Một số giải pháp của tỉnh

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại bắc giang luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 80 - 86)

3.1.2 .Cơ hội

3.3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh hoạt động FDI tại Bắc

3.3.1. Một số giải pháp của tỉnh

Để thực hiện thành công các mục tiêu về thu hút đầu tư phát triển, tạo tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay

đến năm 2020, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Về chính sách: Tỉnh cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch với cơ chế “một cửa liên thông”, nhà đầu tư chỉ cần đến một địa chỉ là Ban quản lý các Khu công nghiệp hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư là được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế và con dấu.

Với phương châm “đồng hành cùng nhà đầu tư”, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan của tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục phát huy tinh thần cởi mở, thân thiện, chào đón các doanh nhân trong và ngoài nước đến đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Bắc Giang.

Về phương hướng: Cụ thể, về công nghiệp, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như điện, điện tử, thiết bị tự động hoá, dược phẩm, sản xuất vật liệu mới, vật liệu xây dựng cao cấp, cơ khí chế tạo... Về xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị, ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật với hình thức BOT, BTO, BT và PPP. Về dịch vụ, thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm bán buôn toàn vùng; xây dựng "cảng cạn" tại khu vực Kép (Lạng Giang); xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại TP.Bắc Giang; các dự án đầu tư khu du lịch - nghỉ dưỡng, du lịch - sinh thái, du lịch - tâm linh. Ngoài ra cần chú trọng thu hút đầu tư các dự án dịch vụ cao cấp như giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc y tế, tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, bưu chính viễn thông… Về nông - lâm - thuỷ sản, kêu gọi đầu tư các dự án nâng cao năng lực sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm; trồng rau sạch, hoa xuất khẩu; các dịch vụ cung cấp giống cây, con giống chất lượng cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hình thức công nghiệp áp

dụng công nghệ tiên tiến; phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến; trồng rừng…

Tuy nhiên, để thực hiện thành công định hướng nêu trên, đồng thời khắc phục các "điểm nghẽn" trong thu hút đầu tư tại Bắc Giang, cần phải thực hiện những giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh và sự khác biệt của địa phương để đề ra các chiến lược và các chương trình thu hút đầu tư phù hợp và hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể:

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư phát triển kinh tế

Khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh và công bố công khai các quy hoạch phát triển ngành, vùng kinh tế, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển đô thị, các quy hoạch chi tiết khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị để chủ động thu hút đầu tư. (Công tác quy hoạch của Bắc Giang đi sau một số tỉnh, thành trong cả nước vì vậy nên xem xét, học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh thành đã thành công trong việc quy hoạch như Đồng Nai: Ngay từ những năm 1998, Đồng Nai đã quan tâm công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các khu công nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu bố trí dự án đầu tư. Trong lúc cơ chế chính sách khu công nghiệp chưa có, Đồng Nai đã quy hoạch và thu hút được dự án tập trung vào khu công nghiệp là một sự nhạy bén trước thời cơ phát triển).

Triển khai đầu tư các dự án trong quy hoạch sử dụng hành lang Quốc lộ 1A mới và xúc tiến quy hoạch một số trục kinh tế theo hướng không gian gắn với Quốc lộ 31, 37, tỉnh lộ 398, 293 nhằm chủ động đón bắt, khai thác hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

Huy động các nguồn vốn để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ với phương châm có trọng tâm, trọng điểm và có

bước đi thích hợp nhằm tạo ra nền tảng kết cấu hạ tầng vững chắc cho phát triển quy mô lớn, trình độ cao; ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các mạng lưới đường giao thông, truyền tải điện, thông tin liên lạc (có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong Chính sách “Đổi đất lấy hạ tầng” của tỉnh Vĩnh Phúc). Đến năm 2020 hoàn thành đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, nâng cấp các Quốc lộ 31, 279, 37, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn theo chuẩn quốc tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các giấy phép, các quy định không cần thiết, nhằm giảm thiểu thời gian thành lập doanh nghiệp và chi phí tham gia thị trường. Trước mắt cần tập trung rà soát, tiến tới bãi bỏ, loại bỏ các nội dung, thủ tục hành chính không cần thiết theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” về đầu tư và đăng ký kinh doanh; thực hiện công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hành chính, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước gắn với đổi mới tư duy và phương pháp chỉ đạo, điều hành; chú trọng nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện; giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp.

Tăng cường công tác đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời trợ giúp, tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục thẩm định phê duyệt dự án, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất (có thể nghiên cứu kinh nghiệm Chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” của tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai đã thể hiện ý chí trong thu hút và nuôi dưỡng sự phát triển các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, Chủ trương trên đã được thể hiện rõ qua việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục

hành chính, như việc cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày được rút ngắn chỉ còn 3-5 ngày, cá biệt có một số dự án được cấp phép trong 1 ngày; cấp giấy chứng chỉ C/O Form D trong 2 giờ…).

Tăng cường kỷ cương và trách nhiệm cá nhân, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và thái độ ứng xử của công chức khi giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư.

- Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án

Tập trung cao cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp: Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Việt Hàn. Trước mắt tập trung kêu gọi các nhà đầu tư vào khu công nghiệp đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và có kế hoạch triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch tới năm 2020; tuyên truyền, phổ biến những chính sách mới về đền bù, giải phóng mặt bằng theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn như: Dự án Nhà máy Xi măng Ngân Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Lục Nam, Dự án mở rộng Nhà máy Đạm và hoá chất Hà Bắc...; khẩn trương đưa Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động đi vào phát điện thương mại để tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế; chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện Nhà máy Nhiệt điện Yên Lư (Yên Dũng).

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu, hỗ trợ lãi suất của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Công tác giải phóng mặt bằng của Bắc Giang có thể học tập kinh nghiệm của tỉnh Đồng Nai: Linh hoạt cho phép công ty phát triển hạ tầng đàm phán thỏa thuận với nhà đầu tư ứng trước phí sử dụng hạ tầng, đã tạo được nguồn vốn quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu như đường giao

thông, mương thoát nước trong khu công nghiệp…

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập

Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư và tham gia hội nhập quốc tế.

Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống đào tạo, dạy nghề với nhiều thành phần kinh tế tham gia theo hướng xã hội hoá; đổi mới hoạt động của các cơ sở đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng hợp tác liên kết trong đào tạo; chú trọng hình thức hợp tác với doanh nghiệp sử dụng lao động để đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu sử dụng. Đổi mới công tác hướng nghiệp và tập trung đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Đẩy mạnh và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức

Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài truyền hình ở trung ương) tăng cường quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh; thường xuyên, liên tục cập nhật các thông tin về đầu tư của tỉnh, quảng bá thông tin và tài liệu giới thiệu về tỉnh Bắc Giang trên website của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; xây dựng video (trình bày dưới dạng CD-Room) giới thiệu hình ảnh tỉnh Bắc Giang, thông điệp của lãnh đạo tỉnh, tiềm năng cơ hội đầu tư, các kết cấu hạ tầng thiết yếu, các khu cụm công nghiệp và thường xuyên bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế phát triển.

Thiết lập mối quan hệ mật thiết với các bộ, ngành và các cơ quan xúc tiến đầu tư ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương với công tác xúc tiến đầu tư phát

triển kinh tế của tỉnh; tăng cường các mối quan hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Hà Lan, Đức...và các tổ chức kinh tế, thương mại tại Việt Nam như: Phòng Thương mại Châu Âu, Phòng Thương mại Việt - Mỹ ... để giúp quảng bá thông tin, hình ảnh của tỉnh tới các nhà đầu tư.

Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng xúc tiến đầu tư cho cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Xây dựng, hoàn thiện danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành, vùng và đảm bảo tính khả thi của từng dự án.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Thường xuyên phối hợp với các địa phương, các ngành có liên quan rà soát, đánh giá tiến độ triển khai và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án. Kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án của các nhà đầu tư có vi phạm, từng bước góp phần lành mạnh hoá môi trường đầu tư của tỉnh.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại bắc giang luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 80 - 86)