- Vị trí địa lý của một đối tượng được xác định trong hệ toạ độ vuông góc phẳng gọi là toạ độ vuông góc của điểm đó, được ký hiệu là A(x,y). Giá trị x là giá trị theo hướng Bắc Nam và thường đặt lên trước; giá trị y là giá trị theo hướng Đông Tây.
- Đối với hệ toạ độ Đề Các, các giá trị dương đồng thời của x và y chỉ có được ở góc một phần tư bên phải phía trên của hệ toạ độ. Tại các góc phần tư còn lại, hoặc x, hoặc y, hoặc cả x và y phải nhận giá trị âm.
Để tránh các giá trị âm khi xác định toạ độ ô vuông của các đối tượng trong hệ toạ độ vuông góc, người ta dịch gốc toạ độ sang phái Tây và xuống phía Nam một số km nào đó để các giá trị nhận được đều là giá trị dương.
- Hệ toạ độ vuông góc thường chỉ đựoc xây dựng ở những bản đồ tỷ lệ lớn.
- Ví dụ, trong Hệ VN 2000, sử dụng phép chiếu UTM, múi chiếu 6°. Mỗi múi chiếu có một hệ toạ độ vuông góc. Gốc toạ độ là giao điểm của kinh tuyến giữa của múi chiếu đó với xích đạo. Trục tung là kinh tuyến giữa của múi chiếu mang giá trị x (trong bản đồ sử dụng trục tung là hướng Bắc Nam); trục hoành là xích đạo mang giá trị y. Để tránh có giá trị âm, gốc toạ độ được dịch chuyển sang phía Tây 500km (gốc toạ độ thật cách rìa múi một khoảng xấp xỉ 333km). Vì Việt Nam nằm ở Bắc Bán Cầu nên các giá trị x đều mang giá trị dương, vì vậy không cần dịch chuyển gốc toạ độ xuống phía Nam.
Toạ độ vuông góc của điểm P (x = 2150000m, y = 48572000m) được hiểu là điểm P cách xích đạo 2150000m và cách kinh tuyến 105° Đông (kinh tuyến giữa của múi 48) về phía Đông 72000m.