4.1. Nhu cầu hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Có thể nói Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là đạo luật có đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh rộng, lớn nhất vì nó liên quan trực tiếp tới mọi mặt đời sống hàng
ngày của gần 90 triệu dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau một năm luật có hiệu lực, tình trạng xâm phạm quyền lợi NTD không giảm, các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD lẫn cơ quan quản lý nhà nước vẫn “bất lực”, nhà sản xuất kinh doanh chân chính có nguy cơ phá sản còn NTD thì đang kêu cứu (tất cả những nhận định này dựa trên thực trạng thi hành pháp luật BVQLNTD được trình bày ở mục 1.2). Tình trạng trên xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên, một phần không nhỏ nằm ở bản thân pháp luật BVQLNTD còn nhiều tồn tại, hạn chế, vì vậy, không thể không hoàn thiện bởi các nhu cầu sau:
Nhu cầu bảo vệ quyền lợi NTD
NTD là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế - xã hội và vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD được xem là một vấn đề quan trọng trong quyết sách của một quốc gia. Pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD hướng tới mục đích trước nhất là bảo vệ NTD chống lại những hành vi xâm hại đến lợi ích của họ. Pháp luật bảo vệ NTD ghi nhận các quyền cơ bản của NTD và cũng đồng thời là công cụ để đảm bảo việc thực thi những quyền đó. Chính vì vậy pháp luật về bảo vệ NTD có ý nghĩa rất quan trọng đối với NTD. Là cơ sở, là lá chắn pháp lý để bảo vệ quyền lợi của NTD, chống lại sự bất bình đẳng trong quan hệ với nhà sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc bảo vệ quyền lợi NTD chỉ dựa vào những quy định và chế tài của pháp luật là chưa khả thi, mà NTD còn phải biết tự bảo vệ mình bằng cách tự nâng cao kiến thức, khả năng hiểu biết của mình về sản phẩm, thông tin hàng hóa và dịch vụ theo khẩu hiệu “hãy trở thành NTD thông minh”. NTD cần nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình và chủ động đấu tranh cho những quyền lợi hợp pháp đó. Việc hiểu biết về pháp luật bảo vệ NTD của NTD sẽ phát huy cao nhất khả năng bảo vệ của Pháp luật đối với NTD.
Nhu cầu đảm bảo thực hiện quyền con người
Quyền con người hay nhân quyền (human rights) là những quyền lợi cơ bản mà mỗi người khi sinh ra, với tư cách là con người, với bản chất người và sự tôn nghiêm của mình đều phải có trong những điều kiện lịch sử xã hội nhất định mà không phụ thuộc vào hình thái xã hội hay chế độ chính trị. Quyền con người bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, song nhìn chung, đó là quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Quyền con người được thừa nhận là giá trị chung của nhân loại, được xác định trên hai bình diện chủ yếu là giá trị đạo đức (còn gọi là các giá trị tự
nhiên, vốn có của con người, thể hiện chủ yếu ở 4 khía cạnh cơ bản là: nhân phẩm, bình đẳng xã hội, tự do, tinh thần khoan dung) và giá trị pháp lý (thể chế hóa bằng các chế định trong pháp luật quốc tế và trong pháp luật quốc gia).
Quyền con người là những đặc quyền của tất cả mọi người được thừa nhận và bảo hộ bằng pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Ý thức và tư tưởng về nhân quyền xuất hiện từ khi xã hội có giai cấp và trải qua quá trình lịch sử đã không ngừng phát triển và hoàn thiện, mà đỉnh cao là bản “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” của Liên hợp quốc năm 1948.
Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn và gia nhập nhiều Công ước quốc tế về quyền con người, như: Tuyên ngôn nhân quyền (1948); các Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế văn hóa và xã hội (1966); Công ước về quyền trẻ em (1989); Công ước quốc tế về các quyền chính trị của phụ nữ ( 1952); Công ước quốc tế về cấm và hành động ngay để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (1999)...Đó là một trong những lý do Việt Nam cần nội luật hóa để pháp luật quốc gia tiệm cận với Pháp luật quốc tế và các Điều ước quốc tế, đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người nói trên.
Có thể nói, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2011 là một trong những đạo luật ghi nhận khá nhiều quyền con người. Bởi lẽ, một điều rất đơn giản, NTD trước hết là con người, mà con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển toàn diện và lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh; NTD có quyền được hưởng các sản phẩm an toàn, phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình.
Có một thực tế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra là chưa khi nào vấn đề NTD lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay kể cả khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã ra đời và có hiệu lực hơn một năm. Khoa học công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ mang đến cho người tiêu dùng những hàng hoá, dịch vụ tinh vi, hiện đại nhưng cũng phức tạp hơn. Tính năng sử dụng của các hàng hoá, dịch vụ này tiện lợi nhưng người tiêu dùng thường không được giải thích, hướng dẫn sử dụng theo những yêu cầu an toàn, do đó có thể làm hỏng hóc hoặc gây tai nạn cho chính mình. Song song với sự phát triển của khoa học công nghệ, sinh học là sự xuống cấp trầm trọng về đạo
đức của một bộ phận không nhỏ tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, vì lợi nhuận họ sẵn sàng “bán rẻ” lương tâm và có thể làm bất cứ điều gì kể cả gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng NTD. NTD không ngừng bị xâm hại bởi hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật, những việc trước đây như vụ xăng chứa aceton gây hỏng động cơ gắn máy, nước tương chứa chất 3-MPCD có thể gây ung thư, thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu... Và còn hơn thế nữa, gần đây như vụ biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu [134]; sản xuất giá ăn bằng hóa chất [132], thịt heo siêu nạc, rau, cá trái cây nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại...có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe NTD.
Vì những lẽ trên, với tư cách là con người nên NTD cần phải được bảo vệ bằng pháp luật và việc hoàn thiện pháp luật BVQLNTD cũng phải dựa trên nhu cầu về quyền con người, lấy quyền con người làm gốc rễ, phải đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của quyền con người, đặc biệt là trong xã hội dân chủ hiện nay.
Như đề cập ở trên, Việt Nam hiện đã phê chuẩn và gia nhập nhiều Công ước quốc tế về quyền con người, vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam hiện nay phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền con người của NTD trong các Điều ước quốc tế Việt Nam tham gia. Ngoài ra, hoàn thiện pháp BVQLNTDNTD để thực hiện tốt công tác bảo vệ NTD cũng là nhiệm vụ quan trọng của các quốc gia hiện đại trong việc bảo vệ và phát triển các giá trị nhân quyền, nhân văn [85, tr.15].
Nhu cầu điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất kinh doanh
Hoàn thiện pháp luật BVQLNTD tạo ra một hành lang pháp lý trong đó buộc các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật này phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và phải ứng xử một cách cẩn trọng nhằm tránh xâm phạm gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng được pháp luật bảo vệ. Sự tồn tại của nhóm QPPL về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật với các quy định về trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và của người tiêu dùng đã giúp cho nhà sản xuất, kinh doanh nhận thức và tôn trọng quyền của NTD, của Nhà nước, xã hội cũng như góp phần tạo nên ý thức tôn trọng pháp luật, kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp. Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi NTD thì Pháp luật bảo vệ NTD cũng đồng thời là công cụ bảo vệ các chủ thể tham gia cạnh tranh trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay hạn chế cạnh tranh, chống độc quyền tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu
quả kinh tế của các chủ thể kinh doanh.
Việc thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật cũng giúp các chủ thể kinh doanh hạn chế và loại bỏ những nguy cơ, những rủi ro trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hoá của mình cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Bởi lẽ, suy cho cùng, bảo vệ người tiêu dùng cũng đồng thời bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh.
Nhu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội
Pháp luật là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước, nhất là trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay. Pháp luật bảo vệ NTD là một nhân tố quan trọng thể hiện sự tham gia của Nhà nước vào quan hệ xã hội này với tư cách là người quản lý nhằm bảo đảm sự bình đẳng và cân bằng lợi ích giữa các chủ thể. Pháp luật bảo vệ NTD góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Mặc dù Luật bảo vệ quyền lợi NTD ra đời và được thực thi hơn một năm, song người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt hàng ngày với những nguy cơ của việc sử dụng những sản phẩm dịch vụ không đạt tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là đối với thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm nhiễm hóa chất độc hại.
Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh; Mối nguy hiểm sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng [124], và không dừng ở đó, sức công phá của thực phẩm bẩn, siêu độc hại có thể làm suy yếu đến thế hệ tương lai, ảnh hưởng đến sự suy tồn của cả một dân tộc. Bên cạnh nhận thức rất yếu kém của người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình và sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức của nhà sản xuất kinh doanh là tình trạng thiếu năng lực phản ứng của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Hoạt động quản lý Nhà nước về tiêu dùng đã và đang tiếp tục bộc lộ tính thiếu hiệu quả và trì trệ rất đáng lo ngại. Trước đây, việc chậm công bố gần 7 năm chất gây ung thư 3-MCPD trong kết quả kiểm định nước tương của Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh là một minh chứng điển hình. Hiện nay, hầu hết trong tất cả lĩnh vực quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD đều bộc lộ sự yếu kém. Xã hội rất bức xúc trước sự “bất lực” của Nhà nước trong việc quản lý, ngăn chặn thực phẩm độc hại trong nước cũng như nhập khẩu nước ngoài [117], [120]; hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu; máy móc, thiết bị, hàng hóa
kém an toàn [108]; dịch vụ công kém…
Một trong những nguyên tắc của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” [78, Điều 4]. Như vậy, Nhà nước được xác định là chủ thể trọng tâm gánh vác trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD. Điều này thật dễ hiểu, bởi lẽ, Nhà nước là chủ thể “to nhất”, “khỏe nhất” có thể đảm đương tốt vai trò này. Nhà nước có cả một hệ thống các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đời sống xã hội, với đội ngũ chuyên gia hùng hậu, có chuyên môn trong tất cả các lĩnh vực, được trang bị máy móc, thiết bị tối tân. Ngoài ra, Nhà nước còn có một bộ máy cưỡng chế đảm bảo thi hành mệnh lệnh Nhà nước cũng như đảm bảo tính hiệu lực của các quy định pháp luật, chưa kể Nhà nước là “ông chủ” giàu có nhất trong xã hội. Hơn thế nữa, quản lý trật tự xã hội, đảm bảo sự công bằng, cân đối, hài hòa lợi ích của các nhóm chủ thể khác nhau là nghĩa vụ của Nhà nước.
Với tất cả các lý do trên, Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi NTD để duy trì trật tự chung xã hội, tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, không thể phủ nhận năng lực quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và bảo vệ quyền lợi NTD của các cơ quan Nhà nước là quá kém. Tất cả những vấn đề tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân không nhỏ do các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay chưa trang bị “tâm” và “tầm” cho cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.
Có thể thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay có một chương riêng quy định về quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD, theo đó liệt kê các công việc mà Bộ Công Thương phải làm, thể hiện rất rõ quản lý nhà nước chỉ nhấn mạnh tới thẩm quyền, quyền lực và sự phân công thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, mà không hề thấy trách nhiệm đảm bảo dịch vụ công cộng của nhà nước đối với NTD. Hơn thế, sự phối hợp ngang giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong hoạt động quản lý Nhà nước bảo vệ NTD là rất yếu, dường như không có trách nhiệm và động cơ hợp tác. Một lần nữa có thể khẳng định, năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta thiếu và yếu có phần nguyên nhân từ các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Bởi lẽ, quản lý nhà nước đồng nghĩa với quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm phục vụ của cơ quan công quyền cũng phải có
những chế tài: tức là những hậu quả pháp lý và chính trị đủ sức răn đe khi cơ quan nhà nước không thực thi một cách đáng mong đợi nghĩa vụ quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của mình. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được đề cập, quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Ngoài ra, ngăn cản hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng trước hết phải bắt đầu bằng xây dựng các quy định pháp luật tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy chuẩn và chuẩn mực. Thực thi quy định pháp luật triệt để, nghiêm túc; Tăng sức mạnh cho cơ quan giám sát thực thi kể cả tăng hình phạt, tăng mức phạt hành chính và tăng bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Thế nhưng những vấn đề này chưa được giải quyết triệt để trong pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay.
Như vậy, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải dựa trên khung pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khung pháp luật hoàn chỉnh phải xác định phạm vi bảo hộ hợp lý với các giao dịch được xác định rõ ràng, sự tham gia của các chủ thể với quyền và nghĩa vụ đối ứng phải được ghi nhận chuẩn xác; các cơ quan quản lý Nhà nước phải thực thi trách nhiệm của mình theo cơ chế hiệu quả và cuối cùng là phải ấn định các chế tài thỏa đáng xử lý hành vi xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng kể cả Nhà nước.
Với tính cách là chủ thể của quyền lực công, Nhà nước trong nền kinh tế thị