Cảm hứng chiêm nghiệm lịch sử

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 38 - 44)

Chiêm nghiệm lịch sử là một cảm hứng khá rõ trong tryện ngắn sau 1975. Viết về các vấn đề lịch sử lắng đọng những suy tư, trăn trở, quan tâm đến những nhân vật lịch sử với những đánh giá nghiền ngẫm riêng mang dấu ấn cá nhân của từng nhà văn, biến nhân vật thành hình tượng nghệ thuật, thành phương tiện nghệ thuật tư tưởng của người viết đã cho người đọc thấy một thái độ hoàn toàn tự do đối với lịch sử của chúng ta. Chúng ta tìm thấy nguồn cảm hứng này trong Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Mưa Nhã Nam, Nguyễn

Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp; Ngày cuối cùng của dâm phụ, Sóng nhồi vào sóng, Sóng vỗ mạn thuyền của Trần Thị Trường; Người vợ lẽ ở phường Khán Xuân, Chàng thi nhân đầu bạc của Nguyễn Quang Thân...

Cùng chiêm nghiệm về lịch sử nhưng mỗi nhà văn có những cách đánh giá nghiền ngẫm riêng, tùy thuộc vào cá tính của từng người. Với nhà văn Nguyễn Quang Thân tìm về với cảm hứng lịch sử là bởi sự thôi thúc của lòng tự hào với lịch sử anh hùng của đất nước, sự ngưỡng mộ với những con người đã làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Với đề tài lịch sử, Nguyễn Quang Thân đã rất thành công ở thể loại tiểu thuyết như Ngoài khơi miền đất hứa, Con ngựa Mãn Châu, Hội thề. Nhất là với tiểu thuyết Hội Thề đã đem đến cho ông giải A duy nhất trong cuộc thi tiểu thuyết 2006 - 2009 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Ở thể loại truyện ngắn ông cũng đã phát huy được sở trường ấy của mình với một số truyện ngắn như Đêm Cổ Nguyệt đường, Người vợ lẽ ở phường

Khán Xuân, Chàng thi nhân đầu bạc, Phường săn, Đi đêm. Trong truyện ngắn

của Nguyễn Quang Thân đó là sự xuất hiện của những con người có tính chất đánh dấu có một thời kỳ lịch sử văn học như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du. Ngoài ra còn có sự thấp thoáng bóng dáng của vị danh y Hải Thượng Lãn Ông, về dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã từng lưu danh trong sử sách.

Trong Đêm Cổ Nguyệt đường, đó là sự khắc họa rõ nét về bà chúa thơ Nôm Việt Nam. Mở đầu tác giả viết :“Tôi chưa đọc thấy ở đâu viết rằng Xuân

Hương đẹp. Thậm chí còn có người cho rằng nàng không có nhan sắc. Nhưng tôi tin, nàng đẹp. Tài năng có bộ mặt riêng, vẻ đẹp riêng, dù thế nào, ít gì sánh được”. Cái nhận định “tài năng có bộ mặt riêng, vẻ đẹp riêng, ít gì sánh được”

đã được cụ thể ngay ở phần sau, đúng như những tính cách vốn có của nàng đã được truyền tụng bấy lâu. Nhân vật người kể chuyện tiếp tục trao điểm nhìn cho những nhân vật khác để làm nổi rõ dần nhân vật Xuân Hương một cách khách quan nhất. Trong mắt của những kẻ bất tài mà nàng khinh bỉ thì nàng là một người phụ nữ đanh đá, ghê gớm: “Ở làng Quỳnh không ai ưa cô gái ấy,

bọn trai làng thì cô ta coi như củ khoai. Các vị bô lão tự cho mình cái quyền chê bai người khác thì không chịu nổi con bé mới nứt mắt kia lại dám báng bổ, lẳng lơ, trêu chọc cả sư”. Sắc đẹp và tài năng của Xuân Hương duy chỉ có U Nghĩa

- người vú nuôi của nàng là thừa nhận và kiêu hãnh về nàng: “Nàng biết trên

đời này chỉ có u là kiêu hãnh vì tính nết khác người cũng như sắc đẹp và tài thơ của nàng”. Và cả cậu ấm Du con quan quận Tiên Điền nữa là thừa nhận sắc

đẹp của nàng “nhưng liệu trong số người đẹp Thăng Long bọc trong lụa là gấm

vóc và được tưới bằng rượu ngon trong lầu son gác tía ấy ai có được một thân hình và đôi mắt trong biếc, giọng nói vừa êm dịu vừa lanh lảnh và chứa một nội lực làm say đắm lòng người như cô gái hái sen đứng trong thuyền trước mặt

chàng đây?”. Nàng Xuân Hương còn hiện lên ở đây trong thân phận làm lẽ,

không con: “Làm lẽ! Tại sao từ trước tới nay, ai đến với nàng cũng chỉ muốn

lấy nàng làm lẽ”.

Trong truyện ngắn Người vợ lẽ ở phường Khán Xuân, thân phận “bảy nổi ba chìm” của người vợ lẽ, không có con càng được thể hiện rõ nét hơn. “Đời

nàng tan nát như miếng vải, rách đi vá lại nhiều lần, u già biết, cả thành Thăng Long đều biết”. Đó là một con người có thân phận hẩm hiu, mấy lần đi

làm lẽ thì chồng đều bị chết, kết cục thì nàng chôn vùi tuổi xuân trong nỗi cô đơn, hiu quạnh. Tại sao cuộc đời nàng lại lắm truân chuyên đến vậy? Đơn giản chỉ vì nàng là một người con gái có nhan sắc, cá tính và tài năng hơn người.

Một con người có cùng số phận với Xuân Hương được Nguyễn Quang Thân nhắc đến nhiều đó là Nguyễn Du, một con người đầy tài năng mang trong mình nhiều uẩn ức của thời thế. Nhân vật Nguyễn Du, đã xuất hiện thấp thoáng trong Đêm Cổ Nguyệt đường và Người vợ lẽ ở phường Khán Xuân, đó là “người trong mộng” của nàng Xuân Hương. Và trong Phường săn, Chàng

thi nhân đầu bạc, Đi đêm thì nhân vật lịch sử Nguyễn Du hiện lên một cách

thật gần gũi với chúng ta. Trong Chàng thi nhân đầu bạc đó là một chàng trai mới ba mươi tuổi đầu đã có một cái đầu bạc trắng vì những uẩn ức thời thế:

“Ba mươi tuổi mà đầu đã bạc thế ư? Bọn nhà thơ thời nay nó hèn, tóc chúng nó cứ xanh mướt, không bạc như tóc chú đâu!”. Mái tóc như biểu tượng của lo

nghĩ, của buồn thương và bế tắc trong cuộc đời chàng Nguyễn. Trong Phường

săn đó là hình ảnh một chàng Nguyễn đang ân hận, xót xa cho mười năm lầm

lạc đi thờ một ông vua đớn hèn: “Mười năm khư khư lòng trung thành với một

ông vua đớn hèn chịu nhận một chức tam phẩm của vua Tàu? Chàng đánh mất mười năm trẻ trung đời mình. Chàng phải lấy lại”. Nếu như trong sử sách

Nguyễn Du thì với truyện ngắn Nguyễn Quang Thân đã chạm tới được những tâm tư sâu kín nhất đó của nhà Đại thi hào. Chẳng hạn như trong Đi đêm:

“Đối với chàng thì có lẽ danh dự bản thân được coi trọng hơn một ông vua thật. Điều này chàng chưa thổ lộ với ai, chàng cũng không nói lên trong thơ mình, ngay trong ý nghĩ cũng không dám vì đó là một trọng tội. Chẳng thà chết dưới một ông vua đớn hèn nhưng không thể chịu nhục nơi đất khách quê người. Dưới gầm trời này chỉ có Huyền Hư mới dám nói ra điều mà chàng chôn chặt trong góc sâu thẳm của tâm hồn đó”. Sau khi mộng trung quân tan

vỡ Nguyễn chỉ còn biết tìm đến thơ, bởi theo chàng chỉ còn có thơ mới có thể cứu đời được nữa thôi: “Thơ! Thưa bác, còn thơ nữa. Thơ sẽ cứu nhân độ thế!

Thơ sẽ mạnh hơn cả gươm giáo!”. Điều này là sự cắt nghĩa vì sao Đại thi hào

Nguyễn Du lại có thể để lại cho hậu thế những tác phẩm văn chương giàu sức mạnh phê phán và thấm đẫm tình người đến vậy, đặc biệt là ở kiệt tác bất hủ

Truyện Kiều.

Cùng với việc khắc họa tính cách, số phận hai nhân vật Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, ngòi bút Nguyễn Quang Thân còn tập trung viết về về mối tình đẹp đẽ giữa hai con người xuất chúng trong lịch sử này. Mối tình của đôi trai tài gái sắc nàng Xuân Hương và chàng Nguyễn là một mối tình thật đẹp nhưng là một mối tình dang dở. Trong Chàng thi nhân đầu bạc tác giả nói đến nỗi đau của chàng Nguyễn khi trở về tìm lại người xưa nhưng nàng Xuân Hương đã đi làm lẽ người ta. “Bà lão khóc: “Cô đi làm lẽ người ta rồi ông

ơi!” Nguyễn không nói gì. Chàng đứng im như một cây trúc trên mảnh sân mọc rêu vì ít người qua lại. Chàng gầy đến nỗi như muốn lẫn vào cây cỏ quanh mình. Chàng đang cảm nhận được qua da thịt và sờ mó tận tay nỗi đau của đời người, của chính đời chàng và người đàn bà tài hoa bạc mệnh. Chàng khóc. Có thể ba trăm năm nữa mới có người khóc chàng. Nhưng giờ đây chàng đang khóc cho một người đàn bà, cho một mối tình”. Trong Người vợ lẽ ở

phường Khán Xuân lại là nỗi ngậm ngùi của nàng Xuân Hương khi mối tình

sâu sắc nhất đời nàng nay đã thành xa vắng. “Chàng cũng mê thơ nàng, cũng

nói với nàng những lời chân thật, nhưng nàng đã không giữ được chàng trước sức quyến rũ của thời tao loạn”. Ở đây Nguyễn Quang Thân chỉ nhắc đến mối

tình giữa Nguyễn Du và nàng Xuân Hương với nỗi đau của sự tan vỡ, điều đó như muốn khắc sâu thêm bi kịch của những con người tài hoa mà bạc mệnh trong xã hội đương thời lúc bấy giờ và càng gieo vào lòng người đọc bao khắc khoải suy tư về một thời đại lịch sử đã qua của dân tộc.

Như vậy là những nhân vật lịch sử được tác giả đưa vào câu chuyện với cuộc sống thật, những đau khổ éo le như sự thật lịch sử cùng những tình cảm, suy tư như tác giả được chứng kiến vậy. Bằng tài văn của mình Nguyễn Quang Thân đã giúp chúng ta cảm nhận một cách chân thực và gần gũi hơn những con người xuất chúng trong lịch sử. Cũng qua đây nhà văn Nguyễn Quang Thân đã giúp chúng ta hiểu thêm về một thời đại, một thời đại loạn lạc khi giai cấp phong kiến Việt Nam đang trên đà suy tàn thì những trí thức nho sĩ luôn đau đáu vì nhân tình thế thái lại là tầng lớp chịu nhiều đau khổ nhất, thiệt thòi nhất. Phải chăng qua những truyện ngắn viết về lịch sử nhưng cũng là cách để nhà văn nói tới thực trạng của xã hội ngày hôm nay? Điều này chính nhà văn đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn của Hương Xuân (Báo Nông thôn ngày

nay): “Khi tôi viết về lịch sử chính là tôi đang viết về thời nay đấy”. Khi

Nguyễn Quang Thân đưa vào truyện của mình câu thơ của Nguyễn Du: “Hoa

tặng người mình sợ” có lẽ ông muốn gửi thông điệp cho lịch sử của ngày hôm

nay. Hoa thường dùng để tặng cho người mình kính trọng, đó là một ứng xử văn hóa cao đẹp của con người trong một xã hội bình thường, lành mạnh. Nhưng trong một xã hội đầy loạn lạc mà thời đại Nguyễn Du sống hoa còn để tặng cho người mình sợ nữa. Đó là một phát hiện của Nguyễn Du vĩ đại. Sự nhũng nhiễu, hạch sách của kẻ nắm quyền lực đối với đối với người nghèo, của

kẻ bề trên đối với kẻ dưới nó đã thành quy luật bao đời nay. Trong xã hội hiện đại đầy rối ren phức tạp hôm nay thì việc tặng hoa cho người mình sợ nó đã trở thành một việc bình thường. Người nghèo, cấp dưới phải tặng hoa cho cho người giàu, cho cấp trên vì họ sợ không được tăng lương, cắt giảm biên chế, sợ không được thăng chức. Kẻ nghèo hèn, thấp cổ bé họng phải sợ đủ mọi thứ trên đời trong một xã hội còn nhiều bất cập, hố sau ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn như hôm nay.

Một vấn đề nữa mà nhà văn Nguyễn Quang Thân muốn gửi gắm, đó chính là bi kịch của người trí thức. Trí thức trong thời đại nào thì cũng là những người có tinh thần phản biện xã hội cao nhất, vì thế nên số phận của họ luôn phải gánh chịu nhiều đau khổ, nhiều bầm dập nhất trong xã hội. Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du đều là những nhà văn tài năng nhưng họ đều có số phận đầy bất hạnh. Nguyễn Quang Thân khi đặt vào miệng nhân vật chàng Nguyễn trong Chàng thi nhân đầu bạc câu nói: “Nếu không bị đánh què chắc

chẳng đi hết kiếp văn chương” chính là sự cảnh tỉnh về bi kịch muôn thuở ấy

của người trí thức.

Chiêm nghiệm lịch sử là quá trình con người nhớ lại những gì đã xảy ra với cha ông trong lịch sử để từ đó nhắc nhở con người hôm nay phải ghi nhớ và tri ân đối với những gì mà cha ông đã cống hiến trong lịch sử. Đồng thời nhà văn cũng muốn mượn lịch sử để suy tư về hiện tại, về những gì đang xảy ra trong cuộc sống hôm nay.

Với việc thể hiện thành công cảm hứng chiêm nghiệm lịch sử trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân càng minh chứng cho nhận định của hai nhà nghiên cứu Đinh Trí Dũng - Hoàng Vĩnh Thắng trong bài viết Truyện

ngắn về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay (đăng trên http://www.vanvn.net.news/16/1360 (2011)): “Không hề bị cạn nguồn trong đề

khai thác, truyện ngắn vẫn tìm cho mình một lối đi riêng độc đáo. Vượt qua rào cản của thời gian, truyện ngắn lịch sử không chỉ tái hiện quá khứ mà còn nỗ lực lấp đầy những khoảng trống, những điểm mờ còn nhiều tranh cãi, từ đó soi chiếu lịch sử trong cái nhìn đa chiều, mang tính dân chủ. Đằng sau các nhân vật lịch sử người đọc nhận ra bao nhiêu nỗi đau, bao nhiêu bi kịch của kiếp nhân sinh, cùng những luận giải độc đáo, những xúc động, hối tiếc, những bài học rút ra từ quá khứ của nhà văn. Từ đó lịch sử như vẫn đang đồng hành, đang nhắc nhở mỗi con người chúng ta” [7].

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 38 - 44)