Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 79)

Nhân vật là người dẫn dắt người đọc vào các môi trường khác nhau của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Nhân vật còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và tư tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người và cuộc đời. Nhà văn muốn thể hiện bản chất hiện thực đời sống và thế giới tâm hồn con người qua những “lát cắt”, “khoảnh khắc” trong tác phẩm đều phải thông qua nhân vật: “Suy nghĩ về cuộc sống qua cái hình thức duy nhất của nhân vật và cũng dựa vào nhân vật để biểu hiện cái tư tưởng tiến bộ của mình. Nhân vật là sứ giả truyền đi cái thế giới quan, nhân sinh quan của mình” [18]. Nhân vật có ý nghĩa quyết định nội dung tư tưởng của tác phẩm và thể hiện được cá tính sáng tạo của nhà văn.

Gắn với mỗi giai đoạn văn học là một kiểu nhân vật đặc trưng và cách biểu hiện nhân vật riêng. Nếu truyện ngắn 1945 - 1975 thể hiện con người quần chúng, con người cộng đồng nên nhân vật thường được thể hiện qua các biến cố, các sự kiện lịch sử, nhân vật nhiều khi trở thành cái loa phát ngôn cho chân lý của nhà văn mà không có sự đối thoại. Thì với quan niệm của truyện ngắn sau 1975, trở về với con người cá nhân, nhân vật thường được thể hiện qua các mối quan hệ đời thường, qua thế giới nội tâm, qua miền ý thức, vô thức đầy bí ẩn, phức tạp mà chính nhà văn cũng không thể nhìn thấy hết. Để thấy được sự chuyển biến này chúng tôi sẽ tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật truyện ngắn Nguyễn Quang Thân trên một số phương diện chủ yếu như: Xoáy sâu vào đời sống tâm lý của nhân vật; đặt nhân vật trong những tình huống éo le, nghịch lý; thể hiện nhân vật từ nhiều điểm nhìn khác nhau; mô tả nhân vật trong dòng hồi ức đa chiều.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w