Về các sản phẩm bảo hiểm

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tài chính công nhằm mục tiêu giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc (Trang 116 - 117)

Hệ thống bảo hiểm của Việt Nam đã tăng trưởng vững mạnh trong thời gian qua, tính đến cuối năm 2006 đã có 37 Công ty bảo hiểm thuộc mọi loại hình pháp nhân và qui mô khác nhau hoạt động trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm với nhiều sản phẩm bảo hiểm, tuy nhiên các sản phẩm bảo hiểm có quan hệ gần hơn với bảo trợ xã hội còn rất ít ỏi. Các Công ty bảo hiểm hoạt động vì lợi nhuận hiếm khi cung cấp những sản phẩm hấp dẫn đối với người nghèo, nguyên nhân chủ yếu của sự thất bại thị trường trong các thị trường Bảo Hiểm, liên quan đến thông tin không cân xứng giữa người có hợp đồng Bảo Hiểm và người quản lý Bảo Hiểm, lại càng trở nên trầm trọng hơn trong trường hợp của những người nghèo, chi phí hành chính cao dẫn đến những khoản phí lớn mà các hộ nghèo không có khả năng chi trả. Các khoản phí Bảo Hiểm dù sao cũng cao hơn so với mức phí dành cho những người dân bình thường khác, vì người nghèo có tuổi thọ ngắn hơn, tỉ lệ thương tật cao hơn và khả năng bị thương tật cao hơn. Hơn nữa tính phức tạp tương đối của phí Bảo Hiểm, của chế độ chi trả và tính toán dự phòng thường là khó hiểu đối với cá nhân và hộ gia đình có trình độ hiểu biết về tài chính hạn chế, do đó các sản phẩm bảo hiểm hầu như chỉ đến được với cá nhân và hộ gia đình có thu nhập tương đối cao.

Vấn đề đặt ra là để người nghèo được bình đẳng trong việc được chăm sóc, bảo vệ trước rủi ro, bệnh tật, tuổi già thì Nhà nước phải có chính sách gì để sử dụng công cụ Bảo Hiểm hỗ trợ cho người nghèo có hiệu quả nhất trong điều kiện thực tế là khả năng ngân sách và khả năng tài chính hạn hẹp. Bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp đã được đưa vào trong luật BHXH được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 (đã được thực hiện vào năm 2009 và 2010), bất cứ việc mở rộng diện bao phủ nào theo hướng phổ cập hoá cũng có xu hướng có lợi cho người nghèo, có thu nhập thấp, song cần có sự trợ cấp của Chính phủ để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người nghèo và cận nghèo trong hệ thống bảo trợ xã hội

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tài chính công nhằm mục tiêu giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc (Trang 116 - 117)