Phân tích ma trận SWOT

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam (Trang 62 - 66)

Ngành công nghiệp chế biến gỗ trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu nhất định, và được xếp trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp chế biến gỗ chưa bền vững, đặc biệt trong bối cạnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Trước thách thức đó cần hoạch định chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp này. Một trong những công cụ có thể được nghiên cứu và vận dụng, đó là phân tích SWOT.

Nhằm đưa ra những định hướng chiến lược cho công nghiệp chế biến gỗ, chúng ta vận dụng phân tích ma trận SWOT, cụ thể như sau:

1. Điểm mạnh

- Số lượng doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển nhanh ( 2.562 DN) trong đó doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng tuyệt đối, 95.73% tổng số doanh nghiệp cả nước.

- Quy mô các nhà máy chế biến gỗ đa dạng: từ năm 2000 hệ thống các nhà máy chế biến gỗ có tốc độ tăng trưởng về số lượng và quy mô, hiện nay cả nước có 1500-1800 cơ sở sản xuất đồ mộc quy mô nhỏ với năng lực chế biến từ 15-200 m3 gỗ/năm/cơ sở và 1.200 doanh nghiệp có quy mô lớn với tổng công suất chế biến 2 triệu m3 gỗ/năm, trong đó có 41% là doanh nghiệp nhà nước và 59% doanh nghiệp tư nhân.

- Thị trường xuất khẩu được mở rộng, ngoài các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU và Nhật, các sản phẩm gỗ Việt Nam đã và đang thâm nhập vào thị trường Đông Âu, Trung Đông và Nam Mỹ.

- Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, môi trường chính trị xã hội của Việt Nam ổn định và có hành lang pháp luật thông thoáng…

- Một trong những ưu điểm nổi bật khiến các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào và lợi thế của Việt Nam đó là nguồn nhân lực khá dồi dào, nhân công rẻ, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, chịu khó học hỏi. Ngành công nghiệp chế biến gỗ nhờ đó đã tạo được nhiều việc làm.

- Một số DN đã tranh thủ được các nguồn lực, kể cả Việt kiều, tạo ra khả năng về tài chính, nâng cao trình độ thiết bị - công nghệ và tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Đài Loan…

2. Điểm yếu

- Ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển thiếu bền vững, phân bố không đồng đều và còn bất hợp lý. Cơ cấu sản phẩm còn mất cân đối, gây lãng phí nguyên liệu. Giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ xuất khẩu thấp (do còn phải nhập khẩu nhiều gỗ nguyên liệu và phụ liệu). Phụ liệu cho sản xuất (sơn, keo, các loại giấy,...) cũng phải nhập khẩu do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển.

- Các DN chế biến gỗ “thuần” Việt Nam yếu thế hơn các DN chế biến gỗ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là khó khăn về tài chính. Đa số các DN chế biến gỗ Việt Nam thuộc dạng DN nhỏ, gặp khó khăn về vốn.

- Nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu, chiếm 60-70% giá thành sản phẩm gỗ song 80% lượng nguyên liệu mà các DN đang sử dụng phải NK, ước tính sản lượng NK khoảng 5 - 6 triệu m3 với giá cao hơn rất nhiều so với giá nguyên liệu cùng loại trong nước, và tình trạng này ước tính còn kéo dài 15 năm nữa.

- Năng lực cạnh tranh các sản phẩm gỗ Việt Nam và ngành chế biến gỗ yếu. Chất lượng mặt hàng gỗ Việt Nam nhìn chung chưa cao, mẫu mã còn đơn điệu, chưa thật sự phong phú, đa dạng và còn lệ thuộc vào mẫu mã của nước ngoài nên kém sức cạnh tranh. Thực tế, năng lực cạnh tranh các sản phẩm gỗ Việt Nam yếu hơn các sản phẩm của Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan.

- Các DN hoạt động trong ngành chế biến gỗ của Việt Nam chưa có nhiều đổi mới trong công nghệ SX mà chủ yếu chỉ làm gia công. Các DN cũng chưa thực sự chú trọng đến đầu tư công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mang bản sắc riêng và đáp ứng được yêu cầu của thị trường...

- Thiếu cán bộ quản lý, kỹ sư giỏi và công nhân lành nghề, dẫn đến năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất không cao. Việc sản xuất chủ yếu vẫn dựa trên lấy số lao động không có tay nghề thay thế cho lao động được đào tạo, năng suất lao động thấp.

- Nguồn thông tin về công nghệ chế biến và thương mại gỗ Việt Nam và thị trường quốc tế vừa thiếu lại vừa lạc hậu và thông tin chưa được phân tích xử lý để có được các số liệu thông tin chính thống và chính xác. Thông tin doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay rất sơ sài phiến diện, không đầy đủ. Thực tế đó đã gây khó khăn rất lớn cho bản thân các doanh nghiệp, cho các cơ quan tổ chức muốn hỗ trợ doanh nghiệp.

- Một số chính sách ban hành cho ngành công nghiệp chế biến gỗ chưa phù hợp chẳng hạn như chính sách tín dụng đầu tư chưa thích đáng, hay chính sách về thuế đất, tích tụ đất trồng rừng chưa thông thoáng và rõ ràng,...

3. Cơ hội

- Việt Nam đã gia nhập WTO nên thị trường tiêu thụ được mở rộng, thị trường nội địa tăng trưởng do GDP của Việt Nam đã vượt ngưỡng nước nghèo và tiếp tục được cải thiện, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.

- Nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới hiện vẫn tăng khá cao, trong khi đó, thị phần đồ gỗ của Việt Nam còn rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 0,78% tổng thị phần đồ gỗ thế giới.

- Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành chế biến gỗ xuất khẩu được giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng như giảm thuế xuất khẩu sản phẩm hàng hoá vào thị trường các nước.

- Đầu tư nước ngoài đang tăng ở Việt Nam trong lĩnh vực chế biến gỗ, các nhà đầu tư chủ yếu từ châu Á, đặc biệt là từ Đài Loan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và một số nước khác như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch và Pháp.

- Nhà nước đã có định hướng chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 về việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

- Miền Bắc, miền Trung còn nhiều cơ hội xây dựng DN chế biến gỗ mới do kết cấu hạ tầng (điện, bến cảng, đường xá, kho bãi) sẽ được cải thiện. Diện tích xây dựng DN nhiều, giá thuê đất tương đối rẻ hơn miền Nam.

- Nguồn cung gỗ thế giới ổn định và dồi dào (đặc biệt trong ngắn hạn do khủng hoảng tài chính thế giới). Nguồn cung gỗ rừng tự nhiên trong nước sớm được cải thiện do đã có chủ trương cho phép khai thác bền vững rừng sản xuất là rừng tự nhiên, góp phần giảm chi phí nguyên liệu. Chính sách quản lý rừng bền vững và

đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất (trong đó có gỗ lớn) đã phát huy hiệu quả. - Thị trường công nghệ và chuyển giao công nghệ chế biến gỗ của thế giới phát triển, nguồn cung dồi dào (nếu tận dụng được thời cơ thu hẹp sản xuất ở những nước công nghiệp phát triển).

- Nguồn nhân lực trong nước dồi dào, giá nhân công chưa cao, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong nước cho ngành chế biến gỗ sớm được cải thiện.

- Quan hệ quốc tế của Việt Nam tiếp tục được mở rộng và tăng cường (các hiệp định thương mại song phương và đa phương).

4. Thách thức

Bức tranh phục hồi nền kinh tế thế giới chưa thể làm nguôi ngoai đi nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kép sau đó. Hiện, ngành gỗ vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức như: Sức cạnh tranh còn thấp kém, nguồn nhân lực qua đào tạo thiếu… năm 2010 nhiều cam kết WTO đến thời hạn thực hiện, nhất là các cam kết mở cửa lĩnh vực dịch vụ, tài chính, bán lẻ tạo nên sức ép không nhỏ đối với doanh nghiệp gỗ trong nước.

Trước những khó khăn này, không tránh khỏi một số DN gỗ đã ngừng sản xuất, thậm chí thua lỗ, phá sản. Trong khi những điểm yếu cố hữu của DN gỗ Việt Nam như thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề và năng suất lao động thấp, thiếu thông tin thị trường quốc tế chưa được cải thiện thì năm nay, hàng loạt rào cản mới lại được dựng lên:

- Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ bị thu hẹp. Đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU sẽ giảm từ 30 – 35% và có những hợp đồng đã ký sẽ bị hoãn hoặc dừng hẳn. Phần lớn các DN chế biến gỗ Việt Nam phải XK qua các trung gian, như những mắt xích của chuỗi giá trị toàn cầu nên đối tác chưa sẵn sàng ký hợp đồng mới bao tiêu sản phẩm. Hơn 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam phải bán qua các thị trường trung gian trong thế bị động và sự sống còn luôn phụ thuộc vào các kênh phân phối này.

- Chủ trương sử dụng hàng nội địa và sự xuất hiện ngày càng nhiều hành vi bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn cũng sẽ tác động rất mạnh đến XK sản phẩm gỗ. Sự gia tăng sức ép của người tiêu dùng ở các nước phát triển, các nhà NK đồ gỗ yêu cầu sản phẩm sản xuất từ nguồn gỗ “sạch”, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, có chứng nhận của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC (Forest Stewardship Council) đều ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu ngành.

- Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các mặt hàng gỗ của các nước cả ở thị trường trong và ngoài nước. Các lợi thế tương đối của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam như giá nhân công rẻ, chi phí thấp… sẽ bị hạn chế bởi các sản phẩm tương tự của các nước có điều kiện tương đồng, đặc biệt từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonexia, Malaysia.

- Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam sẽ không có tiền trả cho doanh nghiệp Việt Nam sau khi nhận được hàng như trước đây vì Ngân hàng ở nước ngoài thắt chặt tín dụng khiến cho các nhà nhập khẩu không vay được tiền.

- Nhiều DN gỗ cho rằng, rào cản cho sản xuất kinh doanh gỗ trong nước hiện nay không chỉ là kết cấu hạ tầng cứng như: điện, bến bãi, đường sá, hệ thống rừng nguyên liệu… mà còn ở hàng loạt điều kiện hạ tầng mềm. Đó là những chi phí bất hợp lý trong vận tải hàng hóa XNK, thủ tục thuế hải quan, cải cách hành chính, vay vốn ngân hàng…

- Tương tự ngành dệt may, sản phẩm gỗ Việt Nam chủ yếu được bán dưới những thương hiệu của nước ngoài. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng đem lại cho DN Việt Nam thấp, ngoài ra luôn có rủi ro lớn về giá cả.

Từ phân tích trên chúng ta có thể đưa ra một định hướng chiến lược phát triển công nghiệp chế biến gỗ có thể là “ưu tiên cho đầu tư đổi mới công nghệ phù hợp, trên cơ sở tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh phù hợp với nhu cầu thị trường khu vực và thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.

Một phần của tài liệu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam (Trang 62 - 66)