Kinh nghiệm thu hút FDI của Đồng Nai

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại bắc giang luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 41 - 46)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Tổng quan FDI ở Việt Nam và kinh nghiệm thu hút FDI của một

1.2.3.2 Kinh nghiệm thu hút FDI của Đồng Nai

Đồng Nai là một tỉnh nằm ở phía Nam của tổ quốc, nằm trong vùng Đông Nam Bộ. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội không có ưu thế đặc biệt so với các tỉnh thành khác trong cả nước, nhưng Đồng Nai nổi lên như một hiện tượng trong việc thu hút và sử dụng vốn FDI.

Từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài đến nay, vốn FDI vào Đồng Nai ngày một tăng. Trong giai đoạn đầu (1987-1990) cùng với xu thế chung của cả nước, Đồng Nai thu hút được một lượng vốn FDI không lớn. Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, vốn FDI tại Đồng Nai liên tục gia tăng qua các năm

Theo thống kê, Đồng Nai hiện có hơn 1.000 dự án còn hiệu lực của các nhà đầu tư đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 18,29 tỷ USD. Các dự án FDI đã tạo việc làm cho khoảng 350.000 lao động. Trong giai đoạn từ 2006 - 2010, dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế - tài chính kéo dài từ 2008 đến nay, Đồng Nai vẫn cấp mới 470 giấy chứng nhận FDI có tổng vốn đăng ký lên đến hàng tỷ USD, tăng bình quân hàng năm 32%. Hiện nay, Đồng Nai có 30 khu công nghiệp (KCN) được cấp phép hoạt động và đã cho thuê trên 60% diện tích đất dùng cho thuê. 6 tháng đầu năm 2010, các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có thêm 30 dự án đầu tư mới, trong đó có 18 dự án FDI tổng vốn cấp mới và tăng vốn đạt gần 500 triệu USD.

Hiện tại, các DN có vốn FDI đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chiếm 41% cơ cấu kinh tế, 60% giá trị sản lượng công nghiệp và 90% kim ngạch xuất khẩu. Thu hút vốn FDI đã bổ sung nguồn vốn và công nghệ rất quan trọng cho phát triển, tạo điều kiện tiếp cận thị trường thế giới, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, góp phần tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách nhà nước.

Điều đặc biệt trong thu hút vốn FDI trong những năm vừa qua là sự dịch chuyển về ngành nghề và loại hình. Lãnh đạo tỉnh đã khẳng định rõ: Thời kỳ thu hút đại trà vốn FDI, thiếu chọn lựa đã qua. Từ năm 2006 - 2010, tỉnh chủ trương nâng chất lượng thu hút các dự án FDI, tập trung thu hút những dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, dự án có công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Cụ thể, năm 2006, thu hút dự án nhà ở, dịch vụ, công nghệ cao chiếm 29% tổng vốn đăng ký mới; đến năm 2008 số dự án này chiếm 84% và năm 2009 chiếm 87,6% [49].

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là về các lĩnh vực: cấp phép đầu tư,

hỗ trợ triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Với khẩu hiệu hành động: "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" và "Chính quyền đối thoại với doanh nghiệp", tỉnh đã thể hiện ý chí trong thu hút và nuôi dưỡng sự phát triển các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Chủ trương "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" thể hiện rõ qua việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, như việc cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày được rút ngắn chỉ còn 3 - 5 ngày, cá biệt có một số dự án được cấp phép trong 1 ngày; cấp giấy chứng chỉ C/O Form D trong 2 giờ... Theo ý kiến chung của các nhà đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp FDI có kế hoạch kinh doanh lâu dài tại Đồng Nai, trong quá trình hoạt động có trên 90% doanh nghiệp tăng vốn. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư thật sự tin tưởng chính sách đối với FDI của Đồng Nai.

Sở dĩ có được bức tranh về thu hút và sử dụng vốn FDI rõ nét như vậy là do những năm qua tỉnh Đồng Nai vận dụng sáng tạo chủ trương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm khai thác những lợi thế của địa phương, chẳng hạn:

- Ngay từ những năm 1998, Đồng Nai đã quan tâm công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các khu công nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu bố trí dự án đầu tư. Trong lúc cơ chế chính sách khu công nghiệp chưa có, Đồng Nai đã quy hoạch và thu hút được dự án tập trung vào khu công nghiệp là một sự nhạy bén trước thời cơ phát triển.

- Linh hoạt cho phép công ty phát triển hạ tầng đàm phán thỏa thuận với nhà đầu tư ứng trước phí sử dụng hạ tầng, đã tạo được nguồn vốn quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu như đường giao thông, mương thoát nước trong khu công nghiệp,…

- Chú trọng công tác xúc tiến vận động vốn đầu tư, ví dụ như: In ấn tài liệu giới thiệu Đồng Nai với các nước, duy trì quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tìm khách đầu tư.

- Thường xuyên tiếp xúc và gặp gỡ các nhà đầu tư. Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đóng góp ý kiến, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và các bộ ngành trung ương, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, đồng thời qua đó các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cải tiến dần lề lối làm việc.

- Tích cực tác động và huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các dự án đầu tư. Riêng các công ty được chính phủ cho phép đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, có trách nhiệm xây dựng công trình hạ tầng khu công nghiệp và đã hỗ trợ nhiều mặt cho nhà đầu tư nhằm mục đích cho thuê hết diện tích khu công nghiệp.

- Trong công tác quản lý nhà nước, các cơ quan ban ngành trong tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ theo cơ chế quản lý một đầu mối, quy trình thủ tục rõ ràng, không để nhà đầu tư mất quá nhiều thời gian liên hệ với nhiều cơ quan chức năng để giải quyết.

- Công tác tổ chức đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người lao động được tỉnh rất chú trọng. Các trung tâm xúc tiến việc làm trước khi giới thiệu người lao động để doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng phải bồi dưỡng cho người lao động biết được các quy định của Bộ Luật lao động. Lao động ngoài tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi làm việc, nếu nguồn lao động trong tỉnh không thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp. Riêng đối với đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, tuy có hạn chế về trình độ giao tiếp ngoại ngữ, nhưng thường xuyên được bồi dưỡng, khá về chuyên môn và có trách nhiệm với công việc.

Tóm lại: Mặc dù Vĩnh Phúc, Đồng Nai chưa phải là những tỉnh đứng đầu về thu hút FDI nhưng là 2 tỉnh trên cả nước có lượng dự án nhiều kể từ khi Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành từ năm 1987 đến nay. Đây là những tỉnh điển hình đáng để các tỉnh trong cả nước học tập. Việc học tập kinh nghiệm thu hút FDI của hai tỉnh trên là có cơ sở thực tiễn khả thi đối với Bắc Giang, bởi vì Bắc Giang có những nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội.

Kết luận chương 1

FDI có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia đang phát triển, nơi mà nhu cầu về vốn và khả năng huy động vốn trong nước còn hạn chế. Với tư cách là một bộ phận của đầu tư phát triển, FDI tác động đến quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của quốc gia tiếp nhận vốn góp phần tạo ra sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Ngoài bổ sung nguồn vốn cho quá trình tăng trưởng, FDI còn gắn với chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nước tiếp nhận vốn. Với vị trí và tầm quan trọng như vậy, FDI được hầu hết các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam quan tâm và tìm mọi biện pháp nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển của mình.

FDI là tất yếu của các nền kinh tế trong xu hướng hội nhập toàn cầu để phát triển lâu dài cả về bề rộng và chiều sâu; Bắt nguồn từ quá trình quốc tế hóa sâu sắc nền sản xuất vật chất và đời sống xã hội; Từ tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ; Từ sự gia tăng tích lũy tư bản; Từ nhu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế của các quốc gia trong điều kiện hiện nay.

Việc xem xét FDI tại tỉnh Bắc Giang đòi hỏi phải nắm bắt được tình hình chung, động thái, xu hướng, quy luật vận động cụ thể của dòng vốn FDI trên phạm vi cụ thể ở nước ta. Để có thể chủ động hơn trong việc đón bắt, thu hút nguồn vốn FDI Bắc Giang cần tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh đi trước đã thành công trong lĩnh vực thu hút FDI, để đề ra những chính sách phù hợp với thực tiễn thu hút FDI của mình, nhất là kinh nghiệm của các tỉnh có nhiều nét tương đồng với Bắc Giang, trước hết là Vĩnh Phúc, Đồng Nai và một số tỉnh khác.

Chương 2

THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI BẮC GIANG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại bắc giang luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 41 - 46)