Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TỔ CHỨC LÃNH THỔ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CÂY CHÈ TỈNH LÂM ĐỒNG (Trang 27 - 28)

6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN

1.1.2.Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

TCLTNN là một trong những hình thức tổ chức của nền sản xuất xã hội theo lãnh thổ. Qua các công trình của K.I.Ivanov, VG.Kriutokov (1978) và một số tác giả khác có thể quan niệm về vấn đề này như sau: “TCLTNN được hiểu là một hệ thống liên kết không gian của các ngành, các xí nghiệp nông nghiệp và các lãnh thổ dựa trên cơ sở các quy trình kỹ thuật mới nhất, chuyên môn hóa, tập trung hóa, liên hợp hóa và hợp tác hóa sản xuất cho phép sử dụng có hiệu quả nhất sự khác nhau theo lãnh thổ về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, nguồn lao động và đảm bảo năng suất lao động xã hội cao nhất” [19].

Như vậy, TCLTNN thể hiện một số đặc điểm nổi bật sau đây:

- Phân công lao động theo lãnh thổ cùng với việc kết hợp các điều kiện tự nhiên, kinh tế và lao động là cơ sở để hình thành các mối liên hệ qua lại theo không gian (lãnh thổ).

- Trong TCLTNN, khía cạnh ngành và khía cạnh lãnh thổ kết hợp chặt chẽ, qua lại với nhau.

- Các đặc điểm không gian (lãnh thổ) của sản xuất nông nghiệp được xác định bởi tính chất của việc khai thác và sử dụng các điều kiện sản xuất hiện có.

- Hiệu quả kinh tế và năng suất lao động là tiêu chuẩn hàng đầu của TCLTNN. TCLTNN luôn thay đổi, phù hợp với các hình thái kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, TCLTNN gắn liền với khoa học công nghệ, với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cùng với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, của khoa học công nghệ, nhiều hình thức TCLTNN đã và đang xuất hiện, mang lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế - xã hội và môi trường.

Sự thống nhất về tổ chức của các giai đoạn trồng và chế biến nguyên liệu từ nông nghiệp vào một xí nghiệp có ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành các hệ thống lãnh thổ. Từ đó, hoạt động nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Việc nghiên cứu tổ chức lãnh thổ sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt lý luận, mà còn cả về mặt thực tiễn. Việc xem xét TCLTNN nói chung và các hình thức tổ chức lãnh thổ nói riêng trước hết tạo ra những tiền đề cần thiết nhằm

sử dụng hợp lý các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương. Việc nghiên cứu TCLTNN tạo nên những điều kiện nhằm đẩy mạnh và làm sâu sắc chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nhiều hơn các ngành sản xuất khác. Hoạt động nông nghiệp bao trùm phạm vi lãnh thổ rộng lớn với các điều kiện tự nhiên rất khác nhau. Trong chừng mực nhất định, các điều kiện tự nhiên nào đó có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi cho sự phát triển từng loại vật nuôi, cây trồng. Do vậy, khi vạch ra các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, cần nghiên cứu kỹ các điều kiện tự nhiên, tiến hành đánh giá chung về phương diện sinh thái. Điều đó nghĩa là cây trồng, vật nuôi phải được phân bố ở những nơi có điều kiện thích hợp nhất. Vì thế, việc phân bố cây trồng, vật nuôi cần được tiến hành trên cơ sở vạch ra các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TỔ CHỨC LÃNH THỔ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CÂY CHÈ TỈNH LÂM ĐỒNG (Trang 27 - 28)