- toạ độ vuông góc: q– ρ.cosδ y= ρ.sinδ,
h. Biểu hiện động lực đối tượng
4.4.11 VẬN DỤNG VÀ PHỐI HỢP CÁC PHƯƠNG PHÁP BIỂU HIỆN BẢNĐỒ
Qua sự phân tích các phương pháp biểu hiện bản đồ như đã trình bày, ta thấy các phương pháp biểu hiện bản đồ có những đặc điểm bản chất khác nhau, khả năng đặc trưng đối với các loại đối tượng, hiện tượng hoạ đồ khác nhau, những yêu cầu về các điều kiện thành lập (nguồn tư liệu) và sự thể hiện khác nhau.
Vì thế khi vận dụng các phương pháp biểu hiện trong thành lập bản đồ, phải căn cứ vào nhiều yếu tố: đặc điểm của đối tượng, hiện tượng hoạ đồ, mức độ chi tiết và phong phú của các nguồn tài liệu có quan hệ với nội dung bản đồ, mục đích - yêu cầu của bản đồ thành lập và đặc điểm bản chất của phương pháp biểu hiện. Mỗi phương pháp biểu hiện có những ưu thế nhất định đối với sự biểu hiện các loại đối tượng, hiện tượng hoạ đồ, cũng như những đặc trưng của chúng. Có phương pháp biểu hiện phù hợp với loại đối tượng này, nhưng lại không phù hợp với loại đối tượng khác; có phương pháp biểu hiện phản ánh được nhiều đặc điểm của đối tượng, nhưng có phương pháp chỉ có khả năng nêu lên những đặc điểm nhất định nào đó của đối tượng (ví dụ chỉ có thể phản ánh đặc điểm định lượng hoặc định tính).
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, không phải một phương pháp biểu hiện chỉ biểu hiện đối với một đối tượng, hiện tượng nhất định, mà có thể được vận dụng biểu hiện đối với nhiều đối tượng, hiện tượng và ngược lại một đối tượng, hiện tượng có thể được biểu hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, tuỳ thuộc vào mục đích, yêu cầu của bản đồ và nguồn tư liệu.
Trong thực tế thành lập bản đồ, ở từng trường hợp cụ thể, trên mỗi bản đồ cụ thể, có thể sử dụng và phối hợp các phương pháp biểu hiện khác nhau để biểu hiện các đối tượng, hiện tượng. Cụ thể là:
• Để truyền đạt một đối tượng, hiện tượng, có thể sử dụng những phương pháp biểu hiện khác nhau. Ví dụ, ở bản đồ dân cư, để thể hiện sự phân bố dân số, có thể sử dụng phương pháp kí hiệu điểm, nếu như dân số có sự phân bố tập trung theo các điểm và bản đồ yêu cầu tính địa lí cao, nguồn tài liệu chi tiết đến từng điểm phân bố được định vị trên bản đồ. Có thể sử dụng phương pháp chấm điểm, nếu như dân số phân bố phân tán, yêu cầu tính địa lí không cao và có thể sử dụng phương pháp Bản đồ biểu đồ nếu như chỉ có số liệu thống kê dân số theo các đơn vị lãnh thổ và yêu cầu của bản đồ chỉ thể hiện tổng lượng dân của các đơn vị phân chia lãnh thổ.
• Để truyền đạt một đối tượng, hiện tượng có thể cùng sử dụng nhiều phương pháp biểu hiện để nêu lên nhiều đặc trưng của hiện tượng. Ví dụ, trên bản đồ khí hậu, có thể dùng phương pháp Biểu đồ định vị thể hiện các đài trạm khí tượng với những đặc trưng nhiệt độ, lượng mưa, tần suất gió; phương pháp các đường đẳng nhiệt thể hiện sự phân bố nhiệt độ trung bình năm; phương pháp kí hiệu vận động thể hiện sự di chuyển của các khối khí theo các mùa, v.v… • Để truyền đạt một số đối tượng, hiện tượng khác nhau, có thể sử dụng cùng một phương
pháp. Ví dụ, trên bản đồ kinh tế công nghiệp, có thể cùng sử dụng phương pháp kí hiệu điểm để thể hiện các mỏ khai thác khoáng sản, các trung tâm công nghiệp, các kho tàng, bến cảng, v.v… Song các kí hiệu cho một loại đối tượng phải có hình thức khác nhau, dễ nhận biết và phân biệt.
• Để truyền đạt nhiều đối tượng, hiện tượng trên bản đồ có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp biểu hiện khác nhau. Ví dụ, trên bản đồ kinh tế chung, nền màu thường là các vùng chuyên môn hoá nông nghiệp được thể hiện bằng phương pháp nền chất lượng. Phương pháp kí hiệu biểu hiện các trung tâm, xí nghiệp công nghiệp, các điểm khai thác khoáng sản. Phương pháp vùng phân bố với các gam nét chải biểu hiện các vùng cây trồng, vật nuôi và phương pháp kí hiệu vận động biểu hiện sự giao lưu hàng hoá, v.v… Mặc dầu nhiều nội dung như vậy, nhưng bản đồ vẫn rất dễ đọc, do sự phối hợp các phương pháp biểu hiện bản đồ một cách khoa học, hợp lí. Song cần nhớ rằng, có những phương pháp biểu hiện bản đồ rất khó hoặc không thể phối hợp với nhau, vì bản chất chúng khác nhau, nhưng về hình thức thể hiện gần giống nhau, dễ gây nên sự lầm lẫn đối với người sử dụng và rất khó thể hiện. Ví dụ như phương pháp kí hiệu điểm với phương pháp vùng phân bố được khái quát cao; phương pháp nền chất lượng với phương pháp cactogram. Phương pháp kí hiệu điểm với phương pháp Bản đồ biểu đồ, v.v…
Vì thế, sử dụng phối hợp các phương pháp biểu hiện bản đồ không thể thực hiện tuỳ ý, phải dựa trên cơ sở bản chất của phương pháp biểu hiện và đặc điểm đối tượng, hiện tượng được biểu hiện, đồng thời lựa chọn hệ thống ngôn ngữ bản đồ một cách khoa học.
Cho biết những phương pháp dùng để thể hiện nội dung chính của bản đồ. Phương pháp bản đồ đồ giải và phương pháp bản đồ biểu đồ.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG IV
1. Khái niệm ngôn ngữ bản đồ? Ý nghĩa của ngôn ngữ bnả đồ và những đặc trưng cơ bản của kí hiệu bản đồ?
2. Những nguyên tắc cơ bản trong sự thể hiện ngôn ngữ bản đồ trên bản đồ địa lí?
3. Tại sao sự biểu hiện các đối tượng, hiện tượng địa lí trên bản đồ phải vận dụng nhiều phương pháp biểu hiện khác nhau? Những phương pháp biểu hiện được sử dụng phổ biến là những phương pháp biểu hiện nào? Đối tượng của chúng?
4. Trong các phương pháp biểu hiện bản đồ, những phương pháp có hình thức thể hiện tương đối giống nhau? Cơ sở phân biệt chúng? Những phương pháp biểu hiện nào có thể chuyển đổi hoặc kết hợp được với nhau?
5. Sự vận dụng phương páp biểu hiện bản đồ dựa trên những cơ sở nào? Nêu một số trường hợp vận dụng và phối hợp phương pháp biểu hiện bản đồ trong thành lập các bản đồ địa lí?
6. Ý nghĩa của chữ viết trên bản đồ và việc sử dụng chúng?