Trần thuật từ ngôi thứ nhất với điểm nhìn bên trong

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 136 - 139)

NGÔN NGỮ VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT

4.2.2.Trần thuật từ ngôi thứ nhất với điểm nhìn bên trong

Trần thuật từ ngôi thứ nhất là người kể chuyện tường minh kể về người khác hay tự kể chuyện mình (nhân vật xưng tôi – không hẳn là tác giả mà là một nhân vật trong truyện - viết về những điều mình đã trải qua, đã chứng kiến, nếm trải và chiêm nghiệm).

Trần thuật từ ngôi thứ nhất với điểm nhìn bên trong là phương thức nghệ thuật thể hiện nhiều sự cách tân của truyện ngắn Việt Nam đương đại. Ở đó người kể chuyện thường là nhân vật chính (Người vãi linh hồn – Vũ Bão, Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư, Như gốc gội xù xì – Hà Thị Cẩm Anh, Hoàng hôn màu cỏ úa, Người đi tìm giấc mơ – Nguyễn Thị Thu Huệ), theo đó nhân vật tự kể về những biến

cố, sự kiện liên quan đến bản thân, bộc lộ suy nghĩ, xúc cảm và các trạng thái tâm lý nhưng cũng có trường hợp người kể chuyện là nhân chứng (Cún – Nguyễn Huy Thiệp, Đùa của tạo hóa – Phạm Hoa) theo cách thức đặt độc giả trước một câu chuyện mà người kể chuyện được chứng kiến. Với hình thức này, người kể chuyện tham gia vào câu chuyện như một nhân chứng, có thể bày tỏ quan điểm và thái độ trước hiện thực được kể.

Hầu hết truyện ngắn của các cây bút nữ như Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban đều viết dưới hình thức người kể chuyện xưng tôi (Khi người ta trẻ: 15/19 truyện, Truyện ngắn Y Ban: 9/23 truyện, Hậu thiên đường: 8/15 truyện). Nhân vật xưng tôi tự kể chuyện mình, bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, những suy tư và xúc cảm. Đứng ở điểm nhìn trần thuật này, nhiều trường hợp giọng của tác giả và nhân vật hòa làm một (Đi thăm cha, Mười ngày – Phan Thị Vàng Anh). Ở những truyện ngắn này, với hình thức người kể chuyện ngôi thứ nhất đã bộc lộ một xu hướng viết “như một nhu cầu trình bày những trải nghiệm của bản thân”. Nhân vật tự kể về cuộc đời mình, tự bộc bạch nỗi lòng của mình.

Truyện ngắn Phạm Thị Hoài thường sử dụng hình thức người kể chuyện xưng “tôi”. Trong tập Truyện ngắn Phạm Thị Hoài (1995) có 8/10 truyện được kể từ ngôi thứ nhất – nhân vật xưng tôi. Trong truyện ngắn Mùa đông ấm áp (Nguyễn Thị Thu Huệ), người kể chuyện là Trúc xưng tôi tự kể về mình, về tình yêu và những cảm nhận, suy nghĩ của chính mình. Những biến cố của truyện được trình bày theo quan điểm nhân vật – người kể chuyện: “Năm tôi hai mươi tuổi. Một buổi sáng tỉnh dậy. Tôi nhận được một phong thư. Nét chữ của anh. Người đàn ông hơn tôi mười hai tuổi. “Đến với bọn anh đi. Rừng núi và sông nước sẽ đón em”… Tôi đã đọc đến thuộc lòng từng chữ, chỗ xuống dòng hay ngắt đoạn. Mối tình đầu tiên. Thoáng va chạm, run rẩy đầu tiên. Tất cả tôi gửi gắm nơi anh. Dù anh đã đi một lần sang sông (….)’’.

Việc lựa chọn ngôi kể là người kể chuyện ngôi thứ nhất một mặt là sự kế thừa phương thức nghệ thuật truyền thống đồng thời cũng cho thấy những dấu hiệu đổi mới. Có trường hợp người đọc có cảm giác người kể chuyện đồng nhất với tác giả

(dù không trùng khít) như những truyện ngắn về miền núi của Đỗ Bích Thúy. Trước đây người kể chuyện xưng tôi là cách thức thường xuất hiện trong các tác phẩm tự truyện. Ngày nay người kể chuyện ngôi thứ nhất đã được sử dụng phổ biến trong các tác phẩm hư cấu, việc lựa chọn người kể chuyện ngôi thứ nhất trong truyện ngắn hôm nay còn là sự thể hiện khuynh hướng cá thể hóa, là quá trình chủ quan hóa tự sự gắn liền với những kỹ thuật phân tích tâm lý, độc thoại, độc thoại nội tâm và thu hẹp trường nhìn tự sự.

Lựa chọn truyện kể ở ngôi thứ nhất, với hình thức nhân vật người kể chuyện xưng tôi, trong một số trường hợp là dụng ý của tác giả để tự đặt mình vào vị trí của nhân vật trong truyện. Với nhà văn Y Ban thì đó là cách thức cho phép nhà văn khai thác nội tâm nhân vật một cách triệt để, đặc biệt là nhân vật nữ qua đó để biểu hiện một cách sâu sắc hơn. Với những truyện ngắn có cốt truyện nặng về tâm lý, nhà văn thường kể ở ngôi thứ nhất. Còn với những tác phẩm cần cái nhìn tỉnh táo, bàng quan tác giả hay kể ở ngôi thứ ba.

Một điều dễ nhận thấy là truyện ngắn của các cây bút 8x chủ yếu lựa chọn điểm nhìn từ bên trong với nhân vật xưng tôi. Ở đó nhân vật hiện diện với những trải nghiệm cá nhân, đôi khi còn là những ẩn ức cá nhân. Ở tập Truyện ngắn 8X plus có đến 11/25 truyện ngắn được kể bởi nhân vật xưng “tôi”. Với những người viết trẻ, nhất là với những cây bút mới thì việc lựa chọn ngôi kể là nhân vật xưng tôi được xem là cách thức dễ được lựa chọn hơn cả. Bởi lẽ, với người kể chuyện xưng tôi, câu chuyện dễ được khai triển theo chiều hướng viết về những trải nghiệm của bản thân. Những giới hạn về vốn sống và nghệ thuật tự sự chưa cho phép người viết đi xa hơn để làm chủ bút pháp. Do vậy, việc lựa chọn ngôi kể là nhân vật xưng tôi, ở đây chưa hẳn đã đem lại hiệu quả nghệ thuật mà là một giải pháp, một cách thức để bộc bạch thế giới nội cảm đồng thời cũng là để người viết có thể xoay xở trước những giới hạn.

Có thể thấy sự lựa chọn ngôi kể là nhân vật xưng tôi không đơn thuần là sự kế thừa phương thức truyền thống (vì trước đó đã từng có hình thức này) mà còn bộc lộ sự đổi mới nghệ thuật tự sự. Nếu như trước đây trần thuật từ ngôi thứ nhất thường

được sử dụng trong các tác phẩm tự truyện, hồi ký thì đến nay đã được sử dụng nhiều trong các thể loại hư cấu, trong nhiều truyện ngắn, nhất là truyện ngắn của các cây bút trẻ, các cây bút truyện ngắn nữ. Việc sử dụng kiểu trần thuật từ ngôi thứ nhất trong truyện ngắn Việt Nam đương đại cho thấy khuynh hướng quan tâm tới việc thể hiện những vấn đề của con người cá nhân. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu hướng nội, từ ý thức về con người cá nhân, nhu cầu tự vấn, nhu cầu nhận thực lại trong đời sống văn học trước làn gió đổi mới. Với hình thức người kể chuyện xưng tôi, người viết có thể vận dụng được hình thức tự sự “dòng ý thức” – một bút pháp nghệ thuật có nhiều lợi thế trong việc biểu hiện đời sống bên trong của con người.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 136 - 139)