Người đàn bà cũng là một hình tượng nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân sau 1975. Hình tượng người đàn bà xuất hiện trong truyện ngắn của ông khá đa dạng về tính cách. Thứ nhất đó là nhân vật những bà vợ thực dụng, coi nhu cầu vật chất là mục đích sống; thứ hai là nhân vật những phụ nữ nhẹ dạ cả tin, luôn là nạn nhân của thói lừa lọc xấu xa trong xã hội. Bên cạnh đó trong truyện ngắn của ông còn có sự xuất hiện của hình ảnh những người đàn bà có đời sống nội tâm phong phú, phức tạp, có nhân cách cao đẹp.
Trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân hầu hết đều có sự xuất hiện của hình ảnh những bà vợ thực dụng, chua ngoa đanh đá. Tiêu biểu nhất là hình ảnh người vợ trong truyện ngắn Thuế giường. Đây là hình ảnh điển hình của một người đàn bà thực dụng, coi đồng tiền là trên hết: “Chị đâu phải thứ
dại trai hay dại chồng. Cái dại nhất của chị là dù ngồi sạp vải từ hồi còn thiếu nữ, vẫn ước lượng và đánh giá quá sai lệch mớ của cải ông mang về, cũng như đánh giá quá cao cái mảnh bằng của ông”. Chị đến với ông là vì đống của cải
ông mang từ Đức về vì thế “Ánh hào quang của đống của cải chóng phai mờ
như những say đắm ban đầu của tình yêu do hiệu ứng hàng Đức”. Chị lén lút
dùng khoản tiền riêng thủ được từ hồi còn bán vải để ăn vụng cho no nê trong khi ông chồng và mẹ chồng chỉ được mỗi bát cơm chiên không dầu. Khi ông chồng không đáp ứng đủ nhu cầu vật chất thì chị đay đả bảo chồng chỉ là một thằng đàn ông vô dụng. Những bà vợ ấy luôn đay đả chồng, không một chút mảy may chia sẽ khi ông chồng của họ gặp bế tắc, chính họ đã đẩy cuộc sống gia đình vào sự ngột ngạt. Những người vợ như thế còn được thể hiện trong truyện Cây đời, đó là người luôn thúc bách chồng kiếm tiền bằng những thủ đoạn mờ ám của một anh công chức nắm quyền lực trong tay. Sau khi xúi giục chồng lao vào một vụ tham nhũng mang về cả một đống tiền rồi mà chị ta vẫn tìm cách chì chiết chồng: “Sau vụ đó, chị vẫn tìm cớ chì chiết bởi chị
của mình một cách hiệu quả, nếu anh không cù lần như thế thì “nhà mình đã không đến nỗi thế này”. Với những bà vợ thực dụng thì các ông chồng chỉ là
con rối trong tay họ: “Còn chị? Chị là phần số, là định mệnh, là nghiệp
chướng của anh rồi. Anh là vua cũng là nô lệ của chị”. Trong Mai chị về hình
ảnh trung tâm vẫn là một bà vợ coi tiền là mục đích sống duy nhất. Chứng kiến cảnh người mẹ suốt ngày chỉ nghĩ đến túi tiền của ba, đứa con gái vô cùng xót xa: “Ba chợt về vài ngày, nếu thấy mẹ vui là Thủy Tiên biết chắc ba
đã đưa mẹ một cục tiền, mẹ đi sắm vàng rồi hí hoáy chôn dấu nơi nào đó. Nếu mẹ buồn cậm quạu là có nghĩa lần này ba rỗng túi hoặc bị ai hớt tay trên mất. Ba cố thanh minh, trình bày, nhưng thường phải ra đi sau một trận cãi vã nhỏ. Tình yêu của ba mẹ chỉ có thế. Và ba mẹ đã đẻ ra mình: Hoàng Thị Thủy Tiên!”. Những bà vợ thực dụng, hám tiền chính là sản phẩm của nền kinh tế
thị trường, của cuộc sống bon chen giành giật lẫn nhau trong thời kỳ kinh tế mở cửa, hội nhập quốc tế. Họ cũng chính là nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ của hôn nhân, của bao bi kịch gia đình.
Đối lập với những người đàn bà thực dụng là những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, là nạn nhân của thói lừa lọc, của những tên sở khanh, đểu giả trong xã hội. Đó là Lan trong Vai chính, là người đàn bà trong Người đàn bà đợi ở
bến xe, là nhân vật “tôi” trong Nhật ký về những người thanh lịch. Họ thường
là những người phụ nữ chân chất, hiền lành không biết lừa lọc, xảo trá là gì, vì thế họ rất dễ bị lừa tình, rồi tất cả đều rơi vào cảnh ngộ trớ trêu không biết đi đâu về đâu, không còn tin vào lòng tốt trên đời này nữa. Lan vốn là một cô giáo làng hiền lành, chăm chỉ, chưa hề biết đến lừa lọc, dối trá bỗng đâu bất hạnh đổ xuống cuộc đời chị: “Chị đã miệt mài bên khung cửi để nuôi thêm
một miệng ăn, một người khách đã đột nhiên đi vào cuộc sống buồn tẻ của một cô giáo làng, để rồi phải ê chề đến bệnh viện huyện trong một ngày mưa to gió lớn”. Lúc đó chính Lan cũng vô cùng sững sờ không thể tin nổi vào một sự
thật cay đắng: “Lúc đó chị không thể và cũng không muốn tin là anh ta sẽ cao
chạy xa bay như bà bác sĩ nói. Nhưng, em biết không, nhà sưu tầm dân ca đã biến mất ngay khi chị vẫn còn nằm ở bệnh viện huyện”. Hay như nhân vật
“tôi” trong Nhật ký về những người thanh lịch dẫu đã một lần đổ vỡ trong hôn nhân bởi bên trong người chồng không như không giống như vẻ bề ngoài thanh lịch của anh ta, vẫn tiếp tục bị lầm tưởng bởi cái vẻ bề ngoài ngoài lịch sự của “Người thanh lịch đến sau”. Vẫn phải rơi vào cảnh phải vào bệnh viện giải quyết “vấn đề”. “Hai mươi ngày sau, anh áp tải tôi đến bệnh viện. Cưỡng
lại mãi rồi tôi thấy anh có lý. Vì, anh nói, “con quái” của anh đang áp dụng chiến lược “giam giữ không thời hạn” và nếu như người thứ ba” ra đời, tiến trình giải phóng sẽ rắc rối hơn, chắc chắn sẽ kéo dài hơn. Chúng tôi dạn dĩ với nhau chừng vài tháng, anh vẫn luôn lịch sự, thanh lịch tuy vẫn than vãn về cái số phận tù chung thân trong tay “con quái”. Cho đến khi tình cờ được tận mắt
chứng kiến cảnh anh ta đang hạnh phúc bên “con quái” và một đứa trẻ lên sáu trên bãi biển Đồ Sơn thì nhân vật tôi mới thực sự tỉnh ra khi nhìn rõ sự ngây ngô, mù quáng của mình. Viết về những nhân vật người phụ nữ này nhà văn luôn thể hiện một thái độ lo lắng, bất an cho số phận mong manh của họ, bởi cuộc đời này có quá nhiều cạm bẫy, nó biến hóa khôn lường mà con người không lường hết trước được.
Ngòi bút nhân văn của Nguyễn Quang Thân còn đi vào khám phá đời sống nội tâm phong phú, phức tạp cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn của những người phụ nữ như nàng Xuân Hương trong Đêm Cổ Nguyệt đường, Người vợ
lẽ ở phường Khán Xuân; chị Bình Dân trong Cây bạch đàn vô danh; chị Chắt
Sang trong Gió heo may; chị Cúc trong Ngọn cỏ.
Nàng Xuân Hương hiện lên trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân vừa đanh đá, sắc sảo, có cá tính mạnh mẽ lại vừa dịu dàng, mềm yếu. Trong con mắt của người dân làng Quỳnh không ai chịu nổi nàng: “Ở làng Quỳnh
không ai ưa cô gái ấy. Bọn trai làng cô ta coi như củ khoai. Các vị bô lão tự cho mình cái quyền chê bai người khác thì không chịu nổi con bé mới nứt mắt kia lại dám báng bổ, lẳng lơ, trêu chọc cả sư. Mấy ông đồ, ông tú, cả ông đầu xứ Thanh Vân thì bị cô giễu bằng thơ, đặt tên tuổi khả kính của các ông vào mồm trẻ trâu để chúng rêu rao khắp hang cùng ngõ hẻm” (Đêm Cổ Nguyệt đường). Nhưng đằng sau cái vẻ ngoài đáo để, đanh đá ấy lại là một cô thôn nữ
nhu mì, hồn nhiên mà chỉ những người thực sự hiểu nàng mới nhận ra. Trước những lời ong tiếng ve của bọn bất tài, bọn ong non, dê cỏn thì nàng thường xù lên với vẻ chua ngoa, đanh đá như là một sự tự vệ; nhưng trước những bậc chính nhân quân tử như chàng Nguyễn, quan hiệp trấn Quảng Yên thì nàng lại trở về với vẻ dịu dàng vốn có. “Lúc đầu khi thấy ông xoắn xuýt mình, nàng xù
lên như xưa nay vẫn thế. Nhưng vẻ dịu dàng thật đặc biệt của Nguyễn với nàng, sự hào phóng chàng giành cho cảnh nhà bần hàn của mẹ con nàng đã nhiều khi làm nàng cảm động. Tình cảm nàng thay đổi lúc nào không hay. Nàng mềm mại yếu đuối hơn chứ không “đáo để” như chính lời nhận xét ban đầu của Nguyễn. Và Xuân Hương hoảng sợ khi nhận ra điều đó. Nàng sợ nhất là tính nhẹ dạ. Khéo nàng đang nhẹ dạ. Ông tìm em ạ? - nàng hỏi ngoan ngoãn không đanh đá, chanh chua như đối với nhiều người đàn ông khi họ đòi gặp nàng” (Đêm Cổ Nguyệt đường). Khi Quan hiệp trấn Trần Phúc Hiển đến nhà
gặp nàng với cái vẻ ngang tàng, kiêu bạc cũng đã khiến nàng mũi lòng:
“Xuân Hương bảo: “Chết, chắc là ông chưa ăn tối?”. Nàng lại mủi lòng.
Người ta bảo nàng sắc như dao mà nhẹ dạ. Nàng thừa biết đàn bà mà để người đời và lũ đàn ông háu đói biết tiếng thì cầm bằng chim trĩ đẹp ló đầu ra trước cánh cung và mỏ chim cắt. Ông này ở đâu mà thuộc thơ mình thế nhỉ? Thơ mình đi xa thế ư? Nàng sung sướng vì một con chim cắt đang liệng vòng trên đời nàng khen nàng. Nàng lại mủi lòng rồi”(Người vợ lẽ ở phường Khán Xuân). Tính cách của nàng Xuân Hương quả là phức tạp, phải đi sâu vào đời
sống nội tâm mới khám phá hết vẻ đẹp tiềm ẩn nơi con người nàng. Đó là một con người tài hoa nhưng bạc mệnh, một con người luôn mang nỗi đau đời quặn thắt để rồi từ đó bật ra những vần thơ đáo để, sắc sảo vỗ mặt thói giả dối của thiên hạ.
Vẻ đẹp nhân cách của người phụ nữ được hiện lên rõ nét ở nhân vật chị Bình Dân trong truyện ngắn Cây bạch đàn vô danh. Chị Bình Dân là tiêu biểu cho người con dâu hết mực hiếu nghĩa với mẹ chồng, là người chị dâu đảm đang và rất chu đáo đối với em chồng. Khi chồng đi bộ đội biền biệt bao năm không trở về, chị vẫn ngày ngày lam lũ kiếm tiền để chăm lo cho mẹ già, chăm lo cho hai đứa em chồng được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Đêm nào chị cũng cầm mai đi đắp đê để thêm công, thêm điểm, đủ để nuôi mẹ và em chồng. Khi vì một lí do vô lí mà xã đội không cho chị đi đắp đê, chị rất lo lắng là không biết làm gì để nuôi sống mẹ chồng, em chồng: “Tôi vác đất quen rồi. Không vác
đất thì lấy công điểm đâu mà nuôi mẹ chồng với hai đứa em chồng”. Chị ra đi với
chú Bạch Vân còn là để kiếm tiền ăn học cho các em chồng. Trước khi ra đi chị đã lo chu tất cho lễ trăm ngày của mẹ chồng; đã lo đủ tiền ăn, tiền học cho các em và chị ra đi không chỉ vì bản thân mà còn là để kiếm tiền ăn học cho các em: “Mẹ ơi, mẹ có khôn thiêng thì chứng giám. Con mới hai mươi tám tuổi. Chồng
con chết sống thế nào con không hay. Hôm nay con soạn lễ trăm ngày cho mẹ chu tất rồi. Các em cũng đã lên trường. Tiền ăn, tiền học của chúng con đã lo đủ. Mẹ cho con đi với ông Bạch Vân. Ăn nên làm ra thì con gửi tiền cho các em ăn học. Mẹ khôn thiêng xin mẹ phù hộ độ trì”. Chị là một người phụ nữ cao thượng, là
một người con dâu hết mực hiếu đễ, là biểu tượng cho tâm hồn cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống đôn hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh.
Cùng với chị Bình Dân thì nhân vật Cúc trong Ngọn cỏ cũng đã soi sáng cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay. Đó là một người phụ nữ hết mực thủy chung trong tình yêu. Khi đã gắn cuộc đời mình với
người chồng mà mình thương yêu thì: “mọi người đàn ông trên thế gian này
không có ai làm chị chú ý như chị đã từng chú ý đến anh”. Hàng chục năm rồi,
sau khi anh hi sinh thì hình ảnh của anh vẫn không thể nào rời khỏi tâm tưởng chị, người đàn ông mà chị nghĩ là sinh ra là để giành riêng cho chị. Chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm, trong khi hai cô giáo cùng tuổi với chị có chồng hi sinh đã tái giá, đã có con trai; thì chị vẫn một mình lầm lũi đi tìm nắm xương tàn của một người sinh ra là để giành riêng cho chị mãi mãi. “Có lẽ anh ta nghĩ là mình đang đi tìm mộ của cậu em út hay người anh cả. Chiến tranh đã qua khá lâu rồi, những người đi tìm mộ chồng mỗi ngày một thưa thớt. Đơn giản bởi vì họ đã đi lấy chồng hay đã lãng quên. Chỉ có những cô em gái là không bao giờ quên được anh mình. Anh ta có đoán được là mình đang đi tìm anh ấy không? Có lẽ không”. Trong khi hầu hết những người vợ
đã lãng quên những người chồng đã hi sinh bởi chiến tranh đã lùi xa thì đến bây giờ chị vẫn ngơ ngác không quen được cảm giác mất anh. Điều này càng cho thấy vẻ đẹp của lòng thủy chung, son sắt ở những người phụ nữ như Cúc.
Bằng tấm lòng nhân ái bao la, ngòi bút nhà văn còn len lỏi vào đời sống tâm hồn của những con người bé nhỏ, tưởng như đã bị lãng quên ở làng Kẻ Đồng heo hút như chị Chắt Sang và nói hộ họ những khát vọng dồn nén trong tuyệt phẩm Gió heo may. Vốn là một người phụ nữ nông dân bị ràng buộc bởi những thói tục lạc hậu nên khi gặp phải người chồng khốn nạn thì chị cũng phải cắn răng chịu đựng. Khi chồng chết vì bệnh xơ gan do nghiện rượu, chị trở thành một góa phụ trẻ cô đơn. Tưởng rằng tuổi xuân của chị sẽ bị chôn vùi trong cảnh góa bụa nhưng khi cơn gió heo may ùa về nó đã làm sống lại trong chị sợi dây đàn yêu thương trong chị, giúp chị tìm thấy hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.
Với hình tượng người đàn bà, Nguyễn Quang Thân vừa có cái nhìn phê phán sắc sảo, vừa lo lắng, vừa có thái độ trân trọng, nâng niu, thương yêu tha
thiết đối với họ. Ông phê phán họ cũng là cách để lay thức họ tỉnh ngộ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng đánh mất những nhân phẩm tốt đẹp vốn có nơi người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Với việc thể hiện thành công cảm hứng chiêm nghiệm lịch sử, cảm hứng thế sự - đời tư, cảm hứng trào lộng, Nguyễn Quang Thân đã tiến một bước xa trong việc đổi mới cảm hứng sáng tạo của nền văn xuôi thời kỳ đổi mới. Sự đổi mới còn được thể hiện ở sự quan tâm đến thân phận con người cá nhân một cách tỉ mỉ với những vấn đề nhỏ nhặt hằng ngày, những đau khổ, hạnh phúc, những buồn vui; cũng như việc ông ra sức truy tìm căn nguyên những tấn bi kịch của con người để thức tỉnh họ đấu tranh tự cứu lấy mình.
Chương 3