6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
2.3.3. Tình hình chế biến và tiêu thụ chè
Các sản phẩm chè của Lâm Đồng đã chiếm vị trí ngày càng quan trọng trên thị trường trong ngoài nước từ nhiều năm qua. Trồng và chế biến chè là một nghề truyền thống ở Lâm Đồng, đặc biệt là ở Đà Lạt và Bảo Lộc. Chính vì vậy, nó đã thu hút rất nhiều thành phần kinh tế tham gia.
Hiện nay, toàn Tỉnh có 47 doanh nghiệp hoạt động chế biến và kinh doanh chè, phân bố không gian các nhà máy chế biến không cân đối với vùng nguyên liệu. Chủ yếu tập trung ở Bảo Lộc và dọc theo quốc lộ 20, trong khi đó vùng nguyên liệu chè Bảo lâm chiếm trên 50% diện tích và sản lượng cả tỉnh nhưng năng lực chế biến 20.000-25.000 tấn chiếm 22-25% so với năng lực sản xuất nguyên liệu của huyện.
• Doanh nghiệp quốc doanh
Hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 8 doanh nghiệp quốc doanh đang hoạt động, được thành lập sau ngày giải phóng trên cơ sở tiếp quản một số đồn điền, nhà máy cũ và đầu tư xây dựng mới. Quản lý khoảng 1.650 ha (chiếm 6,5% tổng diện tích) tạo ra 9% sản lượng chè búp tươi. Hàng năm các công ty này có thể chế biến được từ 6.000- 7.500 tấn thành phẩm, tương ứng với 30.000-35.000 tấn chè búp tươi, đạt 50% công suất thiết kế. Công nghệ chế biến chủ yếu là chế biến chè đen OTD và khoảng 15% chè xanh, chỉ duy hất có Công ty cổ phần chè Minh Rồng đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến chè đen CTC có khả năng khai thác tốt thị trường xuất khẩu và đang có kế hoạch đầu tư sản xuất với quy mô lớn trong những năm tới.
Dưới đây là một số Công Ti Cổ Phần chè:
Công Ti Cổ Phần chè Cầu Đất - Đà Lạt: Chuyên sản xuất chè xanh, đen, ÔLong. Được thành lập từ năm 1927, trải qua nhiều thay đổi, từ năm 2005 chính thức mang tên là Công ty cổ phần chè Cầu Đất – Đà Lạt, nằm cách trung tâm thành phố du lịch Đà Lạt 22 km về phía Đông nam, với độ cao 1650m so mặt biển, sương mù bao phủ và khí hậu quanh năm mát mẻ, Cầu Đất được xem là nơi khai sinh ra vùng chè Lâm Đồng. Thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng riêng mà hiếm nơi nào có được.
Quản lí tổng diện tích 2000ha với 230 ha chè chất lượng cao đã tạo nên vùng nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho sản xuất chè đen OTD nổi tiếng, chè Ôlong cao cấp và chè xanh đặc sản cung cấp cho thị trường xuất khẩu và nội địa 350 – 400 tấn/năm. Công suất nhà máy thiết kế 2000 tấn/năm. Sản lượng chè khô năm 2010 đạt 258 tấn/ha.
Công Ty Cổ Phần chè Minh Rồng: Chuyên trồng, chế biến, kinh doanh các loại sản phẩm chè có chất lượng cao: Chè đen OTD, CTC, chè Ôlong, chè túi lọc cao cấp, chè xanh các loại. Ngoài ra Công ty còn kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, xây dựng công trình dân dụng, kinh doanh nhà, nhập khẩu máy móc thiết bị.
Hiện Công ty đang sở hữu vườn chè có diện tích 2000ha trong đó có 450 ha chè năng suất cao, đa dạng về giống như: TB14, LDP, PH, Shan, chè Ôlong, Tứ quý, Thuý ngọc...Vườn chè nằm ở Huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng, có thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp cho phát triển chè chất lượng cao.
Công ty có nhà máy chế biến với hệ thống thiết bị máy móc đa dạng, đồng bộ hiện đại của Ấn Độ, Công suất chế biến 5.000 tấn sản phẩm chè các loại/năm.
Công Ty Cổ Phần chè Rồng Vàng: Được chính thức thành lập từ năm 1995, với một dây chuyền sản xuất chè xanh, hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần trà Rồng vàng chuyên sản xuất các loại sản phẩm chè xanh và chè xanh ướp hương từ nguồn hương liệu thiên nhiên.
Với tổng diện tích 2449ha chè và xưởng chế biến công suất 700 tấn chè xanh/năm. Sản lượng chè khô năm 2010 đạt 283 tấn.
Công Ty Cổ Phần chè Di Linh: Nằm trên địa bàn Huyện Di Linh, cây chè được phát triển từ năm 1956 đến nay vẫn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của Huyện. Công ty được thành lập từ năm 1976 trên cơ sở tiếp quản các đơn vị xây dựng từ trước năm 1975 và chính thức trở thành Công ty cổ phần chè cà phê Di Linh từ tháng 11/2005.
Công ty hiện có 17.820 ha chè trong đó có 35 ha chè Ôlong, .
Công ty có Xưởng chế biến chè Ôlong, công suất 200 tấn/năm, Xưởng chế biến chè xanh công suất 1000 tấn/năm và xưởng chế biến chè đen OTD công suất 1000 tấn/năm.
Công ty Cổ Phần chè Lâm Đồng: thành lập từ năm 1975, trên cơ sở kế thừa các đơn vị sản xuất chế biến chè có từ trước năm 1975 và tiếp tục phát triển mở rộng trên vùng cao nguyên Nam Trung Bộ Việt Nam, chuyên về trồng, chế biến và kinh doanh các loại chè. Là một trong số ít công ty ở Việt nam có lợi thế trong sản xuất chè vì có
được điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp, đồng thời nằm trên địa bàn có vùng chè tập trung lớn nhất Việt nam với diện tích chè lên đến 25.000 ha, chiếm ¼ diện tích chè cả nước.
Công ty hiện sở hữu 8 nhà máy chế biến chè, gồm 7 nhà máy sản xuất chè đen, trong đó có hai dây chuyên sản xuất chè xanh theo công nghệ Nhật bản, 1 nhà máy chuyên sản xuất chè xanh, chè ướp hương các loại. Ngoài ra Công ty có vốn liên doanh với 1 Công ty của Nhật Bản trồng, chế biến và kinh doanh chè.
Chuyên sản xuất chè chất lượng cao: chè đen OTD, CTC với công suất thiết kế 3000 tấn/năm.
• Các công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài
có 10 Công ty đầu tư 100% nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè, quản lý khoảng 1.400 ha, chiếm 5,5%. Chủ yếu là doanh nghiệp Đài Loan và 01 Công ty của Nhật Bản với tổng công suất thiết kế trên 7.000-8.000 tấn thành phẩm/năm, tương ứng với 35.000-40.000 tấn chè búp tươi. Sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu. Hiện nay, vùng nguyên liệu sản xuất các giống mới chưa đáp ứng, năm 2006 sản lượng chè chất lượng cao của các Công ty đầu tư nước ngoài đã chế biến được 3000 tấn, đạt 35-40% công suất thiết kế. Công nghệ chế biến chè ở các doanh nghiệp hầu hết là những dây chuyền sản xuất chè Ôlong của Đài Loan và chè xanh Nhật bản.
Dưới đây là một số công ty điển hình:
Công ty TNHH Fusheng: Là công ty của Đài Loan. Nằm ở Đà Lạt. Chuyên trồng và chế biến chè Ôlong. Tổng công suất thiết kế 1000 tấn/năm.
Công ty TNHH Trường Thái Việt Nam: Là công ty của Đài Loan. Nằm ở Bảo Lâm. Chuyên trồng, thu mua và chế biến chè Ôlong. Tổng công suất thiết kế 1000 tấn/năm.
Công ty TNHH Vina – Suzuki: Là công ty của Nhật Bản. Nằm ở Di Linh. Chuyên trồng, thu mua và chế biến chè Ôlong. Tổng công suất thiết kế 360 tấn/năm.
Công ty TNHH King Wan Chen Việt Nam: Là công ty của Đài Loan. Nằm ở Lâm Hà. Chuyên trồng, thu mua và chế biến chè Ôlong. Tổng công suất thiết kế 200 tấn/năm.
• Các doanh nghiệp tư nhân (13 doanh nghiệp), Công ty TNHH trong nước (8 công ty), HTX chế biến, hộ nông dân:
Quản lý khoảng 88% diện tích. Hàng năm chế biến 20.000-25.000 tấn nguyên liệu tươi/năm. Các cơ sở này chủ yếu sơ chế chè xanh xô, cung cấp cho các doanh nghiệp tư nhân chế biến chè hương nội tiêu, giá cả không ổn định.
2.3.3.2. Hệ thống cơ sở chế biến thủ công
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở chế biến thủ công với quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, sản phẩm không nhiều và ít cạnh tranh được trên thị trường vì danh tiếng không lớn. Còn lại phân tán ở hàng trăm cơ sở chế biến thủ công quy mô nhỏ trên các hộ gia đình, chủ yếu là thực hiện ở giai đoạn xơ chế ban đầu là phơi khô để bán chè dạng thô cho các công ti cổ phần hoặc có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các cơ sở chế biến thủ công quy mô lớn.
Dưới đây là một số Hộ kinh doanh điển hình:
Cơ sở Sung Viên: Nằm ở Bảo Lộc với công suất thiết kế 200tấn/năm, chuyên sản xuất chè Olong với hình thức tự sản xuất, thu mua.
Cơ sở Hiệp Thành: Nằm ở Bảo Lộc với công suất thiết kế 150tấn/năm, chuyên sản xuất chè xanh ướp hương, với hình thức tự thu mua.
Cơ sở Trà Bảo Tâm: Nằm ở Bảo Lộc với công suất thiết kế 40tấn/năm, chuyên sản xuất chè xanh ướp hương, với hình thức tự thu mua.
Cơ sở trà Trâm Anh: Nằm ở Bảo Lộc với công suất thiết kế 50tấn/năm, chuyên sản xuất chè xanh ướp hương, với hình thức tự thu mua.
Cơ sở chè Hương Núi : Nằm ở Bảo Lộc với công suất thiết kế 500tấn/năm, chuyên sản xuất chè xanh xô, với hình thức tự thu mua.
Cơ sở Hồng Thoại: Nằm ở Bảo Lộc với công suất thiết kế 500tấn/năm, chuyên sản xuất chè đen xô, với hình thức tự thu mua.
2.3.3.3. Công nghệ chế biến
Hiện nay, công nghệ chế biến chè của tỉnh đã dần được thay thế bằng những công nghệ hiện đại, nhưng hầu hết là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,
còn lại hầu hết là công nghệ của Liên Xô cũ và Ấn Độ đã lạc hậu không cho hiệu quả kinh tế cao.
2.3.3.4. Tình hình tiêu thụ
Chè là thức uống được ưa chuộng của người dân châu Á và hiện nay, các nước ở châu lục khác cũng biết đến tác dụng của chè, do vậy các sản phẩm từ chè đã được các doanh nghiệp chế biến để đáp ứng nhu cầu của người dân từ thu nhập thấp đến thu nhập cao. Hiện nay, nhu cầu thưởng thức của người dân đã cao dần do vậy những sản phẩm chất lượng cao tiêu thụ ngày càng nhiều hơn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và người dân trồng chè cũng mạnh dạn chuyển đổi giống cây chè.
Thị trường trong nước: Chè Lâm Đồng tiêu thụ mạnh nhất là các tỉnh phía Nam
- là nơi sử dụng thức uống rất đa dạng, giới trẻ ở thành thị đang có xu hướng sử dụng nước tinh khiết và cà phê hơn là dùng nước chè: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Cà Mau… Các tỉnh ở Nam Trung Bộ cũng có sản lượng tiêu thụ khá, chủ yếu là chè đen. Khả năng tiêu thụ chè thị trường trong nước của Lâm Đồng có thể ở mức 25.000 – 27.000 tấn [6].
Thị trường nước ngoài: Theo Công ty chè Lâm Đồng, hiện công ty đã có 22
khách hàng nhập khẩu chè của 11 nước, trong đó chủ yếu tập trung vào các nước khu vực Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ…
Đài Loan, nhập với khối lượng lớn với các củng loại cấp cao và cấp trung (theo cách phân loại của công ty: cấp thấp giá từ 1.000 USD/tấn trở xuống, cấp trung khoảng 1.500 USD/tấn, cấp cao từ 2.000 USD trở lên).
Các công ty nước ngoài có thể xuất khẩu 4.000 – 5.000 tấn trở lên (chủ yếu là chè cấp cao), các công ty ngoài quốc doanh cũng có thể tiêu thụ chè các cấp 4.000 – 5.000 tấn trở lên. Công ty chè lâm Đồng có thể xuất khẩu khoảng 6.500tấn, nếu mở rộng được thị trường thì xuất khẩu với mức từ 10.000 tấn trở lên là có thể thực hiện được. Riêng thị trường chè giống chất lượng cao, hiện chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đảm nhận, nên dự báo tướng đối chính xác số lượng đến năm 2020 là tương đối khó. Theo Công ty chè Lâm Đồng thì với quy mô phát triển
chè chất lượng cao toàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 khoảng 5.000 – 7000 ha là có thể thực hiện được và có thể tiêu thụ được.
Chè Lâm Đồng chủ yếu được xuất khẩu sang các nước truyền thống ở châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, I Rắc,… với các loại chè đen và chè xanh. Chè tinh chế đã bước đầu thâm nhập vào thị trường Hoa Kì. Thị trường xuất khẩu chè được tiếp tục mở sang các nước Cộng hoà Liên bang Nga, Pháp, châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ, Xin-ga-po, Hồng Công, Ả Rập...
Tuy nhiên, giá các loại chè xuất khẩu của Lâm Đồng còn thấp hơn các tỉnh phía Bắc và các nước trên thế giới do thương hiệu chưa được nhiều nước biết đến mà hầu hết phải xuất khẩu qua trung gian nên giá thấp. Bên cạnh đó chất lượng sản phẩm chưa thực sự cao nên không qua được sự kiểm định gắt gao của các nước.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh buôn bán chè của các doanh nghiệp trên địa bàn diễn ra rất sôi động, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược phát triển riêng. Nhưng hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều có các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các khu pha chế để khách hàng thưởng thức tại chỗ: Tâm Châu, Trâm Anh… bên cạnh đó có các khu vực bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng, ngoài ra các công ty còn có các trang web riêng để giới thiệu các loại chè, bảng giá từng sản phẩm… để khách hàng trong và ngoài nước dễ dàng theo dõi tìm hiểu.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chè thì việc đổi mới mẫu mã bao bì xây dựng thương hiệu cũng được các doanh nghiệp rất chú trọng đầu tư để xứng tầm quốc tế.