Tín dụng nhà nước

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tài chính công nhằm mục tiêu giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc (Trang 28 - 31)

Thuật ngữ "tín dụng" xuất phát từ chữ La tinh: Creditium có nghĩa là sự tin tưởng, tín nhiệm. Trong tiếng Anh được gọi là "credit", tiếng Nga được gọi là "kpegum", theo ngôn ngữ dân gian ở Việt Nam, tín dụng có nghĩa là sự vay mượn. Tín dụng đã xuất hiện cùng với sự phân công lao động xã hội, sản xuất và trao đổi hàng hóa. Trong quá trình trao đổi hàng hóa đã hình thành sự nợ nần lẫn nhau, những quan hệ vay mượn để thanh toán. Như vậy tín dụng là quan hệ kinh tế giữa người cho vay và người đi vay, là sự vận động của quy luật giá trị. Tín dụng nhà nước là hoạt động vay - trả giữa Nhà nước với các tác nhân hoạt động

trong nền kinh tế, phục vụ cho mục đích quản lý vĩ mô của nhà nước. Tín dụng nhà nước ra đời và phát triển là xuất phát từ các lý do sau đây:

- Thứ nhất: Bên cạnh những ưu điểm, kinh tế thị trường không phải là một

mô hình kinh tế hoàn hảo mà còn chứa đựng những khuyết tật thuộc bản chất vốn có của nó như không chú ý đến lợi ích chung của toàn xã hội, phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, gây mất ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và dẫn đến việc hình thành cơ cấu kinh tế tự phát, sự phát triển mất cân đối, bất ổn định của một quốc gia... cuộc khủng hoảng toàn diện của kinh tế thế giới tư bản thời kỳ 1929-1933 là một minh chứng thực tế chỉ ra rằng cơ chế thị trường bản thân nó không thể đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững. Chính vì lý do này mà mô hình kinh tế hỗn hợp đang ngày càng chiếm ưu thế, ở đó vai trò điều tiết của Nhà nước ngày càng được khẳng định. Thực hiện vai trò điều tiết kinh tế, Nhà nước thường sử dụng các công cụ tài chính vốn có như: thuế, phí, chi NSNN... ngoài ra Nhà nước còn sử dụng công cụ tín dụng và coi đó là một trong những biện pháp điều tiết vĩ mô hữu hiệu của nhà nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định của quá trình phát triển kinh tế nhà nước.

- Thứ hai: Do quy mô chi NSNN ngày càng mở rộng và tăng lên, nhưng thu

NSNN luôn bị hạn chế bởi những giới hạn nhất định như tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, các định chế pháp lý... điều đó thường dẫn đến sự thiếu hụt nguồn vốn từ NSNN. Thiếu vốn cho đầu tư không những làm cho nhà nước thiếu hậu thuẫn về ngân sách để điều chỉnh kinh tế vĩ mô mà còn làm cho việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phải dựa chủ yếu vào NSNN sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào NSNN hàng năm mặc dù có xu hướng tăng lên thì nguồn vốn đầu tư vẫn rất thiếu. Do đó việc phát huy tốt hơn vai trò của tín dụng nhà nước để mở rộng kênh nguồn vốn NSNN thông qua huy động vốn là một tất yếu khách quan để tăng cường chức năng điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

- Thứ ba: Một đặc điểm phổ biến và nổi bật trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới hiện nay là hướng ra bên ngoài, hội nhập cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới bằng việc đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương và các hoạt động đối ngoại khác. Hơn nữa, xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa các luồng vốn là một tất yếu trong thế kỷ XXI. Chính sự phát triển của kinh tế thế giới và sự mở rộng các hoạt động đối ngoại cũng như xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa các luồng vốn là cơ sở phát sinh các mối quan hệ tín dụng của nhà nước giữa các quốc gia với nhau.

Từ những lý do trên đây có thể kết luận rằng, tín dụng nhà nước là một đòi hỏi tất yếu khách quan của Nhà nước. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã phát triển, các chủ thể kinh tế - tài chính khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước thì vai trò của hoạt động tín dụng nhà nước sẽ giảm dần, việc ưu đãi trong hoạt động tín dụng nhà nước không được ưa chuộng nữa vì nó tiềm ẩn sự bất bình đẳng và có thể bóp méo hoạt động của thị trường tài chính lành mạnh.

Bản chất của tín dụng nhà nước: Tín dụng nhà nước ra đời, thoạt tiên để bù

đắp thiếu hụt NSNN cho các khoản tiêu dùng thường xuyên và không tham gia vào chu trình tái sản xuất của nền kinh tế. Qua quá trình phát triển, chức năng bù đắp thiếu hụt NSNN của tín dụng nhà nước được sử dụng tích cực hơn nhằm bù đắp những khoản chi cho đầu tư phát triển nền kinh tế, tăng thêm nguồn lực tài chính cho nhà nước để thực thi các chính sách quản lý vĩ mô nền kinh tế.

Tín dụng nhà nước là một dạng của tín dụng nói chung. Chức năng cơ bản của tín dụng nhà nước là bù đắp thiếu hụt ngân sách và phân phối lại các nguồn vốn để thỏa mãn nhu cầu đầu tư của các chủ thể theo kế hoạch, định hướng của nhà nước. Tuy nhiên, tín dụng nhà nước lại là một hình thức tín dụng đặc biệt vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội và chính trị. Sự kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế, chính trị và xã hội là đặc trưng của tín dụng nhà nước và là mục tiêu hoạt động, tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả hoạt động của công tác quản lý tín dụng nhà nước.

Lợi ích kinh tế thể hiện trực tiếp trên lợi tức tiền vay, thể hiện gián tiếp qua việc thụ hưởng các tiện nghi công cộng, có thêm việc làm do đầu tư của Nhà nước mang lại. Đối với vay nợ nước ngoài, lợi ích kinh tế không chỉ thể hiện trên lợi tức tiền vay mà còn mang lại cho nước chủ nợ nhiều lợi ích khác về thuế quan, về xuất nhập khẩu hàng hóa...Lợi ích chính trị, xã hội của tín dụng nhà nước thể hiện ở lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ, ở trách nhiệm và mối quan tâm của Chính phủ đối với dân chúng chẳng hạn như cho vay đầu tư, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Trong quan hệ đối ngoại, lợi ích chính trị thể hiện qua mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa nước chủ nợ và nước con nợ.Với đặc tính kinh tế và xã hội trên đây, tín dụng nhà nước thường có các đặc điểm sau:

- Nguồn vốn để cho vay là vốn của NSNN được cân đối để cho vay đầu tư hoặc nguồn vốn huy động theo kế hoạch của nhà nước để phục vụ đầu tư phát triển theo chủ trương của Nhà nước.

- Tổ chức tín dụng làm nhiệm vụ quản lý, huy động và cho vay là hệ thống những đơn vị, cơ quan chuyên môn của nhà nước, được thành lập theo quyết định của Chính phủ.

- Đối tượng của tín dụng nhà nước là những tổ chức, cá nhân, các dự án đầu tư theo các chương trình, mục tiêu, định hướng theo chủ trương của nhà nước nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

- Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

- Về lãi suất huy động thường thấp nhất trên thị trường vốn vì nó có độ an toàn cao nhất còn lãi suất cho vay là lãi suất ưu đãi, do nhà nước điều tiết phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, điều kiện cụ thể của đất nước và chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ.

Như vậy tín dụng nhà nước vừa có nội dung kinh tế vừa có nội dung xã hội và chính trị đồng thời là công cụ tài chính hữu hiệu của nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tài chính công nhằm mục tiêu giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc (Trang 28 - 31)