Liên kết nông công nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TỔ CHỨC LÃNH THỔ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CÂY CHÈ TỈNH LÂM ĐỒNG (Trang 28 - 30)

6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN

1.1.3.Liên kết nông công nghiệp

Mối liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp chính là cơ sở cho việc tổ chức lãnh thổ trồng và chế biến ngành nông nghiệp hiện đại.

Chúng ta có thể hiểu liên kết nông - công nghiệp là hình thức áp dụng kiểu sản xuất công nghiệp trong ngành nông nghiệp trên quy mô lớn (liên kết nhiều xí nghiệp có cùng chức năng lại với nhau), là quá trình liên kết giữa các ngành công nghiệp với các ngành nông nghiệp trong chuỗi dây chuyền sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và tổ chức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (cả những sản phẩm tươi sống và các sản phẩm đã qua quá trình chế biến).

Mối quan hệ giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp thể hiện ở chỗ nông nghiệp nhận những sản phẩm của công nghiệp phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp như phân bón, thiết bị máy móc, thuốc trừ sâu… và cả phương pháp tiến hành sản xuất hợp lý kiểu nông nghiệp và ngược lại, nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, xí nghiệp nông nghiệp tồn tại và phát triển.

Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại đã chuyển giao công nghệ và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất nông nghiệp từ đó biến nông

nghiệp từ ngành sản xuất cổ truyền sang nền nông nghiệp sản xuất tiên tiến, dạng công nghiệp và hướng tới trở thành ngành sản xuất hàng hoá.

Các xí nghiệp nông - công nghiệp không những chỉ kết hợp hoạt động sản xuất nông nghiệp với các xí nghiệp chế biến nông sản mà còn quản lý luôn cả khâu bảo quản, lưu trữ và lưu thông phân phối.

Xu thế hiện đại hóa nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất kiểu công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho nông nghiệp và công nghiệp xích lại gần nhau hơn, mối liên hệ về mặt sản xuất trở nên vững vàng hơn.

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều có khuynh hướng đổi mới cơ cấu trong nông nghiệp. Có nghĩa là biến đổi nền sản xuất nông nghiệp trở thành một kiểu sản xuất công nghiệp, bằng cách thay đổi cơ sở vật chất kỹ thuật, quy trình công nghệ và tổ chức quản lý nông nghiệp. Công nghiệp hóa nông nghiệp chính là cơ sở vật chất tạo tiền đề cho việc hình thành liên kết nông - công nghiệp.

Công nghiệp hóa nông nghiệp là quá trình cơ giới hóa tổng hợp và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu trồng trọt đã áp dụng kỹ thuật công nghiệp có tính dây chuyền và tính nhịp điệu vào mọi thao tác và các giai đoạn sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng, đến việc chế biến nông sản và tiêu thụ sản phẩm. Đưa hoạt động từ xí nghiệp nông nghiệp sang xí nghiệp công nghiệp với những quy trình công nghệ phức tạp có tính chất chuyên môn hóa sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có tính hàng loạt. Các xí nghiệp công nghiệp ngoài tính chuyên môn hóa còn tiến tới tính tự động hóa sản xuất.

Trong điều kiện cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, công nghiệp hóa nông nghiệp được thể hiện qua các đặc điểm như sau:

- Không chỉ hệ thống máy móc, mà tổ hợp các tư liệu lao động cơ giới, hóa học, kỹ thuật, thủy lợi và sinh học đều nằm trong một tổng thể cơ sở vật chất sinh học - kỹ thuật của nông nghiệp.

- Sự kết hợp hữu cơ những biến đổi cơ sở vật chất kỹ thuật với những cải tiến tương ứng về tổ chức sản xuất ở mọi cấp.

- Công nghiệp hóa nông nghiệp phát triển với nhịp độ cao, kết hợp chặt chẽ với cơ sở vật chất sinh học, kỹ thuật của quy trình công nghệ và tổ chức sản xuất.

Quá trình hiện đại hóa nông nghiệp được thể hiện qua các khâu cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa…

Sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa công nghiệp và thương nghiệp với nông nghiệp trong quá trình nhất thể hóa làm cho số lượng sản phẩm (có nguồn gốc nông nghiệp) đã qua chế biến ngày càng đa dạng và giá thành hạ. Quá trình liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp không chỉ diễn ra trong một vùng, một quốc gia mà liên quốc gia và có quy mô quốc tế.

Ở Việt Nam, việc chuyển đổi sang nền kinh tế mở cửa, giao lưu với các nước trên thế giới đã tạo động lực thúc đẩy sự liên kết nông – công nghiệp trong quá trình phát triển, đáp ứng yêu cầu hàng hoá của thị trường trong và ngoài nước. Là một đất nước đi lên từ nông nghiệp thì việc liên kết nông – công nghiệp là con đường tất yếu để tổ chức lãnh thổ trồng và chế biến nông nghiệp đưa nền kinh tế đất nước phát triển theo con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TỔ CHỨC LÃNH THỔ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CÂY CHÈ TỈNH LÂM ĐỒNG (Trang 28 - 30)