7. Kết cấu của luận văn
2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội chủ yếu ảnh hưởng đến thu hút
hút FDI tại Bắc Giang
2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Bắc Giang nằm ở tọa độ địa lý từ 21°007’ đến 21°037’ vĩ độ bắc; từ 105°53’ đến 107°02’ kinh độ đông; nằm chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Phía Nam giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên. Vị trí của tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cạnh tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh) rất thuận lợi cho việc phát triển và liên kết vùng. Thành phố Bắc Giang (thủ phủ của tỉnh) cách Thủ đô Hà Nội 50km; cách cửa khẩu Hữu Nghị Quan sang CHND Trung Hoa 110 km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130 km. Từ đây có thể dễ dàng thông thương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Địa hình Bắc Giang gồm 2 tiểu vùng miền núi và trung du có đồng bằng xen kẽ, tạo ra nhiều cảnh đẹp và đa dạng sinh học. Do chủ yếu là trung du và miền núi nên địa chất của tỉnh được đánh giá tương đối tốt, phù hợp với việc xây dựng các khu công nghiệp lớn.
Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ bình quân hàng năm khoảng 23 - 24°C, nhiệt độ thấp nhất: 4°C, nhiệt độ cao nhất 39°C. Độ ẩm không khí trung bình 83%. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.650 mm. Bắc Giang ít bị ảnh hưởng của thiên tai (bão tố, động đất).
Với địa hình dốc ở miền núi và dốc nhẹ ở vùng trung du, Bắc Giang có ít vùng bị ngập nước, thuỷ văn được đánh giá tương đối tốt cho phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp.
Diện tích tự nhiên của tỉnh là: 3.827,38 km2, trong đó có 127,2 ngàn ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; 136,1 ngàn ha đất lâm nghiệp; 119,6 ngàn ha đất ở, đất chuyên dùng và đồi núi trọc [52]. Đây là thế mạnh của tỉnh trong việc thu hút đầu tư các khu công nghiệp lớn, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá và nuôi trồng thuỷ sản. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp và đô thị nằm liền kề với các trục giao thông quan trọng, thuận tiện cho việc thông thương và đi lại. Do địa hình đa dạng phong phú, Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển các khu du lịch sinh thái như: hồ Cấm Sơn; hồ Khuôn Thần; Khu bảo tồn Tây Yên Tử; Suối Mỡ. Ngoài ra có thể xây dựng các sân Golf, khu nghỉ dưỡng...
Trên lãnh thổ Bắc Giang có 3 con sông lớn chảy qua, với tổng chiều dài là 347 km, có nước quanh năm. Ngoài ra, còn có hệ thống ao, hồ, đầm, mạch nước ngầm, đặc biệt có Hồ Cấm Sơn diện tích mặt nước 29 ngàn ha, dung tích hữu ích 227,5 triệu m3, lớn thứ tư toàn quốc. Lượng nước mặt, nước mưa, nước ngầm đủ khả năng cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt.
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Hiện Bắc Giang có dân số 1,5695 triệu người, có trên 20 dân tộc, trong đó: Dân tộc kinh chiếm đa số (88%), còn lại các dân tộc thiểu số khác chiếm 12%, gồm: Nùng (4,96%), Tày (2,57%), Sán dìu (1,77%), Hoa (1,2%), Sán cháy (1,67%)... . Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động có 1.021 nghìn người, chiếm 70,7% [52], đây là tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Cơ cấu nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tỷ trọng người lao động chưa qua đào tạo trong thành phần lao động tham gia các ngành kinh tế quốc dân giảm dần,
người lao động qua đào tạo các trình độ và đặc biệt là người lao động có trình độ từ đại học trở lên tăng với tốc độ tương đối nhanh. Tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo giảm dần từ 85% năm 2000 xuống còn 76% năm 2005 và còn 67% năm 2010; tỷ lệ người lao động có trình độ cao đẳng tăng từ 0,94% năm 2000 lên 1,4% năm 2005 và 1,73% năm 2010; trình độ đại học và trên đại học tăng từ 1,81% năm 2000, tăng lên 2,39% năm 2005 và 2,87% năm 2010. Trình độ học vấn của nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, số người không biết chữ trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động trong ngành kinh tế giảm dần từ 41.145 người năm 2005 xuống còn 29.997 người năm 2010, những người này chủ yếu là làm việc ở khu vực nông thôn, số người có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT tăng từ 192.787 người năm 2005, lên 241.058 người năm 2010 [4].
Bắc Giang được đánh giá là địa phương có hoạt động giáo dục phát triển vào loại khá trong cả nước. Hàng năm, Bắc Giang có số học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học khá cao, đạt tỷ lệ đỗ từ 35 - 45% số học sinh dự thi, năm 2010 có khoảng 1,2 vạn em. Đến nay toàn tỉnh có 4 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 82 cơ sở đào tạo nghề; định hướng đến 2020 sẽ nâng cấp Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự, Trường Cao đẳng Nông lâm thành 2 trường đại học; Thành lập Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn và định hướng nâng cấp thành Trường đại học Công nghệ - kỹ thuật, nâng cấp Trường Trung học y tế, Trường Trung học Kinh tế- Kỹ thuật và Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành các trường cao đẳng; tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60% vào năm 2020 [4].
GDP bình quân đầu người tăng dần và ổn định qua các năm từ 250 USD/người năm 2002, tăng lên 650 USD/người vào năm 2010.
Nằm trong vùng Kinh Bắc giàu truyền thống văn hoá, Bắc Giang được đánh giá là địa danh có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Có 341
điểm di tích văn hoá được xếp hạng như: khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, chùa Đức La, chùa Bổ Đà, khu di tích Đình chùa Tiên Lục và cây Dã Hương ngàn năm tuổi, v.v. những điểm này rất hấp dẫn khách tham quan và nghiên cứu. Hàng năm có hàng trăm lễ hội dân gian diễn ra trên địa bàn, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Con người Bắc Giang hiền hậu, mến khách, trọng nghĩa tình, luôn khát khao phát triển.
Bắc Giang là tỉnh có hệ thống giao thông khá đa dạng với 3 loại hình: đường bộ, đường sông và đường sắt được phân bố hợp lý.
Hệ thống đường bộ: gồm Quốc lộ (278 km), đường tỉnh lộ (390 km), đường huyện (562,36 km), đường đô thị (32,47 km), đường xã (2.190,82 km). Quốc lộ 1A mới đã hoàn thành, nối với nhiều tuyến nội tỉnh, tạo ra những vị trí thuận lợi cho việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Trong tương lai gần, quốc lộ-1A, đoạn Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh sẽ được xây dựng thành đường cao tốc, tạo cơ sở phát triển cho hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hệ thống đường sắt: Bắc Giang có 2 tuyến đường sắt quan trọng chạy qua, đó là tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam, thông thương sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan) và tuyến Lưu Xá - Kép - Quảng Ninh (thuộc tuyến Thái Nguyên - Quảng Ninh) nối các tỉnh nội địa với các cảng biển.
Hệ thống đường sông: Ba con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh là sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam - nằm trong hệ thống sông Thái Bình, tạo nên một mạng lưới giao thông thuỷ thuận tiện. Bắc Giang có hệ thống cảng phục vụ tương đối tốt, đang triển khai xây dựng cảng container Đồng Sơn (cách TP Bắc Giang khoảng 6 km) và một số kho ngoại quan, cảng nội địa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu. Đặc biệt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, Thủ tướng
Chính phủ đã cho phép quy hoạch xây dựng cảng ICD (Inland Clearance Depot) hay còn gọi là cảng cạn của tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Cùng với vị trí thuận lợi, ba hệ thống giao thông tạo cho Bắc Giang có lợi thế nổi trội trong việc liên kết vùng, từ Bắc Giang có thể dễ dàng thông thương với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và quốc tế.
Hệ thống cấp nước sạch đã được đầu tư và đáp ứng yêu cầu sử dụng nước cho các khu đô thị, khu công nghiệp...
Hệ thống Bưu chính Viễn thông được chú trọng đầu tư và không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin. Hiện tại, sóng điện thoại di động đã được phủ hầu hết địa bàn trong tỉnh.
Hệ thống thương mại nội tỉnh phân bố đều khắp đến huyện và đến các xã, góp phần đẩy nhanh lưu thông hàng hoá. Hệ thống tín dụng ngân hàng, bảo hiểm ngày càng phát triển, đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với những đặc điểm tự nhiên và kinh tế-xã hội nêu trên, có thể thấy Bắc Giang có những điều kiện khá thuận lợi cho việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.