Đổi mới thành phần và cấu trúc cú pháp, ngữ đoạn

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 121 - 128)

NGÔN NGỮ VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

4.1.2.Đổi mới thành phần và cấu trúc cú pháp, ngữ đoạn

4.1.2.1 Thay đổi thành phần ngôn ngữ

• Sử dụng lớp ngôn ngữ đời thường, gia tăng thành phần khẩu ngữ:

Thời kỳ đổi mới, cùng với sự thay đổi đề tài, thay đổi cách tiếp cận hiện thực, nhà văn có ý thức trong việc thay đổi cách thức sử dụng ngôn từ bằng việc đưa vào tác phẩm những thành phần ngôn ngữ gần với ngôn ngữ đời sống. Với khát vọng phản ánh hiện thực trong tính đa diện nhiều chiều các nhà văn hôm nay thường sử dụng ngôn ngữ mang đậm sắc thái đời thường, khác với lối sử dụng ngôn ngữ mực thước, mang hơi hướng sử thi trước đây.

Văn học thời kỳ đổi mới chú trọng đến con người đời thường trong những mối quan hệ đa dạng của chính nó. Có thể thấy dấu ấn của đời sống hôm nay (cả về nhu

cầu vật chất, đời sống tinh thần, tâm linh) đã được in dấu trong văn học. Ngôn ngữ vì thế bớt đi vẻ mượt mà, trau chuốt thậm chí thô nhám, trực diện hơn (nhất là trong ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật). Ngôn ngữ truyện ngắn đương đại đã thực hiện chức năng tái hiện đời sống trong tính phức tạp và đa diện của nó.

Ngay từ những năm cuối thập kỷ 80, các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã cho thấy một nhãn quan ngôn ngữ mới, làm thay đổi thói quen và kinh nghiệm ngôn ngữ của cả người viết và người đọc. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là thứ ngôn ngữ miêu tả đời sống như chính hiện thực mà nó vốn có. Ở ông, người đọc nhận thấy khả năng thâm nhập vào đối tượng miêu tả, khám phá và tái hiện chân thực đời sống trong tính sinh động, phồn thực. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp phong phú, đa dạng thuộc về nhiều thành phần: từ trí thức, tướng lĩnh, nông dân, kĩ sư, bác sỹ, đến những người làm công, trong thế giới đó, người viết đã có khả năng lột tả được bản chất, đặc điểm của từng kiểu người và qua họ lột tả được ngôn ngữ đời sống – một thứ ngôn ngữ trần trụi, thông tục, trực diện với những gì đang diễn ra (Không có vua, Huyền thoại phố phường). Sự đổi mới ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện trong cả những truyện ngắn lịch sử, những truyện ngắn mượn chất liệu văn học dân gian. Bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết từng tạo nên những cuộc tranh luận ngay khi các truyện ngắn này vừa mới ra đời. Một trong những yếu tố dẫn đến sự bất đồng quan điểm là ở cách nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật, cách tạo dựng ngôn ngữ nhân vật với cái nhìn và lối viết thân mật hóa đối tượng. Bằng nhãn quan ngôn ngữ mới, Nguyễn Huy Thiệp đã trao cho các nhân vật lịch sử như Quang Trung, vua Gia Long, cũng như những nhân vật từng xuất hiện trong những truyện kể dân gian cách phát ngôn trần tục hóa. Hình tượng Quang Trung, vua Gia Long, Trương Chi qua ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp đã trở nên gần gũi với cuộc sống đời thường, không xa lạ với con người hôm nay. Nhà văn đã trao cho ngôn ngữ chức năng diễn tả cái đa sự và hỗn tạp của cuộc sống như nó vốn có. Đã có không ít người tỏ ra khó chịu với lối văn cộc lốc, ít thưa gửi, ngôn ngữ thô ráp, trần trụi thậm chí thô tục của Nguyễn Huy Thiệp; nhưng phần đông độc giả lại cho rằng đó là cách thích hợp để diễn tả sự xô bồ của cuộc đời và ở khía cạnh này việc sử dụng kiểu ngôn từ suồng sã đời thường vẫn có hiệu quả

nghệ thuật. Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên một sự cách tân, một cuộc cách mạng cho ngôn từ văn chương. Sau ông, nhiều cây bút đã mạnh dạn đem vào văn chương một thứ ngôn ngữ giàu góc cạnh và cá tính.

Bằng khả năng quan sát và trải nghiệm thực tế, các cây bút truyện ngắn đương đại đã đưa vào tác phẩm của mình những tiếng nói của đời sống thường nhật với sự dung nạp khẩu ngữ trong ý thức đưa tác phẩm đến gần hơn với người đọc. Nhân vật người kể chuyện trong truyện ngắn Một thằng nhỏ (Lý Lan) mô tả cuộc sống một cách trần trụi mà xác thực với lối nói tưng tửng tỉnh khô: “Chúng tôi sống đơn giản, ít nhu cầu, tự thấy mình nhàn, không buồn nhìn lên mà cũng ít khi nhìn xuống”. Hoặc một nhân vật trong Đêm dịu dàng của Nguyễn Thị Thu Huệ: “Cái gì tôi cũng đã trải qua, hạnh phúc, đau khổ, cô đơn và hờn giận, có tất. Mỗi chết là chưa biết thôi”. Bằng lối nói trực diện, không cần rào đón, thưa gửi, ngôn ngữ đời sống đã đi vào các trang viết một cách tự nhiên. Cùng với việc đưa chất liệu đời thường vào tác phẩm, ngôn ngữ truyện ngắn nhiều khi thô ráp, đôi khi có cả sự suồng sã, bỗ bã của một thứ khẩu ngữ: “mặt mũi những thằng đàn ông như suốt đời bị mất trộm” (Nguyễn Thị Thu Huệ), “Chức cách đây mấy hôm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở đứa con gái bé như cái kẹo, không ôm iếc gì cả, nhưng biết ngay là bồ bịch” (Hoa muộn – Phan Thị Vàng Anh). Việc sử dụng khẩu ngữ, tiếng lóng, đôi khi có cả ngôn ngữ vỉa hè, ngôn ngữ đường phố, lối phát ngôn trần trụi, không gọt dũa không chỉ có trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mà người đọc còn bắt gặp trong nhiều truyện ngắn khác như Người hùng trường làng (Tạ Nguyên Thọ), Dạo đó thời chiến tranh (Lê Minh Khuê) và không ít truyện ngắn của các cây bút trẻ. Trong truyện ngắn Hồ Anh Thái có thể thấy ngôn ngữ thị dân được sử dụng với tần suất khá đậm đặc: “Quãng đường vắng, đèn đêm đồng lõa tắt hết thình lình mấy con tôm rồ máy xông ra từ một ngõ tối. Một con vọt lên đánh võng chặn đường trước. Hai con nướng chả ép giò hai bên. Hai con đằng sau băm băm xóc ốc” (Phòng khách – Hồ Anh Thái). Hoặc như việc những tổ hợp ngôn ngữ gần gũi với đời sống thường nhật: “nát một đời hoa”, “lụn ba đời chuối”, “gã tráng men”, “gã ăn ốc đổ vỏ”, “lực điền tối dạ”, “học giả yếu tim”, “ám mùi hệ tiêu hóa”, “mốt đảo ngói” xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của anh.

Trong truyện ngắn Việt Nam đương đại đồng thời cũng xuất hiện những quán ngữ mới: “Nếu nghe được tiếng nàng nói, tôi đã … chạy mất dép”(Nhạc công ống nước – Tô Hải Vân), những thành ngữ, lối nói dân gian nhưng lại gắn với trạng thái, đời sống con người hiện đại: “con cá trượt thường là con cá to” (Hậu thiên đường), “nó ăn ốc, mình đổ vỏ. Ở đời chuyện ấy thường lắm” (Nước mắt đàn ông - Nguyễn Thị Thu Huệ), “lọt sàng thì xuống đất rồi chôn luôn, không có nia nào cả” (Thời gian của mỗi người – Nguyễn Thị Thu Huệ).

Việc khai thác, vận dụng những “thành ngữ” hay lối nói dân gian hiện đại, ngôn ngữ đời sống thường nhật này đã làm gia tăng tính thời sự, cập nhật đồng thời đưa tác phẩm đến gần hơn với người đọc. Tiếp xúc với văn bản trên phương diện ngôn từ, có thể thấy, các tác giả đã có sự rút ngắn khoảng cách người kể chuyện và nhân vật, tác giả và người đọc. Với lối nói mang sắc thái hiện thực đời thường, các cây bút truyện ngắn đã góp phần tái hiện chân thực bức tranh của đời sống với một gam màu lạ, thể hiện được sự đa dạng của cuộc sống đồng thời làm phong phú, sống động hơn ngôn ngữ văn chương. Nhiều tổ hợp từ mới xuất hiện trong đời sống cũng đi vào trong văn chương. Tuy nhiên, việc sử dụng lối nói gần gũi với đời sống thường nhật sẽ dẫn đến hai khuynh hướng. Một là, sẽ làm gia tăng hiệu quả nghệ thuật trong ý đồ của người viết nhằm tái hiện hiện thực sinh động của đời sống đang diễn ra. Hai là xu hướng quá lạm dụng sẽ làm mất đi giá trị và vẻ đẹp của ngôn từ văn chương, của ngôn ngữ truyện ngắn.

• Sử dụng lớp từ mới mang hơi thở đời sống đương đại:

Không chỉ có thứ ngôn ngữ thô nhám của một thứ khẩu ngữ, hoặc lối nói dân gian; lối nói mới mẻ, phóng túng mà rất giàu hình tượng của đời sống kinh tế thị trường trên thực tế cũng làm cho ngôn ngữ tác phẩm cập nhật hơn với đời sống. Lời một số bài hát được yêu thích, được cải biên vào đời sống, trở thành khẩu ngữ và được các tác giả truyện ngắn sử dụng: “bên B là chùm khế ngọt, bên A trèo hái mỗi ngày (Nước mắt đàn ông – Nguyễn Thị Thu Huệ); Hà Nội mùa này phố biến thành sông (Hồ Anh Thái), rồi những cụm từ “cát xê”, “cao ốc”, “máy tính” “nối mạng”, “thư điện tử”, “quá đát” … cũng được đưa vào trong các truyện ngắn của Lý Lan (Lắp ghép hạnh phúc, Tháng chạp, Công tử vườn). Sự thay đổi đời sống xã hội

đương đại đã để lại dấu ấn trong ngôn ngữ trần thuật, qua việc sử dụng những lớp từ mới, chỉ xuất hiện trong vài thập niên trở lại đây (các thuật ngữ y học, tên các loại bệnh mới: HIV-AIDS, viêm não Nhật Bản, dịch cúm gia cầm; các khái niệm kinh tế tiền tệ: công ty cổ phần, thị trường chứng khoán, cổ phiếu; những từ ngữ trong thời đại thông tin: thư điện tử, chat, truyền hình cáp, nối mạng, trực tuyến trong truyện ngắn trẻ). Chẳng hạn như việc sử dụng nhiều thuật ngữ nước ngoài, thuật ngữ mới thuộc nhiều ngành chuyên môn (thuật ngữ y học, công nghệ thông tin, số hóa trong truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Phan Việt, Nguyễn Việt Hà, Mạc Can): “Mặt đám này trông no nê nhưng luôn căng thẳng vì overtime nhạt nhạt xanh phảng phất màu của giấy bạc Mỹ” (Biển lạ - Nguyễn Việt Hà), hoặc như: “Mình đã save tín hiệu về mình vào trong óc họ rồi” (Hội chợ buồn thiu - Mạc Can).

Cùng với sự hiện diện internet trong đời sống, sự xuất hiện văn học mạng là sự xâm lấn ngôn ngữ mạng vào tác phẩm văn học. Những năm gần đây, ngôn ngữ “bàn phím”, “ngôn ngữ mạng” đã xuất hiện trong nhiều truyện ngắn. Điều này cho thấy một thực tế là nhu cầu được chuyển tải một phương diện của đời sống trong tác phẩm văn học (Nham - Hồ Anh Thái, Nhạc công ống nước – Tô Hải Vân, truyện ngắn Nguyễn Vĩnh Nguyên,...). Có những truyện ngắn được người viết xây dựng trên một cuộc đối thoại (chat) qua mạng, bởi vậy đậm đặc ngôn ngữ internet. Sự xuất hiện của ngôn ngữ mạng (chat, blog, email), ngôn ngữ thời @ trong truyện ngắn của nhiều tác giả trẻ cho thấy một thực tế là nhu cầu được chuyển tải một phương diện của đời sống vào tác phẩm văn học. Người cầm bút cần có những cách thức linh hoạt, hợp lý để chuyển tải những phạm vi hiện thực mới. Tuy nhiên việc quá lạm dụng nó đôi khi chưa đem lại giá trị thẩm mỹ mà trái lại làm mất đi vẻ đẹp và giá trị biểu cảm của ngôn ngữ văn chương.

4.1.2.2. Thay đổi cấu trúc cú pháp, ngữ đoạn

Có quan niệm cho rằng ngôn ngữ là trò chơi giữa các ký hiệu để sinh thành nghĩa. Theo Lancan, “ngôn ngữ là một thực thể khó nắm bắt”, “ngôn ngữ không bao giờ sở hữu một mô thức khả đoán”. Với người viết truyện ngắn hôm nay, tính chất biến hóa, linh hoạt của ngôn ngữ đã được vận dụng, ở đó ngôn ngữ còn có thể trở thành “trò chơi” ngôn từ mang đầy đủ ý thức và chủ định nghệ thuật. Cùng với ý thức

cách tân, ngôn ngữ truyện ngắn gần đây đã trở nên linh hoạt bằng sự biến hóa của cấu trúc cú pháp, ngữ đoạn.

Để diễn tả sự gấp gáp, hỗn tạp của đời sống hiện đại nhiều cây bút đã sử dụng những kết cấu câu văn ngắn có tiết tấu trần thuật nhanh: “Tay chai Lavi. Miệng hát. Non stop. Hát mê mải như phong trào văn nghệ quần chúng công ty SPT” (Cả một dây theo nhau đi - Hồ Anh Thái); những câu văn ngắn gọn, dồn dập, hạn chế tối đa các liên từ: “Đèn vàng. Vọt. Hoét. Vọt luôn. Xe Hon đa thắng cái rét (18 tuổi – Lý Lan),…

Ở một thái cực khác, đối lập với sự diễn tả nhịp sống hối hả của đời sống hôm nay, nhằm tái hiện một trạng thái hỗn mang của cuộc sống hiện đại, nhà văn đã sử dụng những cấu trúc câu dài. Truyện ngắn Phạm Thị Hoài ấn tượng ở sự phá cách trong cấu trúc câu, không chỉ với câu văn ngắn mà còn là những câu liệt kê dài không tương hợp ngữ pháp truyền thống, ở TiÖm may Sµi Gßn:“Một trăm hai mươi kiểu nam nữ âu phục dân tộc phổ biến thời trang nhất hiện nay sơ cấp hai trăm rưỡi trung cấp bốn trăm cả trung cả sơ thì sáu trăm giảm thêm năm chục cao cấp thì áo dài comlê thực hành ngay trên vải giáo viên toàn loại tín nhiệm nào tên em là gì?”; ở

TruyÖn thµy A.K, kÎ sÜ Hµ Thµnh và nhiều truyện ngắn khác. Khi tiếp nhận truyện ngắn Phạm Thị Hoài người đọc như bị cuốn vào dòng thác ngôn từ, buộc phải đọc liền một mạch, không thể dừng lại giữa chừng. Câu văn dài dù được ngắt nhịp bằng dấu phẩy nhưng người đọc vẫn có thể bị cuốn theo lớp sóng ngôn từ, vẫn phải đọc với tốc độ gấp gáp. Những người đọc đã quen với cách đọc truyền thống sẽ thấy mệt khi đọc văn của bà, nó đòi hỏi sự tập trung và khả năng nắm bắt ý tưởng trên cơ sở những chuỗi ngôn từ nối tiếp tưởng như bất tận. Lối viết tràn dòng, tràn ý này không chỉ đơn thuần là sự phá cách, là ý thức đổi mới nghệ thuật tự sự mà còn phù hợp để diễn tả hiện thực thậm phồn của đời sống, một thực tại đời sống với sự xô bồ, hỗn tạp vẫn đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Lối viết tràn dòng, tràn ý này còn có thể bắt gặp trong truyện ngắn Hồ Anh Thái:

“Diệu bắt con trai lên tận sân bay để đón chim về. Đằng trước đằng sau nhà đã lủng lẳng những lồng chim các loại. Bạn bè đùa nhà chị chỉ toàn họa mi

với khiếu với sáo với cu gáy với vẹt, có mỗi con chim quan trọng nhất thì để nó bay mất. Chồng chị đị làm ăn ở Đức vô thời hạn. Nhà chỉ có hai thằng con trai lớn kềnh càng. Mẹ đi công tác Thái Bình, gọi điện về hỏi chim mẹ thế nào, chim của mẹ chết rồi. Chết con nào? Con họa mi í, chúng con quên cho chim uống nước, những con khác chỉ lừ đừ thôi, con này yếu như sên, chết ngay. Chăm nuôi kiểu gì thế? Người đây còn đói khát nữa là chim, mẹ về mà chăm.” (Chim anh chim em).

Kiểu viết này không chỉ tạo sự lạ hóa bằng lối ngắt câu, sự liền mạch mà còn bằng cả nghĩa bóng hiện rất thịnh hành trong lối nói dân gian hiện đại. Ở đây, dù đã có sự tách câu bằng các dấu chấm và dấu phẩy, đều là những câu văn ngắn gọn đặt cạnh nhau nhưng có cảm giác như mạch truyện không ngừng nghỉ bởi sự nối tiếp của các ý, các đối thoại. Hồ Anh Thái là nhà văn rất có ý thức lạ hóa bằng cách tạo ra những tổ hợp ngôn ngữ mới, đôi khi là sáng tạo của riêng nhà văn, chưa từng gặp trước đây: “Cho gà ăn thịt gà”, “chị viện phó em chó què”, “chị viện phó em khó khằn” (không chỉ trong truyện ngắn mà còn trong tiểu thuyết).

Trong nhiều truyện ngắn đương đại, người viết còn tạo ra những ký hiệu, hình ảnh, biểu tượng – những yếu tố không thuộc về hệ thống ký hiệu ngôn ngữ thông thường. Chẳng hạn trong truyện ngắn Chợ đằng đông (Nhật Chiêu), người đọc thấy rõ sự bài trí sắp xếp, đan bện kết cấu tự sự và trữ tình. Tác phẩm là câu chuyện được kể nhưng ngôn ngữ thơ chiếm một tỷ trọng lớn, với sự đan xen giữa thơ và văn xuôi. Bên cạnh đó là những ký hiệu khác lạ vốn chưa từng tồn tại trong các văn bản truyện ngắn trước đây. Đọc truyện ngắn Nguyễn Vĩnh Nguyên có cảm tưởng như người viết đang đánh đố người đọc với từng câu chữ bằng “những câu văn không hướng tâm”, những tổ hợp ngôn ngữ khác lạ. Để diễn tả trạng thái hoảng loạn của hành khách khi

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 121 - 128)