. Qua khảo sát ngôn ngữ trần thuật chúng tôi hi vọng sẽ góp phần nhận diện những đặc trưng riêng của truyện ngắn Nguyễn Quang Thân từ một phương diện nghệ thuật cụ thể.

Truyện ngắn Nguyễn Quang Thân đã kéo người đọc trở về với bức tranh xã hội phồn tạp qua tính chất hiện đại của ngôn ngữ trần thuật. Từ ngữ chuyên môn trở nên phổ biến với các thuật ngữ y học, tên các loại bệnh: HIV - AIDS: “Anh im lặng. Chị nói: “Anh ấy bị SIDA! Thật tồi tệ. Hành động yêu

nước cuối cùng của anh ấy là đề nghị “hu” đăng ký mình vào danh sách bệnh nhân của Hồng Kông chứ không phải nước ta”. Các từ ngữ mới gần đây ùa

vào trong tác phẩm: cave, sếp, sut đao, sex ... “Cô cave ngước mắt nhìn y,

hình như cô đang hối vì mình đã nói thật lòng” (Người bẫy chim trên núi Cu Kỳ), “Trưa hôm sau hắn đưa về làng một cô ca-ve, “Tưởng là gì ghê gớm hóa ra cũng giống như gái làng”(Vạt áo đời người). “Thú thực là anh ghét và ghê tởm khi chị dám cả gan và sai lầm khi đồng lõa đánh giá nền chính trị thông qua những người đàn ông liệt dương trên giường mình, dù trong đó có cả một ông sếp không ra gì của Hảo” (Vũ điệu cái bô), “Nhưng không làm việc được nữa. Nhuần sút đao máy, cầm tờ báo lên xem. Báo đưa tin sếp và cả Khang, chồng Nhuần đang ở Tôkyô thăm thú hãng S” (Gặp lại). “Cái đầu vi-đê-ô bắt đầu rên rỉ những pha phim sex (trước đây chị vẫn dùng cái hộp nhựa Nhật Bản ấy để khởi động nhà đạo đức luống tuổi của chị)” (Vũ điệu cái bô). Với sự xuất hiện của thứ ngôn ngữ mang tính chất hiện đại này,

hội hôm nay, từ phương diện lời ăn tiếng nói của con người. Bên cạnh mặt tiến bộ, tích cực của thời mở cửa là nó giúp con người được tiếp cận với thành tựu khoa học công nghệ của thế giới, bằng chứng là những thuật ngữ chuyên môn trong ngành tin học trở nên gần gũi trong đời sống người dân như: sút đao (sutdown). Thì đó còn là sự xuất hiện ồ ạt của các tệ nạn xã hội như: ma túy, đĩ điếm; kéo theo nó là những căn bệnh thế kỷ như: HIV- AIDS, là lối sống sa đọa trong đời sống tình dục với sự hành nghề của những cô gái bán dâm (cave), sự xuất hiện của những bộ phim kích dục (phim sex).

Trong thời đại bùng nổ thông tin, liên quan đến nhịp sống hiện đại, nhất là nhịp điệu của nền kinh tế thị trường đòi hỏi ngôn ngữ trong văn học cũng phải tăng cường tính tốc độ, tính thông tin. Các nhà văn thường sử dụng các “điển cố” hiện đại đã hình thành trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày để diễn tả một lượng thông tin lớn. Chẳng hạn: “Đảm bảo không có chuyện Nguyễn

Văn Mười Hai”, “nhà kinh doanh không quốc tịch đã kịp đầu tư vào nội địa một “vật lạ” trước khi bị trục xuất”(Vũ điệu cái bô). “Tóm được câu vàng ngọc, vợ anh ta “hy sinh nguyên con” luôn và thế là hàng ngày anh ta phải ra quán cơm bụi” (Người chồng chung thủy).

Cùng với sự xuất hiện của của cảm hứng trào lộng là thứ ngôn ngữ gia tăng tính chất hài trong trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân, đây cũng là một cách tạo ra quan hệ thân mật, suồng sã giữa người đọc với nhà văn, tạo nên sức hấp dẫn thẫm mĩ cho văn chương. Trong Vũ Điệu của cái bô, lời nói của nhân vật luôn làm bật lên tiếng cười ở độc giả: “Ngân sách ái tình của

ông được ấy được tư bản Hồng Kông trợ cấp một nửa, nửa kia moi ruột của nhà nước thì tiện bao nhiêu”, “Trí thức nói chung là ít phải trả tiền dù đi với mĩ nhân”, “Thế là nhờ chị mà anh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch chín năm trước thời hạn. Anh định đúng vào năm 2000 sẽ tập trung toàn lực đi ăn một bữa chả cá đầu tiên và cuối cùng trong đời”.

Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn hôm nay nói chung cũng như truyện ngắn Nguyễn Quang Thân nói riêng đã giảm ngôn ngữ kể, lời độc thoại một chiều của tác giả mà nó là ngôn ngữ đối thoại : “Ông cáu giận xin

độc giả thông cảm, ai mà không cáu giận trong hoàn cảnh éo le này cơ chứ”,

hay: “Lại xin độc giả lượng thứ, ai mà không vũ phu trong hoàn cảnh éo le

như ông” (Thuế giường). Ở đây người kể chuyện đang đứng ở vị trí khiêm

nhường, vừa dẫn giải vừa “cầu viện” sự góp ý của người đọc. Qua ngôn ngữ trần thuật nó đã thể hiện mối quan hệ bình đẳng giữa nhà văn với bạn đọc.

3.3.1.2. Kiểu ngôn ngữ mang đặc trưng vùng miền Nghệ Tĩnh

Nguyễn Quang Thân vốn là nhà văn sinh ra từ mảnh đất Hương Sơn - Hà Tĩnh, có lẽ vì thế mà tiếng nói của con người Nghệ Tĩnh tuy thô ráp mà mộc mạc nó đã in dấu trên từng trang văn của ông. Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy một sự xuất hiện khá dày đặc phương ngữ Nghệ Tĩnh trong nhiều truyện ngắn của nhà văn. Chẳng hạn như trong truyện Người bẫy chim trên

núi Cu Kỳ có sự xuất hiện rất nhiều từ đậm chất Nghệ như: “o - tui, tau - mi; chi, mần chi; ni;, hun; hãi; hè; tát”... “hun tui cái, tui chưa được đứa nào hun”(Người bẫy chim trên núi Cu Kỳ). Hay như :“Tao không có chi cho mi ăn nữa. Cũng không thịt mi trừ bữa được. Tao thả mi lên bờ rồi vô Vinh mà kiếm ăn. Đừng cho mẹ mi biết. Nếu có chết đói thì nhớ phù hộ cho mẹ mi và cho tao”( Sông nước đời thường). “A các người hùa nhau chửi bới con mệ tra này đi” (O đồ Luận)... Với sự xuất hiện của các từ phương ngữ Nghệ Tĩnh thô ráp,

đậm chất khẩu ngữ Nguyễn Quang Thân đã đưa người đọc về với một vùng văn hóa với những con người tuy có vẻ ngoài hơi thô ráp nhưng lại hết sức mộc mạc và chân chất. Trong Sông nước đời thường, Nguyễn Quang Thân cho Phải nghêu ngao một câu ca: “Trăng lên khỏi núi mu rùa/ Cho anh đ...

nó thể hiện sự mạnh mẽ, dữ dội của con người trong nhu cầu tận hưởng thú vui trần thế của con người xứ Nghệ.

Đó là những tiếng nói của những người dân lao động, tiếng nói của họ chân thực, mộc mạc và có khi rất thô tục. Đó còn là một thứ ngôn ngữ đời thường, đậm chất khẩu ngữ, thậm chí có khi “tục”, “bậy”, chẳng hạn: “Tôi

không thấy Hồng phản ứng gì trong ánh trăng. Nhưng tôi không để thằng chó

giái này làm nhục hai đứa tôi”, “Tôi như một con chó điên tru giữa đêm hè”

(Sông nước đời thường); “Trong bụng họ toàn cứt trâu”- chính ông ta bảo

Xuân Hương thế” (Đêm Cổ Nguyệt đường); “Vốn là ngự y, khi biết mấy thứ

cam thảo quế chi không chữa nỗi bệnh trầm kha của thời đại, trên đường sang tàu ông vờ đi ỉa rồi bỏ trốn khỏi đoàn người “vạn lý tòng vong” của Lê Tự Hoàng” (Phường săn).

Với việc sử dụng thứ ngôn ngữ thô ráp, thậm chí tục này nó khiến cho thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân hiện lên thật gần gũi, thân quen với người đọc, kể cả với nhân vật lịch sử. Có thể nói Nguyễn Quang Thân không cần phải cầu kỳ để trau chuốt một thứ hình thức cho văn chương giàu tính nghệ thuật, mà chính là cái đời thường thiên bẩm đã nghệ thuật hơn hết rồi, ở đó người ta nói với nhau bằng sự phản ứng tự nhiên, bằng bột phát suy nghĩ của cảm xúc. Điều này thể hiện sự chối bỏ quyết liệt của Nguyễn Quang Thân với thứ ngôn ngữ bóng bẩy, công thức sáo mòn của giai đoạn văn học trước đó.

Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân mang đậm tính chất vùng miền. Ngôn ngữ trần thuật không chỉ “tải” nội dung truyện kể mà còn “chuyển” những giá trị văn hóa nằm sâu dưới lớp ngôn ngữ. Qua phát ngôn của ngườì trần thuật người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp của vùng đất và con người xứ Nghệ. Đó là một Nghệ Tĩnh có vẻ đẹp từ ngàn xưa với núi Hồng, sông Lam: “Chàng không nghĩ là mình sẽ ôm bàn thờ tổ tiên chết ở

đây. Núi Hồng, sông Lam, bến Đình Giang. Dù chàng chưa thấy ở đâu núi sông đẹp như quê nhà” (Phường săn), “Hồng Lĩnh như một bức tường đen án ngữ chân trời. Nguyễn nghe tiếng sóng biển ì ầm phía sau. Biển động, chàng tưởng như đang nhìn thấy từng đợt sóng ầm ầm chạy từ Hội Thống về phía Nam rồi tan dần. Lòng chàng lâng lâng trước cảnh hùng vĩ của quê hương và bỗng chốc chàng quên hẳn tiếng hổ gầm trong núi” (Đi đêm). Là con người

Nghệ Tĩnh có chất giọng nặng rất đặc trưng : “ O đi lấy củi xa rứa?” Nguyễn

nói, tự thấy cái giọng Nghệ của mình nó trọ trẹ, nó miễn cưỡng thế nào. Xa quê đã lâu, giọng chàng không nặng như người ta” (Phường săn). Là một

mảnh đất quanh năm chịu sự khắc nghiệt của thiên tai với cái nóng của gió Lào những con người nơi đây vẫn tràn trề sức sống và dữ dội trong những khát vọng yêu đương: “Nỗi ám ảnh dầy vò tôi. Bản thân tôi chưa hề nghe câu

ca dao ấy. Tôi cũng chưa thấy ai nợ nhau về chuyện ấy bao giờ. Nhưng có một vùng đất khô cằn sỏi đá, mỗi năm ba tháng gió Lào rên rỉ, người và cây cối quắt queo tưởng đốt cháy được vậy mà không có nơi nào hoa thơm và cỏ ngọt bằng nơi ấy. Không có nơi nào con người dữ dội, tràn trề sức sống, yêu đương mãnh liệt bằng nơi ấy” (Sông nước đời thường). Vốn là một con người rất

đậm tình với quê hương nên lúc nào Nguyễn Quang Thân cũng hướng về cái quê hương yêu dấu của ông, có lẽ vì thế mà con người và mảnh đất xứ Nghệ luôn hiển hiện trên từng trang viết của ông.

Là một con người đã từng lữ hành qua nhiều nơi, nó đã đem lại cho Nguyễn Quang Thân một kiến văn hóa rộng, bởi thế nó giúp ông hiểu được nhiều vùng miền văn hóa khác nhau. Trong truyện ngắn Gió heo may, vốn

viết về một vùng quê hẻo lánh nhưng ông hiểu rất rõ về con người họ, cả những từ phương ngữ mà chỉ có người dân nơi đó mới biết được. Chẳng hạn như kiểu phát âm không đúng chính tả mà ngay cả người cha xứ cũng mắc phải: “lái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ đồng chinh, xin đền tạ lái tim đau

đớn mẹ, bù lại những tội lỗi mà con nghĩ đã xúc phạm đến lái tim mẹ, cùng lái tim chúa Giê Su con mẹ”. Những từ mang đậm tính địa phương, mang phong

vị của những vùng quê đặc trưng không thể nào lẫn được. Ví dụ như: “bõ già,

hôm ni; ngày chi; làm răng; hôm nay là ngày chi; chừ con muốn thì chẳng ai ngăn cấm con được thế; chị va... Trong nền văn học hôm nay không còn thứ

ngôn ngữ trang trọng, diễm lệ, bóng bẩy mà nó là sự dung nạp tiếng nói của mọi con người ở mọi vùng miền khác nhau với đậm chất khẩu ngữ, ngôn ngữ đời thường không gò ép, đẽo gọt. Với sự am hiểu về phong tục tập quán và lời ăn tiếng nói hàng ngày ở nhiều vùng miền khác nhau đã tạo cho truyện ngắn Nguyễn Quang Thân có một phong cách ngôn ngữ hết sức phong phú, da dạng.

Việc chuyển tải những giá trị văn hóa từng vùng miền đến độc giả thông qua ngôn ngữ trần thuật là một xu hướng phổ biến trong truyện ngắn Việt Nam đương đại. Qua ngôn ngữ trần thuật, phong tục tập quán từng vùng miền được hiện lên thật rõ nét. Người nghiên cứu, người đọc muốn tìm hiểu văn hóa và con người Nghệ Tĩnh hãy đọc truyện ngắn Nguyễn Quang Thân, Cao Hạnh, Trần Thanh Hà...; cũng như muốn tìm hiểu văn hóa và con người vùng miền Nam Bộ hãy đọc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Ngọc Linh, Nguyễn Lập Em, Trần Minh Thuận...; hay muốn biết con người, văn hóa xứ Huế hãy đọc Trần Thùy Mai... Điều này đã góp phần làm cho truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới không những nhiều dáng vẻ mà còn rất gần gũi với đời sống của con người.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 101 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w