TRUYỆN NGẮ N QUAN NIỆM VÀ SỰ ĐỔI MỚI TƯ DUY THỂ LOẠ
2.1. Quan niệm và tư duy thể loại truyện ngắn trong văn học truyền thống
Khi đề cập tới nguồn gốc và sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam, tác giả các công trình nghiên cứu Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Nguyễn Đăng Na) và Thi pháp truyện ngắn trung đại Việt Nam (Trần Nho Thìn) cho rằng thời kỳ trung đại đã có hình thức truyện ngắn dù “truyện ngắn trung đại là một khái niệm tương đối của khoa nghiên cứu văn học hiện đại áp dụng cho thực tế văn học trung đại” và thời trung đại chưa hề biết đến khái niệm này” [125, tr.78]. Sang thời kỳ văn học hiện đại khái niệm truyện ngắn hiện đại được dùng để chỉ một thể loại văn xuôi trong tương quan với những thể loại khác như thơ, kịch, tiểu thuyết,... Theo quan điểm của chúng tôi ở thời kỳ trung đại đã có hình thức sơ khai của truyện ngắn (đó thường là những chuyện kể được ghi chép lại và vì thế chưa có được những chuẩn mực của truyện ngắn hiện đại). Truyện ngắn hiện đại với tư cách là một hình thái tư duy mới, một thuật ngữ có quy chuẩn lý thuyết thể loại xuất hiện muộn (dù hình thức sơ khai đã có từ thế kỷ XV, XVI với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và một số tác phẩm văn xuôi tự sự khác). Sang thế kỷ XX cùng với sự hiện diện của đời sống báo chí, sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ, quan niệm văn học, truyện ngắn với tính chất là một thể loại văn học thuộc loại hình tự sự mới có những quy chuẩn đặc trưng.
Ở giai đoạn sơ khai, truyện thường được tổ chức theo những mô típ có sẵn như Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh. Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh là những tác phẩm chưa có phóng tác mà chủ yếu là ghi chép lại những tiểu truyện về các thiền sư nổi tiếng (Thiền uyển tập anh) hay là tập hợp các truyền thuyết về các vị thần linh ở Việt Nam vào thời xa xưa (Việt điện u linh). Việt điện u linh gồm 27 thiên (27 truyện kể) và mỗi thiên được viết theo công thức sau: “Mở đầu mỗi thiên là câu: Theo (tài liệu nào đó, của ai), ngài (vương, ông)… là (họ, tên)… Kết thúc mỗi thiên là 3 đợt gia phong của vua Trùng Hưng năm thứ nhất (1285), năm thứ tư (1288) và vua Hưng Long năm thứ 21 (1313) và câu: Vì có công âm phù vậy” [93, tr.49 - 50]. Tương tự, trong thiên Bố Cái, Phu Hựu, Chương Tín, Sùng Nghĩa đại vương phần
mở đầu tác giả viết: “Theo Giao Châu ký của Triệu Công, vương họ Phùng, tên là Hưng đời đời làm tù trưởng nơi biên khố của châu Đường Lâm, gọi là Quan Lang”[93, tr.51]. Kết thúc tác phẩm: “Năm đầu niên hiệu Trùng Hưng của Hoàng Triều, sách phong vương là Phu Hựu đại vương. Đến năm thứ 4 gia phong thêm 2 chữ Chương Tín. Năm thứ 21 niên hiệu Hưng Long gia phong thêm 2 chữ Sùng Nghĩa vì có công âm phù vậy” [93, tr.52]. Lối mở đầu và kết thúc như trên đã trở thành mô típ quen thuộc trong các thiên của Việt điện u linh. Nhân vật trong mỗi thiên là khác nhau nhưng đã được xây dựng trên cơ sở cốt truyện “có đầu có đuôi” sẵn có.
Sau Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh tuy đã có những tình tiết đa dạng nhưng tính chất công thức vẫn là một đặc điểm quy định sự vận động của thiên truyện. Mô típ thường gặp trong các truyện là việc lạ hóa ba yếu tố sau đây của nhân vật: ra đời thần kỳ, phép thuật tu luyện thần kỳ và tịch diệt thần kỳ. Chẳng hạn, trong
Thiền sư Đạo Huệ, mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu xuất xứ của nhà sư:
“Thiền sư người hương Chân Hộ, quận Như Nguyệt, họ Âu, tướng mạo đoan chính, giọng nói trong trẻo. Từ năm 25 tuổi xuất gia theo hầu sư Ngô Pháp Hoa ở chùa Phổ Ninh học hỏi được nhiều điều uyên áo của cửa huyền. Sau sư đến trụ trì chùa Quang Minh, giữ nghiêm giới luật, chuyên tu thiền định, trong vòng 6 tháng lưng không bén chiếu, hiểu sâu phép Tam quán Tam ma địa, học trò đông đến hơn một nghìn người” [93, tr.64].
Tiếp đó là những phép thuật thần kỳ của nhà sư thể hiện trong việc chữa bệnh ở cung vua và cuối cùng là sự tịch diệt: “Canh ba đêm ấy sư lặng lẽ qua đời”[93, tr.64]. Với lối dựng truyện theo công thức như vậy, người đọc luôn đoán định được số phận nhân vật, tính cách nhân vật mờ nhạt, các câu chuyện chỉ ghi lại những sự tích đời trước chứ chưa có phóng tác.
Đến thế kỷ XVI, sự ra đời của Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) đánh dấu một bước trưởng thành của truyện ngắn dân tộc. Truyện kỳ mạn lục đã là một sáng tác văn học đích thực chứ không thuần túy là một công trình ghi chép và truyền lại những truyện cũ. Nguyễn Dữ đã dựa vào những sự tích cũ phần lớn là những chuyện lưu hành từ lâu trong xã hội mà viết nên những thiên truyện mới. Mặc dầu vậy Truyền kỳ
mạn lục vẫn nằm trong phạm trù của văn học trung đại với những đặc điểm mang tính quy phạm. Những mô típ dân gian được tác giả khai thác và sáng tạo nhưng mô típ kết thúc truyện vẫn theo những đường mòn quen thuộc. Nhiều truyện được kết thúc bởi sự biến mất bất ngờ mang màu sắc huyền ảo (Cuộc kỳ ngộ ở trại Tây, Từ Thức lấy vợ tiên, Bữa tiệc đêm ở Đà Giang, Cây gạo) hay kiểu kết thúc có hậu thường thấy trong các câu chuyện cổ (Phạm Tử Hư lên chơi Thiên Tào, Người con gái Nam Xương: nhân vật chết – giải oan). Với cách thức này, truyện không chỉ được triển khai theo lô gic nhân quả của sự kiện, hiện thực trong tác phẩm thường là hiện thực hoàn kết mà còn mang tính rập khuôn về cách thức kể.
Sang thời kỳ hiện đại, những thập kỷ đầu thế kỷ XX đánh dấu sự xuất hiện của nhiều cây bút truyện ngắn như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam, Tô Hoài, Bùi Hiển,… Tiếp sau đó là thế hệ nhà văn chống Pháp và chống Mỹ với các tên tuổi Xuân Thiều, Nguyễn Kiên, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức,... Phần lớn các cây bút truyện ngắn thời kỳ này viết truyện ngắn theo hình thức văn bản tự sự có thể kể lại được, có nhân vật, cốt truyện, sự kiện và hành động (ở giai đoạn trước 1945 với sự góp mặt của một số cây bút như Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, hình thức truyện ngắn trữ tình đã tồn tại nhưng chưa trở thành một khuynh hướng hay một ý thức về hình thức nghệ thuật như ở thời kỳ đổi mới). Theo đó, cốt truyện luôn là thành tố quan trọng và người viết thường chú trọng đến những yếu tố gay cấn, khai thác xung đột và quá trình phát triển tính cách của nhân vật. Người đọc dễ dàng kể lại được nội dung của câu chuyện, nghĩa là mỗi nhà văn khi viết truyện ngắn đều hướng tới việc thiết lập sườn truyện với hệ thống các sự kiện, tình huống, xung đột đóng vai trò là sợi dây liên kết sự diễn tiến của câu chuyện được kể. Tính đầy đủ của các thành tố trong cốt truyện từ mở đầu, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc luôn được tuân thủ nghiêm ngặt. Với sự chi phối của tư duy thể loại như đã đề cập ở trên, truyện ngắn truyền thống vì thế thường nặng về kể, người viết truyện ngắn thường chú ý đến diễn trình hành động - thời gian tuyến tính của chuyện kể, chú trọng đến câu chuyện được kể hơn là cách thức kể (bản kể).