Dạng thức nhân vật lưỡng diện

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 86 - 88)

CÁC DẠNG THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ TỔ CHỨC KẾT CẤU VĂN BẢN TRUYỆN NGẮN

3.1.2. Dạng thức nhân vật lưỡng diện

Những năm sau chiến tranh, truyện ngắn ngày càng áp sát hiện thực đời sống. Con người trở thành tâm điểm sáng tạo của người viết. Một cách nhìn mới về con người được mở ra. Con người đời thường, con người cá nhân, với những khát khao, cả dục vọng và ham muốn, cao cả và thấp hèn,… đã trở thành đối tượng để nhà văn chiếm lĩnh và sáng tạo.

Nói về thành tựu truyện ngắn sau 1975, Bích Thu nhận định:

“Trong truyện ngắn sau 1975, từng cá thể, từng mảnh đời riêng biệt âm thầm lặng lẽ hay ồn ào, sôi động được nhìn nhận trong những môi trường đời sống bình thường, làm nên thế giới nhân vật đa dạng và phức tạp. Bằng nhiều cách khai thác và tiếp cận khác nhau, các nhà văn đã hướng vào thế giới nội tâm, khám phá chiều sâu tâm linh, thấy được ở mỗi cá nhân những cung bậc tinh cảm: vui buồn, hạnh phúc, đau khổ, những hy vọng, khát khao, đam mê” [161].

Với sự đổi mới quan niệm về hiện thực và con người, truyện ngắn đã mang những sắc thái mới: từ Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi với cách nhìn về con người bước đầu đi vào phần khuất lấp lâu nay chưa được chú ý đến con người tự nhận thức trong Bức tranh (Nguyễn Minh Châu), con người với những phần chìm của ký ức trong Xin đừng gõ cửa (Xuân Thiều), con người với những khát khao hạnh phúc trong Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều),Xưa kia chị đẹp nhất làng (Tạ Duy Anh), trong sáng tác của các cây bút nữ Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo; con người với những mảng khuất của thế giới tâm linh trong Thanh minh trời trong sáng (Ma Văn Kháng), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Thợ may

(Phạm Hải Vân), con người với sự tha hóa về nhân cách trong Xóm nhỏ, Bi kịch nhỏ, Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê). Có thể thấy quan niệm về con người cá nhân qua lăng kính mới đã được chuyển hóa thành thế giới nhân vật phong phú, đa tính cách, đa bình diện. Con người được soi chiếu ở nhiều tầng bậc, cả ý thức và vô thức, con người cá nhân, con người đời thường và con người xã hội. Chưa bao giờ như bây giờ, con người lại được khai thác ở nhiều chiều kích và bình diện đến vậy. Tiếp xúc với thế giới nhân vật trong các sáng tác, người đọc như được tiếp xúc với những con người có thực ở ngoài đời, cũng sinh động, phong phú và không kém phần phức tạp.

Trong thế giới nhân vật của Phan Thị Vàng Anh thường xuất hiện một kiểu nhân vật thuộc về cái tôi mới lớn với tâm hồn và thể xác bất ổn, luôn dao động, luôn quậy phá với những trò tinh quái (Con trộm), luôn trăn trở với lẽ đời, với thực tại, quá khứ và tương lai (Đi thăm cha). Nhân vật mang những nét tính cách lưỡng diện là mảnh ghép của hai nửa con người “nửa hướng thiện, nửa hướng ác”, nửa hành động có ý thức, nửa sống theo bản năng. Với những kiểu tính cách khác nhau trong thế giới nhân vật sống động ấy, Vàng Anh đã làm cho nhân vật trong sáng tác của mình gần hơn với cuộc đời thực, mang dáng dấp của con người đời thường, con người được thể hiện trong tính hai mặt của nó với những trạng thái tâm lý không đồng nhất.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có sự hiện diện của dạng thức nhân vật là con người lưỡng diện: một hình ảnh vua Quang Trung anh hùng áo vải nhưng cũng có những xúc cảm rất đời thường trước vẻ đẹp của Vinh Hoa hoặc như hình tượng vua Gia Long cũng đã được trần tục hóa: “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện” (Phẩm tiết). Bên canh đó những nhân vật có tính cách lỗ mảng, thủ đoạn như Bường (Những người thợ xẻ) nhưng lại có những phát ngôn đầy nhân tính: “Bà chị không coi chúng em là súc vật! Chúng em phận hèn của cải chẳng có. Chúng em mắc nợ nghĩa tình thì khốn nạn lắm”.

Với sự chi phối của nguyên tắc con người lưỡng diện và đa trị, kiểu dạng nhân vật phức hợp, đa bình diện đã trở thành một đặc tính của truyện ngắn đổi mới. Điều này trước hết xuất phát từ sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học hiện nay, đồng thời còn là sự đổi mới những thủ pháp, những cách thức tự sự của người viết trên tiến trình đổi mới văn học.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn việt nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại) (Trang 86 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w