Thay đổi dạng thức nhân vật bất biến

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 81 - 86)

CÁC DẠNG THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ TỔ CHỨC KẾT CẤU VĂN BẢN TRUYỆN NGẮN

3.1.1. Thay đổi dạng thức nhân vật bất biến

Tồn tại trong bối cảnh đặc thù của chiến tranh cách mạng, văn học giai đoạn 1945 – 1975 nói chung và truyện ngắn nói riêng chịu sự chi phối của hoàn cảnh chiến tranh, theo đó văn học cũng phải hướng tới nhiệm vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, cổ vũ công cuộc xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Truyện ngắn giai đoạn 1945 – 1975 với nhiệm vụ phục vụ kháng chiến đã lấy công – nông – binh làm nhân vật trung tâm. Nhân vật thường mang tính chung và có mô hình khá giống nhau. Trong ý thức hướng tới thể hiện con người mới xã hội chủ nghĩa con người công dân, con người cộng đồng, nhân vật thường được xây dựng là con người hướng ngoại, đời sống nội tâm không mấy phức tạp. Ở những tác phẩm đó, người đọc khi đọc tác phẩm sẽ được tiếp xúc với một thế giới nhân vật được biết trước: việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm văn học là sự bồi đắp, gia cố bằng các chi tiết, tình huống, đặc điểm của những con người có thật trong đời sống. Về cơ bản, nhân vật được hiện diện với tính cách định hình, những đặc điểm đã đi vào tâm thức người đọc. Sự nở rộ loại hình truyện ký người thật việc thật trong văn học kháng chiến đã cho thấy một hình thái tư duy và những nguyên tắc xây dựng nhân vật mang tính đặc thù trong bối cảnh đời sống kháng chiến. Tính chất bất biến của nhân vật văn học ở đây là phù hợp với tiêu chuẩn “con người mới”: con người với những phẩm chất công dân, đặt quyền lợi chung, lòng yêu nước lên cao nhất, hoặc kết hợp hài hòa cái chung và cái riêng như nhân vật trong truyện ngắn Mảnh trăng (Nguyễn Minh Châu).

Thời kỳ đổi mới, với ý thức thay đổi mối quan hệ tác giả - nhân vật và người đọc, với sự đổi mới tư duy nghệ thuật đã dẫn đến sự thay đổi trong cách thức xây dựng nhân vật. Đến nay, nhà văn không nhằm khắc họa những mẫu hình nhân vật mang tính chung mà hướng tới việc thể hiện nhân vật với những đặc điểm tính cách

tâm lý phức tạp, đa tính cách, luôn biến đổi. Trong truyện ngắn đương đại, thế giới nhân vật càng ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, mỗi nhân vật là một tính cách, một hoàn cảnh và thái độ ứng xử độc lập, khác biệt. Không chỉ viết về con người công nông binh vốn là nhân vật trung tâm của văn học giai đoạn trước mà văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng hướng tới mọi vấn đề của con người trong đời sống. Có thể đó là người nông dân, người lính hậu chiến, cũng có thể là những người thị dân trong cuộc mưu sinh, trong cách ứng xử mà ở đó nhân cách họ được bộc lộ. Nếu như trước đây hình tượng, đề tài văn học thường được trở đi trở lại là nông thôn, nông dân, chiến tranh, người lính; vì thế những vấn đề được đề cập thường xuất phát từ những vấn đề của nông thôn, của chiến tranh cách mạng và theo đó đời sống của mỗi cá nhân luôn được đặt trong mối quan hệ với tập thể thì trong bối cảnh những thập niên gần đây văn học lại hướng nhiều đến việc thể hiện đời sống của thị dân, đời sống cá nhân trong môi trường của những đô thị hiện đại, bao gồm cả không gian sinh tồn, bầu sinh quyển đô thị và những hoạt động, trạng thái tinh thần của con người trong bối cảnh đó. Nhiều kiểu dạng nhân vật mới như công chức, trí thức, doanh nhân, giám đốc, kỹ sư – những con người là sản phẩm của văn minh đô thị xuất hiện nhiều trong truyện ngắn. Cùng với nó là việc hướng sự quan tâm đến những vấn đề của con người cá nhân với nhiều trạng thái tâm lý, tính cách trong đời sống. Chỉ riêng việc khắc họa trạng thái cô đơn của con người trong đời sống đô thị hiện đại cũng đã có nhiều cung bậc. Đó có thể là nỗi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, trong cuộc sống hàng ngày mà họ phải đối mặt: Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Người đàn bà và những giấc mơ – Y Ban, Một nửa cuộc đời, Biển ấm, Tân cảng (Nguyễn Thị Thu Huệ) và họ không có cách gì giải tỏa, không thể chia sẻ cùng ai: “Tôi cô đơn quá rồi”, “sao người mỗi ngày một đông như kiến mà tôi cô đơn thế này” (Mi nu xinh đẹp), “Ngồi với mình lâu một chút nhé. Ai cũng bảo không có thời gian. Mình cô đơn quá” (Y Ban). Đó có thể là nỗi cô đơn của một thế hệ khi những giá trị tinh thần của gia đình truyền thống đang bị mất dần đi trong xã hội đô thị hiện đại (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp, Của để giành – Nguyễn Thị Thu Huệ), cô đơn trước không gian đô thị choáng ngợp: “Đường phố rộng và thừa thãi gió, tuênh toang, trống trải lạ lùng” (Cát đợi – Nguyễn Thị Thu Huệ); trạng thái trống trải và

đơn độc của con người trong thành phố khi chỉ có công việc mà không có người thân bên cạnh (Thành phố không mùa đông – Nguyễn Thị Thu Huệ). Nỗi cô đơn của những thực thể sống trong những tòa cao ốc, cách biệt với con người và thế giới xung quanh: “Đến tận tầng mười sáu. Ở trên tầng cao, sự cách biệt đã dần biến thành nỗi cô đơn gần như tuyệt đối. Cách biệt với thành phố bên dưới. Cách biệt với phần còn lại của tòa nhà bên trên. Và cách biệt với ngay cả hàng xóm láng giềng là căn hộ đối diện chung nhau có một hành lang tối” (Vu vơ ở lưng chừng trời – Đỗ Phấn).

Có thể thấy, hình thức xây dựng cốt truyện trên cơ sở người thật việc thật, những nguyên mẫu trong đời sống vốn phổ biến trong các truyện ký chống Mỹ đến nay trở nên thưa thớt mà thay vào đó là nhiều kiểu dạng nhân vật mới, đa dạng hóa các loại hình nhân vật. Chất liệu xây dựng nhân vật trong truyện ngắn đương đại vẫn từ cuộc sống, từ những con người đang tồn tại xung quanh chúng ta nhưng là những con người cá nhân với muôn hình vạn trạng hình thức biểu hiện.

• Cái nhìn mới về nhân vật lịch sử:

Cũng có trường hợp nhà văn lựa chọn nhân vật lịch sử để xây dựng nhân vật văn học nhưng lịch sử được xem như một nguyên cớ để nhà văn tạo nên những sáng tạo nghệ thuật qua đó thể hiện quan niệm về con người và cuộc đời. Đó là cách nhà văn ứng xử với nhân vật lịch sử. Sự xuất hiện của bộ ba truyện ngắn lịch sử Vàng lửa, Kiếm sắcPhẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp từng dấy lên những tranh luận trên văn đàn. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những nhân vật lịch sử như Gia Long, Quang Trung, Nguyễn Thị Lộ đã không còn vẹn nguyên những đặc điểm từng được lưu truyền trong sử sách, mà lịch sử được xem như một chất liệu và nhà văn có quyền tái tạo lịch sử theo cảm quan mới. Với Nguyễn Huy Thiệp, những nhân vật dân gian như Trương Chi, những tên tuổi như Hồ Xuân Hương đều có thể trở thành nhân vật văn học nhưng lại không trùng khít với những dấu ấn đã đi vào tâm thức cộng đồng. Năm 2008, cây bút Trần Thùy Mai cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn

Một mình ở Tokyo trong đó có nhiều truyện ngắn viết về nhân vật lịch sử. Các truyện ngắn Nàng công chúa té giếng, Thần nữ đi chân không, Nơi có những cây tùng xanh biếc viết về các nhân vật lịch sử như vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức, cũng như lịch sử vương triều Huế với cái nhìn giải thiêng, thân mật hóa đối tượng. Ở những truyện

ngắn này lịch sử được coi như một nguyên cớ, lịch sử như một tấm phông và tác giả có quyền tái tạo hiện thực bằng những suy lý lịch sử, bằng các tuyến nhân vật độc đáo. Các nhân vật trong lịch sử đôi khi được các sử gia ghi chép khá sơ lược, người viết đã phục dựng lại thành những nhân vật văn học bằng cách bổ sung những giai thoại dân gian, trí tưởng tượng suy lý lịch sử. Trong truyện ngắn Dị hương (Sương Nguyệt Minh), nhân vật Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long) được xây dựng bằng cảm quan và tinh thần hiện đại. Từ lối thuật truyện, cách thức sử dụng ngôn ngữ (qua lời người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật) đến việc tạo dựng nhân vật Nguyễn Ánh (không chỉ ở vị thế của một vị vua mà là một cá nhân trần tục đầy những ham muốn nhục dục), truyện ngắn đã khơi gợi nhiều vấn đề không chỉ của người xưa mà cả với con người hôm nay. Những vấn đề đặt ra trong truyện ngắn cùng với lối viết, cách xây dựng, khắc họa nhân vật, bởi vậy đã tạo nên những dư luận trái chiều ngay từ khi tác phẩm vừa ra mắt bạn đọc. Đặt Trần Thùy Mai bên cạnh Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Sương Nguyệt Minh để thấy rằng nhu cầu viết về lịch sử theo cảm quan mới vẫn là nhu cầu thường trực của nhiều cây bút.

• Giả cổ tích, giả huyền thoại – những sáng tạo mới:

Dân gian hóa nhân vật là cách thức người viết sử dụng những hình tượng nhân vật từng tồn tại trong các tác phẩm văn học dân gian, những nhân vật đã đi vào lịch sử để xây dựng thành nhân vật trong tác phẩm truyện ngắn nhưng đó chỉ là chất liệu để nhà văn sáng tạo, hư cấu. Nhà văn sử dụng tên nhân vật trong một số truyện cổ đặt tên cho nhân vật của mình trong ý đồ thực hiện những mục đích sáng tạo mới.

Trong nhiều truyện ngắn, người viết đã xây dựng nhân vật từ những nhân vật dân gian, nhân vật được huyền thoại hóa như Trương Chi (Nguyễn Huy Thiệp), Câu hát

(Lưu Sơn Minh), Sự tích một ngày đẹp trời, Nhân sứ (Hòa Vang), Gióng (Lê Minh Hà) nhưng lại mang những đặc điểm mới, đem đến cho người đọc cảm quan mới. Với Trương Chi, Nguyễn Huy Thiệp đã sáng tạo nên một folklore hiện đại. Trương Chi trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vẫn là người có giọng hát hay, xấu về hình thức nhưng đã được trần tục hóa. Không còn giữ âm hưởng thơ mộng, trữ tình trong truyện cổ, Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp đã sống một cuộc đời khác, với dấu ấn cá tính rõ nét. Cũng từ một nhân vật Trương Chi trong truyện cổ, mỗi nhà văn lại

có những sáng tạo của riêng mình khiến cho mỗi nhân vật Trương Chi trong đó lại có đời sống và số phận khác nhau, như trong Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp, trong

Câu hát của Lưu Sơn Minh, trong Trương Chi của Bão Vũ.

Đọc Sự tích một ngày đẹp trời người đọc có thể nhận ra những thay đổi trong cách thức xây dựng nhân vật từ giọng kể và ngôi kể ngay từ đầu truyện. Nhân vật Thủy Tinh trong truyện ngắn Sự tích một ngày đẹp trời (Hòa Vang) là nhân vật xưng tôi, tự giãi bày về những lý do khiến mình không có đủ sính lễ để cầu hôn Mỵ Nương. Khác lối tự sự dân gian với sự hiện diện của “người kể chuyện biết tuốt”, với sự chi phối của điểm nhìn toàn tri, điểm nhìn từ bên ngoài, ở đây Hòa Vang đã chọn lối kể chuyện từ điểm nhìn bên trong, qua đó nhân vật được giãi bày những nỗi niềm, những suy tư thầm kín. Bên cạnh đó là việc đi sâu vào đời sống tâm lý của nhân vật, không chỉ Thủy Tinh với “nỗi cô đơn mênh mông, cồn cào, như cả xứ sở đầy sóng gió, biển cả và đại dương” mà còn là Mỵ Nương, về những ngày tháng Mỵ Nương sống xa quê kể từ khi làm vợ Sơn Tinh, về nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ cha mẹ và đặc biệt là nỗi cô đơn của chính nàng. Những nỗi niềm của Mỵ Nương không còn là của một nàng công chúa sống trong cung cấm mà là của một người phụ nữ với những khát khao hạnh phúc rất đời thường. Thủy Tinh trong truyện ngắn của Hòa Vang không còn là nhân vật phản diện mà cũng là người giàu tình cảm với tình yêu say đắm dành cho Mỵ Nương. Từ Thủy Tinh trong văn học dân gian đến Thủy Tinh trong Sự tích một ngày đẹp trời là cả một sự khác biệt lớn: không chỉ khác biệt về nhân sinh quan, thế giới quan mà còn là sự khác biệt giữa tư duy nghệ thuật dân gian và lối tự sự đương đại với cái nhìn thoát khỏi định kiến. Trên nền tảng câu chuyện dân gian quen thuộc, Tấm Cám của Lê Minh Hà đã có những sáng tạo mới, với những cảm quan mới. Cách nhìn nhận Tấm với sự toàn thiện toàn mỹ của lối tư duy dân gian đã không còn trong truyện ngắn của Lê Minh Hà. Tác giả truyện ngắn đã đề cập đến một khía cạnh là sự thiếu nhân bản của nhân vật Tấm trong hành động trả thù mẹ con Cám. Tác giả cũng đi sâu vào nỗi niềm của Tấm với nỗi chua xót, trống trải, những day dứt, mặc cảm bởi hành vi trả thù của chính mình và chính điều này đã làm thay đổi con người Tấm khiến nàng không giữ được tình cảm của chồng - đấng quân vương - và những người trong cung cấm như trước. Khác với lối kể chuyện theo tư duy dân

gian, qua hình thức đối thoại giữa hồn ma (Cám) với Tấm, đời sống nội tâm nhân vật được diễn tả, khai phá. Nhân vật Tấm, Cám trong truyện ngắn Lê Minh Hà không tồn tại với tư cách những nhân vật chức năng đại diện cho cái thiện, cái ác mà trong mỗi nhân vật đều có phần ác và phần thiện, và như vậy, nhân vật trở nên gần gũi, đời thường hơn.

Nhân vật trong những tác phẩm dân gian thường xuất hiện để thể hiện một chức năng nào đó, bởi vậy mang tính khái quát cao, nhân vật thường đại diện cho một tầng lớp người và việc thể hiện tính cách, tâm lý nhân vật không được chú trọng. Nhân vật trong truyện ngắn đương đại dù mượn tên nhân vật trong truyện cổ nhưng nhà văn lại thể hiện sức sáng tạo của mình. Nhân vật được đặt trong những tình huống cụ thể qua đó tính cách và đời sống bên trong được bộc lộ. Sự chủ định của nhà văn trong việc “đời thường hóa nhân vật bằng thế giới nội tâm phong phú”, bằng những hành vi và thái độ ứng xử rất đời thường đã làm cho nhân vật trở nên thật hơn, gần gũi hơn với đời thực. Quan niệm về con người đời thường, trần tục đã mang đến những thay đổi trong tư duy nghệ thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn thời kỳ này.

Nếu nhân vật trong truyện cổ thường được nhìn từ “khoảng cách sử thi” với cái nhìn toàn tri của người kể chuyện biết tuốt, thì nhân vật trong nhiều truyện ngắn hiện nay là “quá trình cá nhân hóa, chủ quan hóa và giải -dân gian hóa các tự sự dân gian”. Nếu như trong tác phẩm văn học dân gian, nhân vật thường được chú ý khái thác trên các bình diện sự kiện, hành động thì trong tác phẩm truyện ngắn đương đại, bình diện tâm lý, tính cách của nhân vật được chú ý khai thác. Với sự mở rộng quan niệm về phương pháp sáng tác và cách tiếp cận hiện thực, với việc sử dụng mô típ huyền thoại, thủ pháp nghịch dị, lạ hóa, người viết truyện ngắn hôm nay đã mở rộng biên độ khám phá, đồng thời làm thay đổi thói quen tiếp nhận của người đọc.

Thay đổi dạng thức nhân vật bất biến là một dấu hiệu của đổi mới tư duy nghệ thuật. Chính sự chi phối của nguyên tắc này đã làm phát lộ những sáng tạo nghệ thuật cũng như làm đa dạng hóa các kiểu dạng nhân vật, làm xuất hiện những kiểu dạng nhân vật mới.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w