Vai trò của chi NSNN đối với mục tiêu giảm nghèo

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tài chính công nhằm mục tiêu giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc (Trang 31 - 33)

Chi NSNN là công cụ tài chính có ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô như sản lượng, việc làm và sự ổn định của nền kinh tế. Thông qua quyết định chi NSNN và cơ cấu chi NSNN ảnh hưởng trực tiếp đến phân bổ các nguồn lực tài chính của xã hội cho đầu tư và chi tiêu công cộng theo những mục tiêu kinh tế- xã hội cụ thể mà Nhà nước theo đuổi. Chi NSNN có tác động rất lớn đến giảm nghèo thông qua việc tăng hay giảm chi NSNN, thông qua cách thức sử dụng chi NSNN sẽ có tác động đến giảm nghèo.

Chi NSNN có tác động trực tiếp đến hoạt động giảm nghèo. Nhà nước là người đầu tư vốn mà sản phẩm của nó phục vụ lợi ích công cộng và lợi ích lâu dài của cả đất nước. Chi NSNN là công cụ của Nhà nước để cùng với thị trường tác động tích cực vào nền kinh tế để tạo ra động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, hạn chế tối đa các tiêu cực để mọi tổ chức, cá nhân cùng hưởng lợi. Chi NSNN ưu tiên lựa chọn mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đào tạo nhân lực, phát triển nội lực, thu hút, huy động và chuyển hoá ngoại lực thành nội lực nhanh nhằm phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Trước đây nhiều nhà kinh tế học chủ trương xây dựng một ngân sách tối thiểu và công bằng, có quy mô thu chi vừa đủ để duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng,

bảo đảm thực hiện các chức năng của Nhà nước công quyền, bảo vệ an ninh quốc phòng, an toàn xã hội. Điều đó có nghĩa là NSNN chỉ giới hạn nằm ở khâu sau phân phối lại của NSNN. Hiện nay, quan điểm được nhiều quốc gia áp dụng là, NSNN không chỉ phân phối lại kết quả sản xuất kinh doanh mà trước khi phân phối lại thì NSNN đó tham gia phân phối các yếu tố đầu vào của quá trình kinh tế (đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại...). Với đặc điểm này, NSNN chủ động thúc đẩy phát triển sản xuất và đảm bảo XĐGN. Cụ thể về vai trò của chi NSNN đối với XĐGN như sau:

- Chi NSNN là khoản chi quan trọng góp phần đảm bảo được nhu cầu vật chất để duy trì cuộc sống cho những người nghèo. Nếu không có những khoản chi này thì cùng với những khuyết tật của kinh tế thị trường, tình trạng đói nghèo sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

- Chi NSNN tạo điều kiện thu hút và huy động thêm sự đóng góp của nhân dân, của các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế trong việc xây dựng, sửa chữa và cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xã hội, cũng như xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho nhân dân "an cư, lập nghiệp".

- Góp phần thực hiện công bằng xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư trong xã hội, đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, địa phương.

- Chi NSNN cũng đóng vai trò gián tiếp trong việc phát triển kinh tế xã hội, giảm được nạn nghèo cho dân thì xã hội sẽ ổn định từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, người nghèo thường sử dụng các dịch vụ cấp thấp hơn trong tất cả các lĩnh vực đặc biệt là giáo dục và y tế, cho nên chi NSNN có ý nghĩa trong việc Nhà nước giúp người nghèo được hưởng lợi nhiều hơn bằng cách tăng chi tiêu công để giúp người nghèo có cơ hội được tiếp cận và sử dụng những dịch vụ đó.

- Sự can thiệp của NSNN thông qua chi ngân sách cho các nhóm dân cư nghèo là điều cần thiết để họ chống chọi với rủi ro tốt hơn vì người nghèo thường dễ gặp phải các rủi ro dưới nhiều hình thức khác nhau như mất mùa hoặc tài sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...

- NSNN được sử dụng như một công cụ điều tiết vĩ mô trong lĩnh vực thu nhập đối với các thành viên xã hội nhằm thực hiện công bằng xã hội về thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống của các tầng lớp dân cư nhất là những người nghèo.

Các khoản chi mục tiêu phúc lợi xã hội, mục tiêu trợ cấp cho người nghèo được bố trí theo chiều hướng tăng lên sẽ góp phần quan trọng để giảm nghèo.

Tóm lại, cơ chế tác động của công cụ này là thông qua cơ cấu phân bổ ngân sách để điều chỉnh cơ cấu đầu tư của Nhà nước, dùng đầu tư của Nhà nước như là một lực lượng tạo lập CCKT theo định hướng. Một mặt, tập trung đầu tư trực tiếp vào các ngành kinh tế có khả năng tạo ra những chuyển biến có tính chiến lược trong CCKT, mặt khác đầu tư gián tiếp nhằm tạo những tiền đề hổ trợ quá trình này như: kết cấu hạ tầng giao thông; chuyển giao công nghệ; giáo dục - đào tạo; công tác khuyến nông; giống cây trồng, vật nuôi...

Ngoài ra, kết hợp giữa cơ cấu phân bổ ngân sách với chức năng giám đốc quá trình sử dụng ngân sách, đầu tư ngân sách còn có tác động định hướng quá trình chuyển dịch CCKT theo quy hoạch, kế hoạch. Đầu tư ngân sách là một công cụ mạnh do ở tính chất điều khiển cao, do ở khả năng điều chỉnh linh hoạt và quan trọng nhất do khả năng tạo nên những chuyển biến chiến lược nhờ ở nguồn lực tài chính to lớn của ngân sách nhà nước so với các chủ thể khác.

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ tài chính công nhằm mục tiêu giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc (Trang 31 - 33)