Đặc điểm của đoạn kết và tiêu đề tác phẩm

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 108 - 119)

CÁC DẠNG THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ TỔ CHỨC KẾT CẤU VĂN BẢN TRUYỆN NGẮN

3.2.2. Đặc điểm của đoạn kết và tiêu đề tác phẩm

3.2.2.1. Đổi mới cách kết thúc truyện ngắn

Truyện ngắn, do sự giới hạn về dung lượng nên yêu cầu về tính chặt chẽ của các thành tố trong kết cấu cốt truyện càng được đặt ra. Theo kinh nghiệm của nhà văn Nguyễn Quang Thân thì “viết tiểu thuyết có thể đủng đỉnh một vài trang đầu, thậm chí một, hai chương đầu, độc giả sẽ không nỡ bỏ sách vì nghĩ: chắc còn những nước rút thú vị về sau (…) nhưng truyện ngắn thì không thể. Một trăm mét thôi mà lỡ trớn tay hay đủng đỉnh mất vài chục mét lúc đầu coi như thua cuộc [115, tr.118). Với nhà văn Shêkhôp, viết truyện ngắn “cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận” (122, tr.75). Ở đoạn kết, để tăng thêm sức chứa nhằm phá vỡ khuôn khổ chật hẹp của hình thức, nhà văn cần phải biết lựa chọn điểm dừng. Đoạn kết chính là lúc nhà văn khép lại câu chuyện “tạo thành một chương cuối theo nghĩa âm nhạc của từ này”. Nhà văn Đỗ Chu đặc biệt coi trọng đoạn kết:

“Còn như việc kết thúc một truyện ngắn, đó là hoạt động dễ gây ra những xúc động đột ngột. Ta sẽ thấy rất sung sướng nếu cảm thấy vừa khép kín một cái gì hình thành. Và ta sẽ buồn bã biết bao nếu chợt nhận ra mình đã lầm lẫn. Ở phút dừng lại có thể biết những gì mình viết ra đã thành công đến đâu. Cái thú của người viết truyện ngắn có khi còn nằm ở chỗ đó” [chuyển dẫn 152, tr.51].

Nhiều người viết truyện ngắn có ý thức sao cho sau khi đọc phần kết, người đọc sẽ có một “vết hằn trong tâm trí”. Đó chính là những dư ba, những vang hưởng mà đoạn kết tạo dựng được với người đọc.

Trong truyện ngắn cổ điển, tính quy phạm của thi pháp sáng tác đã chi phối cách xây dựng tác phẩm, trong đó có đoạn kết. Truyện truyền thống thường có lối kết thúc có hậu (hay là kết thúc đóng), chuỗi sự kiện trong truyện được sắp xếp theo

lôgic nhân quả và người đọc có thể định vị được diễn tiến của cốt truyện, bao gồm cả đoạn kết. Đọc xong tác phẩm người đọc gần như đã tường minh về số phận của các nhân vật. Truyện không có những ẩn số, không tạo được khoảng trống cho người đọc. Với lối kết thúc này, người đọc không có nhiệm vụ cùng giải quyết những vấn đề của tác phẩm mà chỉ chấp nhận một cốt truyện đã được giải quyết xong xuôi, nhà văn đóng vai trò là người truyền phán chân lý. Hiện thực trong tác phẩm được biết trước như nó phải có, cần có.

Thay đổi quan niệm về đoạn kết là ý thức nghệ thuật của nhà văn gắn với nguyên lý đồng sáng tạo trong sáng tác và tiếp nhận văn học. Wolfang Iser coi tác phẩm là kết quả sự gặp gỡ giữa văn bản và người đọc. Trải qua nhiều thế kỷ, tư tưởng nghệ thuật phương Tây luôn bị chi phối bởi hai luận thuyết "tái hiện" và "biểu hiện", theo đó, một tác phẩm thường được coi là kết quả của thế sự khách quan hay biểu hiện nội tâm của tác giả. Tuy nhiên, sự ra đời của lí thuyết tiếp nhận vào những năm 60 của thế kỉ XX, với sự đóng góp của hai nhà khoa học Đức là Hans Robert Jauss và Wolfgang Iser, đã tạo ra những thay đổi lớn trong tư duy nghệ thuật ở phương Tây và trên thế giới. Lý thuyết tiếp nhận là khởi nguồn cho sự hình thành khuynh hướng sáng tác theo nguyên lý đồng sáng tạo.Với ý thức hướng tới độc giả, hướng tới sự đối thoại với người đọc, các cây bút truyện ngắn hiện nay đã có những thay đổi đáng kể trong nghệ thuật dựng truyện, trong đó nghệ thuật xây dựng cốt truyện cũng như cách quan niệm và cách tạo dựng đoạn kết trong cốt truyện. Với sự đổi mới cách xây dựng đoạn kết các cây bút đương đại đã cho thấy: tác phẩm là những giả thiết về đời sống và đó mới là chân lý nghệ thuật.

Từ thời kỳ đổi mới với sự thay đổi tư duy, văn học phát triển theo xu hướng cởi mở hơn. Truyện ngắn có kết cấu tự do hơn, đoạn kết được xây dựng khá đa dạng phần lớn vượt ra khỏi mô hình “kết thúc có hậu” truyền thống. Các tác giả truyện ngắn hiện nay có ý thức nới lỏng quan hệ nội tại các thành phần cốt truyện. Kết cấu truyện không có đầy đủ các thành tố trong cốt truyện đã trở nên phổ biến. Truyện ngắn không nhất thiết phải kết thúc có hậu, thủ pháp báo trước gần như bị triệt tiêu. Đoạn kết tạo ra các khoảng trống để độc giả trở thành đồng sáng tạo, tự giải mã các vấn đề. Theo đó, công việc của nhà văn là “hướng tới làm thất bại sự chờ đợi ở độc

giả”, phá vỡ tính chỉnh thể trong cấu trúc tự sự của truyện ngắn truyền thống. Là một thể loại “năng động”, các cách kết thúc truyện ngắn hôm nay được xây dựng phong phú và đa dạng. Dễ nhận thấy là vẫn có nhiều truyện ngắn được kết thúc theo kiểu truyền thống, tuy nhiên chúng tôi hướng tới việc tìm hiểu và lý giải những dạng thức mới của các cách kết thúc truyện ngắn – những cách thức cho thấy sự đổi mới tư duy trên phương diện nghệ thuật trần thuật.

• Các kiểu dạng kết thúc truyện ngắn thường gặp:

Kết thúc mở:

Kết thúc mở là một khuynh hướng thường gặp của truyện ngắn đương đại. Ưu thế của khuynh hướng này là người đọc có thể lựa chọn cách kết thúc theo khả năng mình cho là hợp lý. Kết thúc mở đồng nghĩa với việc văn bản truyện đã đọc xong nhưng dòng vận động của truyện chưa chấm dứt, số phận nhân vật vẫn tiếp tục đựơc suy đoán.

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp tiêu biểu cho lối kết thúc mở với mô típ kết thúc truyện bằng những cuộc ra đi của nhân vật. Ở Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn Nguyễn Huy Thiệp đã để cho nhân vật tiếp tục ra đi, tiếp tục kiếm tìm lẽ sống, kiếm tìm cái đẹp: “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường. Màu trắng đến là khắc khoải nao lòng. Này là hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có nở trắng thế không?… Chúng tôi cứ đi, đi mãi,… Tôi không biết chắc ở trước mặt tôi đấy là cổng trời, cổng thiên đường” (Những người thợ xẻ). Đọc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh có thể thấy mỗi truyện ngắn khép lại người đọc vẫn tưởng như câu chuyện sẽ còn tiếp tục với những trò chơi tinh quái của cái tôi mới lớn luôn luôn muốn cựa quậy. Kết thúc Si tình mọi chuyện vẫn như đang diễn ra, đang còn ở phía trước. Còn ở Người có họcĐất đỏ, nhân vật dường như vẫn đang theo đuổi những ý nghĩ không đầu không cuối. Câu chuyện kết thúc trên trang giấy nhưng lại bắt đầu một đời sống riêng trong lòng độc giả. Nhiều truyện ngắn khác như Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Ánh trăng

(Nguyễn Bản),… không hề khép lại mạch truyện dù nhà văn đã đặt dấu chấm để kết thúc truyện ngắn của mình.

Nếu như trước đây, kết cấu của truyện ngắn thường được xây dựng với 5 thành phần cốt truyện từ trình bày, khai đoạn, phát triển, đỉnh điểm rồi kết thúc trong tính toàn vẹn thì giờ đây mô hình cấu trúc đó nhiều khi đã được giản lược. Với việc coi đoạn kết là “điểm chiến lược của truyện kể” kiểu kết thúc để ngỏ trở thành một xu hướng trong nghệ thuật dựng truyện của các tác giả truyện ngắn đương đại. Cách kết thúc này cho phép người đọc tham dự vào sự vận động của dòng mạch tác phẩm và điều này cho thấy những chuyển đổi trong ý thức sáng tạo, trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa người viết và người đọc. Sự “bình đẳng” được biểu hiện qua ngôn ngữ người kể chuyện, hướng tới việc xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và cái được trần thuật. Nhà văn có ý thức đưa văn học nghệ thuật đến gần với đời sống. Đọc những truyện ngắn có lối kết thúc để ngỏ, người đọc không chỉ là người thẩm định giá trị tác phẩm mà còn là đồng sáng tạo. Tác phẩm không đưa ra một kết thúc cụ thể mà có tính chất “mời gọi” độc giả cùng đối thoại. Tác phẩm có thể có những hướng tiếp cận khác nhau tùy vào tri thức, vốn sống và tâm thế của người đọc. Tác phẩm giả định nhiều viễn cảnh, “suy cho cùng, mỗi kiểu kết truyện là một giả định nghệ thuật triết lý nhân sinh của con người đương đại” [63].

Truyện có thể không có kết thúc:

Trong truyện ngắn, thông thường, ở đoạn kết nhà văn cho thấy cách giải quyết xung đột đã được miêu tả hoặc cho thấy những khả năng giải quyết xung đột. Thường các tác phẩm chỉ có một cách kết thúc nhưng cũng có tác phẩm kết thúc bằng nhiều cách và có tác phẩm lại không có kết thúc và ý nghĩa của nó chính là ở chỗ không có kết thúc, nói như Puskin khi trả lời câu hỏi vì sao tác phẩm Người tù Capcadơ không có kết thúc “không cần phải nói ra tất cả, đó chính là bí quyết trong tình yêu cũng như trong nghệ thuật”.

Hình thức truyện không có kết thúc thường gặp trong những truyện ngắn dòng ý thức. Các tình tiết, chi tiết của truyện được triển khai theo mạch vận động của cảm xúc suy nghĩ của nhân vật là chủ yếu. Câu chuyện chưa kết thúc mà tác giả chỉ tạm ngưng vì một lý do nào đó.

Truyện có thể không có kết thúc như cách mà Lý Lan đã làm trong Chơi Hạ Long. Toàn truyện ngắn Chơi Hạ Long là dòng độc thoại nội tâm của nhân vật chính

và thay cho phần kết của truyện cũng là để tạm ngưng dòng chảy của ý thức, Lý Lan đã viết rằng: “Và như tất cả những câu chuyện không đầu không đuôi khác, tôi ngừng câu chuyện này, không biết nó kết thúc ở đâu”. Không có kết thúc và mở đầu, kết cấu của truyện ngắn Biển trong mưa (Lý Lan) chỉ bao gồm những đoạn đối thoại. Bỏ qua vai trò người kể chuyện, hay là ẩn đi nhân vật người kể chuyện, câu chuyện cứ thế diễn ra một cách tự nhiên. Nguyễn Vĩnh Nguyên, trong phần vĩ thanh của một truyện ngắn gần đây cũng đã viết: “Tôi có tham vọng muốn kết thúc truyện ngắn này bằng việc cho hai nhân vật chủ quán người phục vụ tiếp tục nhận lấy một thứ phi lý khác của cuộc đời… Nhưng như thế phỏng có ích gì. Trên thực tế họ vẫn sống trong vườn quán ấy” (Stop and go). Hầu hết truyện ngắn trong tập Mê lộ của Phạm Thị Hoài không rõ bắt đầu ở đâu và kết thúc ở đâu. Truyện có khi chỉ là một mẩu đối thoại (Mê lộ, Khách), một dòng suy tưởng, triết lý (Kẻ giết ý nghĩ, Người suy tư), một cảm nghĩ (Hoa sữa). Truyện dường như không có mở đầu mà cũng ít khi có kết thúc toàn vẹn. Buổi học thêm ở tu viện (Phan Thị Vàng Anh) là sự đan xen giữa những mẩu đối thoại, hiện thực và suy tưởng. Mười ngày (Phan Thị Vàng Anh) được viết dưới dạng nhật ký. Câu chuyện cứ tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác với những lát cắt của tâm trạng.

Khi nói về tiểu thuyết mới A. Robbe – Grillet cho rằng: “Ngày nay, trong thế giới đầy biến động của chúng ta, các ý nghĩa chỉ còn là tạm thời, thậm chí mâu thuẫn và luôn bị đưa ra tranh cãi. Như vậy làm sao một tác phẩm nghệ thuật có thể minh họa một ý nghĩa bất kỳ đã biết từ trước? [121, tr. 286]. Trong truyện ngắn đương đại Việt Nam, quan niệm về hiện thực biết trước đã nhường chỗ cho những sáng tạo mới, ở đó văn chương cũng như đời sống, sẽ có những khả thể. Việc nhà văn xây dựng truyện ngắn không có kết thúc cũng là cách thức người viết bày tỏ quan niệm về đời sống.

Tác giả đưa ra nhiều cái kết:

Truyện ngắn những năm gần đây có xu hướng đưa ra nhiều cái kết, tác phẩm để ngỏ nhiều giả định. Tác giả đưa ra nhiều cách kiến giải cho cuộc đời nhân vật, người viết không áp đặt một kết cục tất yếu cho câu chuyện. Truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông (Nguyễn Quang Thiều) tiêu biểu cho lối kết thúc này. Cuộc kiếm tìm

của chàng trai với người con gái tên Chinh vẫn chưa có lời đáp. Kết truyện là ba giả thuyết:

“Có người nói, họ thấy chiếc thuyền ấy qua nơi họ ở mấy hôm trước. Ở mui thuyền có một cô gái hai tay bị trói vào cọc. Có người nói rằng họ thấy một chiếc thuyền câu nhỏ quay tròn trôi theo dòng nước, trong thuyền có một đứa bé mới đẻ. Một đôi vợ chồng già không có con đã đón đứa bé ấy về nuôi.) Rồi có người kể lại rằng họ nghe đồn có một người đàn bà chết trôi trên bụng có một đứa bé mắt tròn như mắt cá. Đứa bé ấy nhìn vào bờ cứ cười ba tiếng lại khóc ba tiếng…”. Chuyện kết thúc khi số phận nhân vật chưa rõ ràng.

Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo) kết thúc bằng cách đưa ra nhiều kiến giải về chuỗi đời còn lại của nhân vật qua hình dung của một nhân vật khác. Với triết luận cuộc sống có sự sinh thành và hủy diệt, được và mất, hạnh phúc và khổ đau, câu chuyện về người đàn bà trong Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiến) khép lại bằng cách mở ra nhiều khả năng về số phận nhân vật. Cuối cùng tác giả, với tư cách là người kể chuyện đã bộc lộ: “Tôi không có cách nào để trả lời cô gái. Có điều, tôi nghĩ rằng, người đàn bà năm xưa hẳn phải có gương mặt dịu dàng, thánh thiện như cô sinh viên năm thứ tư này. Tôi đành im lặng chịu lời kết tội là kẻ độc ác của cô gái. Duy nhất tôi chỉ có thể làm được mỗi một việc là viết lại câu chuyện này để ít nhiều tôn trọng một sự thật. Quyền phán xét nó thuộc về bạn đọc”. Tiếng nói sau cùng không thuộc về tác giả mà hãy để cho ai nấy từ giờ nói và nghĩ tùy ý vì đã đến lúc kết thúc lời lẽ của mình” (Bôcasio) [ Chuyển dẫn 163, tr.56].

Nguyễn Huy Thiệp trong Vàng lửa đã đưa ra ba cách kết thúc cho phép người đọc lựa chọn. Mỗi đoạn kết là một cách kiến giải về số phận nhân vật. Mỗi kiểu kết truyện là một giả định nghệ thuật. Ở những truyện ngắn có kết cấu đa kết, ở phần kết, rất ngắn, người đọc vẫn thường gặp những dạng câu như “Tôi hiến bạn đọc ba đoạn kết cho câu chuyện này để bạn đọc tùy ý lựa chọn” (Vàng lửa). Hay “Tôi chỉ có thể làm được mỗi một việc là viết lại câu chuyện này để ít nhiều tôn trọng một sự thật. Quyền phán xét nó thuộc về bạn đọc” (Họ đã trở thành đàn ông – Phạm Ngọc Tiến). Hoặc như “Chuyện này khó viết được đoạn kết. Tôi chỉ vẽ ra hai cái kết để bạn đọc chiêm nghiệm” (Hoa anh túc - Nguyễn Thị Ấm).

Việc làm rõ thêm những gì đã được viết ra trong văn bản nằm trong ý đồ của người viết nhằm bày tỏ ý hướng tôn trọng hiện thực khách quan của đời sống. Tác giả tham dự vào truyện kể nhưng không phải ở vị thế của người biết tất cả. Câu chuyện mở ra những khả năng để người đọc suy ngẫm, tác giả không hướng tới tầm đón đợi của một bộ phận độc giả vì mỗi người đều có thể suy ngẫm về những khả thể của sự việc, câu chuyện có thể diễn ra theo những chiều hướng khác nhau như cuộc đời vốn đa sự và không ít những ngẫu nhiên. Nhà văn không kể một câu chuyện nào cả, mà chỉ tạo ra những khả thể về những câu chuyện và độc giả là người “dựa vào những khả thể ấy để tự kể chuyện theo cách của mình”.

Xuất phát từ ý thức nghệ thuật đến hành vi sáng tác, từ nhà văn đến công chúng độc giả, từ sự thay đổi chức năng văn học, hướng xây dựng đoạn kết đã có những đổi mới so với truyện ngắn giai đoạn trước. Nhìn chung truyện ngắn hiện nay phổ biến ở hình thức kết thúc mở. Ở dạng này sau khi kết thúc, mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết hoặc chưa được giải quyết trọn vẹn, dòng vận động của truyện chưa chấm dứt. Ngoài những cách kết thúc thường gặp trên đây một số truyện ngắn còn có

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 108 - 119)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w