Hình tượng người nông dân

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 68 - 71)

Viết về số phận người nông dân luôn là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều cây bút ở mọi thời đại. Hình tượng người nông dân đã từng đem đến thành công cho nhiều tác phẩm trong nền văn học quá khứ như: Chí

Phèo, Lão Hạc (Nam Cao), Vợ nhặt (Kim Lân, Thư nhà (Hồ Phương), Vụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên)... Đến nền văn xuôi sau 1975 nhân vật người nông

dân vẫn luôn là tâm điểm chú ý của nhiều cây bút thời kỳ đổi mới. Cùng với các tiểu thuyết nổi tiếng như: Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm

người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Cù lao chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn),

Bến không chồng (Dương Hướng), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Thời xa vắng (Lê

Lựu) thì nhiều truyện ngắn viết về số phận người nông dân cũng tạo được ấn tượng với bạn đọc trong đó có nhiều truyện ngắn được xem như là bước ngoặt trong sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn như: Khách

ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Những Bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy

Minh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)... Trong trào lưu chung ấy nhà văn Nguyễn Quang Thân cũng đã góp được tiếng nói đáng chú ý khi viết về số phận người nông dân qua các truyện ngắn tiêu biểu như: Cây bạch đàn vô

danh, Gió heo may…

Sau 1975, với sự thức tỉnh mạnh mẽ của ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người. “Sau đổi mới cùng với sự chuyển biến của văn học nói chung, truyện ngắn viết về nông thôn nói riêng đã quan tâm đến những chủ đề mới mà bình diện trung tâm là khám số phận con người cá nhân trên nhiều góc độ xoay quanh các mối quan hệ: con người cá nhân với dòng họ, làng xóm và con người cá nhân trong mối quan hệ với chính mình” [34]. Ngoài ra nhân vật người nông dân còn được khám phá, soi chiếu ở nhiều tầng bậc như: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát.

Là một người sớm hòa nhập với không khí đổi mới, truyện ngắn viết về đề tài nông thôn của Nguyễn Quang Thân cũng đã bắt đầu tiếp cận con người tự nhiên, con người bản thể và con người trong mối quan hệ với gia tộc, với làng xóm. Chú Bạch Vân trong truyện Cây bạch đàn vô danh là một con người cô đơn, vợ mất lúc đứa con trai mới được ba tuổi, chú phải sống trong cảnh gà trống nuôi con suốt mười ba năm trời. Đến khi gặp chị Bình Dân, một người phụ nữ đã chờ chồng đang đi bộ đội mòn mỏi bao nhiêu năm không biết còn sống hay đã chết, thì hai kiếp người cô đơn đó đã thảng thốt dạt vào nhau. Thế nhưng họ đã phải chịu bao nhiêu điều tiếng bởi những định kiến hẹp hòi, những lề thói thủ tục lạc hậu tồn tại bao đời nay trong mỗi con người nông dân. Ông Cả Hàn, tộc trưởng họ chú Bạch Vân, một con người luôn mang đậm tư tưởng tư hữu, gia trưởng mắng chú: “Chú làm xấu cả họ

Nguyễn nhà mình. Kim đã có chỉ rồi, chú xâu vào nữa làm gì?”, còn với chị Bình Dân thì ông không bao giờ chấp nhận: “Cái ngữ ấy có sống cũng coi

như đã chết”. Thật nực cười trước hành động của ông Cả Hàn khi nghe con

nói là chú mình và chị Bình Dân ngủ trong nhà từ đường. Ông lấy roi mây ra quất con và nửa đêm thức nó dậy: “Mày cầm cái thuổng, cái cuốc theo tao.

Hai bố con lặng lẽ như thằng ăn trộm ra nhà từ đường. Ông Cả chỉ chỗ nền đất trống, gạch lót đã mủn từng đám. “Nó nằm ở đây phải không?”. Hai bố con dùng thuổng và cuốc đào miếng đất nền nhà to bằng cái chiếu. Thịnh xúc đất cho vào rổ, đổ ra vườn. Đào xong cả hai ra vườn nhà thờ khuân đất mới đổ vào, lấp lại như cũ. “Khiêng mấy bao u-rê này đè lên”. Ông cả nói. Thịnh làm theo. “Còn con gà dò. Mai tao làm một mâm cúng tổ”. Ông Cả nói”.

Những hành động kỳ quặc đó nó cho thấy tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, lạc hậu luôn ngự trị trong đầu những người đứng đầu dòng họ ở các làng quê và nó đã dồn những người thân của họ đến bước đường cùng. Và bên cạnh đó thì thì tư tưởng vì cái chung, nhân danh cộng đồng, nhân danh tập thể đang dẫm đạp lên quyền sống của con người cá nhân: “Tại sao không cho tôi đắp đê?

Chỉ còn hơn một khối nữa là có thể được lên anh hùng. Nhưng chị không đạt khâu đạo đức nên không cho chị đắp đê. Tôi vác đất quen rồi. Không vác đất thì lấy cơm đâu mà nuôi mẹ chồng với hai đứa em chồng. Vác đất cũng là làm cách mạng. Phải chọn người tử tế”. Con người không chỉ có mối quan hệ với

cộng đồng với xã hội mà con người còn là một thực thể tự nhiên với những nhu cầu bản năng nhất. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh phần nghĩa vụ được đề cao mà đã bỏ qua những phần riêng tư, sâu kín của con người và khi con người đứng lên đòi quyền sống cho mình thì ngay lập tức bị cộng đồng lên án. Qua bi kịch của chú Bạch Vân và chị Bình Dân, Nguyễn Quang Thân đưa ra một lời cảnh tỉnh, một nỗi niềm tâm sự nhắn gửi, một bài học lịch sử chua xót và thấm thía.

Trong Gió heo may Nguyễn Quang Thân tiếp tục khẳng định quyền sống cá nhân của con người, một vấn đề đã bị lãng quên trong nền văn học cách mạng. Ông đã đem lòng nhân ái của mình nói dùm những người nông dân ở làng Kẻ Đồng heo hút kia những khát khao bản năng dồn nén bấy lâu trong cảnh góa bụa. Vì những tư tưởng ấu trĩ nên những người phụ nữ trong làng Kẻ Đồng phải gắn cuộc đời mình với những người đàn ông chẳng ra gì, tiêu biểu như chị chắt Sang. Chị lấy anh cu Sang, người đã cấu vào mông chị, vì: “mẹ chị bảo như thế là đã thất tiết với người ta rồi, dù đó là người không

ra gì cũng phải lấy”. Thế là cuộc đời chị phải gắn với người chồng vũ phu

và nát rượu. Một thời gian sau chồng họ do uống quá nhiều rượu rồi bị bệnh xơ gan mà chết. Sống trong cảnh góa bụa họ lại càng khổ hơn vì thiếu người đàn ông. Nhưng vào một buổi sáng khi cơn gió heo may về đã thổi bùng lên những khát khao ân ái vợ chồng, làm rung lên sợi dây đàn yêu thương tưởng như đã nguội lạnh trong tâm hồn những người đàn bà góa. Rồi mỗi người một cách khác nhau, họ phải tìm cách thỏa mãn cái nhu cầu rất người, rất đáng trân trọng ấy. Người tìm được người không, riêng chị chắt Sang thì đã tìm được anh cu Ca, hai con người cô đơn ấy đã biết tìm đến với nhau để được sống với cuộc sống đích thực của con người. Nguyễn Quang Thân đã len lỏi vào tâm hồn của những con người cô đơn bé nhỏ để lay thức ở họ những khát khao trần thế đáng trân trọng của con người.

Bằng tấm lòng nhân đạo, Nguyễn Quang Thân đã cất lên tiếng nói đấu tranh cho những khát khao nhân bản của những người nông dân đang là nạn nhân của bao hủ tục, lề thói bảo thủ lạc hậu sau lũy tre làng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w