Qua tìm hiểu về tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam mà nghiên cứu sinh tiếp cận được, xin đưa ra đánh giá bước đầu như sau:
- Quyền lợi NTD và vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD ở nước ta chỉ được quan tâm nghiên cứu từ sau khi đất nước chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường và đặt biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng. Nhu cầu bảo vệ NTD xuất hiện đồng thời với khá nhiều công trình nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh các nhau. Có thể thấy phần lớn các công trình khoa học pháp lý về lĩnh vực này được công bố dưới hình thức các bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành luật hoặc tham luận trong các Hội thảo quốc gia và quốc tế. Do đó vẫn chưa thể giải quyết một cách thỏa đáng, hệ thống tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến bảo vệ NTD. Nhìn chung các công trình trên chỉ đề cập đến một số
hoặc một khía cạnh nào đó của vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chưa luận giải và đề xuất cụ thể và toàn diện các giải pháp nhằm đáp ứng được yêu cầu bảo vệ hữu hiệu người tiêu dùng khi quyền lợi của họ bị vi phạm khá nghiêm trọng như trong bối cảnh hiện nay.
- Pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD là lĩnh vực còn non trẻ so với lịch sử phát triển kinh tế thị trường của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD mới ban hành và thực hiện từ năm 1999. Tuy nhiên, pháp lệnh này trong quá trình thực hiện bộc lộ nhiều bất cập, đã được nhiều công trình khoa học pháp lý phân tích và chỉ rõ. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được ban hành năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 thay thế cho Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD, với sứ mệnh lớn lao là khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định trước và đảm bảo quyền lợi cho NTD. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do khác nhau, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vẫn chưa bộc lộ tính “ưu việt” như mong đợi của các nhà làm luật cũng như NTD. Hiện nay, chưa có công trình khoa học ở cấp độ tiến sĩ nào nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề lý luận của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD; thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD sau một năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; cũng như chỉ ra những “điểm yếu”, hạn chế của pháp luật BVQLNTD, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu pháp luật BVQLNTD ở góc độ lý luận, đánh giá thực trạng, dự báo và đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD sau khi Luật BVQLNTD được thực thi là cần thiết và không trùng lặp với bất kỳ công trình nghiên cứu nào đã thực hiện trước đây.