Tính chất đa thanh của ngôn ngữ trần thuật

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 128 - 131)

NGÔN NGỮ VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

4.1.3.Tính chất đa thanh của ngôn ngữ trần thuật

Sự đổi mới ngôn ngữ truyện ngắn được thể hiện trên nhiều cấp độ: không chỉ ở cách thức sử dụng từ vựng, cách tạo lập các tổ hợp ngôn ngữ, cấu trúc cú pháp, ngữ đoạn mà còn là sự đổi mới trên phương diện ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật (ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thọai). Ở đây chúng tôi tập trung vào hai hình thức biểu hiện là ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại – hai phương diện cho thấy nhiều sự thay đổi trong cách thức sử dụng ngôn ngữ của người viết truyện ngắn hiện nay.

4.1.3.1. Ngôn ngữ đối thoại với sự gia tăng tính đa thanh phức điệu

Sự gia tăng ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn xuất phát yêu cầu gia tăng ý thức và khả năng tranh biện, đối thoại. Đây cũng là một biểu hiện của nhu cầu nhận thức lại, nhu cầu chiêm nghiệm hiện thực trong bối cảnh mới. Điều này gắn liền với sự đổi mới quan niệm về hiện thực và con người, về sự thay đổi vị thế nhà văn và người đọc trong quá trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm.

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngôn ngữ đối thoại chiếm tỷ lệ lớn và đây cũng là đặc điểm gây ấn tượng với người đọc. Điều đáng chú ý là câu đối thoại

thường ngắn với sự giản lược tối đa các thành tố trong cấu trúc câu. Không những thế, trong mỗi đoạn đối thoại, nhà văn còn lược bỏ các lời dẫn dài dòng, những từ ngữ có tính chất đưa đẩy, rào đón. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Tướng về hưu: “Cha tôi bảo: “Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình”. Tôi bảo: “Không phải, cuộc đời nhiều trò đùa lắm”. Cha tôi bảo: “Anh cho là trò đùa à”. Tôi bảo: “không phải trò đùa, nhưng cũng không phải là nghiêm trọng”. Cha tôi bảo: “Sao tôi cứ như lạc loài”). Với lối viết này, bao trùm truyện ngắn Tướng về hưu là không khí đối thoại, có cảm giác như những cuộc đối thoại như thế này sẽ là bất tận, không có kết thúc. Trong truyện ngắn Không có vua cũng như ở nhiều truyện ngắn khác, kiểu đối thoại này lại được tác giả sử dụng. Ở đây không đơn thuần là lời đối thoại của các nhân vật mà đằng sau những câu đối thoại đó còn mang ý nghĩa sự tranh luận giữa những quan điểm tư tưởng khác nhau.

Đối thoại, ở một phương diện khác, lại là cách thức để xóa bỏ khoảng cách trần thuật, tạo ra một không gian trần thuật gần gũi với đời sống. Phan Việt đã có sự lựa chọn kết cấu khá độc đáo cho truyện ngắn Cú điện thoại, đó là một cuộc điện thoại của hai người bạn. Bởi vậy, trong truyện ngắn này số lượng lời thoại chiếm đến 90%. Gần như toàn bộ câu chuyện là những lời đối đáp qua điện thoại của hai người. Đọc truyện ngắn, người đọc không có cảm giác là tác giả đang dựng truyện mà câu chuyện đang diễn ra như cuộc sống thực ở ngoài đời. Tuy nhiên, qua cuộc đối thoại giao đãi thông thường đó có thể thấy được một hiện thực đời sống của những du học sinh đang học tập ở nước ngoài và sự cô đơn của những người trẻ trong cuộc sống hiện đại. Tác phẩm, do vậy đã có hiệu quả nhất định trong việc diễn tả hiện thực đời sống một cách chân thực và trực diện. Người đọc còn có thể gặp hình thức này trong truyện ngắn Điện thoại của Nguyễn Danh Lam.

4.3.1.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm: sự khám phá con người bên trong

Thực ra ngôn ngữ độc thoại nội tâm thường được bộc lộ trong những tình huống tự nhận thức của nhân vật. Đây là loại tình huống nảy sinh khi nhân vật tự phán xét hành động của mình, tự độc thoại trong những xung đột nội tâm, là khoảnh khắc nhân vật tự thức tỉnh với những giằng xé nội tâm quyết liệt. Ngôn ngữ độc thoại

nội tâm bởi vậy có ý nghĩa trong việc bộc lộ quá trình tự ý thức của nhân vật, thể hiện nhu cầu hướng nội.

Nhân vật có thể chiêm nghiệm, nhìn lại chính mình trong những khoảnh khắc suy tư. Ở những truyện ngắn Giai nhân, Người đi tìm giấc mơ, Phù thủy, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tạo cho nhân vật những khoảnh khắc nhận thức lại sự thật của đời mình. Ý thức được sự cô đơn của mình giữa đồng loại trong một buổi chiều khi khói bếp của nhà hàng xóm bốc lên, nhân vật Sao (Giai nhân) tự hỏi: “Ai đến với tôi bây giờ. Chẳng lẽ cuộc đời tôi – một người đàn bà ba mươi tám tuổi thế này mãi sao?” Nhân vật nữ trong Hậu thiên đường xót xa cho hoàn cảnh thực tại của mình rồi tự ý thức: “Thế nào nhỉ? Bốn mươi tuổi tôi đã có gì cho mình. Tiền tài thì vớ vẩn, chỉ đủ ăn và giữ được một cuộc sống đạm bạc. Một vài cái váy đi dạ hội và nhảy đầm”. Sau những vấp ngã trên đường đời Hoài (Xin hãy tin em) mới cay đắng nhận ra một sự thật: “Bố mẹ ơi, sao bố mẹ không dậy con rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra một lần trong đời. Cái gì qua đi không lấy lại được”. Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận

(Nguyễn Ngọc Tư), độc thoại nội tâm cũng là phương diện đáng chú ý. Xen lẫn với lời kể của Nương – nhân vật xưng tôi trong Cánh đồng bất tận là những đoạn độc thoại: “Suốt những tháng năm sống tù đọng trên đồng, tôi có biết ai ngoài những người đàn ông quê mùa cũ kỹ. Tôi biết lấy ai trong số đó?”. Không ít lần nhân vật Nương đã đặt mình trong những trạng huống cụ thể với những đợt sóng nội tâm, những suy nghĩ và trăn trở về kiếp người về cuộc sống của chính mình và những người trong gia đình mình. Ở khía cạnh này, bên cạnh việc tạo dựng một không gian hiện thực qua ngôn ngữ của người trần thuật là khả năng “chiếu sáng nội tâm” của nhân vật bằng ngôn ngữ độc thoại. Nhân vật được soi chiếu từ bình diện con người bên trong với nhiều xúc cảm và ý nghĩ.

Qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, nhân vật được biểu hiện những khát khao, những nhu cầu, những trăn trở và suy tư của cá nhân trong những tình huống cụ thể. Điều này gắn liền với tinh thần nhận thức lại hiện thực trong văn học hôm nay, đồng thời thể hiện sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, là xu hướng cá nhân hóa, đời thường hóa của truyện ngắn đổi mới. Trong nhiều truyện ngắn, sự đan cài giữa hai hình thức ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ đối thoại đã tạo nên nhiều hiệu

ứng nghệ thuật. Sự gia tăng cả yếu tố độc thoại và đối thoại trong ngôn ngữ truyện ngắn không hề mâu thuẫn mà trái lại, chính sự cộng hưởng này đã làm cho truyện ngắn mang tính đa thanh, phức điệu – một biểu hiện của tinh thần đổi mới thể loại, đổi mới văn học trong những thập kỷ gần đây. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc: “Mỗi từ, mỗi câu trong truyện ngắn phải tự mô tả lấy mình, phải động. Ngôn ngữ tự đối thoại, tự tranh cãi, hay nói cách khác, ngôn ngữ lưỡng lự, nước đôi… khiến cho truyện ngắn hiện đại là truyện ngắn của các khả năng [115, tr.34].

Có thể nói sự biến đổi về mặt ngôn ngữ là một đặc điểm cho thấy những cách tân khá rõ rệt của nhà văn trên hành trình đổi mới tư duy nghệ thuật của chủ thể sáng tạo. Là “lớp vỏ của tư duy”, ngôn ngữ trong các sáng tác đã thể hiện một hình thái tư duy sáng tác mới. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu đổi mới trong cách nhìn nhận và tiếp cận hiện thực đời sống cũng như khát vọng thể hiện được những chiều kích đa dạng của cuộc sống và mỗi cá nhân con người, khát vọng được “trung thực với chính mình” và với công chúng. Khảo sát truyện ngắn Việt Nam đương đại có thể thấy những thay đổi đáng kể trong ngôn ngữ truyện ngắn. Ngôn ngữ trần thuật là nơi cho thấy ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn. Sự thay đổi góc nhìn tự sự, ý thức đổi mới ngôn từ văn chương và cách thức, năng lực xử lý ngôn ngữ của nhà văn đã làm cho ngôn ngữ truyện ngắn thời kỳ này trở nên sinh động, phong phú, đa dạng, vừa mang vẻ đẹp cần có của ngôn từ văn chương vừa là sự phản ánh đời sống đương đại trong tính đa dạng và phồn tạp của nó. Dẫu vậy, với một số lượng phong phú các tác phẩm truyện ngắn thời kỳ này trong đó có một bộ phận không nhỏ của các cây bút trẻ - lực lượng thích tìm tòi cái mới, thích sự thể nghiệm - truyện ngắn đương đại tất yếu sẽ không tránh được những hạt sạn ngôn ngữ.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 128 - 131)