Khuôn mẫu ứng xử tôn trọng, giữ gìn cá nhân con người mình

Một phần của tài liệu luận văn giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường (Trang 45 - 49)

Về thực chất, mỗi cá nhân con người vốn đã là một sinh thể có văn hóa, được hình thành ngay từ tấm bé. Nhưng nó không thể cứ ngưng đọng cái "có văn hóa" ấy mãi mãi được. Cần phải được tiếp tục giáo dục và tự rèn luyện. Trong lứa tuổi đi học, nhờ được học, được giáo dục, mỗi cá nhân học sinh cần tăng cường tự rèn luyện những khuôn phép tự ứng xử với mình, chính là để tự trọng, tôn trọng và bảo trọng mình trước đời sống xã hội. Làm đẹp cho mình ấy là làm đẹp cho xã hội, vì xã hội. Cho nên cũng có người coi đây là những khuôn phép "tạo dáng cá nhân" vì sự tạo dáng cho/của xã hội, đồng thời cũng là để bộc lộ tính cách riêng của mỗi người.

Mỗi cá nhân nói chung, mỗi các em học sinh nói riêng, nên quan tâm đến việc "làm đẹp" cho mình, đẹp cả người, đẹp cả nết, đẹp cả công dung ngôn hạnh, đẹp cả thể chất, đẹp cả về sự chơi, sự giao tiếp, đẹp cả về tâm hồn, v.v... Khó có thể kể chi li ra hết những cái cần làm đẹp của mỗi cá nhân. ở đây thử quy tụ vào một số phạm vi nhất định, như:

+ ứng xử trong nói năng giao tiếp xã hội

Mỗi người hàng ngày ngoài giao tiếp gia đình, giao tiếp học đường, còn có những hành vi giao tiếp xã hội chào hỏi, chúc mừng, cảm ơn hay xin lỗi v.v... Nhưng tất cả những ứng xử đó cần giữ được một số phép tắc nhất định, thích ứng với từng đối tượng giao tiếp:

- Phải lựa lời mà nói - "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", truyền thống văn hóa người Việt Nam đã từng nhắn nhủ như vậy. Nói năng làm sao cho có lời hay ý đẹp, có thái độ nghiêm chỉnh mà thân mật, lịch sự, nhẹ nhàng, dễ lọt tai, không làm phật lòng người nghe. Dù là người Hà Nội hay không là Hà Nội cũng nên "thanh lịch như người Tràng An". Dĩ nhiên, trong trường hợp nào, với đối tượng tiếp xúc nào, chúng ta cũng cần loại bỏ những lời nói thô lỗ, tục tằn, xấc xược, ngạo mạn, khiêu khích, trống không, xã giao sáo rỗng, ba hoa,...

- Phải lựa tư thế, động tác khi ứng xử - thế nào đó cho lễ phép, lịch sự, tế nhị, văn minh, dù ở trong vị trí tiếp xúc thuận lợi hay không thuận lợi, dù dưới hình thức vái chào, bắt tay, hay ôm hôn. Nhưng dĩ nhiên hãy cần tránh xa những hình thức tiếp xúc vô lễ, lợi dụng, kiêu ngạo, kiêu điệu kệch cỡm, khúm núm, giả tạo, thô bỉ,... Chung quy, cần có tác phong, phong cách tiếp xúc lễ phép, vui vẻ lịch sự, văn minh, nhanh nhẹn - "có văn hóa", không lẳng lơ, không nhìn ngang liếc dọc, quê kệch.

- Cần chỉnh trang lại trang phục của mình khi tiếp xúc cho gọn gàng, đứng đắn, lịch sự - từ quần áo, đầu tóc, giày dép - nhất là những khi tiếp xúc với thầy, cô, với những người lớn tuổi, với ông bà, cha mẹ, với bạn gái.

+ ứng xử trong trang diện và thể hình của mình

Rõ ràng ai cũng muốn phô diễn hình thức đẹp của mình qua sự trang diện và thể hình của mình. Người đẹp vì lụa... và người đẹp cũng nhờ có thân hình đẹp, có bộ mặt khả ái. Do vậy để tự trọng, tôn trọng và bảo trọng mình trước đời sống xã hội, các học sinh cũng cần quan tâm và biết cách tự xử lý thế nào cho đẹp cả về trang diện và thể hình của mình. Nhưng, như thế nào là đẹp, quả là một điều khó phân xử. Và làm thế nào cho nó đẹp, cũng lại một điều thật nan giải. Mỗi người có một sở thích, thị hiếu khác nhau, có

cách nhìn về cái đẹp khác nhau. ở đây, chỉ thử gợi ý nêu lên mấy yêu cầu thẩm mĩ khuyên các học sinh lựa chọn:

- Về trang diện - từ trang điểm đến trang phục - nên đơn giản, giản dị, giữ được nét vừa thanh nhã vừa khỏe khoắn, vừa đẹp thoáng đãng vừa bảo vệ được sức khỏe. Không nên cầu kỳ lòe loẹt, lộ liễu, cũng không nên diêm dúa, luộm thuộm, dơ bẩn... Trang điểm hay trang phục nên xử lý thế nào cho hài hòa, cân đối với khuôn mặt và thân hình của mình. Giá trị sắm sửa cho trang điểm và trang phục không nên để vượt quá khả năng chi phí cho phép của mình và điều kiện gia cảnh của mình. Hình thức trang điểm và trang phục không được để làm mất đi sắc thái văn hóa dân tộc của mình là con người Việt Nam. Các mô típ trang điểm và trang phục cũng không nên đơn điệu, đường mòn, mà cần được xử lý đa dạng, phong phú, tiến bộ theo thời đại đang đi lên của đất nước mình. Và nên đặt lên trên tất cả là đừng để cho người đời coi mình mất gốc coi mình không còn mang dáng dấp người Việt Nam, không còn giữ được tâm hồn Việt Nam.

- Về hình thể của bản thân vốn do cha sinh mẹ đẻ ra bản thân mình không những cần bảo trọng, mà còn phải làm cho nó ngày càng khỏe, đẹp thêm lên, vừa để bảo toàn giọt máu thân yêu của cha mẹ hun đúc (như một phần giữ tròn đạo hiếu), vừa để cho mình sống khỏe, sống đẹp, rạng mặt với đời. Để có hình thể khỏe, đẹp, phải dày công rèn luyện, dưỡng dục suốt đời, nhưng cần bắt đầu quan tâm ngay từ thời còn trẻ, còn học sinh. Cần xóa bỏ nếp nghĩ, cho rằng chỉ người già mới xếp bảng giá trị sức khỏe lên hàng đầu, còn tuổi trẻ thì ngược lại: Tình yêu hàng đầu, tiền của hàng hai, còn sức khỏe xếp vào hàng chót - Nghĩa là tuổi trẻ thường hay coi thường, phí phạm sức khỏe! - Đừng, khuyên các em tuổi học sinh vị thành niên đừng nên như thế.

Những hành xử cá nhân để làm khỏe, đẹp thể hình mình thì có nhiều và tùy theo điều kiện từng người, từng nơi. ở đây chỉ nêu lên mấy yêu cầu khuyên các em nên theo:

- Cần chủ động giữ gìn điều độ, chừng mực, từ trong sự ăn, sự chơi, sự ngủ, nghỉ, sự làm. "Kiệm" - tức là chừng mực - là một trong những yếu tố quan trọng để giữ sức khỏe và sống lâu (Từ, Kiệm, Hòa, Tĩnh). Đừng quá tham trong bất cứ một điều gì kể trên - (một chút giận, hai chút tham - lận đận cả đời càng thêm khổ). Cần tránh bỏ những thứ gì làm tổn hại đến sức khỏe, nhân cách và của cải làm ra của mình và cha mẹ mình (như

hút xách, nghiện ngập, chơi bời, nhậu nhẹt vung phí, vô bổ, v.v...). Cũng đừng để cho bản thân quá si mê hay quá sầu muộn về một điều gì không đáng - nó làm cho con người hao tổn tinh thần, sa sút sức khỏe.

- Cần thường xuyên rèn luyện thân thể và luyện tập thể hình, thể dục thẩm mĩ giúp cho mình tăng cường sức khỏe, chống bệnh tật, sống lâu đẹp thể hình.

- Phải phối hợp đồng thời cả từ việc tăng cường dinh dưỡng, giữ gìn điều độ, chừng mực và tăng cường rèn luyện thể lực, thể hình, cải thiện một bước tầm vóc con người Việt Nam của thời đại mới văn minh tiến bộ.

+ ứng xử trong hoạt động rỗi của cá nhân

Sau thời gian học tập ở trường, thời gian giúp việc ở gia đình, thời gian tham gia cộng đồng và các đoàn thể xã hội của mình, còn lại một số thời gian dành cho hoạt động rỗi của riêng mình. Trong khoảng thời gian này, mỗi các em nên có sự lựa chọn những hình thức nghỉ ngơi giải trí vui chơi gì cho phù hợp, thật thú vị, phong phú, hữu ích, lành mạnh, trẻ trung, khỏe khoắn. Để thực hiện tốt việc này, chúng ta có nhiều cách xử lý:

- Tùy điều kiện thực tế của mỗi gia đình, nên bố trí ngay trong góc học tập của mình một số sách, báo, băng hình, bàn cờ, đồ chơi,... cùng các phương tiện nghe - nhìn cần thiết. (Dĩ nhiên là không nên có những sản phẩm phản văn hóa). Khi chơi có thể tự chơi một mình hoặc cùng chơi với người trong nhà, chơi với bạn bè, nhưng không để làm ảnh hưởng bất lợi, đến các sinh hoạt khác trong gia đình.

- Có kế hoạch hàng tuần sắp xếp thời gian đọc sách ở thư viện, tham quan bảo tàng, di tích, hoạt động câu lạc bộ, dạo công viên, chơi thể thao, chơi vi tính, chơi thuyền, bơi lội, xem triển lãm, xem phim, xem biểu diễn nghệ thuật, học tập văn nghệ, múa, vẽ, v.v...

- Trong những dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, xin phép bố mẹ, thầy, cô, cùng bạn bè tổ chức những cuộc đi chơi xa, tham quan, du khảo, đi pích ních, cắm trại, leo núi, tắm biển, v.v...

- Dĩ nhiên, với tư cách người học sinh có văn hóa, có giáo dục, cần tránh xa những hoạt động rỗi tiêu cực, nghĩa là những sinh hoạt làm tổn hại đến nhân cách, tâm

hồn, trí tuệ, tình cảm trong sáng của tuổi vị thành niên học sinh đang như tờ giấy trắng, đặc biệt, cần hạn chế trò chơi điện tử, Internet đang "ngốn" nhiều tiền của và thời gian của các em.

Thời gian là vàng ngọc, Cần sử dụng tốt thời gian, đừng để phí phạm thời gian, kể cả thời gian học tập và thời gian rỗi. Cần lựa chọn những hoạt động rỗi tích cực, đừng chạy theo những sinh hoạt rỗi tiêu cực. Ngay từ tuổi niên thiếu, chúng ta đã cần định hướng hành động ngay như vậy, để sau này lớn lên khỏi phải ân hận là mình đã giết chết thời gian, vung phí cuộc đời.

Một phần của tài liệu luận văn giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)