Đổi mới ngôn ngữ trần thuật

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 119 - 120)

NGÔN NGỮ VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

4.1 Đổi mới ngôn ngữ trần thuật

Những tác giả truyện ngắn thành danh đều phải tạo được dấu ấn phong cách độc đáo trong đó ngôn ngữ tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập phong cách nhà văn. Bàn về diễn ngôn truyện kể, Genette cho rằng: “truyện kể, đối với tôi chỉ là một hình thức của diễn ngôn” [118, tr. 19]. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện truyền đạt ý nghĩa mà còn là cách thức để người viết thể hiện khả năng sáng tạo, khả năng biến hóa của ngôn ngữ văn chương. Cùng một kho từ vựng nhưng mỗi người lại

có những cách thức thiết tạo cấu trúc cú pháp ngữ đoạn khác nhau. Ngôn ngữ qua sự sàng lọc và sáng tạo của nhà văn có khả năng tạo sinh tư tưởng.

Truyện ngắn là thể loại được đặc trưng bởi sự dồn nén, cô đọng vì thế cần có sự đầu tư công phu về ngôn ngữ. Nhà văn Ma Văn Kháng coi trọng vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ trong truyện ngắn: “Truyện ngắn là nơi thử tài của các nhà văn về chữ nghĩa. Trong một cuốn tiểu thuyết có vài ba trang viết dở, người đọc dễ bỏ qua. Nhưng trong một truyện ngắn không được phép như thế” [134]. Nhà văn Tô Hoài cũng cho rằng: “truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết nhiều nét quý lắm. Chỉ với truyện ngắn người ta mới biết tận dụng từng chữ, săn sóc từng chữ”. Nhà văn Đỗ Chu quan niệm: “cần phải chăm sóc tới từng chữ. Câu chữ phải trở nên như có nhung có tuyết”. Không đòi hỏi tính cô đọng, hàm súc, hình ảnh và nhạc điệu như trong tác phẩm thơ nhưng với tính chất “ngắn”, thể loại truyện ngắn đặt ra yêu cầu người viết phải có sự dụng công chắt lọc ngôn từ sao cho trong một khuôn khổ giới hạn, tác phẩm có thể chuyển tải được thông điệp và tạo được sự lôi cuốn với độc giả.

Trên hành trình đổi mới văn học hơn hai thập kỷ qua ngôn ngữ truyện ngắn đã có những biến chuyển đáng kể. Sự dân chủ trong đời sống cùng với sự thay đổi tư duy nghệ thuật đã mang lại một nhãn quan ngôn ngữ mới. Chưa bao giờ như bây giờ, nhà văn được phát huy tối đa khả năng sáng tạo, ngôn ngữ được bộc lộ khả năng biểu đạt trong tính đa dạng và phức tạp của nó. Không khó khăn để nhận ra sự khác biệt trong cách các nhà văn sử dụng ngôn từ, tạo lập cấu trúc cú pháp, ngữ đoạn giữa truyện ngắn đương đại với truyện ngắn trước đó.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 119 - 120)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w