Hình tượng người trí thức

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 62 - 68)

Đề tài về người trí thức là một đề tài nổi bật trong nền văn xuôi Việt Nam sau 1975. Tuy nhiên do mỗi nhà văn có những quan niệm nghệ thuật về con người riêng do đó cách thể hiện về hình tượng người trí thức trong mỗi tác phẩm của từng nhà văn cũng rất khác nhau. Với nhà văn Nguyễn Quang Thân thì đề tài về người trí thức dường như xuyên suốt trong các phẩm của ông từ tiểu thuyết cho đến truyện ngắn.

Trước hết, thế giới trí thức trong văn xuôi Nguyễn Quang Thân là một thế giới sinh động với đủ các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Họ cùng

sống trong một bối cảnh xóa bỏ bao cấp, bước sang nền kinh tế thị trường, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Họ là kỹ sư, là nhà báo, là nhà khảo cổ, là tiến sĩ ngôn ngữ học, phó tiến sĩ hóa học, là nhà địa chất... Họ có những khát vọng và hoài bão khác nhau nhưng đều sống trong một môi trường đầy biến động của đời sống kinh tế thị trường, của thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế.

“Người trí thức sống trong một xã hội mà các giá trị trở nên nhập nhoạng, thậm chí bị đảo lộn bởi sự chuyển đổi cơ chế chưa đi tới cùng đích. Họ bị giằng xé giữa một bên là khát vọng giữ gìn phẩm giá và khát vọng bảo vệ lý tưởng sống cao đẹp của mình, bên kia là nhu cầu về một sự tồn tại được đảm bảo bằng tình thế yên thân và yên phận có đủ cơm ăn hằng ngày” [26]. Ở sự lựa chọn thứ nhất để được là mình, để được đấu tranh cho lý tưởng sống cao đẹp của mình họ phải chịu bầm dập, phải trải qua bao sóng gió mới thực hiện được hoài bão lớn lao của người trí thức. Tiêu biểu cho loại nhân vật này, Nguyễn Quang Thân có Đính trong Người không đi cùng chuyến tàu, Tùy trong Ngôi mộ cổ. Nhân vật Đính trong Người không đi cùng chuyến tàu khi biết công việc trong giai đoạn đầu của nhóm thiết kế đã phạm sai lầm nghiêm trọng, đó là việc họ đã chọn nhầm phương án tối ưu anh đã không thể ngồi yên. Anh đã đề xuất một phương án mới và đưa lên bộ để xem xét lại. Trước khi làm việc này, cô người yêu rất lo cho Đính và nói rằng anh đã cho nổ một quả bom và như thế anh sẽ bị mọi người hiểu nhầm. Nhưng Đính vẫn quả quyết rằng: “Tôi tính những cái đó rồi... nhưng tôi không cần. Khi nhìn ra

chân lý thì có cách gì tốt hơn là nói nó lên... Tôi không chống ai cả, tôi chỉ chống lại những sai lầm và góp phần sửa chữa lại cho nó đúng. Thường vụ duyệt là căn cứ vào những tính toán của chúng ta. Bây giờ liệu ta có đủ gan nói là ta nhầm? Tại sao lại không thể can đảm được như thế? Nếu không người ta cần lũ kỹ sư chúng mình làm gì?”. Nhưng sau khi đã dám nói lên cái

chân lý đó thì anh phải sống trong sự ghẻ lạnh của mọi người: “Họ cho rằng

anh có những suy tính cá nhân. Anh muốn làm mất mặt đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách và anh Thảo vì lòng đố kỵ, ganh ghét, anh phản bội bạn bè, “cá muốn nhảy rào”. Sau đó anh còn mất luôn cả người yêu, rồi phải chuyển đi

nơi khác sống trong nỗi cô độc. Để đấu tranh cho chân lý, để mình được là chính mình họ phải chấp nhận hi sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình, sống trong nỗi cô độc, sự ghét bỏ của những người quanh mình. Cùng với nhân vật Đính còn có Thuần và Hưng trong truyện Đêm trong vườn cây, đó cũng là tiêu biểu cho những người trí thức luôn đấu tranh đến cùng cho lý tưởng của mình. Đó là những con người đã đi khắp nơi, từ viện Nông hóa đến Phủ Thủ tướng để chứng minh rằng chất vi lượng là nguồn của cải cải quý giá của đất đai ven sông Thái Bình. Họ đã dám đương đầu với nghị quyết sai lầm của thường vụ tỉnh ủy, bị lão chủ tịch huyện trù dập nhưng cuối cùng họ đã giữ được thành quả lao động của mình với sự tốt tươi của những vườn vải ở ven sông Thái Bình. Kiểu nhân vật trí thức này cũng đã được Nguyễn Quang Thân thể hiện rất thành công trong tiểu thuyết của ông như Huy, Minh trong

Một thời hoa mẫu đơn, Tuấn trong Ngoài khơi miền đất hứa.

Thế nhưng những nhân vật trí thức dám đương đầu để khẳng định mình xuất hiện trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân không nhiều mà dường như họ đều phải hùa theo thói thường để tồn tại. Chính vì thế phần lớn nhân vật trí thức trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thân đều bị tha hóa, biến chất trước đời sống kinh tế thị trường. Từ đó mà họ luôn phải sống trong những vật vã, những giằng xé nội tâm vì đã tự đánh mất mình. Hảo trong Vũ điệu cái bô đã cho thấy cận cảnh đời sống người trí thức trong cuộc mưu sinh không ít nhọc nhằn thời hậu chiến. Trong câu chuyện “đầy tính dự báo chua chát và kỳ quái này”, Nguyễn Quang Thân đã cho thấy nhiều bất ổn qua chính tình thế “vênh lệch” của Hảo, một Phó tiến sĩ có tài nhưng lại đi làm cái nghề trông trẻ. Là

kỹ sư ở nhà máy giày, Hảo còn trẻ, giàu nhiệt tình tâm huyết, từng dày công nghiên cứu và cho ra đời một loại keo dán giày hảo hạng. Nhưng khi qua được “bát quái trận thủ tục” thì “ khách hàng đã tẩy chay thứ giày bong mũi của nhà máy”, nhà máy phải đóng cửa Hảo lâm vào cảnh thất nghiệp. Hảo không biết làm gì ngoài cái chuyên môn của mình, thế là “hai mươi tờ giấy

bạc trăm nghìn đủ sức mạnh biến Hảo trở thành một người trông trẻ mẫn cán trong ba mươi ngày”. Vì tiền, vì nhu cầu cơm áo hằng ngày người trí thức sẵn

sàng vứt bỏ lòng tự trọng của kẻ sĩ để lao vào cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Sẵn sàng trở thành một bảo mẫu, chăn một thằng bé ba tuổi rưỡi, phục vụ nó “đi bô” để lấy tiền mua cà phê buổi sáng, tiền nuôi con, tiền phục vụ cái xe đạp cà tàng. Không những thế Hảo còn trở thành người đồng lõa cho cái xấu được thực hiện, đó là việc anh giúp chị chủ nhà giải quyết chế độ “hưu” cho người tình già để đến với nhà kinh doanh trẻ “không quốc tịch không hộ

khẩu”, rồi lại giúp chị giải quyết “vật lạ mà nhà kinh doanh trẻ đầu tư vào nội địa trước khi bị trục xuất”. Và cứ như thế tiền lương của anh cứ tăng lên từng

tháng. Vì tiền anh đã đánh mất mình, đánh mất cốt cách vốn có của kẻ sĩ. Anh căm ghét bản thân, phỉ báng sự hèn nhát, tha hóa. Anh chợt bàng hoàng về cuộc sống hiện tại của mình: “Hảo như đui mù. Anh không được chuẩn bị để

sống với người vợ trước đây, để sống trong cảnh ngộ hiện nay. Không chuẩn bị để làm người ở, làm công cho người đàn bà thông minh và tinh quái, có lương tri và dâm đãng thành thần... Tại sao chiếc CBT 125 giá ba mươi triệu ở ngoài sân kia vẫn đè cái bóng cao cả của nó lên những giấc mơ nghèo khổ của anh? Tại sao cái thế giới êm dịu và lung linh những ước mơ của mẹ và của cả gia đình anh nữa lại biến mất dễ dàng đến thế?”. Bi kịch về nợ áo cơm của

người trí thức thời hậu chiến quả là đau đớn, khi các giá trị xã hội đang nhập nhoạng bởi sự chuyển đổi cơ chế chưa đi tới cùng thì bi kịch đó hãy còn dai dẳng. Ở đó mọi giá trị xã hội đang bị đảo lộn, chưa đặt đúng vị trí của nó. Kẻ

bất tài, trí thức “dởm”, đầu óc rỗng tuếch, tha hóa thì trở thành người nắm quyền lực, còn nhà khoa học chân chính thì ngược lại. Cho nên khi những nhà khoa học chân chính muốn chứng minh thành quả lao động thực sự của mình thì lập tức sẽ bị xuyên tạc đi hoặc là không qua nổi “bát quái trận thủ tục” rồi sẽ bị xếp xó. Thực trạng xã hội này còn được Nguyễn Quang Thân chứng minh rõ trong qua những nhân vật trong tiểu thuyết của ông như Huy, Minh trong Một thời hoa mẫu đơn, Tuấn trong Ngoài khơi miền đất hứa. Vấn đề này với Vũ điệu cái bô nó nhức nhối hơn, bởi sau khi người trí thức bị trù dập thì họ không còn biết làm gì để nuôi sống bản thân phải đi làm cả những công việc tầm thường nhất và dần dần bị tha hóa lúc nào không hay.

Cũng là bi kịch về nợ áo cơm, tiến sĩ ngôn ngữ Đán trong Thuế giường luôn phải sống trong một không khí gia đình ngột ngạt khi không đáp ứng đủ cuộc sống vật chất cho người vợ thực dụng. Cuối cùng để giải quyết nhu cầu áo cơm hằng ngày ông phải chịu đựng một cuộc sống nhục nhã nhất đối với một người đàn ông mà người đàn ông đó lại là một trí thức; đó là chấp nhận cuộc sống là một thứ “thuế giường”.

Ngược lại với những người trí thức chân chính, đó là những tay trí thức cơ hội, vụ lợi luôn tìm cách hãm hại những người trí thức chân chính để tước đoạt thành quả lao động của họ. Đó là Tùy trong Ngôi mộ cổ, là Thảo trong

Người không đi cùng chuyến tàu. Loại trí thức này rất lọc lõi trong cuộc sống,

rất biết xun xoe, nịnh bợ cấp trên để tiến thân. Chỉ cần qua cung cách giao tiếp thường ngày đã bộc lộ Thảo là một kẻ xu thời, luôn nói không thật lòng những điều mình nghĩ ra: “Anh ấy thường vẫn nói không đúng điều mình nghĩ

trong một số chuyện. Các chi tiết thường được thay đổi ra sao cho có lợi hay phù hợp với anh”. Khi nghe Đính đề xuất làm lại dự án vì dự án trước đó đã

chọn nhầm phương án tối ưu thì chính Thảo là người là người công kích anh, ra sức trù dập anh vì nó liên quan đến quyền lợi của Thảo. Nhưng khi bản đề

án của Đính được Bộ thông qua, Thảo liền chớp lấy cơ hội để kịp vẽ xong cho mình một bức chân dung hoàn chỉnh về người kỹ sư có tài và uy tín trên thành quả lao động của người khác: “Anh say mê lao vào thực hiện những ý nghĩ,

phương án của người vừa đánh bại mình với sự hào hứng tột bực. Quả anh là người của hành động, là người thực hiện hoàn hảo các ý nghĩ đã được công nhận, là người chạy đua tuyệt vời trên con đường đã có sẵn”. Nhờ những phát

hiện của Đính mà công trình đã hoàn thành một cách hoàn hảo nhưng Thảo đã nhanh chóng giật lấy danh hiệu người hùng rồi tiến dần trên từng nấc thang danh vọng trong khi Đính ra đi trong sự lãng quên của mọi người. Sau những thành công trên con đường công danh Thảo rút ra triết lý: “Cậu nên nhớ rằng,

đời con người thường có những bước ngoặt mà chính anh ta cũng không nhận ra. Anh khéo xử thì ăn to, nếu không lại như sên bò cột mỡ, lại lăn xuống chỗ ban đầu. Vài lần như thế là hết đời! Có phải thế không? Như bản thân mình,

cái ngày sóng gió ở H, là bước ngoặt may mà đã không rơi xuống chân cột.”.

Thảo đúng là điển hình cho loại trí thức cơ hội, xu thời, vụ lợi, rất khéo léo luồn lách trên con đường tiến thân. Đây chính là một trong những thế lực cản trở con đường cống hiến, cản trở những khát vọng của đội ngũ trí thức chân chính, đẩy họ vào cuộc sống bi kịch. Cùng loại trí thức như Thảo còn có Tùy trong Ngôi mộ cổ. Tùy thuộc loại người lắm tham vọng, không bao giờ bằng lòng với hiện tại, luôn muốn vươn tới sự giàu sàng. Y trở thành nhà khảo cổ có lẽ là muốn đạt được cái ước mơ giàu sang đó bởi khi đi làm khảo cổ y đã học nghề ảo thuật. Y nghĩ rằng những trò ảo thuật sẽ biến những thứ khai quật được thành của riêng y và đó sẽ là những món đồ cổ đáng giá giúp y đổi đời. Trước những dục vọng thấp hèn của Tùy đã làm cho Ái vô cùng chua xót:

“Tự nhiên Ái thấy bớt giận, bớt căm thù, niềm căm thù âm ỉ cháy trong anh từ hơn một năm nay cũng như dịu đi. Anh sung sướng, cay đắng, giống như vừa đưa tay vào lửa cứu đứa con của mình ra. Đứa con sẽ được cứu thoát, cả cánh

tay và da thịt anh đang nhức nhối, hơn thế nữa một cảm giác chua chát trước những dục vọng thấp hèn của con người”. Đây cũng chính là nỗi đau đớn, xót

xa của tác giả trước sự tha hóa biến chất của những con người trí thức trong hiện thực thời hậu chiến lúc bấy giờ.

Qua việc thể hiện nhân cách người trí thức, Nguyễn Quang Thân đã thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới về con người, trong con người luôn tồn tại cả mặt cao cả lẫn tầm thường, cả cái tốt lẫn cái xấu, con người cần có bản lĩnh để giữ gìn phẩm giá của mình trước những cám dỗ, những thách thức của cuộc sống. Đặc biệt là trong hiện thực bộn bề, phức tạp của thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế con người đặc biệt là người trí thức cần bản lĩnh hơn nữa để đương đầu và chống chọi với cái xấu, cái ác.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn nguyễn quang thân sau 1975 (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w