Qua kinh nghiệm của một số nước trong việc sử dụng các chính sách, công cụ tài chính công của Nhà nước nhằm mục tiêu giảm nghèo đói ở một số quốc gia nói trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để sử dụng có hiệu quả công cụ tài chính công nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo.
1.3.4.1. Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội cho nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Do hầu hết người nghèo ở Việt Nam tập trung ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, nguồn sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp cho nên phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ nâng cao được đời sống nhân dân , giảm tỷ lệ nghèo đói.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng là một trong những kinh nghiệm quan trọng mà hầu hết các nước đã áp dụng nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đây là kinh nghiệm không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ mà ngay cả những nước trong khu vục Đông Nam Á như Thái Lan, đã áp dụng và mang lại thành công nhất định.Vì thế, một trong những bài học rút ra từ kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa thiết thực và cơ bản, vừa mang tính thời sự cấp bách đối với Việt Nam hiện nay là phải đẩy mạnh và đi trước một bước trong việc phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-kỹ thuật cùng kinh tế xã hội cho nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiên thuận lợi cho phân bổ không gian kinh tế và thu hút nhà đầu tư. Cần xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi tốt cho hoạt động nông nghiệp, thực hiện thuỷ lợi hoá đa mục tiêu, hoàn thiện công tác dự báo thiên tai. Chính sách phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá thuỷ lợi cần tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại, vật liệu mới, trang thiết bị xây dựng…
Xây dựng phát triển hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông nông thôn tiên tiến, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu quả,an toàn, bao phủ trong cả nước đến vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin về sản phẩm thị trường cho nông dân. Xây dựng các trung tâm thương mại, trung tâm khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, bảo vệ sức khoẻ, văn hoá nghệ thuật ở vùng dân cư nông thôn.
Xây dựng công trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới văn minh. Thay đổi cơ cấu đầu tư, phát triển nhanh các đô thị nông thôn để giảm áp lực gia tăng dân số ở các đô thị lớn.
Chinh sách khoa học và công nghệ có vai trò quyết định đối với việc hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, gắn kết chặt chẽ giữa thành quả nghiên cứu của khoa học công nghệ cao với việc ứng dụng vào sản xuất như trường hợp của Trung Quốc.
Công nghiệp hoá hiện đại hoá, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp cần tập trung vào phát triển một nền nông nghiệp hiện đại tăng trưởng theo chiều sâu; chuyển dịch cơ cấu theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và giá trị cao theo xu thế của thế giới ngày nay. Xây dựng chính sách khuyến nông và
chuyển giao công nghệ nông nghiệp, sử dụng các kết quả khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ cao và công nghệ sinh học.
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh (thông qua tháo gỡ những bất cập trong chính sách đất đai) gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị tăng thông qua chế biến, hình thành thị trường tiêu thụ nông sản, kích thích tiêu thụ nội địa, sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ lớn. Hình thành các tổ chức sản xuất kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, liên kết nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế đô thị.
Tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu công nghiệp hoá- hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. CNH nông nghiệp, phát triển nông thôn là chủ trương xây dựng nông thôn Việt Nam phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa nông thôn và thành thị.
Về đào tạo, dạy nghề va phát triển nguồn nhân lực : Tăng cường đầu tư, nâng cấp, bố trí hệ thống đào tạo, dạy nghề cho lực lượng lao động nông thôn để cung cấp lượng lao động có sức khoẻ, có tay nghề cao cho các ngành của đất nước. Xây dựng kế hoạch phân bổ lao động giữa các vùng, miền các ngành kinh tế của đất nước, bảo đảm khai tác tốt tiềm năng lao động của nước ta gắn với từng vùng, từng ngành nghề.
Phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những giải pháp có hiệu quả để thu hút lao động nông thôn vào làm trong khu công nghiệp, kinh nghiệm của Trung Quốc là bài học ta có thể áp dụng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, phát triển nông thôn. Phát triển công nghiệp nông thôn có những thuận lợi về giá lao động rẻ, gần vùng nguyên liệu, chi phí về hạ tầng: nhà ở, công xưởng, giá thuê đất thấp, tạo điều kiện giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa giảm áp lực di dân vào thành phố, tạo việc làm, tăng thu nhập vùng nông thôn cung với phát triển công nghiệp nông thôn ,hệ thống đô thị nông thôn hình thành, dịch dụ nông thôn hình thành, dịch vụ nông thôn phát triển giảm sự chênh lệch về thu nhập, đời sống văn hoá xã hội giữa nông thôn và thành thị.
Đô thị hoá nông thôn là một chính sách vô cùng quan trọng trong công nghiệp hoá hiện đại hoá và phát triển nông thôn, quá trình này đem lại sự phát triển nhanh chóng cũng như thay đổi bộ mặt của Trung Quốc, Đài Loan. Đó là bài học quý giá mà Việt Nam cần thực hiện nhằm xây dựng bộ mặt nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Tích tụ đất đai, xuất phát từ thực trang đất đai của Việt Nam là “đất chật người đông”, diện tích sản xuất nông nghiệp vào loại thấp của thế giới và khu vực (800m2/người). Diện tích để mở rông đất nông nghiệp còn khoảng 1,5 triệu ha, phân bố chủ yếu ở vùng khó khăn để khai thác vùng đất này yêu cầu đầu tư cao và đồng bộ. Vì vậy, trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn chính sách đất đai phải đảm bảo yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả cao quỹ đất.
Thị trường đất đai của nước ta phải đảm bảo quyền sở hữu của toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Song cũng phải đáp ứng theo quy luật của nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các hộ nông dân tích tụ đất đai, nâng mức bình quân đất sản xuất nông nghiệp trên hộ sản xuất nông nghiệp, trên lao động nông nghiệp cao hơn.
1.3.4.2. Tín dụng vi mô cho người nghèo
Điều mà luận án muốn đề cập trong phần này chính là tài chính vi mô hiện nay tập trung vào việc cho vay người nghèo với lãi suất hợp lý và bền vững. Để làm được điều này, chúng ta có thể rút ra bài học trong tín dụng vi mô cho người nghèo của một số nước như:
Khu vực ngân hàng và nghiệp vụ cho vay đối với người nghèo nông thôn. Với đặc trưng cho vay chỉ định đối với ngành ưu tiên của khu vực ngân hàng nhà nước như Ấn Độ đã thiết lập một mạng lưới ngân hàng nông nghiệp (RRB) mà hiếm có ở một quốc gia nào. Hệ thống ngân hàng nông nghiệp ngày càng nhận được sự ảnh hưởng ấn tượng. Tuy nhiên hệ thống ngân hàng nông nghiệp lại ảnh hưởng hạn chế về lĩnh vực tài chính vi mô và cho vay người nghèo. Về sau này hệ thống ngân hàng nông thôn Ấn Độ đã nỗ lực cân đối hai mục tiêu phạm vi hoạt động và tài chính. Tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng phạm vi tiếp cận giữa người nghèo nông thôn trong khi đó vẫn duy trì được phí cho vay thấp. Trong một phạm vi nào đó thì phí đánh giá và quản lý rủi ro tín dụng có thể giảm xuống với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng có thể đạt được khối lượng khách hàng hộ nghèo mà không xảy ra bất kỳ chi phí giao dịch nào nặng cả.
Thử nghiệm tính khả thi của một số nguyên tắc cơ bản như đảm bảo cung cấp dịch vụ dài hạn, đảm bảo khả năng thanh toán, mở rộng khách hàng, tự chủ về tài chính. Về tính ứng dụng của các dự án tài chính vi mô, Tổ chức hỗ trợ người
nghèo của ngân hàng thế giới (CGAP) đã nhận định tài chính vi mô chỉ là một trong rất nhiều công cụ xoá đói giảm nghèo.
Hoạt động tài chính vi mô có liên quan mật thiết với chiến lược xoá đói giảm nghèo của Trung Quốc. Ba hình thức tổ chức tiến hành các hoạt động tài chính vi mô là: nhà tài trợ thông qua việc tiến hành các dự án thí điểm; chính phủ thông qua đẩy mạnh phong trào chống đói nghèo một cách rộng rãi; hình thức các ngân hàng nông thôn chính quy.
Dự án CICETE do UNDP tài trợ: nếu áp dụng nguyên mô hình Grameen tại những vùng có điều kiện môi trường tự nhiên nhạy cảm thì gặp phải một số khó khăn như: thị trường không rộng, mật độ dân số thấp, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài trợ bên ngoài và chi phí hoạt động cao. Chương trình phát triển xã hội tại những vùng khó khăn do UNICEF tài trợ: cần có cấu phần phát triển xã hội trong chương trình để có thể giúp đối tượng phụ nữ có thái độ, niềm tin và kỹ năng thích hợp với tín dụng vi mô chống đói nghèo. Đồng thời cũng chỉ ra vai trò của mục tiêu và hành động của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chương trình. Thực tế thực hiện chương trình ở cả khu vực thành thị và nông thôn cho thấy cơ cấu pháp lý, chính sách và hệ thống là rào cản chính từ bên ngoài. Nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản cũng có thể rút ra một số bài học sau:
Về cho vay giáo dục có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH. Tuy nhiên, cần nghiên cứu chỉnh sửa phương thức cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc cho gia đình bố mẹ hoặc người bảo trợ của học sinh, sinh viên vay để từ đó mở rộng đầu tư cho vay đối tượng này đồng thời vốn cho vay cũng được an toàn và hiệu quả hơn. Để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển một số lĩnh vực kinh tế hay chính sách quan trọng, nhất thiết phải có vai trò điều tiết Ngân sách và quản lý vĩ mô của Nhà nước để hướng các ngành nghề, các khu vực phát triển đồng đều.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập phát triển, Chính phủ cần sớm hình thành Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy: khi có sự kết hợp giữa các tổ chức tài chính với Quỹ bảo lãnh thì cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi được thuận tiện và nhanh chóng hơn; đồng thời các tổ chức tài chính cũng yên tâm hơn trong đầu tư cho vay vốn.
Lãi suất cho vay của loại hình Ngân hàng Chính sách có ưu đãi ở mức hợp lý để vừa có thể hỗ trợ tài chính cho các đối tượng chính sách, vừa phù hợp với nguồn tài chính quốc gia.
Đối với các tổ chức tài chính của Chính phủ, để hoạt động có hiệu quả cao, nhất thiết phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan trong những năm đầu hoạt động (đặc biệt là về tài chính, nguồn vốn và cơ chế). Những năm kế tiếp, cần áp dụng cơ chế thông thoáng hơn để giúp các tổ chức này có thể từng bước tự chủ trong hoạt động và tạo lập tính ổn định, bền vững.
Tóm lại, qua nghiên cứu, tìm hiểu hầu hết các quốc gia đều có những chính sách tín dụng ưu đãi đặc biệt của Chính phủ để giúp Chính phủ thực hiện tốt mục tiêu kinh tế, chính trị và đất nước đạt được sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, phát triển bền vững lâu dài. Do vậy, việc hình thành các tổ chức tài chính thực hiện tín dụng ưu đãi được hầu hết các Chính phủ ở các nước thực hiện không kể đó là nước có nền kinh tế phát triển hay không phát triển.
CHƯƠNG 2 : THỰC TRẠNG SỬ DỤNG CÁC CÔNG CỤ TÀI CHÍNH CÔNG NHẰM THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO Ở CÁC TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1990 ĐẾN NAY