Khái niệm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở việt nam hiện nay (Trang 50 - 52)

“Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận) và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra trật tự và ổn định trong xã hội” [84, tr.226].

“Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” là tổng hợp các biện pháp được Nhà nước quy định và đảm bảo thực hiện để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ hàng hoá; ngăn chặn những nhà sản xuất có hành vi gian lận, lừa dối để thu lợi bất chính, bao gồm các biện pháp pháp luật, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Nói cách khác, bảo vệ NTD là ghi nhận và làm cho các lợi ích chính đáng của NTD được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên trong số các công cụ chủ yếu Nhà nước sử dụng để bảo vệ quyền lợi NTD thì pháp luật là công cụ hữu hiệu hơn cả vì nó là phương thức thực hiện hoá các công cụ BVNTD khác trong điều kiện Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đều coi luật pháp là một trong những phương tiện chủ yếu bảo vệ NTD, là một hệ thống các quy tắc xử sự liên quan đến nhiều mặt như quan hệ xã hội dân sự, kinh tế, hành chính, hình sự, trình tự tố tụng có liên quan đến đời sống tiêu dùng của cá nhân. Vì thế, yêu cầu bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm chung của toàn xã hội với sự phối hợp của nhiều biện pháp, mà chủ yếu trong đó là biện pháp pháp luật.

Người nước ngoài quan niệm về pháp luật bảo vệ NTD là: “Luật bảo vệ NTD là luật của bang hoặc liên bang được ban hành nhằm bảo vệ NTD trước những hành vi thương mại hoặc những hoạt động tín dụng không lành mạnh có liên quan đến hàng tiêu dùng, đồng thời bảo vệ NTD trước những hàng hoá nguy hại hoặc hàng giả” [158, tr.312].

“Luật Người tiêu dùng là lĩnh vực pháp luật điều chỉnh những giao dịch liên quan đến NTD, đó là việc sử dụng tín dụng, tiêu dùng hàng hóa, bất động sản hoặc những dịch vụ phục vụ cho cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình” [158, tr.312]. Theo quy định của Inđônesia thì “Luật bảo vệ NTD là toàn bộ những nổ lực đảm bảo sự chắc chắn về mặt pháp lý để bảo vệ cho NTD” [46]. Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ NTD của Inđônesia là khá rộng, bao gồm: toàn bộ các loại hàng hóa, hữu hình hoặc vô hình, di động hoặc bất động, có thể tiêu thụ hoặc không thể tiêu thụ, có tính thương mại được NTD tiêu dùng, sử dụng hoặc khai thác và tất cả các loại hình dịch vụ cũng như các hình thức quảng bá hàng hóa và dịch vụ.

Có thể nói, Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng bằng pháp lý thông qua việc Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận hệ thống các quy phạm pháp luật nhằm thực hiện các mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng từ giai đoạn tìm kiếm, mua hàng hoá, dịch vụ trên thị trường đến giai đoạn tiêu dùng sản phẩm cũng như hậu quả phát sinh (nếu có).

Như vậy có thể đưa ra khái niệm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau: “Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là hệ thống các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở việt nam hiện nay (Trang 50 - 52)