TRUYỆN NGẮ N QUAN NIỆM VÀ SỰ ĐỔI MỚI TƯ DUY THỂ LOẠ
2.2.3. Sự tương tác thể loại trong truyện ngắn
Theo quan điểm của IU.M.Lotman thì sự vận động của thể loại diễn tiến theo hai con đường: “Con đường vận động tới sự giống nhau ở bên trong hệ thống đã cho có tính ước lệ, con đường nỗ lực cải tổ nó từ bên trong và một sự gạt bỏ hệ thống trong tổng thể, một nhu cầu thay thế nó bằng cái khác”. Thực tế đời sống văn học cho thấy, nòng cốt của thể loại là những “mô chuẩn nghệ thuật”, ít nhiều mang tính quy ước, có ý nghĩa tương đối và luôn biến đổi. Trong bối cảnh mới, được sự cổ vũ của sự đổi mới tư duy, nhà văn trong quá trình sáng tác, ở phương diện thể loại, một mặt tôn trọng những mô chuẩn nghệ thuật có tính chất quy ước, mặt khác, luôn có nhu cầu thoát bỏ những quy ước ấy bằng cách “tổng hợp kinh nghiệm của hai hay nhiều thể loại khác tạo nên những tác phẩm lệch chuẩn”. Nghĩa là một mặt truyện ngắn được sáng tác dưới ý thức rõ ràng về ranh giới thể loại, mặt khác nhiều truyện ngắn hướng tới việc hóa giải những ràng buộc mang tính quy ước thể loại.
Trong đời sống văn học hiện nay, quan niệm truyền thống về thể loại truyện ngắn đã thay đổi với xu hướng truyện ngắn xóa bỏ những ranh giới thể loại đã được mặc định trước đó. Với nhiều trường hợp truyện ngắn, sự pha trộn, tương tác thể loại được xem như sự “vi phạm quy tắc có chủ ý” của người viết. Tuy nhiên: “Suy cho cùng việc đi ngược quy tắc chỉ thành công trong điều kiện nó xuất phát từ chính yêu cầu của nội dung câu chuyện, khớp với nội dung ấy, là một bộ phận hợp thành chặt chẽ của nội dung ấy”[103].
Quan sát thực tiễn đời sống văn học và sự vận động của thể loại truyện ngắn những thập niên gần đây, có thể thấy khả năng biến hóa của truyện ngắn được các nhà văn vận dụng đến tối đa: không chỉ biến hóa về dung lượng: truyện có thể dài vài ba trang (truyện rất ngắn) hay hai ba mươi trang, thậm chí cả trăm trang (Nhiệt đới gió mùa – Lê Minh Khuê); đổi mới về nội dung (với việc tiếp cận với nhiều vấn đề của đời sống, mở rộng đề tài sáng tác) mà còn ở sự đa dạng trong kỹ thuật viết, trong sự pha trộn, chồng xếp các phong cách thể loại. Có thể coi đây là hiện tượng nhiều hệ thống thể loại tương tác, ảnh hưởng xâm nhập vào nhau tạo thành những thể loại mới mang đặc điểm kép của hai hay nhiều nòng cốt thể loại. Khảo sát truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 đến nay có thể thấy nổi lên 3 khuynh hướng cơ bản: một là khuynh
hướng truyện rất ngắn; hai là khuynh hướng phức hợp thể loại; ba là khuynh hướng
mở rộng khuôn diện truyền thống của thể loại làm cho truyện ngắn gần với tiểu thuyết, có tư duy tiểu thuyết. Với những khuynh hướng trên đây, có thể thấy truyện ngắn đang có những ngã rẽ trên hành trình vận động và phát triển.
2.2.3.1. Truyện rất ngắn – “hình thức mới’’ của truyện ngắn hiện nay
Như đã nói ở trên, truyện ngắn trong quá trình hình thành và phát triển luôn biến đổi theo xu hướng thay đổi đường biên của thể loại. Một trong những sự biến đổi đó là xu hướng viết ngắn lại, nghĩa là người viết đặc biệt chú trọng đến tính chất ngắn của thể loại. Thời điểm nở rộ của loại hình này là những năm chín mươi của thế kỷ trước. Điều này tạo thành một hiện tượng và từng được coi là “hình thức mới’’ trong truyện ngắn hiện nay. Không bị chế ước bởi tính khuôn định của thể loại, người viết truyện ngắn đã sáng tạo tác phẩm bằng cách thức riêng với sự tiết chế tối đa về ngôn ngữ.
Truyện rất ngắn, trong tiếng Anh được gọi bởi nhiều tên gọi: short –short story (truyện rất ngắn), minute long story (truyện một phút), postcard fiction (truyện bưu thiếp), skinny fiction (truyện gầy), pocket – size story (truyện bỏ túi), palm size story (truyện ngắn trong lòng bàn tay). Ở Trung Quốc còn gọi là “cực đoản thiên” hay “vi hình tiểu thuyết” trong tương quan với thể loại “đoản thiên tiểu thuyết” (truyện ngắn). Dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng truyện rất ngắn được đặc trưng bởi độ ngắn (thường là 1000 chữ), bởi tính cô đọng, hàm súc và giàu sức gợi.
Theo Đặng Anh Đào thì nguồn gốc của thể loại truyện rất ngắn (còn có thể gọi là truyện ngắn mi ni) trên thế giới xuất hiện trước ta hàng vài thế kỷ. Nhiều cây bút truyện ngắn bậc thầy trên thế giới đã viết truyện rất ngắn như Kafka, Hemingway, O. Henrry, Kawabata,... Ở Trung Quốc, năm 1984 tạp chí Vi hình tiểu thuyết tuyển san
được xuất bản đồng thời từ những năm đầu của thập kỷ 80, truyện rất ngắn cũng được nhà văn và giới nghiên cứu quan tâm. Ở Việt Nam trước đây đã từng xuất hiện tác phẩm được viết dưới hình thức những đoạn văn ngắn tuy nhiên nó chỉ trở thành một xu hướng vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Viết truyện rất ngắn là một trong những cách thức mà người viết truyện ngắn hiện nay lựa chọn, cũng là một cách
tương tác với người đọc trong bối cảnh mới. Truyện rất ngắn yêu cầu ở người đọc khả năng đồng sáng tạo, bởi một trong những đặc tính của truyện rất ngắn là tính đa nghĩa. Mặt khác cũng lại có ý kiến cho rằng: sự nở rộ của truyện rất ngắn là để đáp ứng sự suy giảm khả năng tập trung của độc giả hôm nay, tâm lý thiếu kiên nhẫn ở người đọc. Nhà văn Y Ban – tác giả thành danh với thể loại truyện ngắn, gần đây đã mắt tập truyện rất ngắn Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy. Khi được hỏi lý do vì sao chuyển sang viết truyện rất ngắn, nhà văn đã trả lời: “Tôi viết những truyện mini này trong khoảng hai năm nay song hành với các truyện ngắn. Viết truyện mini không mất nhiều thời gian, có những lúc tôi viết liền đến mấy cái. Có vẻ như thể truyện ngắn mini đang là thế mạnh cho cả người viết lẫn người đọc” [6]. Không chỉ trong văn học mà với các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh đều có những thay đổi theo xu hướng này, chẳng hạn như hình thức phim ngắn, sân khấu thể nghiệm. Trong văn học, nếu như truyện ngắn xuất hiện loại hình truyện rất ngắn thì tiểu thuyết là khuynh hướng tiểu thuyết ngắn với hàng loạt cuốn tiểu thuyết gây được sự chú ý của dư luận: Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Pari11/8, Chinatown (Thuận),… Khuynh hướng viết ngắn lại, thao tác viết thật ngắn hiện hữu trong đời sống văn học một mặt thuộc về phong cách nhà văn, mặt khác đã cho thấy những thay đổi từ phía chủ thể sáng tạo: viết ngắn là cách thức làm mới và điều này quả nhiên là đối trọng với xu hướng viết tiểu thuyết, truyện ngắn dài trong truyền thống. Đồng thời viết ngắn cũng là để đáp ứng tâm lý tiếp nhận của một bộ phận người đọc trong bối cảnh mới.
Khi viết truyện rất ngắn vấn đề đặt ra là với số lượng câu chữ được giới hạn, người viết cần phải đầu tư nghệ thuật viết sao cho tác phẩm có sức nén, có sức lan tỏa. Viết một truyện ngắn hay đã khó, viết được một truyện rất ngắn hay lại càng khó hơn nhiều. Người viết phải chú ý đến các tiêu chí về tính cô đọng, súc tích, tính biểu tượng, giàu sức gợi, nghĩa là “người viết phải tăng lượng thông tin bằng nghệ thuật hàm ẩn” (Đặng Anh Đào). Nhận định về truyện rất ngắn, Lê Ngọc Trà cho rằng: “Đã đành là truyện rất ngắn thì vẫn là truyện ngắn, nó có khá đầy đủ tính chất của truyện ngắn với tính cách là một thể loại. Nhưng truyện rất ngắn khác truyện ngắn nói chung
không phải chỉ ở chỗ nó ngắn hơn, ít lời hơn mà còn ở chỗ dường như dư ba của nó rõ hơn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, ở đâu càng hàm súc thì càng dư ba, ở đâu độ nén càng nhiều thì sức bung ra, lan tỏa càng lớn” [106, tr.123 - 124]. Ở đây không hoàn toàn là việc người viết chỉ làm thao tác thủ công rút ngắn lại trang viết mà là nghệ thuật xây dựng tác phẩm, sự bố trí, sắp xếp chi tiết tình huống, nghệ thuật kết cấu, khắc họa nhân vật … sao cho giá trị nghệ thuật được đạt đến tối đa, sao cho trong một khuôn khổ có hạn người viết có thể chuyển tải được nhiều ý tưởng và mang lại nhiều xúc cảm thẩm mỹ cho người đọc. Cũng bởi tính dồn nén, cô đọng và giàu sức gợi nên truyện rất ngắn cũng chứa đựng cả yếu tố thơ và kịch.
Trong đời sống văn học Việt Nam đương đại đã có thời điểm nở rộ loại hình truyện rất ngắn. Cuộc thi viết truyện rất ngắn do tạp chí Thế giới mới tổ chức trong 2 năm 1993 và 1994 đã có gần 5000 truyện ngắn dự thi. Cũng trong cuộc thi này nhiều tên tuổi đã được định vị như Lý Thanh Thảo, Phạm Sông Hồng, Trương Quốc Dũng, Phan Thị Vàng Anh, đặc biệt sau cuộc thi đã xuất hiện những cây bút chuyên tâm với thể loại này, tiêu biểu là Phạm Sông Hồng, Phan Thị Vàng Anh. Truyện của Phan Thị Vàng Anh thường là những mẩu đối thoại xen lẫn những cảm nhận về đời sống thông qua thế giới nội tâm của nhân vật và rất ngắn, theo đúng nghĩa đen của từ này, chẳng hạn: Đi thăm cha (3 trang), Buổi học thêm ở tu viện (4 trang), Lão sư (3 tr), Một ngày
(3 tr), Nghỉ hè, Ngày học cuối (4 tr), Hoa muộn (4 tr). Phạm Sông Hồng sau giải thưởng trong cuộc thi viết Truyện rất ngắn năm 1994 với truyện ngắn Cam ngọt, liên tiếp cho ra mắt bạn đọc 3 tập truyện rất ngắn Những vùng lặng, Nghĩa cử và Tiếng đáy. Những năm gần đây dù không xuất hiện thành trào lưu nhưng truyện rất ngắn vẫn âm thầm chảy trong dòng mạch đời sống văn học.
Trong đời sống văn học đương đại đã có nhiều truyện rất ngắn khá xuất sắc, chẳng hạn như Hoa muộn (Phan Thị Vàng Anh), Cam ngọt (Phạm Sông Hồng),
Khách thương hồ (Hào Vũ), Đường Tăng (Trương Quốc Dũng). Quan niệm hình thức mang tính nội dung rất đúng với trường hợp Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét về truyện rất ngắn: “Cái thường quen được gọi là nội dung không nằm, không chủ yếu nằm ở câu chuyện, mà ở cách kể câu chuyện ấy như
thế nào, tức là nằm ở … hình thức” [115]. Với dung lượng ngắn, không quá 1000 âm tiết, chỉ với một vài nhân vật, lại xuất hiện trong quãng thời gian rất ngắn là những ngày giáp Tết và sau tết, người viết đã diễn tả thành công tâm trạng và cảnh huống của nhân vật bằng cách sử dụng những chi tiết và tình huống đắc địa: chi tiết dọn lá cho vườn mai. Giọng điệu uể oải, rời rạc do người viết cố tình tạo ra phù hợp với việc diễn tả tâm trạng và thực tại của một cô gái quá lứa lỡ thì. Đọc Hoa muộn, độc giả khó có thể tránh khỏi cảm giác buồn chán, mệt mỏi nhưng điều này là nằm trong ý muốn của tác giả nhằm diễn tả một cuộc sống tù đọng và bế tắc của nhân vật Hạc. Truyện quả là rất ngắn theo đúng nghĩa đen của từ này nhưng lại có sức lan tỏa lớn.
Khách thương hồ (Hào Vũ) cũng là một tác phẩm khá đặc sắc. Đề cập đến nỗi đau và số phận của những con người thời hậu chiến, cả nỗi đau thể xác (khi thân thể không còn nguyên vẹn, bị mất một chân) và nỗi đau đã đánh mất hạnh phúc tuổi thanh xuân của mình trong một tác phẩm chưa đầy ba trang viết, người viết đã tạo dựng được không khí của truyện bằng sự thay đổi các sắc thái giọng điệu cũng như lựa chọn những chi tiết đắc địa nhưng cũng đầy chất trào tiếu “thật đơn giản, chân giả thì sợ gì khô với ướt”. Với một dung lượng ngắn, khai thác đề tài không mới với văn học hôm nay nhưng truyện đã chuyển tải được nhiều thông điệp, có chiều sâu tư tưởng, có sức ám ảnh với người đọc.
Truyện cực ngắn trong bối cảnh hiện nay được xem như một phương tiện mới để chuyên chở ý tưởng, là một cách thức xử lý chất liệu hiện thực trong sự giới hạn về ngôn từ. Qua khảo sát các truyện rất ngắn, có thể thấy truyện rất ngắn là một thể loại chưa có quy phạm rõ nét: có truyện gần với tản văn, có truyện như một kịch bản ngắn, có truyện như một phân mảnh trong một truyện ngắn. Đương nhiên, truyện rất ngắn chỉ hay khi nó đạt những tiêu chí nghệ thuật của truyện ngắn. Có những truyện rất ngắn, người đọc cảm thấy sự hụt hơi, bởi sự thiếu gia công người viết, hay nói đúng hơn đó mới là một đoạn văn ngắn, chưa mang tính chỉnh thể hoàn chỉnh của một tác phẩm nghệ thuật. Theo đó, người đọc cũng có thể nghi ngờ về sức sống của những truyện rất ngắn mà văn bản tác phẩm được tối giản đến mức chỉ gồm một từ, một câu.
2.2.3.2. Sự “phức hợp thể loại”
Tính phức hợp theo định nghĩa của Edgar Morin trong công trình Nhập môn tư duy phức hợp là: “Thoạt tiên, đó là một hiện tượng lượng tính, liên quan đến khối lượng khổng lồ những tương tác và giao thoa giữa một số lượng rất lớn các đơn vị” [90, tr.49]. Nghiên cứu tư duy phức hợp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, ông cho rằng: “Phải thừa nhận những hiện tượng, như tự do hoặc sáng tạo, là những hiện tượng không thể giải thích được, nếu không đặt chúng trong khuôn khổ phức hợp” [90, tr.49]. Nghĩa là trong hoạt động sáng tạo, cũng như với một tác phẩm thuộc một thể loại nào đó có thể phải chấp nhận một “sự mơ hồ xác thực” (chữ của Edgar Morin), những nét nhòe mờ. Trong văn học, sự phức hợp, tương tác thể loại là phạm trù từng được Bakhtin đề cập đến (theo Bakhtin, lịch sử văn học trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại). Sự phức hợp thể loại tạo nên tính lưỡng hợp, mang đặc điểm của các phương thức phản ánh đời sống khác nhau, những hình thức kỹ thuật, chất liệu phản ánh đời sống khác nhau.
Từ góc độ thể loại có thể thấy văn học thời kỳ đổi mới chứng kiến một quá trình xâm nhập, di trú của nhiều loại hình, nhiều thể loại trong cùng một tác phẩm. Người ta vẫn thường nói đến sự xâm nhập của chất văn xuôi vào thơ sau 1975, chất thơ trong văn xuôi, sự pha trộn giữa yếu tố tự truyện và tiểu thuyết (trong tiểu thuyết tự truyện),… Sự phức hợp pha trộn thể loại này gắn liền với sự giao thoa của các thể loại trong tự sự nghệ thuật đương đại với sự xuất hiện của một hình thái tư duy trong một bối cảnh mới.
Sự pha trộn thể loại trong truyện ngắn, tiểu thuyết ít nhiều đã có trong văn học trước đây. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ đổi mới, với sự thay đổi quan niệm văn học và quan niệm thể loại, dấu hiệu của sự pha trộn, dung nạp thể loại mới được thể hiện rõ rệt và với tần suất cao. Không ít truyện ngắn đã “chạm đến ranh giới vốn mờ nhạt giữa truyện ngắn với các thể loại văn học khác như bút ký, tản văn, tùy bút, tiểu
luận”, thậm chí có cả yếu tố thơ và kịch. Thực tế này làm đứt gãy những giới hạn thể loại truyền thống. Nỗ lực cách tân của người viết trên phương diện thể loại có thể bị coi là cực đoan nhưng có người lại coi đó là thử nghiệm táo bạo, chẳng hạn như ý kiến sau đây của một nhà nghiên cứu, một dịch giả và đồng thời cũng là người sáng tác:
“Truyện ngắn có thể là văn xuôi nhưng cũng có thể chuyển thành thơ, chuyển thành một dấu hỏi, một công án, một trích dẫn, một tùy bút, một kịch bản... Đó là nói về hình thức. Về cấu trúc, truyện ngắn của tôi là tương duyên của những thể loại văn học khác nhau, chứ không có một biên độ, biên thùy nào cho chính nó. Đơn giản là không có rào cản về mặt thể loại”[21].
Nghĩa là trong quan niệm của người viết, truyện ngắn không còn là thể loại văn tự sự đơn giản, mà có khả năng biến hóa với việc vận dụng thủ pháp xóa mờ lằn ranh thể loại. Với ý thức đó, phá bỏ rào cản về mặt thể loại, phá vỡ dạng thức tồn tại