Sau chiến tranh thế giới II, đất nước Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, các thành phố đều bị tiêu huỷ, hầu hết người lao động đều thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế lâm vào tình trạng gần như tuyệt vọng. Chính phủ Nhật Bản cho rằng để phát triển nền kinh tế của một quốc gia thì cần phải có 3 điều kiện là: con người, vật tư và tiền vốn. Nhưng Nhật Bản chỉ có duy nhất 1 điều kiện là con người; thiếu điều kiện về vật tư và tiền vốn do không có tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng cơ sở gần như con số 0, tiền tiết kiệm của nhân dân bị mất do lạm phát cao, tình hình ngoại tệ cực xấu do không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào. Về điều kiện con người, Nhật Bản có lực lượng lao động đông đảo. Dân số xấp xỉ 80 triệu người, trong đó có khoảng 40 triệu người lao động cần cù, nhẫn nại. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản chủ trương từ điều kiện duy nhất là con người, cần phải tạo ra tiền vốn, rồi lấy tiền vốn để mua vật tư và phát triển nền kinh tế đất nước.Từ năm 1945 đến năm 1949, Chính phủ Nhật Bản vận hành nền kinh tế theo hướng tập trung kế hoạch hóa. Từ năm 1949 trở lại đây, Nhật Bản thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường nhưng Chính phủ giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Vai trò chủ đạo của Chính phủ được thể hiện ở một số điểm sau:
- Thiết lập các chính sách kinh tế đi đôi với việc ban hành các đạo luật và duy trì sự tin cậy của trong và ngoài nước đối với Chính phủ và hệ thống tài chính quốc gia thông qua việc áp dụng các biện pháp tích cực nhằm giảm tỷ lệ lạm phát, ổn định giá trị đồng Yên, từng bước mở cửa nền kinh tế.
- Xây dựng môi trường hoạt động kinh tế tư nhân trong đó có lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng. Toàn bộ các Ngân hàng thương mại là Ngân hàng tư nhân và Ngân hàng cổ phần, không tổ chức Ngân hàng thương mại Nhà nước. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực chống lạm phát, Chính phủ Nhật Bản tiến hành cân bằng cán cân mậu dịch quốc tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển các ngành điện, nước, giáo dục…và Chính phủ Nhật Bản thực hiện phương châm: Những gì doanh nghiệp làm được thì Chính phủ không làm.
- Kêu gọi kinh tế tư nhân và hướng họ đầu tư vào những lĩnh vực có lợi cho đất nước. Chính phủ Nhật Bản thực hiện “Chính sách công nghiệp” thông qua việc thiết lập các lĩnh vực trọng điểm là một số ngành nghề được ưu tiên về tài chính, tín dụng, thuế
Xuất phát từ tình hình nền kinh tế đất nước do bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế chậm phát triển ở một số ngành nghề và một số vùng khó khăn; nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản chủ trương hỗ trợ tài chính (bao cấp) đối với một số ngành, nghề cho lợi ích công cộng của quốc gia mà kinh tế tư nhân không thể đầu tư do nguồn vốn lớn, thời hạn dài, không có khả năng sinh lời. Để thực hiện được vai trò của Chính phủ trong việc điều tiết nguồn tài chính cho các lĩnh vực đầu tư dài hạn, Chính phủ Nhật Bản xác định: nhất thiết phải thiết lập một loại hình “Ngân hàng chính sách” để thông qua đó hỗ trợ tài chính với chính sách ưu đãi (trong đó có ưu đãi lãi suất) đối với một số ngành nghề và Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành thành lập các tổ chức tài chính thuộc Chính phủ, cụ thể là:
+ Cơ quan tài chính hỗ trợ nhà ở (Government Housing Loan Corporation): thành lập năm 1950 nhằm làm giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở sau chiến tranh.
+ Cơ quan tài chính doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản (Japan Finance Corporation for Small Business): thành lập năm 1953 để cung cấp các khoản vay dài hạn cho các doanh nghiệp nhỏ mà có vốn thấp hơn 100 triệu Yên hay sử dụng dưới 300 nhân viên.
+ Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (Development Bank of Japan): thành lập năm 2000 trên cơ sở sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Công ty công ích Tài chính phát triển Hokkaido-Tohoku, để cung cấp vốn đầu tư dài hạn cho công nghiệp, đặc biệt là cho vay cả các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm được đánh giá là cần thiết cho tương lai nước Nhật Bản.
+ Cơ quan tài chính hỗ trợ dân sinh (National life Finance Corporation): được thành lập năm 2000 trên cơ sở sáp nhập Công ty Tài chính nhân dân (1949) và Công ty Tài chính Kinh doanh Vệ sinh sinh hoạt (1967), thực hiện cho vay các doanh nghiệp “siêu nhỏ” và cho vay giáo dục để hỗ trợ cho phụ huynh của học sinh phổ thông và sinh viên đại học.
+ Cơ quan tài chính Nông, Lâm, Ngư nghiệp (Agriculture, Forestry and Fisheries Finance Corporation of Japan): được thành lập vào năm 1953 để cung
cấp các khoản vay dài hạn cho những người vay tham gia vào các hoạt động nông, lâm và ngư nghiệp.
+ Cơ quan tài chính Doanh nghiệp Đô thị Nhật Bản (Japan Finance Corporation for Municipal Enterprises): được thành lập vào năm 1957 để cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp đô thị để thúc đẩy các cải thiện trong việc cung cấp nước, hệ thống cống rãnh, bệnh viện…
+ Cơ quan tài chính phát triển Okinawa (Okinawa Development Finance Corporation): được thành lập năm 1972 để cung cấp các khoản vay hỗ trợ công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, nhà ở, nông nghiệp và ngư nghiệp, vệ sinh sinh hoạt, y tế… tại Okinawa.
+ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Japan Bank for International Cooperation): trước đây là Ngân hàng Xuất nhập khẩu, được thành lập từ năm 1950, để cung cấp vốn dài hạn tài trợ cho các hoạt động xuất khẩu nhằm thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu. Năm 1972, Ngân hàng này bắt đầu tài trợ các dự án được thiết kế để thúc đẩy nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nhật Bản với nỗ lực nhằm giảm nhẹ áp lực quốc tế gia tăng trên sự mất cân bằng cán cân thương mại.
+ 2 công ty (Quasi-Government corporation) là: Công ty công ích phát triển đô thị và Công ty công ích dịch vụ phúc lợi hưu trí.
Đây là các tổ chức tài chính thuộc Chính phủ được thiết lập để hỗ trợ tài chính cho những ngành nghề, cho những vùng cần phải đầu tư dài hạn, vốn lớn, rủi ro cao, khả năng sinh lời thấp mà kinh tế tư nhân không đầu tư được hoặc không muốn đầu tư.
- Chính phủ thiết lập Tài khoản đặc biệt được hình thành từ 3 nguồn là: (i) nguồn thu thuế của Ngân sách Nhà nước; (ii) nguồn huy động tiết kiệm của hệ thống Tiết kiệm bưu điện; (iii) nguồn từ Quỹ bảo hiểm lương hưu.
- Các tổ chức tài chính thuộc loại hình Ngân hàng chính sách của Chính phủ không tổ chức trực tiếp huy động vốn trên thị trường. Nguồn vốn hoạt động của các tổ chức này được lấy từ Tài khoản đặc biệt của Chính phủ hình thành từ 3 nguồn như đã nêu ở trên dưới hình thức vay vốn của Chính phủ để cho vay theo các chương trình chỉ định của Chính phủ. Lãi suất cho vay của Chính phủ và lãi suất cho vay do Bộ Tài chính ban hành từng thời kỳ nhưng đều thấp hơn lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại và mức lãi suất cao nhất bằng lãi suất cho
vay ưu đãi áp dụng đối với doanh nghiệp đặc biệt của các Ngân hàng thương mại lớn. Trường hợp bị thua lỗ thì Chính phủ bù lỗ cho các tổ chức này.
- Về điều kiện cho vay: Các điều kiện cho vay được ưu đãi và cũng khác với các điều kiện của Ngân hàng thương mại, phù hợp với các khách hàng vay vốn không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của các Ngân hàng thương mại.
Sau nhiều năm hoạt động (có tổ chức tài chính hoạt động được hơn 50 năm), đến nay, khi mà nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển cao thì các tổ chức tài chính của Chính phủ vẫn khẳng định được vai trò quan trọng và sự cần thiết phải tồn tại của loại hình “Ngân hàng chính sách” trong nền kinh tế Nhật Bản, đồng thời khẳng định vai trò điều tiết của Nhà nước trong việc phát triển nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản chủ trương “cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không
làm”. Do vậy, có thể nói, ở Nhật Bản, những lĩnh vực nào tư nhân đã làm được
thì Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện để họ thực hiện; còn những lĩnh vực nào mà tư nhân không làm được như: xây dựng cơ sở hạ tầng… thì Chính phủ mới tham gia đầu tư.
Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện khống chế lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng lãi suất “trần” và áp dụng chính sách cho vay với lãi suất thấp nhằm khuyến khích và hỗ trợ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực cần khuyến khích đầu tư. Kết quả, vốn đã đến được gần hết những nơi cần đến. Còn đối với những nơi cần vốn nhưng vốn không đến được, cụ thể là những doanh nghiệp/công ty không thể tiếp cận được với vốn vay từ các ngân hàng thương mại (đều là của tư nhân) thì Chính phủ thông qua các “Ngân hàng chính sách” của Chính phủ như: Ngân hàng phát triển Nhật Bản, cơ quan tài chính tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan tài chính hỗ trợ dân sinh (NLFC)… để thực hiện cho vay đầu tư tài chính cho các chương trình kinh tế trọng điểm của Chính phủ như: đầu tư vào lĩnh vực hỗ trợ dân sinh về nhà ở, vệ sinh, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… theo lãi suất được Nhà nước quy định. Nguồn vốn chủ yếu là từ nguồn Tiết kiệm Bưu điện và Quỹ Bảo hiểm lương hưu. Chính phủ sử dụng ngân sách quốc gia để đầu tư vào các dự án công như xây dựng cơ sở hạ tầng…
Ngoài ra, ở Nhật Bản còn có Cơ quan tài chính hỗ trợ dân sinh Nhật Bản (NLFC) - một loại hình “ngân hàng chính sách” của Nhật bản. Cơ quan tài chính hỗ trợ dân sinh là một tổ chức tài chính của Chính phủ được thành lập từ năm 1949 nhằm thực hiện chính sách quốc gia về hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp cực nhỏ (chỉ có tối đa 3 nhân viên) và các doanh nghiệp mới khởi lập, các doanh nghiệp không có đủ điều kiện vay
vốn của các Ngân hàng thương mại. Hoạt động của NLFC theo Luật tài chính hỗ trợ dân sinh, dưới sự chỉ đạo và giám sát của Chính phủ; tuy nhiên NLFC hoạt động độc lập trong công tác nghiệp vụ thực tế. Bộ chủ quản là Bộ Tài chính, Bộ Y tế và phúc lợi, Bộ Giao thông và đất đai.
NLFC không có hoạt động huy động vốn, không được phép huy động tiền gửi tiết kiệm của dân chúng, huy động tiền gửi của các tổ chức và cá nhân. Do đó, hầu hết toàn bộ nguồn vốn của NLFC được Chính phủ cấp hoặc cho vay với lãi suất thấp từ nguồn Ngân sách đặc biệt (nguồn vốn Ngân sách, Tiết kiệm Bưu điện, Quỹ hưu trí) chiếm 90% và 10% còn lại là dưới dạng trái phiếu đầu tư tài chính (quốc trái) hoặc phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ.
- Đối tượng vay vốn của NLFC: là các doanh nghiệp nhỏ, cực nhỏ. (ở Nhật Bản, doanh nghiệp vừa và nhỏ được coi là “bảo vật quốc gia” vì chính các doanh nghiệp này đã tạo nên sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế Nhật Bản). Tại Nhật Bản, các Ngân hàng thương mại thường không muốn cho vay các doanh nghiệp cực nhỏ, doanh nghiệp mới khởi lập dù có tài sản thế chấp, do đó Chính phủ giao cho NLFC đầu tư cho vay với sự phối kết hợp với Phòng Công thương tại địa phương. Vì vậy, khách hàng vay vốn của NLFC để kinh doanh có 30% là những doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ không thể vay được từ Ngân hàng thương mại, 70% số khách hàng còn lại vay từ Ngân hàng thương mại nhưng không đáp ứng đủ vốn, phần thiếu phải vay NLFC.
+ Cho vay đặc biệt: là loại hình cho vay được thiết kế nhằm thực hiện chính
sách kinh tế tiền tệ đặc thù đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ. Đối với loại hình này có ưu đãi đặc biệt hơn về mức cho vay, thời hạn vay và lãi suất. Cho vay đặc biệt được áp dụng đối với doanh nghiệp mới khởi lập, có ưu tiên đối với chủ doanh nghiệp là nữ hoặc là người cao tuổi; doanh nghiệp đầu tư thiết bị để tham gia vào lĩnh vực mới, xúc tiến tin học hóa, tạo công ăn việc làm mới; doanh nghiệp tiến hành sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, phòng ngừa ô nhiễm, tái sinh tài nguyên; doanh nghiệp có khách hàng hoặc ngân hàng giao dịch bị phá sản; doang nghiệp bị thiệt hại do thiên tai.
+ Cho vay vệ sinh sinh hoạt: là loại hình cho vay đối với các doanh nghiệp vệ sinh, sinh hoạt như: quán ăn, của hàng bán thực phẩm, tiệm cắt uốn tóc, nhà nghỉ trọ, tiệm giặt là… nhằm mục đích đáp ứng và nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh của các doanh nghiệp này.
+ Cho vay giáo dục: NLFC cho vay hỗ trợ giáo dục từ hơn 20 năm qua. Về cho vay giáo dục có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Tuy nhiên, NLFC cho vay đối tượng này thông qua cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh, sinh viên đang học tại các trường trung học phổ thông, đại học vay vốn phục vụ cho học tập...Đặc biệt tại Nhật Bản có Quỹ Bảo lãnh cho vay giáo dục đã tạo điều kiện cho công tác cho vay cũng như công tác quản lý nợ vay hỗ trợ giáo dục của NLFC đạt kết quả tốt.
+ Cho vay bảo đảm bằng lương hưu: là loại hình cho người đang nhận lương hưu được bảo đảm bằng lương hưu để vay tiền phục vụ cho sinh hoạt…
- Lãi suất cho vay: NLFC cho vay khách hàng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại.