Có nhiều phương pháp điều trị tổn thương CSC thấp do cơ chế Cúi – Căng – Xoay. Việc chọn phương pháp mổ cũng là vấn đề tranh luận hiện nay. Dù phương pháp nào đi nữa cũng nhằm mục đích là phục hồi sự thẳng trục, giải ép thần kinh, phục hồi sự chịu lực, kết hợp xương tạo sự vững chắc tức thì và chống di lệch thứ phát, ghép xương để tạo sự vững chắc lâu dài, tạo điều kiện phục hồi thần kinh tối đa.
Để giải quyết mục đích phục hồi sự thẳng trục, việc nắn trật là quan trọng nhất. Có 2 cách nắn trật, nắn kín và nắn hở. Đối với nắn kín, sự kéo nắn xương sọ với trọng lượng tăng dần sẽ an toàn hơn nắn bằng tay. Trong trường hợp nắn kín thất bại do khóa khớp hay kẹt khớp thì mổ nắn ưu tiên được chọn. Đối với nắn hở, nắn lối sau kiểu bẩy vỏ xe [52], [76] là an toàn nhất vì thấy được, sờ được mỏm khớp trật nên kiểm soát được động tác nắn. Gặp trường hợp khó khăn hơn do trật cũ bị dính khớp, cần thiết phải gọt bớt 1/3 mỏm khớp trên mới nắn vào được. Chúng tôi có 13 trường hợp (19,7%) trật cũ, dính khớp phải gọt mỏm khớp mới nắn vào.
Nghiên cứu về giải phẫu bệnh gãy trật CSC thấp cho thấy rằng sự chèn ép tủy sống là do bờ trên sau của đốt sống dưới và bản sống của đốt sống trên. Trường hợp này, Bohlman đề nghị giải ép bằng cách nắn trật, trả lại dung tích bình thường của ống sống là hữu hiệu nhất. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có hẹp ống sống bẩm sinh (chỉ số Torg < 0,8) hay hẹp ống sống thoái hóa thì sự chèn ép tủy trầm trọng hơn, và như thế, chỉ định mổ cắt bản sống (nếu mổ lối sau), hoặc cắt thân đốt (nếu mổ lối trước) làm rộng ống sống rồi ghép xương và kết hợp xương.
Phục hồi sự chịu lực bằng cách tái tạo chức năng của những cấu trúc bị tổn thương. Tổn thương do cơ chế Cúi - Căng - Xoay chủ yếu là phức hợp dây chằng cột sau, tức là mất chức năng hệ thống chống căng. Do vậy, phải phục hồi hệ thống này bằng cách kết hợp xương ép cột sau.
Có ba phương pháp kết hợp xương ép cột sau thường được sử dụng nhất là chỉ thép mỏm gai, nẹp vít mỏm khớp và kẹp ép bản sống. Nhưng kẹp ép bản sống ít được dùng vì dễ gây tổn thương màng cứng và tủy sống. Nẹp vít mỏm khớp được nhiều người sử dụng hơn, vì bản chất kết hợp xương cứng nhắc của nó và chống được mọi cử động CSC thấp. Nhất là khi cải tiến vít đa trục và thanh dọc thế cho nẹp và vít đơn trục thì kết cấu này trở nên cơ động hơn. Tuy nhiên, theo Mc Afee, kết hợp xương cứng nhắc chưa chắc đã làm tăng tỷ lệ liền xương vì hiện tượng truyền lực qua dụng cụ. Lợi ích của kết hợp xương cứng nhắc bằng vít mỏm khớp là ngồi dậy sớm, xuất viện sớm và viện phí giảm [85] (đã nói ở phần cố định cứng, mục 1.1.6.1). Tuy nhiên, nó cũng phát sinh những bất lợi là có thể gây tai biến thần kinh, mạch máu và rất đắt tiền [104].
Argenson và một số tác giả khác chủ trương phẫu thuật lối trước để điều trị loại tổn thương này, tác giả giải thích là phẫu thuật lối trước để giải quyết đĩa đệm, ghép xương và kết hợp xương. Phẫu thuật lối trước vẫn tái tạo một kết cấu vững chắc, tỷ lệ liền xương cao và ít nhiễm trùng. Nhưng nhiều tác giả khác chưa đồng ý [111], [63].
Bohlman [40], Stauffer [111], Benzel và cộng sự [34] chủ trương mổ lối sau cho các tổn thương cơ chế cúi với đứt các dây chằng phía sau có liệt hay không có liệt. Trái lại, sẽ mổ lối trước cho các tổn thương dây chằng dọc trước, gãy thân đốt và thoát vị đĩa đệm.
Như vậy, cơ chế Cúi – Căng – Xoay gây ra trật 2 mỏm khớp, trật 1 mỏm khớp, bán trật khớp hay bong gân nặng CSC thấp có chỉ định mổ lối sau để tái tạo hệ thống chống căng. Nhưng nếu có kèm thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh thì phải mổ lối trước cắt bỏ đĩa đệm, ghép xương và kết hợp xương là hợp lý. Nếu nắn kín thất bại kèm thoát vị đĩa đệm phải mổ 2 lối, lối sau nắn xương, lối trước cắt đĩa đệm giải ép, ghép xương và kết hợp xương (các loại này nằm ngoài mục tiêu nghiên cứu nên không bàn nhiều).