Ngày nay, nhiều tác giả dùng chỉ titanium được bện từ nhiều sợi (cable), loại chỉ này vừa dẻo lại vừa chắc, kết hợp xương rất tốt, nhưng cũng rất đắt tiền.
4.2. TỔN THƯƠNG GIẢI PHẪU DO CƠ CHẾ CÚI – CĂNG – XOAY
Đặc điểm tổn thương giải phẫu do cơ chế cúi - căng là 1 trong 3 mục tiêu nghiên cứu của công trình. Nắm được các tổn thương sẽ giúp ta sửa chữa chúng đúng mức và phù hợp cơ sinh học.
Năm 1855, Malgaigne [32] đã nhận định: tổn thương do cơ chế cúi - căng, cúi - xoay (gọi tắt là tổn thương cúi - căng - xoay) biểu hiện trên các mỏm khớp. Tuy nhiên, mãi đến thập niên 1980, người ta mới bắt đầu bàn cãi nhiều về tổn thương
này. Vì tính chất tổn thương các dây chằng khó xác định chính xác của nó (kể cả có hình ảnh cộng hưởng từ hạt nhân), nên các tác giả phải dựa vào các thí nghiệm, hình ảnh học và kinh nghiệm lâm sàng mới xác định được tổn thương. Các nhà nghiên cứu thống nhất là chấn thương cơ chế Cúi - Căng và Cúi - Xoay gây tổn thương hệ thống dây chằng phía sau, tuỳ theo lực tác động mạnh hay nhẹ mà gây tổn thương dây chằng nhiều hay ít. Lực dư thừa sẽ làm di lệch đốt sống theo hướng của véc-tơ lực [38], [69], [77], [96].
Allen [24] chia tổn thương cúi – căng – xoay làm 4 giai đoại. Giai đoạn I: các dây chằng phía sau căng giãn, đứt 1 phần, các mỏm gai toác rộng, 2 mỏm khớp cưỡi lên nhau (kiểu chim đậu) làm bán trật khớp. Giai đoạn II: cúi – căng kết hợp một ít lực xoay làm trật 1 mỏm khớp. Giai đoạn III: đứt hết các bao khớp và toàn bộ dây chằng phía sau, trật 2 mỏm khớp, di lệch 50% thân đốt. Giai đoạn IV: di lệch ra trước 100% thân đốt.
Argenson (1993) [122] quan niệm cúi hay ngửa gì đều gây căng giãn phía đối diện. Điều đó có nghĩa là cơ chế cúi gây ép cột trước và căng giãn cột sau, tùy theo véc-tơ lực tác động mà gây ra các tổn thương tương ứng.
Leventhal Marvin (1998) [81], René Louis [16], Vaccaro (2007) [116] đã mô tả kỹ thương tổn này. Nhìn chung, các tác giả đồng ý cơ chế Cúi - Căng - Xoay gây tổn thương chủ yếu dây chằng ở cột sau.
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, bảng 3.24 cho thấy tổn thương do cơ chế Cúi - Căng - Xoay gây đứt hoàn toàn dây chằng liên gai, trên gai (86,4%), đứt một phần dây chằng liên gai, trên gai (13,6%), rách bao khớp (90,3%). Như vậy, 100% tổn thương D/C phía sau. Gãy mỏm khớp, gãy bản sống, gãy mỏm gai chiếm tỷ lệ 2 – 3%.
Tóm lại đặc điểm tổn thương giải phẫu của cơ chế Cúi – Căng – Xoay là: o Tổn thương phức hợp D/C phía sau là chủ yếu (86,4% - 100%). o Tổn thương xương là thứ yếu (2 - 3%).
Như vậy, trong chấn thương CSC thấp do cơ chế Cúi – Căng – Xoay chủ yếu là tổn thương dây chằng phía sau. Kết quả này phù hợp với kết quả trong các y văn thế giới.