Thức đổi mới ngôn ngữ văn chương

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 120 - 121)

NGÔN NGỮ VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

4.1.1.thức đổi mới ngôn ngữ văn chương

Thời kỳ đổi mới, cùng với sự thay đổi tư duy nghệ thuật, ý thức về sức mạnh của ngôn ngữ và sự đổi mới ngôn ngữ văn chương, cùng với việc đưa ra những quan niệm nghệ thuật, các cây bút truyện ngắn đã trực tiếp đặt vấn đề cách tân ngôn ngữ. Phạm Thị Hoài bộc lộ khát vọng tìm kiếm những giá trị biểu đạt mới cho ngôn ngữ Việt: “tôi không khỏi băn khoăn, nên làm cho tiếng Việt của chúng ta tiếp tục trở thành một đặc sản dành riêng cho những người sành ăn, hay trước hết hãy gia tăng tính khoa học, tốc độ và khả năng biểu đạt tư duy trừu tượng của nó” [68]. Trong khi

Nguyễn Huy Thiệp – người được xem là một trong những nhà văn tiên phong cho trào lưu đổi mới văn học lại cho rằng: “Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất - Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng – Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người - Buộc họ soi lòng mình như soi mặt xuống lòng hồ” (Mưa Nhã Nam). Nghĩa là, với nhà văn, ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương nói chung và trong truyện ngắn nói riêng có khả năng biến hóa vô tận để có thể diễn tả được mọi trạng thái và cung bậc của đời sống.

Những quan niệm trên đây của mỗi nhà văn đều chi phối việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng tác của chính họ. Với ý thức đó, khi đặt bút viết thì có nghĩa là đang cố gắng tạo ra một giá trị mới cho ngôn ngữ, giải phóng ngôn từ khỏi những nghi thức và định kiến cũ mòn. Các cây bút có ý thức cá tính hoá về mặt ngôn ngữ, có cách xử lý ngôn ngữ riêng, đồng thời có xu hướng tiệm cận ngôn ngữ đời sống với sự gia tăng “thành phần khẩu ngữ” trong ý thức đưa tác phẩm đến gần hơn với người đọc. Bằng một ý thức ngôn ngữ mới, với việc phá vỡ tính khuôn định trong cách sử dụng ngôn từ; ngôn ngữ mực thước, trang trọng không còn là đặc định. Ngôn ngữ truyện ngắn gần đây đã trở nên linh hoạt với sự biến hoá của các lớp từ vựng, cấu trúc cú pháp, ngữ đoạn. Chính sự thay đổi của đời sống cùng với ý thức cách tân, nhãn quan ngôn ngữ mới của người viết đã tạo nên những thay đổi đáng kể của ngôn ngữ truyện ngắn Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 120 - 121)