sau ngày miền Nam được giải phóng, Bùi Hiển lại tiếp tục những chuyến đi Ông đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, tiếp tục viết về
1.3.2. Giai đoạn từ 2000 đến nay với sự xuất hiện của những cây bút thế hệ 7X,
Bước sang thế kỷ XXI, đời sống xã hội đã có những thay đổi đáng kể. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng của các phương tiện truyền thông hiện đại, của internet, truyền thông đa phương tiện đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội trong đó có văn học. Cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội, của ý thức và nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật là sự xuất hiện của đội ngũ đông đảo những người viết trẻ, đa phần sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Trong những năm qua số lượng các cây bút trẻ về tuổi đời và tuổi nghề không ngừng tăng lên, sách của người viết trẻ đang ngày một chiếm lĩnh thị trường sách văn học, đồng thời xuất hiện một nhu cầu mang tính tự thân là nhu cầu “viết về thế hệ mình”.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người viết trẻ đã chọn truyện ngắn làm thể loại thử sức. Với những người mới bước những bước đi ban đầu trên bước đường đến với văn chương thì truyện ngắn được coi là thể loại, là mảnh đất dễ cày xới, là địa hạt để người viết có thể thử sức, bởi lúc này viết tiểu thuyết còn là quá sức đối với họ, khi mà cả vốn sống, sự trải nghiệm và kinh nghiệm viết còn quá ít ỏi. Bên cạnh đó, so với tiểu thuyết thì truyện ngắn khá thuận lợi trong việc in ấn, xuất bản. Truyện ngắn là thể loại có nhiều đất diễn, người viết có nhiều cơ hội để công bố tác phẩm với bạn đọc bởi thể loại này là “hình thức văn chương phù hợp với việc chuyển tải trên trang báo vốn có yêu cầu giới hạn về lượng chữ”. Phần lớn các tờ báo và tạp chí (cả chuyên và không chuyên) đều cho đăng các truyện ngắn. Rất nhiều cây bút trẻ ở Việt Nam không mấy khó khăn khi xuất bản các tác phẩm, trong đó có các tập truyện ngắn.
Quan sát đời sống văn học hiện nay có thể thấy sự hiện diện đông đảo những cây bút trẻ viết truyện ngắn. Trong suốt thập niên đầu của thế kỷ XXI, những cây bút 7X như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Thuần, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Vĩnh
Nguyên, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp từ chỗ là những gương mặt khá mới mẻ trên văn đàn đến nay họ đã là lớp đàn anh đàn chị, đã từng bước khẳng định được vị thế và nhiều người trong số họ lại tiếp tục thử sức với thể loại tiểu thuyết (như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư). Với những cây bút trẻ này, cho đến nay, họ cũng đã có ít nhất năm, ba tập truyện ngắn in riêng. Bên cạnh đó là những cây bút thế hệ 8X (Nguyễn Quỳnh Trang, Phạm Thị Điệp Giang, Nguyễn Thị Cẩm, Chu Thùy Anh, Ngọc Cầm Dương,…).
Có thể thấy ranh giới thế hệ là một đặc điểm rất rõ, ngay trong đội ngũ những người viết văn trẻ ở độ tuổi 7X và 8X cũng đã có sự khác biệt lớn. Ở độ tuổi 7X dẫu sao cũng được sinh ra và lớn lên ở thời điểm đất nước còn có chiến tranh, dấu ấn về một giai đoạn đất nước trong thời kỳ bao cấp vẫn còn ít nhiều tồn tại trong ý thức của chính họ. Với những người viết thế hệ 8X, 9X sinh ra và lớn lên trong bầu sinh quyển mới, khi tổ quốc không còn tiếng súng, khi đời sống xã hội đã có những biến chuyển ở nhiều phương diện thì cái cách họ chiếm lĩnh và khắc họa đời sống cũng có những khác biệt. Đọc tập Truyện ngắn 8X có thể thấy nhân vật trong sáng tác của họ thường là những người trẻ, ở họ có khát vọng, hoài bão, nỗi băn khoăn và cả sự hoang mang của những người mới bước chân vào thực tế đời sống. Tuy nhiên, nhiều tác giả trẻ trong Vũ điệu thân gầy và Truyện ngắn 8X chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều độc giả, còn dẫm chân ở việc đi vào những mối tình không lối thoát, ở sự “thiếu muối” trong cách tiếp cận, nhìn nhận, lý giải những vấn đề của đời sống, dù là đời sống của giới trẻ.
Chỉ trong vòng hơn hai thập niên qua, đời sống xã hội đã có những biến đổi mạnh mẽ, trong đó phải kể đến sự hiện diện và tiếp nối của một thế hệ những người viết trẻ. Trong dàn hợp xướng nhiều âm sắc của đội ngũ những người viết hôm nay, các nhà văn trẻ đã tạo nên một “dòng riêng giữa nguồn chung”, đã đem đến cho đời sống văn học những góc nhìn mới – góc nhìn của những người trẻ. Tuy nhiên, liệu những gương mặt trẻ, trong đó có những cây bút được xem là có triển vọng hôm nay có làm nên tương lai của văn học thì hãy còn phải chờ thời gian, bởi thực tế cũng có
những cây bút xuất hiện thưa thớt rồi “rửa tay gác bút” và có thể họ không còn tái xuất văn đàn.
Có thể thấy truyện ngắn trong vài ba thập niên trở lại đây là một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ giữa các thế hệ cầm bút, từ thế hệ người viết từng kinh qua chiến tranh như Xuân Thiều, Nguyễn Kiên, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê đến những cây bút xuất hiện trong thời kỳ đổi mới (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Ngọc Tiến, Trần Thùy Mai,…) rồi những người viết trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh (Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Phong Điệp,…). Cùng sống và viết sau chiến tranh với ý thức đổi mới và trăn trở về lối viết nhưng ở mỗi thế hệ cầm bút lại có những nét riêng biệt trong cách tiếp cận và chuyển tải những vấn đề của đời sống. Đó có thể là chiến tranh trong cái nhìn đa chiều với những nghiền ngẫm day dứt về hiện thực trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê. Cũng có thể là những trăn trở về thân phận, về cuộc sống hôm nay, những góc khuất của đời sống và tâm hồn con người (trong truyện ngắn Dạ Ngân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Trần Thùy Mai,…). Với các cây bút trẻ, bên cạnh những người viết cơ bản vẫn tiếp tục kế thừa hình thức nghệ thuật truyền thống (Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa) là các tác giả chú ý đến sự đổi mới về lối viết (Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Việt). Có thể coi truyện ngắn thời kỳ đổi mới là một bản tổng phổ nhiều bè, đa dạng các sắc thái và phong cách. Với những cây bút mới, sự hiện diện của họ trong đời sống văn học là điều đáng ghi nhận vì văn học cần sự thể nghiệm, cần có sự kế tục. Những ý kiến lo ngại về xu hướng thể nghiệm quá chú trọng vào kỹ thuật tân kỳ cũng là có cơ sở. Văn học đương đại thuộc về cái “hiện tại chưa hoàn thành” vì thế những giá trị nghệ thuật đích thực sẽ được sàng lọc theo thời gian. Suy cho cùng, mọi sự cách tân và đổi mới chỉ thực sự có ý nghĩa khi hình thức phải có giá trị nghệ thuật và tinh thần nhân văn (vốn là phẩm tính muôn thuở của tác phẩm văn chương và cũng là điều kiện cần thiết để tác phẩm có sức neo giữ với người đọc và trường tồn trong dòng mạch văn học dân tộc).
Tiểu kết:
Khảo sát những vấn đề nghiên cứu liên quan đến lý thuyết truyện ngắn, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có thực tế là cả các nhà nghiên cứu lẫn sáng tác không dễ đưa ra một định nghĩa nhất quán cho thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, đa phần, tác giả các công trình bài viết đều thống nhất ở đặc điểm cơ bản của truyện ngắn là tính chất “ngắn” của thể loại. Một mặt truyện ngắn được xem là thể loại độc lập có những đặc trưng về thi pháp, mặt khác trong các công trình, các nhà văn, nhà nghiên cứu cũng lại chỉ ra mối liên hệ giữa truyện ngắn và truyện kể, hoặc xem truyện ngắn là thể loại “trung gian giữa truyện kể và tiểu thuyết”. Một mặt, các nhà nghiên cứu đi tìm một định nghĩa nhằm phân biệt truyện ngắn và truyện kể với tiểu thuyết nhưng thực tế quan niệm về thể loại truyện ngắn lại muôn hình muôn vẻ. Đã có nhiều định nghĩa truyện ngắn được đưa ra nhưng vẫn không tránh khỏi những ngoại lệ vì không phải truyện ngắn nào cũng thỏa mãn những tiêu chí. Sở dĩ có điều này là bởi trong khi định nghĩa “luôn có ý đồ áp đặt các quy chuẩn thi pháp” thì sáng tác nghệ thuật luôn có sự đổi mới không ngừng.
Ở chương Tổng quan này, chúng tôi cũng đã có những khảo sát, đánh giá về tình hình nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới trên các phương diện những vấn đề chung, các hiện tượng và trường hợp truyện ngắn đáng chú ý. Chúng tôi coi tìm hiểu vấn đề nghiên cứu ở góc độ lý thuyết và thực tiễn sáng tác cùng với việc phác thảo diễn trình truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới là tiền đề trước khi nghiên cứu những vấn đề của tư duy truyện ngắn, nhận diện những kế thừa và sự tiếp biến của hình thức thể loại trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại.
CHƯƠNG 2