Cũng cần nhắc lại phương pháp Roger [102] là phương pháp dùng 1 sợi chỉ thép buộc mỏm gai đơn giản. Phương pháp này chống cúi rất tốt, nhưng tỏ ra kém hiệu quả trong việc chống xoay, ngửa và nghiêng bên. Để bổ khuyết, năm 1979, Bohlman đề xuất kỹ thuật 3 sợi chỉ thép cố định mỏm gai, còn gọi là phẫu thuật Bohlman [39].
Phẫu thuật Bohlman nhằm cố định mỏm gai của 2 đốt sống bằng 1 sợi chỉ thép số 0,9mm, xuyên qua nền của mỗi mỏm gai 2 lần và xoắn chỉ 1 bên. Cố định chặt 2 mảnh xương mào chậu vào 2 bên mỏm gai - bản sống của 2 đốt sống gãy bằng 2 sợi chỉ thép khác số 0,6mm, tất cả là 3 sợi chỉ thép. Hai mảnh xương ghép có tác dụng như 2 nẹp hạn chế cử động xoay và ngửa cổ nhờ lực ma sát lớn. Với 3 sợi chỉ thép 0,9mm – 0,6mm và 2 mảnh xương ghép thực sự đã đủ sức chống lại các cử động cổ, tạo điều kiện liền xương tốt nên phẫu thuật Bohlman còn gọi là kỹ thuật 3 sợi chỉ thép (triple-wiring technique) [36], [42] (H 4.58).
A B
Hình 4.58: Phương pháp kết hợp xương Bohlman (3 sợi chỉ).
A: Một sợi chỉ néo ép mỏm gai 1 bên. B: Hai sợi chỉ cố định xương ghép.
Trong nghiên cứu hàng loạt ca lâm sàng về “Điều trị gãy trật cột sống cổ C3 – C7 bằng phương pháp mổ nắn – néo ép – hàn xương lối sau (năm 2000), Võ văn Sĩ đã ứng dụng phẫu thuật Bohlman điều trị cho 38 trường hợp trật và gãy trật CSC C3-C7. Trong quá trình phẫu thuật, tác giả nhận thấy như sau:
- Về kỹ thuật, cách xỏ chỉ thép của Bohlman cũng chưa thật hợp lý lắm. Một sợi chỉ thép phải xỏ qua mỏm gai trên 2 lần rồi xỏ qua mỏm gai dưới 2 lần nửa trước khi néo chỉ 1 bên. Một sợi chỉ thép phải uốn lượn xỏ qua mỏm gai 4 lần như vậy làm cho sợi chỉ cong queo biến dạng, nên ảnh hưởng đến việc rút chỉ. Do đó, trong lúc xỏ chỉ qua mỏm gai dưới, phẫu thuật viên phải luôn kéo căng sợi chỉ để ép 2 mỏm gai gần lại nhau tối đa có thể, làm cùng 1 lúc hai động tác rất khó khăn, có khi phải làm đi làm lại tốn thời gian. Trong kết quả nghiên cứu “Điều trị gãy trật cột sống cổ C3-C7 bằng phương pháp mổ nắn néo ép hàn xương lối sau”, thời gian mổ trung bình 107 phút [13].
- Về phương pháp siết chỉ 1 bên tạo lực ép không cân bằng lên 2 mỏm khớp, nhất là đối với những sợi chỉ bị biến dạng, cong queo quá nhiều.
Để khắc phục khó khăn trên, chúng tôi cải tiến phẫu thuật Bohlman làm cho kỹ thuật xỏ chỉ đơn giản hơn, và phương pháp néo ép tạo lực ép cân bằng lên mỏm khớp 2 bên.