7. Kết cấu của luận văn
1.1. Một số vấn đề lý luận chung về FDI
1.1.2.2 Các lý thuyết vi mô
Hầu hết các lý thuyết kinh tế vi mô về đầu tư quốc tế đều xoay quanh trả lời câu hỏi là tại sao các công ty, cá nhân lại đầu tư ra nước ngoài?
Các lý thuyết về tổ chức công nghiệp ra đời từ những năm 1960 giải thích đầu tư quốc tế (FDI) như là kết quả tự nhiên từ sự tăng trưởng và phát triển của các công ty lớn độc quyền ở Mỹ, trong đó nổi bật là mô hình lý
thuyết của Stephen Hymer. Theo tác giả do kết cấu của thị trường độc quyền đã thúc đẩy các công ty Mỹ mở rộng ra thị trường quốc tế để khai thác các lợi thế của mình về công nghệ, kỹ thuật, quản lý… mà các công ty trong cùng ngành công nghiệp ở nước nhận đầu tư không có được. Charles Kindleberger và Richard E. Caves cũng cho rằng những sản phẩm mới thường có xu hướng độc quyền và có giá thành hạ. Vì thế, các công ty có sản phẩm mới đã tích cực mở rộng phạm vi sản xuất của mình ra thị trường quốc tế để khai thác lợi thế độc quyền nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Như vậy, theo các lý thuyết tổ chức công nghiệp, nguyên nhân hình thành FDI là do sự mở rộng thị trường ra nước ngoài của các công ty lớn nhằm khai thác lợi thế độc quyền.
Lý thuyết về chu kỳ sống của sản phẩm của R. Vernon đã giải thích hiện tượng FDI trên cơ sở phân tích các giai đoạn phát triển của sản phẩm từ đổi mới đến tăng trưởng (sản xuất hàng loạt), đạt mức bão hòa và bước vào giai đoạn suy thoái. Theo tác giả của lý thuyết này, giai đoạn đổi mới chỉ diễn ra ở những nước phát triển như Mỹ, vì ở đó mới có điều kiện để nghiên cứu và phát triển, có khả năng triển khai sản xuất với khối lượng lớn. Đồng thời, cũng chỉ ở những nước này thì kỹ thuật sản xuất tiên tiến với đặc trưng sử dụng nhiều vốn mới phát huy được hiệu quả sử dụng cao. Do vậy, sản phẩm được sản xuất ra hàng loạt với giá thành hạ và đã nhanh chóng đạt tới điểm bão hòa. Để tránh lâm vào suy thoái và khai thác hiệu quả sản xuất theo quy mô, công ty phải mở rộng thị trường tiêu thụ quốc tế, nhưng các hoạt động xuất khẩu đã gặp trở ngại bởi hàng rào thuế quan và cước phí vận chuyển. Vì thế, công ty di chuyển sản xuất ra quốc tế để vượt qua những trở ngại này. Như vậy, theo cách giải thích của Vernon thì FDI là kết quả tự nhiên từ quá trình phát triển của sản phẩm theo chu kỳ [42].
Akamatsu đã phát triển lý thuyết chu kỳ sản phẩm bắt kịp, theo đó lúc đầu, nhập khẩu sản phẩm mới làm tăng nhu cầu nội địa và sản xuất trong nước, sau đó tất cả lại giảm xuống do nhu cầu thị trường nội địa bị bão hòa.
Vì thế nhu cầu xuất khẩu xuất hiện. Các bước tiếp theo lại lập lại trình tự như trước. Con đường phát triển này dẫn đến hình thành FDI. Lý thuyết này giải thích FDI qua quá trình phát triển liên tục của sản phẩm đi từ nước nhập khẩu đến sản xuất nội địa và chuyển sang xuất khẩu.
Lý thuyết nội vi hóa và lý thuyết triết chung của J. Dunning đã giải thích các công ty tiến hành đầu tư ra nước ngoài là nhằm khai thác lợi thế về sở hữu (các tài sản, đặc biệt là tài sản vô hình như nhãn mác, thương hiệu, sáng chế, kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý…), lợi thế về địa điểm (tiếp cận nguồn nguyên liệu, nhân công giá rẻ, ưu đãi về thuế,…), lợi thế nội vi hóa (tiến hành sản xuất ở nước ngoài thông qua các thỏa thuận cộng tác với đối tác của nước chủ nhà dưới hình thức thích hợp).
Như vậy, do cách tiếp cận từ phân tích những điều kiện để các công ty đầu tư ra nước ngoài, các lý thuyết kinh tế vi mô giải thích một cách cụ thể hơn về nguyên nhân hình thành đầu tư quốc tế như là kết quả tự nhiên của quá trình khai thác các lợi thế độc quyền ở nước ngoài nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu. Cách luận giải này đã gắn được các đặc trưng của FDI với các đặc điểm của thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Vì thế, có thể nói rằng các lý thuyết vi mô đã giải thích rõ ràng hơn về nguyên nhân hình thành FDI và tác động của nó đối với công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển.