- Đường biểu thị giới hạn hiện tượng dưới dạng các chỉ tiêu bản chất của chúng thì không thể tổng quát hoá hơn nữa mà có thể trừu tượng hoá không gian có thể dựa trên sự xác định số lượng nội dung của chúng.
7.4.1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CÔNG TÁC BIÊN VẼ BẢNĐỒ
Biên vẽ bản đồ là quá trình lựa chọn và chuyển đổi thông tin từ các dạng tài liệu khác nhau sang dạng đồ hoạ và định vị chúng lên bề mặt bản đồ theo các quy tắc của bản đồ học (cơ sở toán học, phương pháp biên vẽ, phương pháp tổng quát hoá, phương pháp ký hiệu, và trình bày) và tuân theo các quy định của bản thiết kế kỹ thuật (hoặc bản kế hoạch biên tập) đã được duyệt.
Sản phẩm của quá trình biên vẽ có thể là: Bản tác giả, Bản gốc biên vẽ, Bản gốc biên - thanh vẽ, Bản đồ số, Bản đồ mầu.
Bản tác giả là bản vẽ do cơ quan hoặc người chủ của bản đồ (tác giả) thành lập, phản ánh nội dung chuyên đề và phương pháp thể hiện nội dung đó đúng như các quy định trong bản thiết kế kỹ thuật, nhưng chất lượng đồ hoạ có thể chưa cao, là hình ảnh của bản đồ chính thức sắp in ra, được dùng để trình duyệt, xin xuất bản, và để chỉ dẫn các quá trình kỹ thuật tiếp theo như biên vẽ, thanh vẽ, chế bản. Bản tác giả thích hợp với các công trình thành lập bản đồ chuyên đề, xuất phát từ đặc điểm của bản đồ chuyên đề là chúng rất đa dạng, phần lớn được thành lập theo một phương án thiết kế mới, không có chuẩn được lập sẵn như các bản đồ địa lí chung hoặc một số bản đồ chuyên đề mang tính chuyên ngành. Theo quy trình chung, sau khi thành lập bản tác giả, bước tiếp theo sẽ là thành lập bản gốc biên vẽ, rồi đến bản gốc thanh vẽ, … Nhưng trong ứng dụng thực tế, nếu bản tác giả được biên vẽ tốt, các phần tử đồ hoạ có chất lượng tương đương với bản gốc biên vẽ thì nó có thể thay thế bản gốc biên vẽ và bỏ qua quá trình làm bản gốc biên vẽ
Bản gốc biên vẽ do cơ quan sản xuất thực hiện, là bản vẽ đầy đủ toàn bộ nội dung của bản đồ (nội dung chính cũng như nội dung phụ và mọi chi tiết cần thiết) theo đúng quy định kỹ thuật (về vị trí, hình dạng, kích thước ký hiệu, tiêu chuẩn tổng quát hoá và mối quan hệ về vị trí giữa các ký hiệu) nhưng màu sắc của bản vẽ thì có thể quy định khác với màu chính thức sẽ in ra vì lí do đảm bảo các điều kiện kỹ thuật của khâu chụp ảnh và chế bản. Ví dụ, màu lơ không bắt ánh sáng khi chụp ảnh, do đó các ký hiệu sau này sẽ in màu lơ thì trên bản gốc biên vẽ phải dùng màu khác – thường là màu lục. Bản biên vẽ có ý nghĩa là một mô hình nội dung đúng đắn của bản đồ tương lai, tiếp theo sẽ được vẽ lại với chất lượng cao (thanh vẽ).
Bản gốc biên - thanh vẽ (còn gọi là bản gốc liên biên) là kết quả của quá trình biên vẽ chất lượng cao với nét vẽ và màu vẽ được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn của quá trình làm bản gốc thanh vẽ. Trong công nghệ truyền thống trường hợp này được áp dụng khi công việc biên vẽ không quá khó khăn phức tạp, nội dung của bản đồ không quá dày đặc. Phương án này cũng thường được áp dụng khi thành lập các bản đồ chuyên đề khi đã có một bản tác giả tốt.
Bản gốc thanh vẽ là bản vẽ sạch, chất lượng đồ hoạ cao (không cạo sửa, không gai nét, vẽ và chữ ghi chú đúng kích thước), vẽ bằng một màu đen đậm. Đây là những tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo
cho quá trình chế bản và in bản đồ.
Khi ứng dụng công nghệ số thì từ kết quả biên vẽ còn cho phép làm ra ngay các sản phẩm như: bản đồ số (ghi trên các phương tiện nhớ của máy tính), bản đồ mầu (in ra từ máy in, máy vẽ gắn liền với máy tính), bản phim chế bản (phim đã tạo các phần tử nét và màu theo từng màu in riêng biệt dùng để chế bản in).