TRUYỆN NGẮ N QUAN NIỆM VÀ SỰ ĐỔI MỚI TƯ DUY THỂ LOẠ
2.2.2.3. Nguyên lý trò chơi và khát vọng đi tìm những phương thức biểu hiện mớ
Thực chất đây cũng là ý thức và sự thực hành cách tân văn học, cách tân thể loại hướng đến thay đổi mô thức tự sự truyền thống. Thực tiễn đời sống văn học cho thấy khi những phương thức kể chuyện truyền thống không còn đáp ứng được yêu cầu chuyển tải thông điệp của chủ thể sáng tạo, cũng như không đủ thỏa mãn tầm đón đợi của người đọc thì nhà văn buộc phải đổi mới hình thức của truyện kể và kể chuyện theo cách thức của những kiểu trò chơi là một lựa chọn của người viết. Với những tính năng đặc thù, trò chơi từ chỗ là hành vi của đời sống đã trở thành lý thuyết khả dụng trong sáng tạo nghệ thuật. Điều đáng lưu ý là trò chơi khi trở thành
nghệ thuật sẽ không còn là trò chơi nữa, nó có căn cước khác: “chơi mở ra những văn bản (những trò chơi) của văn hóa trong cách thức tạo ra những khả thể mới” [182, tr.67]
Ở Việt Nam, có thể truy nguyên tính trò chơi trong văn học ở thời kỳ trung đại với quan niệm coi văn chương là thú chơi tao nhã, văn chương thù tạc, làm thơ để tặng nhau hoặc hình thức ném thơ, thả thơ trong một bộ phận tác giả hồi bấy giờ. Tuy nhiên ở thời điểm đó, tính chất trò chơi của văn chương được thể hiện ở chỗ những áng thơ, văn thường được đem ra để luận bàn lúc trà dư tửu hậu hoặc để thỏa mãn thú chơi quý phái bằng vốn kiến thức uyên thâm, sự nhạy cảm về chữ của một bộ phận nho sĩ, quý tộc. Việc vận dụng nguyên tắc trò chơi vào thực tiễn sáng tác trong giai đoạn hiện nay đã không còn là trường hợp hiếm thấy. Theo đó nguyên lý trò chơi trở thành một cách thức chi phối tư duy và cách thiết tạo văn bản của người viết. Cần phải nói rằng, những biểu hiện của tính trò chơi trong truyện ngắn đương đại Việt Nam không mang ý nghĩa giải trí đơn thuần mà thể hiện ý thức đổi mới văn học, đổi mới thể loại bằng việc đổi mới nghệ thuật tự sự. Với sự chi phối của tư duy thể loại, ở mỗi thể loại, nguyên tắc trò chơi được thể hiện ở những phương diện khác nhau; với thơ là nghệ thuật sắp đặt, tiểu thuyết tập trung ở kết cấu, ở truyện ngắn thiên về các khía cạnh ngôn ngữ, kết cấu và thể loại.
Trong văn học đương đại Việt Nam, Phạm Thị Hoài là người đưa ra ý niệm “văn chương như một trò chơi”. Bài viết Một trò chơi vô tăm tích [67] cho thấy quan niệm của nhà văn về chức năng, mục đích của văn chương. Dẫu không tránh khỏi cực đoan nhưng cũng có thể thấy hạt nhân hợp lý của bài viết, ở chỗ ý hướng của nhà văn là giải phóng văn chương khỏi mục đích ngoài văn chương mà đề cao tính tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Với nhà văn, văn chương là sáng tạo, giàu ẩn ý, không dễ giải mã nhưng lôi cuốn độc giả thưởng thức và tái tạo. Đồng thời, viết văn là tham dự vào một trò chơi đặc biệt – trò chơi có chất liệu ngôn từ, đặc biệt còn ở chỗ nó đòi hỏi sự dấn thân hết mình với những nỗ lực sáng tạo. Bà đã cho thấy tác phẩm của mình luôn là những thể nghiệm mới lạ, với cách viết đi chệch khỏi quỹ đạo truyền thống. Các tác phẩm này đòi hỏi người đọc phải có cách đọc mới, một kiến văn mới, một tâm thế mới. Đọc tác phẩm cũng có nghĩa là người đọc được tham dự vào một
trò chơi, trò chơi đi tìm, giải mã những lớp nghĩa đằng sau các con chữ và đó có thể là cuộc kiếm tìm vô cùng vô tận.
Khảo sát tính trò chơi trong truyện ngắn ở góc độ tư duy hình thức có thể thấy được ý thức của nhà văn trong việc viết như thế nào, hướng tới việc tìm kiếm những cách thức biểu đạt mới cho văn chương. Nhiều truyện ngắn hiện nay được viết như một cuộc “chơi" thể loại, một sự tìm tòi thử nghiệm các hình thức độc đáo: có truyện ngắn thư (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ – Y Ban), truyện ngắn nhật ký (Mười ngày – Phan Thị Vàng Anh), (Mưa – Nguyễn Huy Thiệp), truyện ngắn dòng ý thức (Biển trong mưa, Không khóc ở California – Lý Lan), truyện ngắn chân dung (Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam – Nguyễn Huy Thiệp),… Sự phá vỡ tính quy ước thể loại đã làm cho các dạng thức truyện ngắn hôm nay trở nên phong phú, đa dạng. Với nhiều truyện ngắn hiện nay, có thể thấy nhà văn đã làm đứt gãy những quy ước thể loại trước đây và khi đọc tác phẩmnhững thói quen và kinh nghiệm của người đọc cũng bị phá vỡ bởi tác giả đã có ý thức và thực hành “chơi thể loại” bằng việc tạo nên một tác phẩm lệch chuẩn.
Tính trò chơi trong truyện ngắn đương đại Việt Nam còn được biểu hiện trong kết cấu tác phẩm, ở sự hỗn loạn, rời rạc, phân mảnh, đảo lộn trật tự các thành tố trong kết cấu (truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên). Người đọc không dễ dàng tiếp nhận tác phẩm theo cách đọc thông thường mà cần phải sắp xếp, kết nối, lắp ráp sự kiện, nhân vật, các phân mảnh (nhật ký, hồi ức, độc thoại, đối thoại), nghĩa là phải đồng hành tham dự vào cuộc chơi của tác giả. Với lối kết cấu phân mảnh, tác phẩm được chia thành nhiều phân đoạn với sự gián cách, tình huống, tâm trạng rời rạc, từ đó lôi kéo người đọc tham gia vào trò chơi lắp ghép văn bản từ những dữ kiện, những chương đoạn tưởng như không có sự liên kết về mạch truyện nhưng lại có logic nội tại. Sẽ không thể tiếp nhận truyện ngắn Hai truyện nhỏ không biết gắn vào đâu (Nguyễn Vĩnh Nguyên) nếu như người đọc vẫn giữ những thói quen và kinh nghiệm đọc truyền thống. Ở truyện ngắn này, tác giả đã kết cấu tác phẩm với sự lắp ghép hai mẩu truyện Truyện 1: Mono Lisa ( là một cuộc đối thoại nhưng thực ra là độc thoại giữa chủ quán và khách) và Truyện 2: Nói đi, thực ra anh là ai? (là trạng thái “bất tín nhận thức” về chính bản thân mình của nhân vật “tôi”. Chính sự “lắp
ghép” này đã dẫn dụ người đọc vào quá trình giải mã mã tác phẩm – một cách thức thực hành chơi trong ý thức đi tìm các lớp nghĩa ẩn dấu sau các con chữ.
Với ý thức tiếp cận tư duy nghệ thuật hiện đại của thế giới, các cây bút đã khơi mở một khuynh hướng sáng tạo từ chỗ coi tác giả và tác phẩm là trung tâm đến việc đề cao vai trò của độc giả, coi độc giả trở thành đồng sáng tạo, độc giả là một bộ phận của quá trình từ sáng tạo tới diễn giải. Đọc tác phẩm cũng có nghĩa là quá trình người đọc phát hiện, đi tìm, lý giải những khoảng trống trong văn bản, và khi người đọc đối diện với những khoảng trống thì những quy phạm, những mã văn hóa quen thuộc rất có thể bị thách thức. Biến tác phẩm thành trò chơi văn bản, ở đó bằng sự đổi mới bút pháp, bằng sự lạ hóa, nhà văn đã kiến tạo nên một không gian chơi, không gian của sự sáng tạo và diễn giải. Từ năng lực hư cấu của nhà văn, văn bản mở ra không gian của sự tưởng tượng, điều này kích thích hứng thú của người đọc.
Tìm đến yếu tố lạ cũng là một cách thức chơi trong sáng tạo nghệ thuật. Truyện ngắn trở thành trò chơi của cái biểu đạt. Có thể thấy, điểm gặp gỡ của nhiều cây bút (nhất là những cây bút trẻ) đương đại là hướng tới việc tìm kiếm những khả năng mới cho văn chương bằng những thể nghiệm, lạ hóa mà nguyên tắc trò chơi là một dẫn dụ. Người viết hướng tới sự mới mẻ lạ hóa trong việc sử dụng ngôn từ, ở cách thức thiết tạo văn bản. Điều này biểu hiện thấu triệt trong kết cấu, cách sử dụng ngôn từ và lối viết qua sáng tác của Nguyễn Vĩnh Nguyên từ tập truyện Năm mười mười lăm hai mươi đến Khu vườn lưu lạc rồi Động vật trong thành phố. Chẳng hạn, ở Dư chấn, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã “chơi kết cấu” bằng sự lắp ghép 5 phân đoạn trong một truyện ngắn cùng với việc sử dụng nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau (ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ người kể chuyện, tiếng nước ngoài). Tác phẩm nói về dư chấn địa lý từ những ảnh hưởng động đất ở nhiều vùng miền cũng như những dư chấn trong tâm hồn con người trước thay đổi của cuộc sống và môi trường. Nếu tách bạch ra, mỗi phân đoạn chỉ như một đoạn văn ngắn và nó chỉ có ý nghĩa khi những phân đoạn này cùng tồn tại trong mạch truyện về những chấn động của con người và thế giới. Có thể thấy, sự lạ hóa trong kết cấu văn bản này không phải là cách thức các tác giả truyện ngắn truyền thống sử dụng. Sự thực hành chơi trong nghệ thuật truyện ngắn cũng chính là quan niệm về lối viết của Nguyễn
Vĩnh Nguyên: “viết truyện ngắn là một trò chơi trốn tìm, đi tìm và xác lập những giá trị mới”.
Việc vận dụng nguyên lý trò chơi trong truyện ngắn sẽ tạo nên tính bất ngờ của truyện ngắn, tính mở của văn bản. Trò chơi trước hết là ý định của chủ thể, rồi đề nghị người đọc tham gia vào cuộc chơi, cùng đồng hành, sáng tạo và diễn giải. Tính trò chơi – một biểu hiện của tư duy hình thức trong truyện ngắn đương đại Việt Nam cho thấy những cách thức làm mới thể loại của người viết.
Cũng cần phải nói rằng, tính trò chơi trong văn học Việt Nam đương đại là một dấu hiệu dễ nhận thấy cho dù có hay không có việc người viết ứng dụng một cách có chủ ý những lý thuyết về trò chơi từng thịnh hành ở phương Tây vào sáng tạo nghệ thuật. Thực tế cho thấy, có những người viết đã tận dụng được những ưu việt của tính trò chơi để xây dựng nên thế giới nghệ thuật có sức lôi cuốn với người đọc, nhưng mặt khác cũng có những tác phẩm việc vận dụng chưa thật nhuần nhuyễn, hoặc quá chú trọng đến những cách tân hình thức biến tác phẩm thành “cuộc phiêu lưu của lối viết” trong khi chưa đạt đến giá trị biểu đạt khiến cho tác phẩm trở nên rối rắm và không thể nắm bắt. Trong đời sống văn học hiện nay đang có không ít những tác phẩm chưa phải là những sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, những tác phẩm mang tính thị trường rẻ tiền, yếu tố lạ hóa được xem như một tiêu chí để thu hút sự tò mò, tính hiếu kỳ của người đọc. Trái lại, tính trò chơi với tư cách là một đặc tính của văn học phải được biểu hiện ở góc độ thi pháp, ở nghệ thuật tự sự hướng tới việc thể hiện những vấn đề của đời sống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Có một thực tế là, sáng tác của nhiều cây bút trẻ hiện nay có xu hướng đi tìm sự thể nghiệm. Trong nghệ thuật thể nghiệm là cần thiết nhưng cần lưu ý đến điều kiện sống còn của một truyện ngắn cũng như thực tế tiếp nhận của độc giả Pháp những thập kỷ cuối thế kỷ XX: “sau nhiều thập niên liền là thể loại khó bán bởi nhiều tác giả quá chú trọng vào cách tân hình thức khiến người đọc “sợ”, truyện ngắn Pháp đã dần lấy lại được vị thế của nó vào những năm 80 vì đã quay trở lại với câu chuyện, với thuật kể chuyện, với chủ đề” [157, tr.41].