IV. XU THẾ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM
2. Quá trình phát triển và những vấn đề cần giải quyết
Quá trình phát triển đô thị trước hết phải coi dân cư đô thi là chủ thể của các chương trình phát triển đô thị, xem xét các mối liên hệ giữa người sử dụng đất với chính quyền đô thị hay người lập kế hoạch pahts triển đô thị. Với cách đặt vấn đề này, ta có thể nắm bắt các mối quan hệ giữa dân cư đô thị với cá đối tượng quy hoạch. Ở đây đặc biệt lưu ý đến tầm nhìn tổng quát về hiện tại và tương lai của một đô thị để có hướng phát triển thích hợp và những phương thức hành động phù hợp.
2.1 Những vấn đề nảy sinh trong phát triển mở rộng các khu đô thị
- Thực tiển phát triển của nhiều đô thị trên thế giới cho thấy, quá trình cải tạo mở rộng đô thị đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, có thể làm cho một bộ phận người nghèo hoặc những người có thu nhập thấp phải sống xa dần các khu đô thị phát triển. Ngược lại, những người có thu nhập cao có cơ hội mua lại nhà và đất của những người nghèo và giá trị thương mại được tăng lên. Cuối cùng dẫn đến mâu thuẫn làm tăng quá trình phân tách xã hội và không gian. Sự xuất hiện những mâu thuẫn mới đòi hỏi trong quy hoạch phát triển cần quan tâm đúng mức tới các nhân tố xã hội cho từng khu vực cụ thể, các đối tượng quy hoạch phải đáp ứng cho nhiều đối tượng khác nhau về phong tục, tập quán, về thu nhập, mức độ thu, chi của từng lớp người.
- Vấn đề nảy sinh thường gặp khác ở các đô thị của nhiều nước đang phát triển là “những thực tiễn tự phát của dân cư đô thị”. Qua nghiên cứu cho thấy: quá trình phát triển các đô thị của nhiều nước đang phát triển luôn đi trước các quy hoạch của các cấp chính quyền Thành phố. Ở các vùng ngoại vi, sự phát triển về nhà ở thường phát triển nhanh, các cấp chính quyền can thiệp vào quá trình phát triển thường chậm hơn và có chừng mực. Ở một số trường hợp có tới 1/3 sô căn hộ được xây dựng tự phát. Nghiên cứu các trường hợp trên đã chỉ ra rằng: trong một giai đoạn nhất định, chúng ta buộc phải chấp nhận tính bất ổn định của đất đai, sự thiếu thốn về kết cấu hạ tầng,và sự ô nhiễm môi trường thường xảy ra, đây là những tác nhân chính làm phân cách không gian Thành phố. Tuy vậy, nếu như tình trạng trên không sớm được giải quyết sẽ trở thành lực cản đối với quá trình phát triển đô thị.
- Một vấn đề khác của nhiều Thành phố trên thế giới thường gặp phải là vai trò can thiệp của chính quyền địa phương trong quá trình giải tỏa các cư dân ở các khu phố không còn thích hợp với cảnh quan Thành phố để xây dựng mới. thông thường, các cư dân sống ở một nơi nào đó họ đã phải quan tâm trước hết đến nghề nghiệp của họ làm sao cho phù hợp với nơi họ sống, nơi con cái họ đi học rồi đến các mối quan hệ gia đình họ hàng, quan hệ cộng đồng. Chính vì vậy, chính quyền địa phương phải quan tâm đến rất nhiều nội dung khác nhau trước khi cần giải tỏa một khu phố nào đó (bố trí nơi ở mới, phát triển kết cấu hạ tầng khu vực và các mối liên hệ giữa khu phố mới với các khu vực của Thành phố,….), có làm được điều này mới có khả năng giải tỏa nhanh và không làm thay đổi nhiều đến cuộc sống của cư dân địa phương.
2.2 Tài chính cho phát triển đô thị
Quá trình đô thị hóa phát triển càng nhanh thì nhu cầu nguồn tài chính cho phát triển các đô thị ngày càng lớn. Vì vậy, vai trò đầu tư của Nhà nước Trung ương trong phát triển đô thị ngày càng thu hẹp lại, thay vào đó là tăng cường vai trò đầu tư cho chính quyền địa phương các cấp và các cộng đồng dân cư. Nhà nước Trung ương chỉ giữ vai trò hướng dẫn để phát triển kết cấu đô thị phù hợp với chức năng và quy mô phát triển đô thị, vai trò của chính quyền địa phương trở nên rất quan trọng, là nhân tố trực tiếp xây dựng các chương trình phát triển, đồng thời là người quản lý trực tiếp các chương trình phát triển.
Tổng quát từ những kinh nghiệm của các nước, có thể rút ra nhận xét sau:
- Nếu nhà nước thực hiện các dự án phát triển đô thị mà không có sự tham gia của dân cư đô thị ngay từ những khâu hoạch định mục tiêu tới các biện pháp thực hiện thì sẽ có nguy cơ không tính toán đầy đủ những nhu cầu riêng biệt của dân cư.
- Để có được hiệu lực đầy đủ, sự quản lý đô thị cần thiết phải dựa trên những cấu trúc xã hội và động lực địa phương sẵn có (các tổ chức đoàn thể, các hiệp hội, các cộng đồng….). Cấu trúc xã hội, động lực địa phương là những cơ sở hình thành các dự án phát triển để đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của dân cư đô thị, phù hợp với nhiều đối tượng và đảm bảo môi trường đô thị bền vững.