Nội dung giáo dục hệ giá trị truyền thống văn hóa thông qua hệ khuôn mẫu văn hóa ứng xử

Một phần của tài liệu luận văn giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường (Trang 32 - 36)

mẫu văn hóa ứng xử

Hệ thống giá trị truyền thống Việt Nam rất phong phú, đầy sức sống, đã được lịch sử công nhận và thế giới ngày nay tôn trọng. Đã có rất nhiều nhà khoa học, công

trình khoa học nghiên cứu tổng kết nêu lên từng loại cụ thể trong hệ thống giá trị đó. Đứng ở mỗi góc độ khác nhau, người ta đã phân loại hệ giá trị truyền thống Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Song nhìn chung có thể quy vào một số hệ giá trị cơ bản như sau:

- Hệ giá trị về tình yêu nước, yêu quê hương. - Hệ giá trị đạo đức, nhân văn, tình nghĩa, nhân ái. - Hệ giá trị hiếu học, ham tu dưỡng, tôn sư trọng đạo. - Hệ giá trị về tình đoàn kết, bảo vệ cộng đồng.

- Hệ giá trị về tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm, giản dị. - Hệ giá trị về tinh thần khoan dung; đa dạng văn hóa. - Hệ giá trị văn hóa gia đình.

- Hệ giá trị văn hóa cộng đồng, tinh thần đồng thuận dân chủ. - Hệ giá trị về tinh thần dũng cảm, sáng tạo, tự cường... - Hệ giá trị về sự hòa hợp thiên thời - địa lợi - nhân hòa.

Tuy phân loại, phân biệt tách ra như vậy, nhưng không nên nhìn giá trị truyền thống theo từng loại giá trị riêng lẻ. Hệ thống giá trị đó tác động vào đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng một cách toàn bộ, tổng hòa, tổng hợp, hình thành nên văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Trong đó, các giá trị thường có sự tương liên, tương tác, liên hoàn, móc xích, hỗ trợ nhau cùng phát huy tác dụng. Thực là khó phân biệt tách bạch những giá trị như tình yêu quê hương, yêu nước, thương yêu đồng loại, thương người,... Hoặc như, đã yêu nước thì phải yêu lao động, cần cù, tự lực tự cường, sáng tạo để làm cho đất nước ngày càng thêm giàu mạnh, đẹp đẽ. Và muốn lao động với hiệu quả cao thì phải ham học hỏi để nắm văn hóa, kỹ thuật. Và muốn học hỏi cho có kết quả thì phải có đầu óc phóng khoáng, không hẹp hòi, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ, không câu nệ là từ đâu đến. Hoặc như nói về tình người, nhân ái (thương người), nếu phát huy cao dần lên nó sẽ trở thành tình nhân loại, anh em bốn biển đều là người một nhà. Người Việt Nam ta giàu tính nhân bản, đồng thời cũng giàu lòng hiếu khách, bao dung.

Toàn bộ những tổng hòa, tổng hợp giá trị ấy tích lũy vào trong cá nhân hình thành lên văn hóa cá nhân. Mà văn hóa cá nhân, như ý kiến của GS.TS tâm lý học Hồ Ngọc Đại, do tích lũy văn hóa được ít nhiều gì đó thì cũng chỉ để ứng xử trong đời; dù cao thấp lớn bé xấu tốt thế nào đó, nó cũng thể hiện trung thành ở cách ứng xử trong đời. Dù thế nào, mọi ứng xử cũng biểu hiện chất văn hóa của nó; chỉ qua một cử chỉ ứng xử ngẫu nhiên, người ta cũng có thể nhận ra văn hóa cá nhân của cá nhân ấy như thế nào. GS Phan Ngọc đã rất đúng khi cho "văn hóa chính là nhân cách".

Từ đó có thể nói, để hình thành văn hóa cá nhân tiến bộ văn minh đậm đà bản sắc dân tộc thì phải chú ý giáo dục hướng dẫn ngay vào cho các em về những khuôn mẫu ứng xử đậm truyền thống dân tộc, nhưng theo xu hướng tiến bộ văn minh, hay nói ngược lại những khuôn mẫu ứng xử tiến bộ văn minh mà đậm đà truyền thống dân tộc. Để cho văn hóa cá nhân không hình thành tự phát, tùy tiện, lệch hướng, nhất là trong điều kiện phát triển công nghiệp, kinh tế thị trường, thì việc giáo dục ứng xử phải đi vào khuôn mẫu - khuôn mẫu văn hóa ứng xử. Giáo dục ứng xử, trước hết là giáo dục gia đình và sau thêm giáo dục nhà trường. Gia đình thường là giáo dục bằng kinh nghiệm, nhà trường chủ yếu là giáo dục bằng khoa học - công nghệ. Giáo dục nhà trường có giá trị rất cơ bản đến với văn hóa cá nhân. Bên cạnh đó, ngày nay Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng có phần góp đáng kể vào việc giáo dục văn hóa cá nhân các em học sinh vị thành niên. Cơ chế và vai trò giáo dục ứng xử cho các em là gồm một "bộ ba" như vậy: Gia đình - Nhà trường - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tất cả ba nguồn ấy thực hiện giáo dục ứng xử theo hướng giáo dục mới, bổ sung nâng cao, chứ không phải giáo dục lại, cải tạo lại.

Thuật ngữ ứng xử như một khái niệm mở. Có thể hiểu nó như một hành vi ứng xử, như một cách ứng xử, hoặc như một văn hóa ứng xử. Hành vi ứng xử thì vô cùng nhiều và cũng có không ít những hành vi ứng xử mang tính bản năng. Không phải bất cứ hành vi ứng xử nào cũng đáng trở thành khuôn mẫu văn hóa. Những hành vi ứng xử có văn hóa phải là những hành vi có tác dụng chỉ nam, mẫu mực, làm quy tắc cho mọi người trong xã hội, nó phải chứa đựng một ý nghĩa xã hội rộng lớn. Còn cách ứng xử, kiểu ứng xử, phép ứng xử, - đó là cách biểu hiện hình thức ứng xử, thiên nhiều về tính kỹ năng thao tác, nó có thể dễ dàng mau chóng thay đổi. Trong lúc đó, thì văn hóa ứng xử lại thể hiện

lên cái Chất văn hóa, chất giá trị truyền thống của ứng xử, và chỉ văn hóa ứng xử mới bền vững truyền lưu trong dòng phát triển đi lên của xã hội. Do vậy, mới đặt ra vấn đề "giáo dục giá trị truyền thống văn hóa thông qua việc giáo dục những khuôn mẫu văn hóa ứng xử".

ở đây, "khuôn mẫu văn hóa ứng xử" được quan niệm như một khuôn phép hoàn chỉnh những thái độ hành vi ứng xử có văn hóa đúng chuẩn mực xã hội - tức là hành vi ứng xử thực hiện đúng theo những quy tắc, quy định cụ thể do xã hội đặt ra cho mọi người trong giao tiếp xã hội.

Trong giao tiếp xã hội, mỗi cá nhân có rất nhiều quan hệ ứng xử tùy theo vai trò của mình. Mỗi loại quan hệ ứng xử có một khuôn mẫu ứng xử riêng. Mỗi cá nhân phải thực hiện đồng thời nhiều vai trò, do đó, phải thực hiện nhiều khuôn mẫu ứng xử tương ứng với các loại quan hệ ứng xử của mình. Sống trong xã hội, mỗi cá nhân ai cũng phải có mẹ có cha, có trên có dưới, có anh em bạn bè, có vợ chồng, hàng xóm láng giềng, có trẻ có già, có nam có nữ, có ông bà tổ tiên, có làng có xóm, có thầy có trò, có người may mắn, sung sướng, có người nghèo khó, hoạn nạn, tật nguyền, hy sinh mất mát, v.v... và v.v... vô cùng nhiều quan hệ đòi hỏi mỗi con người Việt Nam phải có cách, có thái độ xử sự thế nào cho đẹp nghĩa, đẹp tình, đẹp nết người. Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, yêu nòi, nhân ái, vị tha, khoan dung, nghĩa tình, ham học, chịu khó, tôn sư trọng đạo, hiếu đễ, v.v...

Không thể kết hết và cũng không thể cụ thể hóa nêu lên hết được tất cả khuôn mẫu cho từng hành vi ứng xử. ở đây chỉ có thể tạm nêu lên khái quát khuôn mẫu ứng xử cho các em vị thành niên học sinh nhà trường cần rèn luyện trong từng môi trường mà các em thường phải tiếp xúc. Có thể nêu một số môi trường thường tiếp xúc của các em như:

1. Tiếp xúc trong môi trường gia đình. 2. Tiếp xúc trong môi trường nhà trường. 3. Tiếp xúc trong môi trường cộng đồng xã hội. 4. Tiếp xúc tôn trọng cá nhân mình.

Dưới đây thử nêu lên khái quát những khuôn mẫu văn hóa ứng xử của các em học sinh nhà trường, theo từng môi trường thường tiếp xúc của chính các em.

Một phần của tài liệu luận văn giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên trong nhà trường (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)