Chính sách xoá đói, giảm nghèo

Một phần của tài liệu luận văn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở tỉnh vĩnh long (Trang 116 - 120)

- Năm là: CDCCKTNT theo hướng ngày càng kết hợp chặt chẽ giữa CCKT trong

3.2.6.5.Chính sách xoá đói, giảm nghèo

Nhờ đường lối đổi mới của Đảng và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, nên nông nghiệp và KTNT Vĩnh Long trong những năm qua có sự phát triển đáng kể. Trong nông thôn một bộ phận nông dân có vốn, có kiến thức, biết làm ăn, thích ứng với cơ chế thị trường vươn lên đủ ăn và từng bước giàu có; ngược lại một bộ phận thiếu vốn, không có đất đai, thiếu nhạy bén, năng động, không thích ứng với cơ chế mới trở nên nghèo khó.

Trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, Vĩnh Long rất quan tâm đến công tác xoá đói giảm nghèo. Thông qua các chương trình trình quốc gia xoá đói giảm nghèo như: Chương trình 135 về xây dựng kết

cấu hạ tầng cho các xã nghèo, chương trình 134 về xây dựng nhà ở cho đông bào dân tộc nghèo, đến nay tỉnh đã xây dựng được 2.854 căn nhà cho các hộ nghèo. Ngoài ra tỉnh đã đầu tư xây dựng 01 trạm cấp nước tập trung tại xã Loan Mỹ là xã nghèo của huyện Tam Bình, phục vụ nước sinh hoạt cho 161 hộ người dân tộc khmer. Ngoài ra tỉnh còn phát động xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, đã xây dựng trên 1.500 căn nhà đại đoàn kết, đạt kế hoạch 75%; xây dựng quỹ “mái ấm công đoàn” để xây dựng nhà ở cho đoàn viên công đoàn trong tỉnh có khó khăn về nhà ở. Chương trình ca nhạc với tên gọi “Vòng tay nhân ái” đã thu hút hàng chục tỷ đồng của các nhà hảo tâm, từ thiện cho quỹ xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Tỉnh đã tổ chức hướng dẫn cách làm ăn cho trên 9.000 lượt hộ nghèo; Đào tạo nghề cho 1.200 người nghèo; Tập huấn nâng cao năng lực 2.046 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, thị và cấp cơ sở; hỗ trợ về giáo dục con em gia đình nghèo miễn, giảm học phí 100% lượt em đang học tại các trường… Ngoài ra còn nhiều chính sách khác để giúp và hỗ trợ người nghèo vươn lên khá.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2007, số hộ nghèo toàn tỉnh là 21.494 hộ, chiếm tỷ lệ 9,86%. Một số vấn đề xã hội còn bất cập, việc làm cho người lao động vẫn còn bức xúc, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Sự phân hoá giàu nghèo và chênh lệch mức sống dân cư lớn, 20% nhóm hộ có thu nhập cao nhất gấp 4,7 lần so với 20% nhóm hộ có thu nhập thấp nhất. Còn trên 50% dân số chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn; 11 xã chưa có đường ô tô tới trung tâm xã. Tốc độ đô thị hoá chậm, dân số thành thị năm 2007 mới chiếm 15% trong khi đó cả nước chiếm trên 27%.

Mặc dù, trong những năm gần đây tỷ lệ nghèo giảm đáng kể nhưng vẫn còn một bộ phận nông dân vùng xa, vùng sâu, những người không có điều kiện sản xuất vẫn trong tình trạng nghèo. Đặc biệt khoảng cách giàu nghèo có xu hướng nới rộng ra. Vì vậy trong thời gian tới cần có sự nỗ lực của các ngành, các cấp và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện tốt chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo với những chính sách cụ thể sau đây:

- Đối với các hộ vừa thoát nghèo, được tiếp tục hưởng các chính sách đối với hộ nghèo trong 01 năm. Riêng việc hỗ trợ vốn, được tiếp tục vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 3 năm để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

- Về hỗ trợ vốn: Đa dạng hóa các hình thức tín dụng. Tăng nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội. Củng cố các tổ vay vốn cho người nghèo theo tổ dân cư, đoàn thể.

- Về đào tạo nghề giải quyết việc làm: Đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm, tổ chức hội chợ việc làm, tạo cơ hội tìm việc làm miễn phí cho người lao động. Khuyến khích học nghề, ưu tiên và tạo điều kiện cho con em gia đình chính sách, con em đồng bào dân tộc, con em gia đình nghèo được học nghề để có việc làm.

- Hướng dẫn bà con nông dân những kiến thức về sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tạo thêm việc làm ở nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để hướng dẫn phương thức sản xuất và kinh nghiệm làm ăn tại các Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã.

- Đẩy nhanh CDCCKT, cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tăng tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, bằng cách mở rộng các ngành nghề ngoài nông nghiệp, phát triển làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm mới và việc làm thêm cho người lao động.

- Đẩy xuất khẩu lao động và chuyển giao, hỗ trợ dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn, thị trường.

- Hỗ trợ cho người nghèo về y tế: Trợ giúp cho người nghèo trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế ở vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và đưa bác sỹ về các trạm y tế cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại huyện, xã, phường nhất là ở các xã nghèo. Có chính sách ưu đãi và ưu tiên đào tạo đối với cán bộ y tế vùng sâu vùng căn cứ cách mạng.

+ Bảo đảm tài chính để thực hiện việc hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, thông qua tài chính phân bổ ngân sách, huy động cộng đồng, đảm bảo việc mua 100% bảo hiểm y tế cho người nghèo.

+ Huy động cộng đồng trong việc xây dựng quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, khám chữa bệnh nhân đạo, các thùng thuốc nam, khuyến khích các đội y tế lưu động phục vụ ở các vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, trong việc khám chữa bệnh cho người nghèo.

- Hỗ trợ về giáo dục cho con em gia đình nghèo: miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường lớp, hỗ trợ tập viết, sách giáo khoa cho học sinh thuộc diện nghèo, khuyến khích học sinh nghèo học giỏi bằng các giải thưởng, học bổng và các chế độ ưu đãi khác. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục ở trường dân tộc nội trú để đào tạo cán bộ cho các xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc.

- Thực hiện tốt công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia giúp học sinh nghèo, tổ chức các lớp học phổ cập, mở các lớp học tình thương, tạo điều kiện để các trẻ em khuyết tật nghèo được hưởng phúc lợi về giáo dục…

- Hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn: Giúp đồng bào vùng dân tộc ổn định đời sống, phát triển sản xuất, tiếp cận phương thức sản xuất mới, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện xoá đói giảm nghèo bền vững.

- Tiếp nhận và triển khai kịp thời đầy đủ các khoản kinh phí Trung ương phân bổ cho địa phương, đảm bảo đúng mục đích đạt yêu cầu của chương trình đề ra. Ngân sách địa phương bố trí khoảng 1% tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh cho các dự án liên quan đến công tác giảm nghèo như: Tăng vốn cho Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ vốn cho xuất khẩu lao động, đào tạo nghề…

- Vận động tài trợ quốc tế, lập các dự án kêu gọi các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài hỗ trợ cho người nghèo, thúc đẩy sản xuất, phát triển ngành nghề, nhất là các làng nghề truyền thống.

- Mặt trận Tổ quốc và các thành viên tham gia thực hiện chương trình mỗi một tổ chức thành viên của Mặt trận trực tiếp tham gia vào một hoặc hai vấn đề cụ thể, như phân công hội viên, đoàn thể kềm cặp hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo cách thức làm ăn, thoát nghèo, cho vay vốn xoay vòng trong các đoàn thể, tổ chức thành tổ vay vốn của các đoàn thể, phát động phong trào hội viên đoàn thể thoát nghèo và tiến lên làm giàu.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ và đầu tư vốn của Nhà nước vào các công trình ở nông thôn, cần phát động phong trào “tương thân tương trợ”, “lá lành đùm lá rách” trong nhân dân để hỗ trợ giúp đỡ người nghèo với nhiều hình thức đa dạng, thích hợp, đặc biệt khơi dậy các nhân tố “nội sinh” từ những người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo để họ tự vươn

lên, thoát ra khỏi cảnh đói nghèo từng bước có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Một phần của tài liệu luận văn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở tỉnh vĩnh long (Trang 116 - 120)