Những biện pháp đảm bảo thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở việt nam hiện nay (Trang 86 - 89)

dùng

Thu hồi hàng hóa có khuyết tật

Đây là quy định đặc thù của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, việc thu hồi phải được tiến hành ngay khi phát hiện chứ không phải khi có khiếu nại hoặc bị kiện. Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, người cung cấp hàng hóa có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó; Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi; Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sau khi hoàn thành việc thu hồi.

Trách nhiệm sản phẩm

Đây một loại trách nhiệm pháp lý đặc biệt khi hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp có những khuyết tật, kể cả trong trường hợp người này không có lỗi đối với những khuyết tật đó. Chế định này thể hiện rõ nhất đặc thù của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Theo điều 24 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.

Luật bảo vệ người tiêu dùng các nước đều hướng tới loại bỏ những hành vi thương mại không lành mạnh ngay cả khi chúng không hướng đến một người tiêu dùng cụ thể nào. Hành vi thương mại không công bằng (unfair practices in commerce or unfair commercial practices or unfair business practices) được hiểu bao gồm hành vi gây nhầm lẫn, lừa dối khách hàng (fraud, misrepresentation, misleading practices) và cưỡng bức, lạm dụng đối với Người tiêu dùng (aggressive practices) [163].

Theo thông lệ, luật bảo vệ người tiêu dùng công bố những hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại. Những hành vi này thường là: quảng cáo gian dối, nêu thông tin sai lệch về uy tín của doanh nghiệp hoặc sản phẩm, che dấu khuyết tật sản phẩm, cung cấp hàng hóa có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, quấy rối, ép buộc người tiêu dùng. Ngoài ra, các hành vi thương mại không lành mạnh được quy định phần lớn trong pháp luật cạnh tranh.

Giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng

Đối tượng của tranh chấp là những quan hệ tư. Vì vậy, về nguyên tắc, các tranh chấp với người tiêu dùng sẽ được giải quyết theo trình tự của luật tư. Thường thì các tranh chấp với người tiêu dùng có thể được giải quyết theo các hình thức: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Tính chất của các tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân khác với các vụ việc dân sự thông thường ở chỗ có một sự mất cân bằng quá lớn về khả năng tiếp cận và sử dụng chứng cứ. Chính vì vậy, giải pháp của hầu hết các quốc gia đối với việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng, đặt biệt là nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để tạo sức mạnh tập thể cho những NTD riêng lẽ, cũng như giảm bớt chi phí tố tụng cho cả các bên và tòa án, pháp luật các nước đã giải quyết theo thủ tục đơn giản hoặc cho phép khởi kiện tập thể và đặt cho nó một quy trình riêng.

Chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng

Khi xảy ra vi phạm hoặc có tranh chấp, những quan hệ hợp đồng giữa người tiêu dùng và thương nhân sẽ được áp dụng chế tài có tính truyền thống được áp dụng là chế tài dân sự mà bồi thường thiệt hại là hình thức chủ yếu. Đồng thời hình thức xử lý vi phạm bằng chế tài hành chính lại cũng thường xuyên được áp dụng nếu xuất hiện những vi phạm thuộc những trường hợp bị cấm. Những việc phạt vi phạm ở đây có thể là phạt tiền, buộc thu hồi, sửa chữa hoặc tiêu hủy sản phẩm khuyết tật, tước quyền kinh doanh. Trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thương nhân có

thể bị xử lý về hình sự.

*******

Tóm lại, qua nghiên cứu, phân tích một số mô hình pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới và cấu trúc nội dung pháp luật BVQLNTD hiện hành của Việt Nam, có thể rút ra một số kết luận về nội dung của chế định pháp luật mang tính chất so sánh như sau:

Thứ nhất: Hầu hết các quốc gia xây dựng mô hình pháp lý bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật mang tính tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và cả các quy phạm quy định trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại sau khi xảy ra hành vi vi phạm. Mô hình pháp lý này bảo vệ NTD tối ưu, có tính chất phòng ngừa các hành vi vi phạm và giảm thiểu tối đa nguy cơ thiệt hại cho NTD, đồng thời bù đắp được lợi ích đã mất của NTD

Thứ hai: Pháp luật BVQLNTD được xây dựng bằng những quy phạm “đặc biệt” để bảo vệ NTD, bởi lẽ, các nguyên tắc, các quy định của dân luật truyền thống không thể giải quyết thỏa đáng quyền lợi kẻ yếu. Chính vì vậy, pháp luật bảo vệ NTD can thiệp khá sâu vào quá trình giao dịch của các bên bằng cách đặt những điều kiện bắt buộc phải tuân thủ để khắc phục những bất lợi của người tiêu dùng trong quan hệ với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ như: kiểm soát điều kiện giao dịch chung; cấm các điều khoản không công bằng; trình tự thực hiện giao dịch từ xa, giao dịch điện tử.

Thứ ba: Quan hệ tiêu dùng xuất hiện hầu hết trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hoá, xã hội.... điều này đồng nghĩa rằng NTD “có mặt” trong tất cả các quan hệ xã hội. Và mỗi loại quan hệ xã hội khác nhau sẽ được điều chỉnh bởi các quan hệ pháp luật khác nhau, nằm trong những ngành luật và các văn bản pháp lý khác nhau. Điều này cũng dễ dàng để lý giải tại sao pháp luật BVQLNTD của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới có biên giới với rất nhiều ngành luật khác nhau. Mà điều đặc biệt dễ nhận thấy đó là mô hình phát triển rất đa dạng của pháp luật bảo vệ NTD trong mối liên hệ với pháp luật cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật về điều kiện thương mại chung và pháp luật về trách nhiệm sản phẩm.

Thứ tư: Kinh nghiệm hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD trên thế giới cho thấy, không thể đưa tất cả các vấn đề thuộc những lĩnh vực

khác nhau vào cùng một đạo luật về bảo vệ NTD. Vì lẽ đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chỉ quy định trách nhiệm pháp lý và một số chế định đặc thù của pháp luật bảo vệ NTD. Những quy định khác liên quan đến bảo vệ NTD mà không được quy định trong Luật BVQLNTD sẽ được dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật về cạnh tranh, quảng cáo, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng....đây là xu hướng làm luật của đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở việt nam hiện nay (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w