Quy mô vốn đầu tư, thiết bị và công nghiệp chế biến

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam (Trang 38 - 41)

III. Đánh giá thực trạng phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ thời gian qua

3. Quy mô vốn đầu tư, thiết bị và công nghiệp chế biến

3.1. Quy mô vốn đầu tư

Trong tổng số 3562 cơ sở chế biến gỗ (cưa, xẻ, sản xuất ván nhân tạo), chế biến tre nứa, số cơ sở có quy mô vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng chiếm 28,5%, số cơ sở có quy mô đầu tư từ 1 đến 5 tỷ đồng là 43,82%, có quy mô từ 5 đến 10 tỷ đồng là 12,52%, từ 10 đến 50 tỷ là 12,66%, từ 50 đến 200 tỷ đồng là 2,13%, quy mô vốn đầu tư từ 200 đến 500 tỷ là 0,34%, và trên 500 tỷ là 0,03%.

Trong tổng số 3930 cơ sở chế biến giường, tủ và bàn ghế, số cơ sở có quy mô vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng chiếm 15,83%, số cơ sở có quy mô đầu tư từ 1 đến 5 tỷ đồng là 47,84%, có quy mô từ 5 đến 10 tỷ đồng là 12,54%, từ 10 đến 50 tỷ là 15,95%, từ 50 đến 200 tỷ đồng là 5,73%, quy mô vốn đầu tư từ 200 đến 500 tỷ là 1,53%, và trên 500 tỷ là 0,59%.

Biểu đồ 5. Số lượng cơ sở chế biến gỗ, tre nứa và chế biến giường, tủ và bàn ghế phân theo quy mô vốn đầu tư

(Nguồn: Tổng Cục Thống kê, 2010)

3.2. Thiết bị và công nghệ

Hiện tại hơn 50% số cơ sở chế biến sản phẩm gỗ là các đơn vị quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản phục vụ sơ chế và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh có chất lượng thấp, phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công (sơ chế) nguyên liệu phục vụ các doanh nghiệp có quy mô lớn. Số còn lại, bao gồm khoảng 970 doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu của các tổ chức và cá nhân trong nước và 421 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có thiết bị và công nghệ ở mức độ trung bình khá

của thế giới.

Qua theo dõi và phân tích cho thấy, Vùng Đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc đang hình thành mạng lưới các các cơ sở vệ tinh chuyên sơ chế và cung cấp bán sản phẩm từ nguyên liệu gỗ rừng trồng cho các cơ sở sản xuất đồ mộc nội ngoại thất ở khu vực Đồng bằng. Trang thiết bị ở mức trung bình, được mua sắm khoảng 5 – 15 năm trở lại đây. Có một số cơ sở sản xuất đồ nội thất thì thiết bị tinh chế được mua sắm từ 1-5 năm trở lại đây.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các chuyên gia, công nghiệp chế biến gỗ Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ chủ yếu tập trung vào sản phẩm gỗ ngoại thất phục vụ xuất khẩu. Nhìn chung, 100 % dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp được khảo sát là bán tự động. Khoảng 30 % trong số đó trình độ công nghệ ở trình độ khá, còn lại 70% có trình độ công nghệ ở mức trung bình. Gần 80% số doanh nghiệp được khảo sát có hệ thống thiết bị xử lý môi trường đảm bảo sức khỏe cho người lao động (thực chất chỉ là các thiết bị hút mùn cưa, mảnh gỗ).

Kết quả khảo sát 20 doanh nghiệp chế biến gỗ khu vực miền Tây Nguyên cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp có công nghệ thiết bị trung bình. Nhiều doanh nghiệp đầu tư thiết bị không đồng bộ có nguồn gốc khác nhau. Hiện tại, có khoảng 57 % số doanh nghiệp được khảo sát có hệ thống thiết bị xử lý môi trường đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ đã đầu tư và đổi mới thiết bị hiện đại để sản xuất đồ mộc nội thất, ngoại thất xuất khẩu, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ đồng bộ, có thể tổ chức sản xuất khép kín, hiện đại từ các nước Đài Loan, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Italia… Nhiều dây chuyền công nghệ thiết bị được đánh giá tương đương trình độ trong khu vực. Một số doanh nghiệp đã đầu tư các thiết bị xử lý môi trường.

Có thể nói rằng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng có hoạt động chế biến gỗ kém phát triển nhất ở Việt Nam. Trong vùng này chỉ có một số lượng rất nhỏ doanh nghiệp chế biến gỗ. Theo kết quả khảo sát và đánh giá của các chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ tại Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ và chủ yếu là phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở địa phương.

3.3. Hiện trạng về khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển ngành côngnghiệp chế biến sản phẩm gỗ nghiệp chế biến sản phẩm gỗ

Nhìn lại quá trình phát triển của ngành chế biến lâm sản nói chung, chế biến gỗ nói riêng, chúng ta nhận thấy: các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự thay đổi căn bản về chất lượng, nhờ thế hàng hóa đồ mộc của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng trong các năm 2006-đến 2009. Để có được sự thay đổi về chất lượng các sản phẩm đồ gỗ, không thể không có vai trò của Khoa học công nghệ trong phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Đánh giá thực trạng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ cho thấy các nghiên cứu về công nghệ chế biến gỗ giai đoạn gần đây đã phong phú hơn, có phần chuyển hướng gắn với sản xuất và nhu cầu của thị trường. Các công trình nghiên cứu đã giải quyết được một phần những yêu cầu cấp thiết của sản xuất, ở mức độ nào đó giảm thất thoát sau thu hoạch, tạo ra một số sản phẩm có khả năng ứng dụng vào sản xuất... Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chế biến gỗ vẫn còn nhiều hạn chế. Các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu chưa nhiều. Số công trình nghiên cứu ít, manh mún, tản mạn, chưa có công trình lớn, mức độ nghiên cứu sâu, chưa có bước đi cụ thể cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực chế biến gỗ. Công nghệ chế biến hóa học gỗ còn chưa được quan tâm nghiên cứu.

Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất còn có những khó khăn không nhỏ. Do có những đặc thù riêng, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam thời gian qua đã phát triển đồng thời theo 2 hướng: Phát triển tập trung và phát triển phân tán.

Theo hướng phát triển tập trung, đã hình thành các tập đoàn chế biến gỗ sản xuất một số mặt hàng có chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu hoặc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu ở thị trường trong nước. Theo hướng phát triển phân tán đã hình thành hệ thống các cơ sở chế biến đến hầu hết các quận huyện trên cả nước. Các cơ sở này chủ yếu sản xuất các sản phẩn chất lượng không cao cung cấp cho thị trường nội địa, hoặc là vệ tinh cung cấp các sản phẩm là nguyên liệu cho các công ty, tập đoàn sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam (Trang 38 - 41)