Khuôn mẫu ứng xử trong môi trường cộng đồng

Một phần của tài liệu luận văn giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường (Trang 42 - 45)

Mỗi cá nhân dù đã sống hằng xuyên với gia đình mình, đã được rèn luyện lâu dài trong nhà trường, cũng đều phải sống và chịu sự tác động giáo dục thường xuyên, thế hệ này qua thế hệ khác, của môi trường cộng đồng xã hội - hoặc các thôn, làng, bản, ấp... hoặc các khu phố, khối phố, khu dân cư, khu tập thể, v.v... Đó là nơi "ta sinh, ta ở, ta tụ, ta về" trải qua bao thế hệ. Đó cũng là cái nơi cho ta cảnh sống "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đời sống gia đình mình và sự học hành của con em, học sinh mình. Cộng đồng, do vậy, như một hình ảnh thu nhỏ của đất nước.

Trong môi trường xã hội cộng đồng, mỗi cá nhân hàng ngày thường có rất nhiều quan hệ tiếp xúc, đòi hỏi có nhiều loại hành vi ứng xử, khó có thể nêu lên cụ thể chi li được. Nhưng khái quát chung, có thể quy vào mấy loại quan hệ tiếp xúc ứng xử như: ứng xử trong quan hệ xã hội; ứng xử với môi trường tự nhiên; ứng xử với môi trường văn hóa.

+ ứng xử trong quan hệ xã hội

Bước ra khỏi nhà, khỏi trường lớp, mỗi cá nhân đương nhiên lập tức gặp biết bao con người và sự kiện, sự cố mà mình phải quan tâm xử sự đúng mực.

Chẳng hạn, gặp các cụ già - mình phải kính nể, lễ phép. Khi gặp trường hợp các cụ khó khăn, mình cần tận tâm giúp đỡ theo khả năng của mình. Khi gặp những người lớn gồng gánh nặng nề hay bụng mang dạ chửa,... mình cần tránh đường, nhường bước để họ giảm bớt sự vất vả, nhọc nhằn. Khi gặp các em nhỏ không có ai đi cùng dẫn dắt, mình cần có thái độ thương yêu và giúp đỡ các em. Khi gặp các em lang thang cơ nhỡ, tật nguyền, mình tỏ thái độ xót thương và có thể giúp đỡ theo khả năng của mình, không nên chế giễu chọc ghẹo v.v...

Khi đi trên đường cần giữ gìn luật lệ giao thông, dù đi bộ hay đi xe. Không nên nghênh ngang, làm ầm ĩ, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường công cộng. Không ngông nghênh gây gổ đánh nhau, v.v... Khi gặp đám tang trên đường, mình nên đi chậm đôi lát để tỏ thái độ kính cẩn, chia buồn cảnh "nghĩa tử là nghĩa tận". Khi gặp những sự cố tai nạn, hoạn nạn (như cháy nhà, tai nạn giao thông, chết đuối, cướp giật, v.v...), mình không bàng quan, cần có thái độ dũng cảm, tùy khả năng, điều kiện của mình góp phần giúp đỡ giải quyết, chứ không nên kéo nhau tụ tập xem lạ xem chơi làm mất trật tự giao thông. Khi gặp của rơi, cần tìm cách nhặt đem trả lại cho người mất của, v.v...

Sống trong cộng đồng, bên cạnh gia đình, còn có hàng xóm láng giềng, hãy bảo vệ bao bọc nhau, đừng có thái độ bàng quan xa lạ "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại". Đừng để có tình trạng "chuyện trẻ con mất lòng người lớn", có chuyện gì không bằng không phải, bàn bạc nhẹ nhàng hòa giải với nhau, đừng để cho "cái vảy sẩy bằng cái nong",... Là một thành viên trong cộng đồng, tùy theo khả năng của mình, cần đóng góp vào việc công ích, việc tình nguyện nhân đạo, từ thiện, dạy bình dân học vụ của cộng đồng, tham gia bảo vệ trật tự, trị an, vệ sinh trong cộng đồng, thực hiện tốt mọi quy ước, quy chế, nội quy đề ra trong cộng đồng, v.v...

+ ứng xử với môi trường cảnh quan trong cộng đồng

Mỗi cộng đồng nào cũng đều có những cảnh quan đường làng, đường phố, kiến trúc nhà cửa, cầu cống, đình chùa, hồ ao, v.v... do các thế hệ cha anh xây dựng nên. Lại còn có ít nhiều gì đó những cảnh quan thiên nhiên, như con sông con suối, vườn cây, chim, thú,... do cảnh thiên thời, địa lợi sinh ra. Có những cái đáng quý cần được bảo tồn, bảo vệ. Và cũng có cả những cái đã lạc hậu, không được hợp thời cần phải xây dựng lại

hoặc cải tạo sửa chữa. ở đây điều quan trọng với các em học sinh là không nên bàng quan, coi đây chỉ như là việc riêng của những người lớn. Bằng khả năng hiểu biết, sức lực và thái độ lựa chọn tiến bộ của mình, các em nên cùng người lớn tham gia vào việc bảo tồn, bảo vệ những cái đáng để lại và cải tạo xây dựng những gì phù hợp với bối cảnh tương lai CNH, HĐH, bảo đảm cho cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xây dựng của cộng đồng mình ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh tiến bộ hơn lên.

+ ứng xử với môi trường văn hóa cộng đồng

Môi trường văn hóa cũng có người gọi là môi trường nhân văn. Nó có nhiều cấp độ: môi trường văn hóa vĩ mô, mang tầm quốc gia của một xã hội toàn bộ; môi trường văn hóa vi mô, mang tầm một xã hội thu nhỏ như gia đình; và ở đây chúng ta nói đến một môi trường văn hóa cỡ trung mô, mang tầm một cộng đồng dân cư cơ sở, như làng, xã, bản, ấp, khu phố, khu dân cư, v.v... Theo cách miêu tả để dễ hiểu, chúng ta có thể quan niệm: Môi trường văn hóa cộng đồng là một tổng thể các sản phẩm văn hóa, chương trình văn hóa, hành vi văn hóa, thiết chế, phương tiện và cảnh quan văn hóa,... hiện diện trong cộng đồng đó, mà cá nhân tiếp xúc trong suốt đời mình và có ảnh hưởng qua lại với mình. Rõ ràng môi trường văn hóa là một bộ phận không thể thiếu được trong môi trường sống của con người. Nó nói lên sự ứng xử của con người với con người, với xã hội và với thiên nhiên. Nó góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách văn hóa, phát triển văn hóa cá nhân toàn diện.

Do vậy, mỗi cá nhân nói chung, mỗi các em học sinh nói riêng, cần có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa. Điều này thể hiện rõ ở thái độ định hướng - giá trị của các em khi tiếp xúc với môi trường văn hóa cộng đồng. Khuyên các em chú ý tiếp xúc, thưởng thức với những sản phẩm văn hóa lành mạnh, khỏe khoắn, tươi trẻ tiến bộ, cả về nội dung và hình thức. Nên tiếp xúc với đa dạng, phong phú các loại hình văn hóa, nghệ thuật, không nên thưởng thức đơn điệu, si mê chỉ một thứ khoái cảm lập dị nào. Nên chú ý tăng cường thị hiếu thẩm mĩ của mình vào những giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian. Nên tích cực, tự nguyện tham gia những sinh hoạt câu lạc bộ, những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng ở cộng đồng mình. Cần quan tâm bảo vệ, tham quan, tìm hiểu những di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật kiến trúc, công viên văn hóa hiện có ở địa

phương. Đối với các thiết chế thông tin đại chúng, không những mình nên quan tâm tiếp xúc thông tin, mà nên theo khả năng học lực của mình để tham gia làm "phóng viên nhân dân", biên tập thông tin quần chúng cho các đài, báo, tờ tin. Đối với các thiết chế nhà văn hóa, nhà lưu niệm, thư viện, v.v... cũng vậy, mình nên tích cực tham gia tiếp xúc, với tính cách vừa là một công chúng văn hóa, vừa là một cộng tác viên đắc lực, đều đặn, có hiệu quả.

Hơn nữa, các em không nên học đòi theo những người lớn không đàng hoàng trong việc tiếp xúc với những sản phẩm hay những tụ điểm sinh hoạt "phản văn hóa". (Chẳng hạn như: những băng hình, trang ảnh lịch, cuốn sách, vũ trường, điểm karaokê, caphê internet, v.v... "không sạch"; những điểm sinh hoạt mê tín, đồng bóng; những sòng bạc, những trò chơi sát phạt; những băng xì ke, ma túy; v.v...). Khuyên các em cần có thái độ dị ứng, xa lánh, ghét bỏ những thứ "phản văn hóa" đó ngay từ tuổi thơ ấu, tuổi vị thành niên. Phải luôn luôn suy nghĩ phấn đấu làm sao để xứng đáng là một người có học, một học sinh có giáo dục, có văn hóa; để giữ gìn danh dự và đền đáp công ơn của cha, mẹ, gia đình, của thầy, cô và nhà trường đã suốt đời tận tâm chăm lo cho mình, vì mình.

Một phần của tài liệu luận văn giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường (Trang 42 - 45)